05:46 ICT Thứ bảy, 14/09/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 938

Máy chủ tìm kiếm : 219

Khách viếng thăm : 719


Hôm nayHôm nay : 45691

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1884896

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 57303937

Trang nhất » Tin Tức » Xã hội học

Quang cao giua trang
top

Công tác xã hội- NGHỀ NGHIỆP VÀ ĐẠO LÝ

Tác giả: GS-TS Đặng Cảnh Khanh - Thứ tư - 12/11/2014 09:47
*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

Nhân kỷ niệm ngày công tác xã hội thế giới lần thứ 17, giáo sư Đặng Cảnh Khanh có gửi cho chúng tôi một bài viết xung quanh vấn đề đạo lý của người làm công tác xã hội. Trong bối cảnh công tác xã hội đang phát triển không ngừng và trở thành một nghề không thể thiếu được của xã hội chúng ta, bài viết chắc chắn sẽ gợi cho chúng ta nhiều suy ngẫm. Xin trân trọng giới thiệu bài viết với bạn đọc.

Trở về sau một Hội nghị lớn về công tác xã hội, bỗng nhiên thấy lòng nặng trĩu. Không có gì phải chê trách cả. Một hội nghị lớn, được tổ chức trọng thể, có đủ khẩu hiệu cờ trống và cả một dàn văn nghệ khá chuyên nghiệp. Các quan chức đến thật đông, đầy đủ com-lê, cà vạt, áo dài, thoang thoảng đâu đó một chút hương thơm của son phấn, nước hoa...Có lẽ tuổi tác đã khiến mình trở nên khó tính chăng. Sao cứ chú ý tới những việc vặt vãnh thế nhỉ ?
Có lần, trong một chuyến công tác về xóa đói giảm nghèo tại một vùng quê thật xa, một lão nông ngồi cùng tôi ở bàn ăn sau cùng bỗng ghé tai :” Bác xem kìa, họ có thể đạp chân lên những hạt cơm rơi trên đất...”.  Tôi giật mình, nhìn theo tay bác, nơi đó, một chị quan chức không lớn lắm đang mạn đàm về đói nghèo mà dưới chân là một đống cơm rơi vãi...Không thể trách chị ấy được. Có những việc to lớn hơn nhiều phải giải quyết, thay vì cứ phải chăm chú nhìn xuống để tránh mấy hạt cơm dưới chân...Không trách, nhưng sao vẫn cứ thấy lòng trĩu nặng...Bỗng nhớ tới một cán bộ xã hội vĩ đại - mẹ Teresa, khi bà dặn cộng sự của mình :”nên nhớ, các anh chị không nghèo khổ như họ, cũng không ai buộc các anh chị phải nghèo khổ như họ, nhưng bù lại, tấm lòng của các anh chị phải là tấm lòng của những người nghèo thực sự ...”
Công tác xã hội là một nghề nghiệp cao quý, nó mang tính nhân đạo sâu sắc, có ý nghĩa lớn đối với xã hội. Trên thực tế, thật ít thấy những cán bộ công tác xã hội chân chính nào mà lại trở nên giàu có chỉ nhờ vào các hoạt động nghề nghiệp công tác xã hội. Nói tới nghề công tác xã hội người ta nói nhiều tới sự quên mình, đức tính hy sinh vì người khác và vì công đồng.
Công tác xã hội cũng có thể được coi là một nghề thầm lặng. Nó không đem lại danh tiếng cho nhân viên xã hội như công tác từ thiện, Nó cũng không chờ đợi những sự biểu dương, khen tặng, đã vậy, nhiều lúc lại còn có thể gặp nguy hiểm. Hạnh phúc mà người làm công tác xã hội có được chính là việc nó đã mang đến hạnh phúc cho những người khác
Mặt khác tính chất phức tạp và tế nhị của công việc công tác xã hội cũng luôn đòi hỏi một sự cố gắng hết mình, một thời lượng công việc không thể tính toán theo giờ giấc cụ thể, một sự tận tâm, thầm lặng với công việc mà không phải ai cũng có thể lượng giá hết được.Tất cả tạo thành những chuẩn mực và nguyên tắc đạo đức đáng tự hào riêng biệt - đạo đức của những cán bộ xã hội . Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải bàn luận thêm về nghề nghiệp và đạo lý trong công tác xã hội. Thiếu hụt tri thức nghề nghiệp thì chẳng làm được việc gì ra hồn, nhưng thiếu đạo lý thì chắc chắn là không nên và cũng không thể làm công tác xã hội.
Cũng giống như mọi hoạt động nhân đạo khác, các hoạt động công tác xã hội bao giờ cũng hướng tới mục tiêu vì con người, vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho con người. Do vậy cán bộ công tác xã hội phải là người có tấm lòng nhân ái, biết hy sinh bản thân mình vì người khác. Nguyên tắc đạo đức đầu tiên mà họ cần có, cần nắm vững chính là sự vô tư, không vụ lợi trong công việc.
Công tác xã hội thường mâu thuẫn với các tham vọng cá nhân. Khi phải lựa chọn giữa quyền lợi của bản thân và lợi ích của thân chủ, người cán bộ xã hội thường đặt quyền lợi của bản thân xuống hàng thứ yếu. Những người có nhiều tham vọng về tiền tài vật chất và địa vị chính trị không nên chọn nghề công tác xã hội. Bởi vì đối với họ công tác xã hội có thể sẽ là một nghề “bạc bẽo”. Nó có thể buộc họ phải cho đi nhiều hơn là nhận lại. Cái ít ỏi mà họ nhận lại được, chắc chắn sẽ chẳng bao giờ thỏa mãn được những tham vọng lớn lao ban đầu của họ.
Mẹ Tereza cũng đã từng ví công tác xã hội như những nguồn nước mát, nó tuôn chảy không ngừng, để rồi ngấm mãi, ngấm mãi vào từng mạch đất cằn khô mà chẳng mấy khi chảy ngược về nguồn…Không thấm nhuần được tư tưởng đạo đức chủ đạo của mẹ Tereza, người làm công tác xã hội sẽ không thể hiểu được vì sao một nụ cười rạng rỡ và tin cậy của thân chủ lại có thể mang đến cho họ bao nhiêu niềm vui và hạnh phúc. Không thấm nhuần được tư tưởng đạo đức của mẹ Tereza, người làm công tác xã hội cũng không thể có được một tình yêu và đức hy sinh lớn lao cho nghề.
 Người làm công tác xã hội trong trường hợp này cũng giống như những người lao động trung thực khác đều có thể tìm thấy ở lao động nghề nghiệp của mình các giá trị đạo đức, niềm kiêu hãnh, sự say mê và hứng thú trong công việc. Thiếu điều đó họ sẽ trở thành những cán bộ xã hội vô cảm, những cỗ máy khô cứng và không thể làm tốt công việc
 Từ nguyên tắc vô tư, không vụ lợi, công tác xã hội cũng buộc những người làm nghề này phải có một nguyên tắc đạo lý nghề nghiệp thứ hai, đó là phải có tinh thần tình nguyện, tự giác trong công việc. Tinh thần tự nguyện, tự giác sẽ khiến cho các cán bộ xã hội luôn trở thành những người chủ động, sẵn sàng làm bất cứ công việc gì có lợi cho các cá nhân và cộng đồng, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn và trở ngại. Họ không chỉ tuân thủ nghiêm chỉnh các nguyên tắc làm việc, mà còn chịu đựng được mọi nỗi khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt công việc.
Môi trường làm việc của các cán bộ xã hội, thường không phải là những nơi yên ả, đầy khung cảnh thi vị của trăng thanh gió mát, mà thường là những chốn phức tạp, rắc rối, bùn lầy nước đọng. Nơi nghỉ ngơi của họ cũng thường không phải là những khách sạn, nhà nghỉ chan hòa ánh điện với máy lạnh và chăn ấm, nệm êm mà có thể chỉ là những ngôi nhà tranh nơi đèo heo hút gió. Trong điều kiện đó, những cán bộ xã hội không có được tinh thần tự nguyện, tự giác sẽ cảm thấy thật mệt mỏi và chán nản.
Nguyên tắc làm việc tình nguyện và tự giác cũng đòi hỏi các cán bộ xã hội phải luôn có ý thức rèn luyện phấn đấu, nghiên cứu, học hỏi, nâng cao năng lực chuyên môn để có thể làm công việc ngày một tốt hơn. Tinh thần tình nguyện và tự giác cũng có thể khiến họ trở thành những người cần mẫn, chịu khó, có tinh thần trách nhiệm cao. Trước các đối tượng của công tác xã hội, họ phải là những người tận tụy, tận tâm với công việc có phẩm chất, nhân cách và lối sống trong sáng, lành mạnh.
Công tác xã hội thường liên quan tới đời sống, tâm lý, tình cảm. tập tục, thói quen của các cá nhân và cộng đồng. Bởi vậy, thành công của nó sẽ không thể đến chỉ trong một sớm một chiều. Sự thay đổi số phận một con người, hoàn cảnh sống, những suy nghĩ và tình cảm, nhận thức và hành vi của cá nhân và cộng đồng là một quá trình vận động lâu dài, đòi hỏi một sự kiên nhẫn cao độ. Điều đó khiến cho các cán bộ công tác xã hội phải có được một sự nỗ lực không ngừng nghỉ, vận hành liên tục trong đó sự kiên trì và nhẫn nại là một đức tính không thể thiếu.
 Chẳng hạn, khi các cán bộ xã hội làm việc với những đối tượng bị tổn thương về tâm lý. Đối tượng này, có thể có những hành vi gây tổn hại đến bản thân mình, đến chính những cán bộ xã hội và những người xung quanh. Khi đó, cán bộ xã hội, không thể hy vọng vào những giải pháp nóng vội có thể xử lý thành công trong một thời gian ngắn. Trong bối cảnh này, họ cần phải kiên nhẫn tìm hiểu, sử dụng những liệu pháp tâm lý, từng bước giúp các đối tượng thay đổi tâm lý, giải thoát họ khỏi những sự mặc cảm, kiên trì sống cùng với những chấn thương về thể chất và tinh thần, những niềm vui nỗi buồn mà đối tượng đã trải qua, giúp đối tượng tự tin và tự chủ, vượt qua số phận, hòa nhập với cộng đồng. Đây là chuỗi những công việc nối tiếp nhau, có trình tự và lâu dài, Mọi sự nóng vội, đốt cháy giai đoạn của nhân viên xã hội đều có thể dẫn tới thất bại.
Công tác xã hội là một nghề. Bởi vậy, cũng như tất cả những nghề nghiệp khác trong xã hội, người làm nghề công tác xã hội phải là người có chuyên môn sâu sắc. Và để làm được điều đó họ phải có ý thức nâng cao tri tuệ, học vấn và phải hành nghề với khả năng chuyên môn cao nhất. Nói một cách khác, người làm công tác xã hội phải trở thành những người có văn hóa nghề.
Về phương diện này, người làm nghề công tác xã hội phải là người có trình độ hiểu biết về nghề, thường xuyên học tập nắm vững và nâng cao  không ngừng kỹ năng nghề nghiệp, sự hiểu biết về tâm lý của từng đối tượng cụ thể, để trên cơ sở đó tìm ra những phương thức và nội dung hoạt động mới phù hợp với thực tiễn công việc. Để có thể trở thành một nhân viên xã hội giỏi, thành công trong mọi công việc họ không thể không tuân thủ nguyên tắc này.
Cán bộ công tác xã hội cũng cần phải là những người có hiểu biết sâu sắc về luật pháp, những nguyên tắc hoạt động chuyên môn, những quy chuẩn nghề nghiệp, điều được làm và điều không được làm để không làm sai và làm hỏng.
Công tác xã hội là việc thực hành chuyên môn với những con người và cộng đồng cụ thể. Bởi vậy, chúng ta cũng cần phải hiểu rằng bản thân các đối tượng của công tác xã hội không phải là những cỗ máy hoạt động theo một quy trình được xếp đặt trước. Mỗi một sự ứng xử thiếu thận trọng của người làm công tác xã hội đều có thể gây ra những tổn thương mà đôi khi sẽ là những tổn thương không thể khắc phục nổi. Bởi vậy sự cẩn trọng với nghề nghiệp, sự trân trọng với con người là yếu tố quan trọng nhất đối với việc hoàn thành công việc chuyên môn.
Công tác xã hội đến với nước ta thật mới mẻ. Nó như một làn gió ấm áp, tràn vào một xã hội đang đi lên, nhưng đầy ắp những biến động và phân hóa, đầy ắp những sự tính toán, lo toan, những vui buồn và mất mát, những hội tụ và chia ly. Công tác xã hội xòe bàn tay trước tất cả những ai cần đến nó. Bàn tay ấy không vô cảm, lạnh lùng, giả tạo, vụ lợi. Nó gắn với một tấm lòng , đầy sự yêu thương và chân thực. Nó yêu thương tất cả mọi người và để rồi mọi người cũng sẽ yêu thương và tin cậy ở nó.

Tác giả: GS-TS Đặng Cảnh Khanh

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất