09:07 ICT Thứ ba, 19/03/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 466

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 465


Hôm nayHôm nay : 47983

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1912429

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 33248850

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển

Quang cao giua trang
top

Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975

Tác giả: Trần Tiến Duẩn - Thứ hai - 27/04/2015 01:26
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng của quân Giải phóng đã tiến vào dinh Tổng thống, sào huyệt cuối cùng của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn đất nước. Ảnh: Văn Bảo-TTXVN

Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng của quân Giải phóng đã tiến vào dinh Tổng thống, sào huyệt cuối cùng của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn đất nước. Ảnh: Văn Bảo-TTXVN

Chiến dịch Hồ Chí Minh (26 đến 30/4/1975) là đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh là thắng lợi vĩ đại nhất, trọn vẹn nhất, kết thúc 30 năm chiến tranh lâu dài, gian khổ chống ngoại xâm của dân tộc ta, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Chiến dịch lịch sử 
Lúc này, tập đoàn phòng ngự lớn của địch ở Sài Gòn - Gia Định tuy số lượng còn đông nhưng đã bị chia cắt, cô lập cao độ và sức chiến đấu đã giảm sút hẳn. 

Lực lượng của địch ở vòng ngoài còn mạnh, song bên trong yếu, sơ hở, không có khả năng tăng viện. Ta cũng nhận định, Mỹ khó có khả năng can thiệp trở lại bằng lục quân, khả năng can thiệp bằng không quân và hải quân càng hạn chế.

Ngày 31/3, Bộ Chính trị họp nhận định: “Thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã hoàn toàn chín muồi. Từ giờ phút này trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta bắt đầu, nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và thực hiện hoà bình thống nhất Tổ quốc".

Bộ Chính trị nhấn mạnh: "Phải nắm vững hơn nữa thời cơ chiến lược, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, có quyết tâm lớn thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, không để chậm". 

Để thực hiện quyết tâm đó, Bộ Chính trị quyết định tập trung lực lượng chỉ đạo giành thắng lợi trong trận quyết chiến lịch sử này. Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được mang tên là "Chiến dịch Hồ Chí Minh".

Lúc này, chế độ ở Sài Gòn là không thể cứu vãn, song Mỹ vẫn chưa từ bỏ tham vọng vớt vát về chính trị. Mỹ vừa tung tin dọa dẫm ta vừa đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, gây sức ép với ta nhằm ngăn chặn cuộc tổng tiến công của ta vào Sài Gòn. 

Ngày 21/4, theo chủ trương của Mỹ, Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Trần Văn Hương lên thay và kêu gọi “ngừng bắn để thương lượng”. 

Ngày 26/4, khi Thiệu vừa chạy tới Đài Loan (Trung Quốc), thì Trần Văn Hương lại phải từ chức để nhường chỗ cho con bài chót của Mỹ là Dương Văn Minh. Song âm mưu của Mỹ chỉ là ảo tưởng. Giờ cáo chung của chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam đã điểm.

17 giờ ngày 26/4/1975, các lực lượng của ta trên tất cả 5 hướng là: Tây Bắc, Bắc và Đông Bắc, Đông và Đông Nam, Tây và Tây Nam, vùng ven và nội thành Sài Gòn, nhất loạt tấn công địch với sức mạnh vũ bão, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh. 

Những trận chiến đấu quyết liệt và những trận bão lửa dữ dội diễn ra trước hết ở hướng đông là hướng địch tập trung nhiều lực lượng và tổ chức chống cự rất điên cuồng. Ngày 27/4, ta giải phóng tỉnh Phước Tuy, chiếm và giữ các đầu cầu vào nội thành Sài Gòn. 

Ngày 28/4, ta tăng cường vây ép Sài Gòn trên các hướng; bao vây, ngăn chặn không cho các Sư đoàn chủ lực của địch co cụm về vùng ven nội thành. Trong ngày 29/4, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương gửi Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch; tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng”. 

Ngày 29/4, ta tổng tiến công trên toàn mặt trận, ngăn chặn và tiêu diệt các tập đoàn địch ở vòng ngoài, thọc sâu đánh chiếm các địa bàn quan trọng ở vùng ven, chuẩn bị đồng loạt đánh vào nội đô. Tính đến cuối ngày 29/4, bộ đội ta đã đập tan tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, tiêu diệt và làm tan rã phần lớn các Sư đoàn 5, 25, 18, 22, 7 của quân ngụy. 

Các binh đoàn thọc sâu đã tiến đến vùng ven, cách trung tâm Sài Gòn từ 10 đến 20 km. Các lực lượng vũ trang tại chỗ hoạt động mạnh trên các địa bàn, giữ vững các cầu trên đường vào thành phố.

Miền Nam toàn thắng

Sáng ngày 30/4, Đại sứ Mỹ Graham Martin chạy khỏi Sài Gòn. 5 giờ sáng ngày 30-4, với sự hiệp đồng chiến đấu rất anh dũng của các lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, các lực lượng biệt động, tự vệ vùng ven và nội đô, cùng với sự nổi dậy đều khắp và rất kịp thời của quần chúng trong và ngoài thành phố, các cánh quân hùng mạnh đã thần tốc thọc sâu, tiến thẳng vào chiếm các mục tiêu quan trọng trong thành phố Sài Gòn - Gia Định: Dinh Độc lập (tức Phủ Tổng Thống ngụy), Bộ Tổng tham mưu và Khu Bộ tư lệnh các binh chủng của địch, sân bay Tân Sơn nhất, Đài Phát thanh, Biệt khu thủ đô và Tổng Nha cảnh sát. 

Binh đoàn hỗn hợp của Quân đoàn 2 chiếm Dinh Độc lập lúc 10 giờ 45 phút, bắt toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn, buộc Dương Văn Minh phải lên đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng cách mạng không điều kiện. 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, ta kéo cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập. 

Đúng giờ phút ấy, nhân dân cả nước reo mừng khi được tin Sài Gòn được giải phóng. Nhân dân Hà Nội đổ ra đường, tung hoa, vẫy cờ, mít tinh, tuần hành và hô vang khẩu hiệu: “Hoan hô miền Nam hoàn toàn giải phóng”, “Tổ quốc Việt Nam anh hùng muôn năm”. Trên đà chiến thắng, đến ngày 1/5, cơ bản các tỉnh, thành phố trên đất liền, các đảo và quần đảo ở biển Đông trên toàn miền Nam được hoàn toàn giải phóng. 

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng chủ lực, địa phương và cảnh sát thuộc quân khu 3 ngụy, lực lượng tổng trù bị còn lại và tàn quân của quân đoàn 1 và 2. Đập tan hệ thống chính quyền ngụy từ trung ương đến cơ sở... 

Ta thu được hầu hết toàn bộ vũ khí kỹ thuật hiện đại, căn cứ, kho tàng của địch. Nhân dân trong khu vực chiến dịch hầu như không bị tổn thất, thành phố gần như nguyên vẹn, các cơ sở vật chất về quân sự, kinh tế, sinh hoạt ta đều thu được. Mọi hoạt động của thành phố trở lại bình thường.

Ngay sau đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã gửi điện tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Sài Gòn - Gia Định. 

Bức điện viết: “Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhiệt liệt khen ngợi quân và dân Sài Gòn - Gia Định, khen ngợi toàn thể cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên, thuộc các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội tinh nhuệ, dân quân tự vệ đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, lập chiến công chói lọi, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn quân địch, buộc ngụy quyền Sài Gòn phải đầu hàng không điều kiện, giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định, đưa Chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại đến toàn thắng”.

Thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định nghệ thuật của chiến tranh nhân dân Việt Nam, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp và thế trận lợi hại, với ưu thế áp đảo quân địch, đánh vào hệ thống phòng thủ lớn nhất của địch, thực hiện tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch, giành thắng lợi triệt để trong thời gian ngắn nhất (3,5 ngày). 

Đây là chiến dịch tiến công có ý nghĩa chiến lược cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, có sự hợp đồng binh chủng lớn nhất; được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chỉ đạo trực tiếp, tập trung, sâu sát, kịp thời và sáng suốt. 

Những bài học quan trọng để chiến thắng là: nắm bắt đúng thời cơ chiến lược, hạ quyết tâm mở chiến dịch kịp thời, chính xác; nghệ thuật tạo sức mạnh tổng hợp cả lực lượng và thế trận; cách đánh chiến dịch đúng đắn, sáng tạo, đầy mưu lược, hiệu quả cao. 

Thắng lợi của ta cũng là thất bại to lớn nhất của Mỹ từ trước tới nay, mở ra một kỷ nguyên mới cho phong trào cách mạng thế giới. Chiến thắng có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.

Tác giả: Trần Tiến Duẩn

Nguồn tin: TTXVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất