Đức Hưng Đạo Đại Vương dạy về thủy chiến
Tác giả: - Thứ sáu - 30/05/2014 15:12
Đức Hưng Đạo Đại Vương dạy về thủy chiến
“Thuyền lớn thì thắng thuyền nhỏ, thuyền chắc chắn thì thắng thuyền mỏng mảnh. Thuyền thuận gió thì thắng thuyền nghịch gió. Thuyền thuận dòng thì thắng thuyền nghịch dòng. Thuyền phải phòng cạn, phòng lửa, phòng gió, phòng bị đục, phòng khóa sắt, cọc sắt…
…Họ Ngô (Ngô Quyền) ở Giao Châu nhân nước triều ra khiêu chiến mà giả cách trốn, đợi thuyền địch vì nước triều rút mà vướng cọc, nhân đấy mà đánh. Thế mới biết có thể dùng nạn mắc cạn để đánh quân địch.
Phép đánh dưới nước, lợi ở thuyền ghe, kén quân rèn tập cho ngồi, trương nhiều cờ xí làm cho địch ngờ, bắn nỏ mạnh cho trúng, cầm gươm ngắn để đỡ, mang nhiều lá chắn để xông vào, thuận theo dòng mà đánh tới.
Gặp địch thì đừng bức bách nó xuống nước, vì nó biết đó là không khỏi chết thì phải liều chết mà không chịu thua, như con thú cùng đường còn đấu, con rết cùng đường còn châm, huống là con người. Nên đợi nó sang sông nửa chừng mà đánh. Kẻ biết trước thì khỏi chết. Kẻ theo sau thì không có đấu tâm. Đó là dùng nước mà đánh người vậy.
Trong khi đánh trận bằng thuyền, nghe hồi trống thứ nhất, quan và quân đều nghiêm. Hồi trống thứ hai, binh lính ở thuyền chỉnh đốn chèo lái, cầm binh khí và giàn thuyền, ai ở chỗ nấy; cờ xí, còi, trống,, tùy đó mà chở. Trống đánh hồi thứ ba, các thuyền lớn nhỏ lần lượt tiến ra, tả hữu trước sau, đều theo thứ tự ở bản đồ, ai trái lệnh thì chem.. Chiến đấu dưới nước, không đi trái gió, không đi ngược dòng.
Đánh ở nước, nếu ta kém mà địch giỏi, lấy kém mà đánh giỏi thì khó. Nếu như lấy tướng của địch, dùng quân của địch, cướp lấy tay chân của nó, lìa lòng dạ của nó làm cho nó cô lập, rồi đem quân nhà vua nhân đó mà đánh, trong khoảng tám ngày, có thể bắt được tướng.”
Trích từ “Binh thư yếu lược”
“Phàm người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, , nếu có thua thì cũng không chết”…”
Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư
(Danh tướng về thủy chiến đời Trần, viết trong lời tựa cuốn “Vạn kiếp tông bí truyền thư” của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn)