05:55 ICT Thứ bảy, 14/09/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 784

Máy chủ tìm kiếm : 26

Khách viếng thăm : 758


Hôm nayHôm nay : 46925

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1886130

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 57305171

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển

Quang cao giua trang
top

Đình Thái Bình

Tác giả: Đông Tỉnh - Thứ năm - 17/09/2015 08:52
Sân đình Thái Bình. Photo ©2015 NCCong

Sân đình Thái Bình. Photo ©2015 NCCong

Đình Thái Bình thờ Vua Bà Lý Chiêu Hoàng. Xếp hạng: Di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia (năm 1992). Địa chỉ: thôn Thái Bình, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Toạ độ: 21°4’51"N 105°53’2"E, cạnh cầu Đông Trù (sông Đuống), cách Hồ Gươm chừng 11km về hướng đông-bắc. Điểm dừng xe bus gần nhất: Nhà máy đúc Mai Lâm (bus 15, 17, 43, 59), cách đình khoảng 2km.

Lược sử
 
Làng Thái Bình còn gọi là làng Cói Thái Đường. Cũng như đền Yên Thành ở phố Phan Huy Ích (quận Ba Đình) và nhiều đình đền cổ Bắc Bộ khác, đình Thái Bình thờ người phụ nữ quý tộc đầy bất hạnh Lý Chiêu Hoàng (chữ Hán: 李昭皇; 1218—1278, sinh tháng 9, mất tháng 3 âm lịch). Vua Bà tên thật là Lý Phật Kim, con gái út vua Lý Huệ Tông, em Thuận Thiên công chúa Lý Ngọc Oanh. Lên ngôi từ lúc 8 tuổi khi Thái sư Trần Thủ Độ bày mưu ép vua Huệ Tông bỏ đi tu; mấy tháng sau Phật Kim lại bị gả cho Trần Cảnh cũng 8 tuổi.
 
Ngay sau đó Phật Kim phải nhường ngôi cho chồng, chính thức trao giang san họ Lý về tay nhà Trần và trở thành Chiêu Thánh hoàng hậu (昭聖皇后). Chưa hết tai họa, sau nhiều năm (1226–1237) chung sống với vua Trần Thái Tông (chữ Hán: 陳太宗; 1218—1278, sinh ngày 16 tháng 6, mất ngày 1 tháng 4 âm lịch) mà không có con, Phật Kim còn bị truất cả ngôi hoàng hậu khi mới 19 tuổi.
 
Năm 40 tuổi Bà bị gả cho tướng Lê Phụ Trần như một thứ ban thưởng!!! May mà đoạn kết lại có hậu và đem cho đôi vợ chồng già này hai người con: trai tài giỏi, gái xinh đẹp. Tuy vậy, theo nhiều tài liệu thì cuối đời Bà cũng đã bỏ đi tu như cha và khi từ giã cõi trần tại Bắc Ninh ở tuổi 60 nét mặt vẫn giữ nguyên vẻ hồng hào, phúc hậu.
 
Không những được nhân dân nhiều nơi lập điện thờ cúng và gọi là Vua Bà để tỏ lòng yêu mến, thương cảm, các triều đại phong kiến tiếp theo đã ban những đạo sắc phong tước hiệu cao quý cho Bà. Tại đình Thái Bình, Bà được vinh danh là Nguyên lý thần hiệu, Phật Kim thượng hoàng thái hậu linh ứng, Phụ quốc hiển hựu khang dân chi thần và tặng phong mỹ tự là công thần.
 
Kiến trúc
 
Đình Thái Bình xoay hướng đông-nam, nhìn qua đê ra cánh đồng màu trên đất bãi ven sông Đuống. Khi tôi mới đi học, đê Mai Lâm vỡ là một sự kiện chấn động không thể quên. Nhiều anh bộ đội đã hy sinh thân mình trong khi cứu giúp đồng bào giữa dòng nước xiết.
 
Tam quan đình làm theo kiểu nghi môn với trụ biểu cao to và các câu đối đắp nổi, hai cổng phụ xây hai tầng mái giả lợp ngói ống. Mặt ngoài cổng có đôi voi phù điêu, mặt trong đắp đôi ngựa. Phía sau tam quan là một sân gạch lớn, bức tường bên tả chung với chùa Diên Phúc Tự và thông nhau qua cửa ngách, bên hữu có nhà giải vũ và một cửa ngách 2 tầng giả khác ăn thông lên dốc đê.
 
Tòa đại đình rộng tới 5 gian 2 dĩ, dù đã xuống cấp nhưng trông vẫn rất đẹp. Các cột lim đều to cao và lòng đình dễ dàng chứa được hàng trăm người. Hậu cung 3 gian, kết nối với tiền đường thành hình “chữ Đinh”. Phía sau có sân, bếp và khu phụ cùng với cửa hậu mở ra con đường làng nay xe tải chạy ngon.
 
Trong đình còn lưu giữ được nhiều mảng chạm khắc gỗ tài hoa và mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ 18-19. Ngày 31-01-1992 đình Thái Bình và chùa Diên Phúc Tự đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia.
 
Tham quan
 
Nhân dân thôn Thái Bình hàng năm vẫn tổ chức 3 lễ hội đình làng long trọng và thu hút rất đông quan khách. Tôi đến thăm đình đúng dịp mở hội mùa xuân với lễ sinh thần vào tiết Thanh minh nhằm ngày 12 tháng ba âm lịch, năm nay thấy đoàn cải lương Việt Nam cũng về phục vụ đồng bào. Hội làng Cói nghe nói xưa kia thường kéo dài đến 5 ngày. Ngoài ra còn có lễ hóa thần tổ chức vào mùa đông trong hai ngày 12—13 tháng chạp âm lịch và lễ mộng thần vào ngày 25-7 âm lịch.
 
Di tích lân cận
 
Chùa Diên Phúc Tự: xã Mai Lâm, huyện Đông Anh
Chùa Thượng Thanh: phường Thượng Thanh, quận Long Biên
Đền Lê Xá: xã Mai Lâm, huyện Đông Anh
Đình và miếu Lại Đà: xã Đông Hội, huyện Đông Anh
Đình Xuân Dục: xã Phong Xuân, huyện Gia Lâm

Tác giả: Đông Tỉnh

Nguồn tin: vanhien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất