23:17 ICT Chủ nhật, 15/09/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 497

Máy chủ tìm kiếm : 10

Khách viếng thăm : 487


Hôm nayHôm nay : 138409

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2132288

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 57551329

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển » Thời đàm

Quang cao giua trang
top

Hồi ký đẫm nước mắt của học viên cai nghiện

Tác giả: Học viên Nguyễn Văn Lâm - Thứ hai - 22/09/2014 13:27
Anh Nguyễn Văn Lâm trong dịp gặp PV đầu năm 2014 - Ảnh MK

Anh Nguyễn Văn Lâm trong dịp gặp PV đầu năm 2014 - Ảnh MK

“Thằng nghiện về đấy, chạy đi chúng mày ơi!”. Tôi đứng chết lặng, tim tôi đau thắt như có ai bóp nghẹt, những dòng nước mắt tuôn trào trên hai gò má.
Được sự đồng ý của ông Nguyễn Văn Lâm, SN 1959, học viên cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục - Lao động Xã hội Hải Phòng, VTC News xin trích đăng “bức tâm thư” về con đường nghiện ngập và quá trình thoát khỏi “nàng tiên nâu” của ông Lâm.
 
Hy vọng những dòng tâm sự đẫm nước mắt này phần nào cảnh tỉnh, giúp những học viên trốn trại ngày 14/9 vừa qua sớm thức tỉnh quay trở lại Trung tâm tiếp tục cai nghiện, chữa bệnh để sớm trở về với gia đình và hòa nhập cộng đồng.   
 
Con đường dính "nàng tiên nâu"

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo với 8 anh em không nghề nghiệp ổn định. Hoàn cảnh khó khăn từ khi còn nhỏ, tôi đã phải làm rất nhiều nghề để sống. 
 
Với niềm đam mê những đồ kỹ thuật, tôi đã bén duyên với nghề sửa chữa xe gắn máy từ đó. Một thời gian sau, tôi được một người bạn rủ đi Tuyên Quang để dạy nghề. 
Với bản tính thích phiêu lưu, tìm những điều mới lạ, tôi đồng ý ngay. Năm 1990, sau một năm dạy nghề tại bãi vàng Na Hang (Chiêm Hoá, Tuyên Quang), tôi đã lập gia đình. Vợ chồng tôi mở cửa hàng sửa xe và dạy nghề ngay tại nhà. Công việc kinh doanh tốt lên, cuộc sống gia đình cũng khá sung túc. Thời bấy giờ, trên đó chưa nhà nào có tivi, máy phát điện nhưng nhà tôi không thiếu thứ gì. 

Khi vợ tôi sinh đứa con đầu lòng, tôi còn phải đi thuê hai người giúp việc nhà cơm nước để vợ chăm con cho tốt. Đối với bạn bè, tôi chơi hết mình, rất nhiệt tình, phóng khoáng. 

Có lẽ chính vì thế nên tôi không thoát khỏi sự nhòm ngó của những con nghiện muốn rủ tôi nhập cuộc chơi cùng chúng. Vậy là tôi đã thử hút thuốc phiện. Ban đầu chỉ là tò mò, muốn hiểu cảm giác khi dùng nó, dần dần tôi nghiện. Vì gia đình có điều kiện nên tôi không lo thiếu tiền để hút, tôi ngày một nặng thêm. 

Chẳng mấy chốc, cuộc sống của tôi lao xuống dốc nhanh như vũ bão. Không chịu được cảnh gia đình mãi như vậy, năm 1994 vợ chồng tôi quyết định về Hải Phòng bắt đầu làm lại cuộc đời. 
  
Hồi ký đẫm nước mắt của học viên cai nghiện
Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội Hải Phòng - Ảnh MK 
Tôi thương vợ tôi lắm!   

Cứ ngỡ môi trường mới sẽ giúp tôi khá hơn nhưng đâu ngờ tôi vẫn tìm được rất nhiều sới nghiện tại Hải Phòng. Không những thế, tôi còn "nâng cấp" chơi thuốc phiện lên một tầm cao hơn đó là dùng ma túy tổng hợp. 

Lúc ấy, tôi làm nghề xe ôm, vợ thì bán hàng vỉa hè, con còn nhỏ, chưa biết gì, kinh tế cả nhà còn không đủ đáp ứng cho tôi thỏa mãn cơn nghiện. Cuộc sống đã khó khăn lại càng vất vả hơn. 
 
Đáng nhớ nhất trong đời là năm tôi 37 tuổi, trong một lần sử dụng ma túy tôi bị sốc thuốc, may được cứu chữa kịp thời nên qua cơn nguy kịch. Tôi nằm viện một tuần thì cũng được xuất viện. Nhân sự việc đó, tôi quyết tâm về sẽ cai nghiện ma túy. 

Vợ tôi quyết định phải nghỉ bán hàng tập trung 24/24 giờ để túc trực giúp tôi qua cơn nghiện. Thế nhưng cũng chỉ được mấy tháng, bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, ham muốn trỗi dậy không kìm chế được, bản thân một phút lầm lỗi là lại cuốn theo tất cả.   

Đến năm 1997, đứa con thứ hai chào đời, gia đình tôi lại càng nheo nhóc. Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền lại đè nặng trên đôi vai gầy của vợ tôi. Tôi rất thương vợ tôi, tôi thương cô ấy lắm nhưng những cơn vật vã thèm thuốc lại cắn xé tâm can, thân thể tôi nên tôi chưa thể thoát ra được. Thật đáng sợ! 

Tôi cũng đã đi rất nhiều nơi tư nhân nhưng về nhà vẫn đâu vào đấy. Tất cả chỉ là nơi lừa đảo, bịp bợm ăn tiền mà thôi. Cuộc sống lúc đó với gia đình tôi tất cả đều bế tắc, không lối thoát, chẳng khác nào như địa ngục vậy.   

Hồi ký đẫm nước mắt của học viên cai nghiện
Những công viên thu nhỏ được tạo nên bởi những bàn tay tài hoa của chính các học viên - Ảnh MK 
“Thằng nghiện về đấy, chạy đi chúng mày ơi!”   

Trong một lần đi cai nghiện trở về, tôi vừa đặt chân đến ngõ thì một thằng bé khoảng 9-10 tuổi đang chơi với đám bạn bè hét lên: “Thằng nghiện về đấy, chạy đi chúng mày ơi!”. 
 
Tôi chết lặng đi vì những câu nói đó. Tim tôi đau thắt như có ai bóp nghẹt, mắt cay xè, nước mắt tuôn trào trên hai gò má gầy guộc của tôi. Tôi nắm chặt bàn tay nuốt nước mắt, nuốt cơn tủi hờn, nhục nhã này vào trong và bước đi tiếp. 

Nhiều đêm tôi nằm suy ngẫm lại cuộc đời mình, nhìn vợ, con ngủ tôi lại khóc không lên tiếng. Tôi thương vợ tôi lắm, người vợ tần tảo sớm hôm vật lộn với cuộc sống, với miếng cơm, manh áo khiến tôi trỗi dậy khát khao làm người. Một khát khao muốn thay đổi để làm lại cuộc đời. Nhưng giờ phải làm gì, làm như thế nào. Ai có thể giúp mình được đây?. 

Tình cờ tôi biết đến Trung tâm Giáo dục - Lao động Xã hội Hải Phòng. Tôi làm đơn và được chính quyền địa phương giúp đỡ để tôi được vào đây cai nghiện. Một dấu mốc đáng ghi nhớ trong cuộc đời tôi, giúp tôi le lói lên một niềm tin hy vọng.   

Hồi ký đẫm nước mắt của học viên cai nghiện
Những sản phẩm thủ công gốm sứ đều do các học viên chế tác - Ảnh MK 
Quyết rửa nỗi nhục, làm lại cuộc đời

Ngày 23/8/2006, tôi được đưa sang Trung tâm, một không gian thoáng đãng, trong lành, sạch sẽ hiện ra trước mắt tôi. Các thầy cô nơi đây khác hẳn với những nơi tôi từng đến: Thân thiện, cởi mở và đặc biệt không có sự phân biệt đối xử khiến tôi thấy ấm lòng và tin tưởng hơn. 

Tôi được các thầy, cô hỏi thăm về cuộc sống của tôi trước kia và nguyện vọng vào đây. Thầy Vinh bác sĩ phòng khám động viên: “Thôi, anh này không phải khám nữa, tôi nhìn anh gầy yếu và xanh xao lắm. Không đủ sức khỏe để ở lại Trung tâm đâu. Giờ anh có hai sự lựa chọn. Một là ra về, hai là ở lại nhưng sẽ vất vả lắm đấy vì anh yếu thế này mà”. 

Không chút do dự tôi liền trả lời ngay: “Thưa bác sỹ, xin cho tôi được ở lại đây. Tôi đang rất quyết tâm. Một là sống làm người cho vợ, con đỡ khổ, cho người đời đỡ khinh bỉ và tôi muốn được khẳng định giá trị của bản thân tôi”. Thầy Vinh nói với tôi: “Vậy thì anh phải cố gắng lên đấy”. 

Bảy ngày cắt cơn với tôi dài như hàng thế kỷ. Cắt cơn cùng với tập thể học viên tôi được chứng kiến những cảnh tượng hãi hùng. Chúng tôi vật vã toàn thân như có giòi, bọ cắn quấy trong người, để đến nỗi có học viên dùng dao lam cứa vào mạch máu, lấy tạ đập vào chân. Tìm mọi lý do để về. 

Hồi ký đẫm nước mắt của học viên cai nghiện
Những vườn rau xanh tốt giúp cho bữa ăn hàng ngày của học viên thêm đủ đầy - Ảnh MK 
Nhưng với tấm lòng nhân ái, vị tha, chứa chan tình người của các cán bộ, các thầy cô tại Trung tâm, hết lòng túc trực ngày đêm đã cảm hóa được chúng tôi. Học viên đau ốm được các y, bác sỹ quan tâm chăm sóc, thuốc thang chữa bệnh. Học viên bỏ ăn, chán nản được các thầy cô động viên, khích lệ với tình cảm chân thành như những người thân yêu trong một gia đình. 

Các học viên nơi đây cũng giống như tôi, luôn ấn tượng sâu sắc về tấm chân thành của các thầy cô trao cho chúng tôi. Đặc biệt, cao quý hơn cả không có gì có thể sánh bằng, đó là chúng tôi rất được tôn trọng, không bị miệt thị, không bị phân biệt đối xử như trước kia chúng tôi ở ngoài xã hội. Đó cũng là một phần động lực giúp chúng tôi có thêm sức mạnh vượt qua rào cản giới hạn của bản thân để tái hòa nhập cộng đồng. 

Một chế độ ăn uống đầy đủ, ngủ nghỉ có khoa học, có kỷ luật. Chúng tôi dần phục hồi cả về thể chất lẫn tinh thần. Mọi người hăng say lao động, trồng rau, trồng cây… chiều đến hoạt động thể thao, tối vào sinh hoạt lưu ký, văn hoá văn nghệ. Chúng tôi được sống trong một môi trường không có thuốc lá, rượu bia. Đặc biệt là không ma tuý. Theo từng ngày chúng tôi dần trở thành những con người khác hẳn. 

Hồi ký đẫm nước mắt của học viên cai nghiện
Giờ giấc lao động, sinh hoạt và chữa bệnh được thực hiện nghiêm túc, khoa học, giúp học viên cai nghiện tốt hơn - Ảnh MK 
Kết thúc một năm ở Trung tâm, tôi tái hoà nhập xã hội với một thể trạng rất tốt. Tôi đã hoàn toàn bỏ được ma túy. Cuộc sống sau khi hồi gia của tôi rất khá. Giờ đây, gia đình tôi đã thoát khỏi sự gièm pha, chế giễu của xã hội, không phải nhận trợ cấp của phường, xã, chấm dứt những tháng ngày lỗi lầm, cơ cực của tôi. 

Hơn thế, gia đình tôi cũng xây được một ngôi nhà nhỏ vững chắc hơn và khang trang hơn. Cháu lớn đã tốt nghiệp đại học và đi làm, cháu thứ hai đang học lớp 12. Cuộc sống được cải thiện, gia đình ấm êm, hạnh phúc. 

Ngồi viết những dòng hồi ký này, nhìn lại quãng đường đi qua, tôi tự hỏi mình nếu như tôi không được vào ngôi nhà thứ hai là Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội Hải Phòng, nếu không có các cán bộ, các thầy cô như những người đã sinh ra tôi lần thứ hai trên cõi đời này thì không biết cuộc đời tôi sẽ ra sao? Các cán bộ, các thầy cô đã cảm hóa được những con người tưởng chừng bất trị như chúng tôi. 

Tôi thầm mong Trung tâm sẽ ngày một lớn mạnh hơn để giúp những con người vì một phút lầm lỗi để có thể làm lại cuộc đời, giống như tôi, làm người có ích cho gia đình, cho xã hội, cộng đồng ngày một văn minh, trong sáng, lành mạnh và tốt đẹp hơn.   

Tác giả: Học viên Nguyễn Văn Lâm

Nguồn tin: vtc.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất