15:04 ICT Chủ nhật, 13/10/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 612

Máy chủ tìm kiếm : 86

Khách viếng thăm : 526


Hôm nayHôm nay : 110296

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2199560

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 61958294

Trang nhất » Tin Tức » Xã hội học » Sai lệch xã hội

Quang cao giua trang
top

Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên

Tác giả: Vũ Thế Long - Thứ ba - 05/05/2015 21:47
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong tiêu chí phấn đấu xây dựng Làng văn hóa sức khoẻ, Gia đình văn hóa sức khoẻ ở Việt Nam hình như người ta đã quên mất cuộc vận động bỏ thuốc lào. Mục tiêu chỉ ghi có vẻn vẹn một câu “ Không hút thuốc lá”.

Sẩm tối, ngoài trời mưa lất phất, từng đợt gió lạnh lùa qua khe sàn. Chị Cướn ôm con ngồi thu lu bên bếp lửa giữa nhà. Củi nổ lách tách, những tàn lửa nhỏ cuộn bay lên không trung. Con bé vừa bú xong nằm yên trong lòng mẹ. Quờ tay với chiếc điếu tre to bằng bắp tay người lớn mà người ta thường gọi là điếu cái. Loại điếu phụ nữ Mường thường dùng, khác với điếu giành cho đàn ông bao giờ cũng nhỏ hơn. Chẳng hiẻu vì sao mà cái điếu cầy dân Mường lại gọi là điếu ục, Vê mồi thuốc nhét vào nõ điếu, lấy đóm mồi lửa rồi nâng điếu ghé vào cặp môi nứt nẻ vì khô hanh và nhai trầu, Tay chụp vào miệng điếu để cho môi khít vào với cái ống điếu ục quá rộng, chị rít một hơi dài thật sâu rồi khoan khoái phả ra một luồng khói trắng. Con bé vẫn lim dim nằm gọn trong lòng mẹ.
 
Nhóm chúng tôi vừa làm chuyến khảo sát trên hang núi trở về, ngồi co ro bên bếp lửa, bóc sắn, bọc giấy vùi vào bếp nướng. Mấy ngày đầu lên đây thấy phụ nữ Mường hút thuốc lạ quá. Sau rồi cũng quen. Có lần xin hút thử một hơi với cái ống điếu cái rộng ngoác mà không tài nào hút được. Khó quá. Chẳng hiểu từ bao giờ phụ nữ người Mường lại có tục hút thuốc lào như thế.
 
Vừa bóc sắn vừa kể chuyện vui. Bỗng Thành đặt câu hỏi : “Thuốc Lào ở đâu ra nhỉ? Sao người ta lại gọi là thuốc Lào ?” Anh Cướn nghe vậy cũng góp chuyện: “Hồi đi bộ đội đóng quân bên Lào mình thấy bà con gọi thuốc lào là thuốc Keo (tức là thuốc của người Kinh) còn về đến Việt nam thì bà con mình lại gọi thứ ấy là thuốc Lào. Thật rắc rối quá , chẳng biết đâu mà lần” .
 
Giáo sư Đinh, nhà thực vật dân tộc trong nhóm nghiên cứu, từ nẫy đến giờ ngồi thu lu một góc dưới ngọn đèn dầu đang ghi ghi chép chép những dòng chữ nhỏ li ti trong cuốn sổ nhỏ bèn giảng giải:
 
Lịch sử thuốc lá , được du nhập vào nước ta như thế nào, có nhiều mâu thuẫn trong sử sách. Chương phẩm vật, mục 124, sách Vân Đài loại ngữ (của Lê Qúy Đôn), viết “ Xét ở nước Nam ta,vốn xưa không có thứ thuốc ấy. Từ năm Canh Tí, niên hiệu Vĩnh Thọ (1660), đời vua Thần Tông nhà Lê, vào khoảng năm Thuận Trị thứ 17 Trung Quốc, người nước Ai Lao đem giống cây ấy /thuốc lá/ đến, dân ta mới đem trồng. Quan dân đàn bà con gái đua nhau hút đến nỗi có người nói rằng:” nhịn cơm ba ngày còn được, chứ một lúc nhịn hút thuốc, thì không được”. Năm ất Tị, đời Cảnh Trị (1665), hai lần hạ lệnh nghiêm cấm hút thuốc, lùng bắt những người trồng thuốc, bán thuốc, hay hút thuốc dấu, mà không tuyệt được. Nhiều người khoét tre, làm điếu ống (điếu cầy), hoặc chôn giấu điếu sành xuống đất mà hút; tàn đóm còn lại thường sinh hoả tai...”Tưởng thế là qúa rõ ràng, nào ngờ đọc Dư địa chí của Nguyễn Trãi do nhà Sử học Hà Văn Tấn hiệu đính và chú thích, lại thấy nói tới “ chỉ dược” “ là thứ cây lấy lá cuộn vào giấy rồi châm lửa hút”, và được trồng ở Hải Dương và Thuận Hóa. Ai cũng biết Nguyễn Trãi là người của thế kỉ XV: Vậy thuốc lá vào nước ta từ thế kỉ XV hay từ giữa thế kỉ XVII ? Bản chép nào đúng? Dư địa chí, (bảndịch theo bản in năm 1868) đã bị người đời sau, thế kỉ XVI, XVII, XVIII, thêm và sửa chữa nhiều lần; chi tiết thuốc lá phải chăng là một trong những thứ được thêm vào ? Thế nhưng những niên hiệu được nhắc tới trong Vân đài loại ngữ (và những niên đại dương lịch kèm theo) lại mất tính thuyết phục nếu ta giở cuốn từ điển trứ danh của Alexan de Rhodes (in năm 1651) tìm chữ “ thuốc lào”: tabaco, betum (tr.785) và các từ “ ăn thuốc ’, hút thuốc”.Không lẽ thuốc lá được du nhập vào nước ta sau khi đã có thuốc lào, và đã có tục ăn thuốc, hút thuốc? (*)
 
Chuyện lịch sử cây thuốc lá thuốc lào ở xứ ta chắc còn lâu mới ngã ngũ. Tuy vậy, sử sách cho thấy từ mấy trăm năm nay dân ta đã hút thuốc lào. Chẳng những đàn ông hút mà đàn bà cũng hút. Vua có lệnh cấm mà rồi cũng chẳng cấm nổi. Cái điếu cầy , điếu ục làm bằng tre phải chăng là cái biến thể của cái điếu bát mà vì bị cấm hút nên dân chúng mới sáng tạo ra để hút lén lút ?
 
Say sưa nghe Giáo sư Đinh giảng giải, anh Nga, quê tận Hà Tĩnh cũng chen vào:
 
“ Ở quê mình các bác thợ cầy ra đồng chỉ mang theo dăm củ khoai luộc, ấm nước chè xanh và cái điếu cầy. Sau buổi cầy, dắt trâu buộc bên gốc đa, chén củ khoai lang, làm bát nước chè đặc xong thì tiết mục cuối cùng khoan khoái nhất vẫn là ăn điéu thuốc. Có nhiều người hễ rít xong một hợi là thế nào cũng bị say và nằm thẳng cẳng sùi bọt mép, một lúc mới tỉnh. Các vị này trước khi nâng điếu hút bao giờ cũng chọn một bãi cỏ khô ráo để sau khi rít thuốc còn có chỗ mà đổ kềnh “.
 
Thuốc Lào với người Việt là thứ đồ hút bình dân. Thuốc lào thuốc lá từ Mỹ Châu theo lái buôn mà len lỏi, sinh sôi trên khắp các châu lục. Ngày nay, thuốc lá đang bị lên án trên toàn cầu. Thứ độc dược này hàng năm làm biết bao sinh mạng phải ra đi vì chứng ung thư phổi cùng nhiều mối hại khác. Không hút thuốc là một tiêu chí phấn đấu của nhiều quốc gia.
 
Trong tiêu chí phấn đấu xây dựng Làng văn hóa sức khoẻ, Gia đình văn hóa sức khoẻ ở Việt Nam hình như người ta đã quên mất cuộc vận động bỏ thuốc lào. Mục tiêu chỉ ghi có vẻn vẹn một câu “ Không hút thuốc lá”. Đành rằng khi nói thuốc lá, người ta vẫn ngầm hiểu trong đó có cả thuốc lào. Nhưng ra chợ hỏi mua thuốc lào, có ai đưa cho anh thuốc lá đâu?
 
Trong các tranh tuyên truyền cổ động bỏ hút thuốc, người ta cũng chỉ vẽ điếu thuốc lá và người hút thuốc lá. Thậm chí, trong tiền sảnh của một khách sạn lớn ở Trung ương người ta còn trang trí trên tường một cái điếu cầy khổng lồ cao bằng đầu người như là một biểu trưng văn hóa đặc sắc của các dân tộc.
 
Thuốc lá và thuốc lào đã là một hiểm họa cho sức khoẻ của nhân dân ta từ cổ chí kim, từ Bắc tới Nam, từ miền xuôi lên miền ngược, từ trẻ đến già và ảnh hưởng đến cả phụ nữ và trẻ em.
 
Nên chăng có một cách nhìn cụ thể hơn. Không chỉ vận động loại bỏ thuốc lá, thứ thuốc của những người khá giả mà quên mất tuyên truyền loại bỏ thuốc lào, thứ đồ hút của hàng triệu nông dân và những người nghèo, của phụ nữ các dân tộc.
 
Làm sao để đã bỏ thuốc là bỏ hẳn, không lặp lại một lần nữa cái cảnh “ Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên “.
____________
(*) Phần tư liệu này tác giả tham khảovà trích trong bài viết “ Dân tộc thực vật học” của Đinh Trọng Hiếu, Tập san khoa học Xã hội số 8, Hội Khoa học xã hội Việt Nam tại Pháp, tr.36-37 năm197..

Tác giả: Vũ Thế Long

Nguồn tin: vanhien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất