17:15 ICT Thứ hai, 16/09/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 1446

Máy chủ tìm kiếm : 9

Khách viếng thăm : 1437


Hôm nayHôm nay : 100101

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2236340

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 57655381

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển

Quang cao giua trang
top

HOA TRỒNG TRONG CHẬU VỠ

Tác giả: Tiểu Linh Bảo - Thứ hai - 24/11/2014 09:09
*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

Người xưa cảm nhận cảnh sắc thiên nhiên thật sâu sắc mà thanh cao. Chúng ta hãy xem Phạm Đình Hổ diễn tả về ngôi nhà của mình ở Kinh thành Thăng Long khi ông còn rất ít tuổi, vào thế kỷ XVIII như sau : “Nhà ta ở phường Hà Khẩu (Khu Hàng Buồm bây giờ) huyện Thọ Xương, trước nhà tiền đường có trồng một cây lê, cao vài mươi trượng, lúc nở hoa, trắng xoá thơm lừng,trước nhà trung đường cũng trồng hai cây lựu trắng, lựu đỏ, lúc ra quả trông rất đẹp...” [1].
 
Cuộc sống gia đình suốt một thời trai trẻ của ông cũng luôn đắm mình vào thiên nhiên : “Bà cung nhân ta thì ở trong nội tẩm, một mình ta ở ngoài trung đường. Nhà trung đường có bảy gian, toạ đông hướng tây, vốn là chính tẩm của đấng tiên đại phu ta ở trước. Phía tây là máng nước tiếp với nhà khách năm gian, trước mặt trông xuống cái ao vuông. Trong ao thả sen trắng, chung quanh bờ trồng thanh liễu và cam quýt. Cách nhà khách năm sáu bước, lại chắn ngang một rặng rào trúc, từ phía nam nhà trung đường  đến bờ ao phía tây; phía bắc thì dựng một cái bình phong che khuất đi. Phía đông ao giáp sân nhà khách, có trồng năm cây hoa nhài, hoa hồng, hoa ngâu, hoa mẫu đơn...”[2].
 
Trong bối cảnh ấy chàng thư sinh Phạm Đình Hổ đã miêu tả cuộc sống của mình với cảnh quan thiên nhiên như sau : “Tối đến, lúc mặt trăng mới mọc, ta đi tản bộ quanh bờ ao, ngâm nga mấy câu Đường thi cũng thú, họăc tựa gốc dừa, cành hoa phất phơ trước mặt, ngồi bẻ bông tước lá thử chơi. Khi thẩn thơ trở về nhà khách thì bóng nguyệt hương hoa vẫn còn phảng phất trên án thư tràng kỷ. Ta thức đến gà gáy mới đi ngủ”.[3]
 
Cái cảnh “bóng nguyệt hương hoa” luôn “vẫn còn phảng phất trên án thư, tràng kỷ” của các anh học trò Thăng Long thuở ấy mới thật là thơ mộng, thanh cao.
 
Cũng trong “Vũ Trung Tùy Bút”, Phạm Đình Hổ đã miêu tả rất rõ không khí sống gần gũi thiên nhiên, làm non bộ, trồng hoa, chơi cây cảnh của cư dân Thăng Long Hà Nội vào thế kỷ XVIII. Ông cũng diễn tả cảnh chúa Trịnh chuyển cây to, đá đẹp từ bên kia sông Hồng về Thăng Long, cảnh thuyền rồng đi du ngoạn Tây Hồ, cảnh quan lại đêm đêm vào kinh thành để cướp những cây cảnh đẹp trong thành phố, mang về tư dinh...
 
Chúng ta hãy xem ông diễn tả về cách chơi hoa thanh cao và tinh tế của một người bạn trẻ tuổi của ông ở Thăng Long khi đó như sau : “Khoảng năm Ất mão, Bính Thìn (1795-1796) ta có vào chơi một nhà anh em bạn, khi vào đến cửa, ngửi thấy một mùi thơm sực nức hình như hương hoa lan, mà lại có phần thanh hơn, vẫn không ngờ là thứ lan ngọc quế. Đến khi vào nhà khách, mới thấy thứ lan ấy vừa nở, mà trồng vào trong cái chậu vỡ, đất sỏi, để ở góc hè, cành lá lơ thơ, dài chỉ độ năm sáu tấc, hoa nhỏ mà cánh mỏng, sắc rất đạm nhưng hương thơm ngát. Ta vừa được thưởng thức mùi hương thiên nhiên ấy, liền khen là khéo trồng thì chủ nhân bẽn lẽn nói rằng không có lúc nào bón tưới cả”[4].
 
Ở đây ta nên chú ý đến sự tinh tế trong cách chơi hoa của người Thăng Long khi đó, hoa quý nhưng lại chỉ trồng trong “cái chậu vỡ, đất sỏi, để đầu nhà”, đồng thời cũng chỉ cần “hoa nhỏ mà cánh mỏng, sắc rất đạm nhưng hương thơm ngát”. Cách chơi sâu lắng này khiến ta nghĩ đến truyền thuyết về công chúa Thiều Hoa con gái của vua Hùng, đến dự một lễ hội đầy hoa thơm, bướm lạ, muôn màu muôn vẻ nhưng lại chỉ quan tâm đến một con bướm nâu buồn bã nơi góc vườn, để rồi sau này chính nàng bướm nâu bình dị ấy lại nhả ra những sợi tơ vàng óng dệt nên trăm nghìn mảnh lụa quý.
 
Phạm Đình Hổ cũng lên tiếng phê phán những kẻ hợm mình, không hiểu biết gì về sự tinh tế trong chơi hoa : “Ta mới hay người đời chơi lan chỉ biết thưởng thức bằng mắt, chứ không biết thưởng thức bằng mũi, chỉ biết được cái hình của hoa, chứ không biết được cái thần của hoa. Chậu sành nào phải nơi sơn cốc, phường phố nào phải chốn thôn quê, thế mà hoa lan trồng được ở nơi u tĩnh thì đã phát ra kỳ hương như thế.[5]
 
Tình yêu với thiên nhiên, suy cho cùng chính là tình yêu với con người. Bởi vì dẫu thế nào thì cuối cùng, con người vẫn là trung tâm của cảnh quan môi trường. Thiên nhiên chỉ có giá trị như một tài sản văn hóa khi nó hiện diện trong nhận thức, hành vi và cuộc sống của con người “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Nhà thơ nổi tiếng đời Lê là Ngô Thì Sĩ cũng đã từng viết :
 
  Kiền khôn nguyên tự xảo
  Nhân cảnh chính tương tu
(Xếp đặt khéo là do trời đất
Nhưng điểm tô thêm chính là nhờ có cảnh có người)
 
Trong kỳ thi Hội năm 1508, Nguyễn Giản Thanh, một trong những vị trạng nguyên trẻ tuổi vừa tài năng vừa hào hoa, người mà dân gian gọi bằng cái tên rất dân dã là Trạng Me đã viết “ Phụng thành xuân sắc phú” , miêu tả rất rõ về cuộc sống xã hội Thăng Long bằng một thứ ngôn ngữ thật sống động.
 
“Phụng thành xuân sắc phú” có thể được coi là một trong những áng văn sâu sắc và tươi tắn nhất, nói về tình yêu đối với Thăng Long thông qua những nét phác họa linh hoạt về cảnh quan và con người Thăng Long. Con người Thăng Long trong nét bút của Nguyễn Giản Thanh thật hồn nhiên, trong sáng, nhưng cũng thật hào hoa, thanh lịch giữa khung cảnh đầy xuân sắc tươi trẻ của một kinh đô phồn thịnh với những đền đài tráng lệ, nguy nga.
 
Chợ Hòe đầm ấm
 Phố Ngọc tần vần
 Trai lanh lẹ đá cầu vén áo
 Gái éo le rủ yếm dôi quần
 Khách Trường An cưỡi ngựa xem hoa, rợp đường tử mạch
 Chàng công tử ngựa xe trương tán, rạng mực thanh vân
 
Nếu không có một tình yêu thiết tha, cộng với một sự lãng mạn tinh tế với những con người trẻ tuổi trong chốn đô hội Thăng Long, thì rõ ràng không thể viết được những câu thơ tuyệt tác để tả đám “trai thanh nữ tú” của Thăng Long như  “trai lanh lẹ đá cầu vén áo, gái éo le rủ yếm dôi quần”...Có lẽ nhờ có sự miêu tả tươi tắn, trẻ trung nói trên, mà dường như cho đến nay chúng ta khó tìm thấy một tác phẩm cổ xưa nào sánh được với “Phụng thành xuân sắc phú” về việc diễn tả đầy đủ sự hồn nhiên của trai gái Thăng Long.
 
Đến Phạm Huy Lượng trong “Tụng Tây Hồ Phú” thì cùng với vẻ hồn nhiên trong lao động của tuổi trẻ, chúng ta cũng đã xuất hiện những nét buồn sâu lắng :
 
Bến giặt tơ, người vốc nước còn khua,
          gương thiềm đựng trong tay lóng lánh
Vườn hái nhị người giày sương hãy sớm,
          túi xạ rơi dưới gót thơm tho.
 
Tình yêu và cảm xúc của tuổi trẻ Thăng Long xưa thường được dựa trên một nền tảng chuẩn mực được gọi là “Thư hoa nhân ái” , lấy sách vở và cỏ cây hoa lá, lấy tình yêu thương với con người làm nguồn cảm hứng và say mê . Cũng là một cảnh hoa đào nở vào dịp mùa xuân thôi, mà vận vào mình, vận vào người, chàng trai trẻ Phạm Đình Hổ, bằng ngòi bút với vẻ ngoài hồn nhiên nhưng lại khiến cho người đọc phải buồn đến tê tái :
 
Khứ tuế đào hoa phát
Lân nữ sơ học kê
Kim tuế đào hoa phát
Dĩ giá lân gia tê
 
Khứ tuế đào hoa phát
Xuân phong hà khê khê
Kim tuế đào hoa phát
Lân nữ đối hoa khấp
 
(Năm ngoái hoa đào nở
Cô láng giềng mới học cài trâm
Năm nay hoa đào nở
Đã gả cho gã đàn ông bên xóm tây
 
Năm ngoái hoa đào nở
Gió xuân sao lạnh lùng
Năm nay hoa đào nở
Cô láng giềng nhìn hoa mà khóc)
 
Sự tinh tế của bài thơ thật không có lời nào để bình phẩm thêm được nữa, chỉ có điều chính nó là sự tinh tế và rung cảm mang đầy chất Thăng Long  của một chàng trai rất Thăng long xưa.
 
Đọc Phạm Đình Hổ tới đoạn trồng hoa trên chậu vỡ tôi mới hiểu được tại sao khi đi cùng với một bậc trí giả cao niên người Hà Nội đến chọn mua hoa, tôi thấy ông mua nguyên cả bó nhưng lại chỉ lặng lẽ chọn lấy ba bông đẹp, mảnh mai và rất nhỏ, nhờ bó vào một tấm giấy bóng kính trong suốt. Còn lại, cả hoa và đống giấy màu lòe loẹt cùng những sơi dây kim tuyến óng ánh, ông bỏ lại không thương tiếc... Âu cũng là cái cách để cảm nhận được điều mà Phạm Đình Hổ gọi “cái thần của hoa” vậy.


[1] Phạm Đình Hổ. Vũ Tung tùy bút. Trang 14
[2] Phạm Đình Hổ. Sách đã dẫn, trang 11
[3] Phạm Đình Hổ. Sách đã dẫn, trang 11-12
[4] Phạm Đình Hổ. Sách đã dẫn Trang 29
[5] Phạm đình Hổ. Sách đã dẫn trang 29

Tác giả: Tiểu Linh Bảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất