Nhà khoa học đầu ngành về Xã hội học gia đình và Giới - Nữ GS.TS Lê Thị Quý. (Ảnh: T.G)
Tên tuổi của GS. TS Lê Thị Quý được giới học thuật hết sức trân trọng. Bà là 1 trong hơn 10 người phụ nữ Việt Nam có tên trong danh sách 1.000 người phụ nữ được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2005 và được đề danh trong cuốn sách “1.000 phụ nữ đấu tranh vì hòa bình trên thế giới”.
Tác giả của 14 cuốn sách riêng, 58 cuốn sách viết chung, 90 bài báo và tham luận khoa học, từ lâu GS.TS Lê Thị Quý đã nổi tiếng là nhà khoa học đầu ngành, người đi tiên phong trong nghiên cứu về Giới và các chuyên đề như: Mại dâm, Bạo lực gia đình, Buôn bán phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam. Thế nhưng ít ai biết con đường gập ghềnh mà bà đã phải vượt qua! Nữ phóng viên chiến trường những năm ác liệt
Đã 65 tuổi, nhưng ở bà tình yêu và niềm say mê nghiên cứu khoa học vẫn tràn đầy như ngày nào. Sinh ra trong một gia đình nho giáo có truyền thống yêu nước và hiếu học, ngay từ nhỏ, GS Lê Thị Quý đã được tắm mình trong không khí học tập và nghiên cứu. Tốt nghiệp khoa Lịch sử - Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1971 và trở thành phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam trong 3 năm (1972-1975). Năm 1974, bà kết hôn cùng ông Đặng Vũ Cảnh Khanh– con trai trưởng của GS Vũ Khiêu. Đúng một năm sau, hòa bình được lập lại, GS Vũ Khiêu nhận nhiệm vụ vào miền Nam thành lập Viện Nghiên cứu Khoa học xã hội (KHXH) tại TP Hồ Chí Minh, bà Quý đã theo chồng và bố chồng vào trong đó công tác. Từ đây, bà được sống với đam mê nghiên cứu của mình.
Ở Viện Nghiên cứu KHXH, bà được phân vào Ban Lịch sử. Trong những năm tháng đó, nhờ may mắn, bà đã được gặp nhiều lãnh đạo phong trào công nhân và nghiệp đoàn Sài Gòn như các bác Nguyễn Thừa Nghiệp, Trần Văn Tư, Nguyễn Văn Cánh, Lê Văn Thốt trong Ban công vận Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Bà cũng được đọc những tài liệu rất quý giá về phong trào nghiệp đoàn ở miền Nam trong thời kì chiến tranh. Những tư liệu này sau đó đã được bà sử dụng để viết cuốn “Nghiệp đoàn Sài Gòn và phong trào công nhân” (thời kì 1954 – 1975).
Từng bị coi là "điên" vì những vấn đề quá "sốc"!
Năm 1982, bà thi đỗ nghiên cứu sinh và 2 năm sau đi du học Liên Xô tại Viện Phương Đông (thuộc Viện Hàn lâm KHXH Liên Xô). Bà đã dùng chính nghiên cứu nói trên để hoàn thành luận án Tiến sĩ Sử học (bảo vệ thành công năm 1988). Luận án của bà được đánh giá xuất sắc vì tính phát hiện mới mẻ về phong trào công nhân chống chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam.
Trở về nước vào đầu năm 1989, thay vì vào Viện Sử học, bà lại được phân công về Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ thuộc Ủy ban KHXH. Là Tiến sỹ đầu tiên của Trung tâm, bà được giao làm Thư kí tòa soạn Tạp chí Khoa học và Phụ nữ, kiêm trị sự và phát hành. Tuy làm công tác báo chí nhưng với “bản năng” của một người nghiên cứu, bà đã luôn đặt câu hỏi: Tại sao Trung tâm chỉ đặt vấn đề nghiên cứu về các khía cạnh tích cực của phụ nữ Việt Nam? Còn các khía cạnh tiêu cực thì sao? Mại dâm? Bạo lực đối với phụ nữ? Buôn bán phụ nữ và trẻ em đang tồn tại thì sao? Tuy nhiên khi bà đề xuất nghiên cứu về các mảng này thì bị gạt đi với những lý do "tế nhị".
Không cam chịu, hàng ngày cứ mỗi khi hết giờ làm việc, bà lại đạp xe khắp nơi, đến các cơ quan công an, trại phục hồi nhân phẩm phụ nữ mại dâm ở Lộc Hà (ngoại thành Hà Nội) để thu thập số liệu, hình thành nên những mảng nghiên cứu độc lập. “Lúc ấy người ta gọi tôi là điên đấy, vì có ai nghiên cứu về mảng này đâu, không tiền tài trợ, không người giúp đỡ lại không được công khai”, GS Quý chia sẻ.
Nhưng trời không phụ lòng người, vài năm sau, đại dịch AIDS bùng nổ, Bộ Y tế thành lập Ủy ban Phòng chống AIDS Quốc gia do bác sỹ Lê Diên Hồng phụ trách. Ủy ban kêu gọi sự hợp tác từ Trung tâm nghiên cứu phụ nữ vì họ rất cần những nghiên cứu về mại dâm. Và TS Quý là người duy nhất ở thời điểm đó có được những nghiên cứu về vấn đề này. Từ đó bà được tự do hơn trong nghiên cứu nhưng cũng phải đến năm 1994 mới được công bố những bài báo khoa học đầu tiên về các mảng này trên các tạp chí.
Từ năm 1992, bà được mời là giảng viên giảng dạy về Xã hội học Giới đầu tiên tại các trường đại học như Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học An ninh, Đại học Công đoàn, Đại học Sư phạm…
Chạy khắp nơi để tìm người nghiên cứu
Năm 1994, một tổ chức nghiên cứu ở Thái Lan mời TS Quý tham gia vào Dự án nghiên cứu khu vực về chống buôn bán phụ nữ qua biên giới. Bà rất hồ hởi, vì đây là thực trạng nóng bỏng ở Việt Nam khi đó. Thế nhưng khi bà đề xuất nghiên cứu thì không được duyệt vì "tính nhạy cảm của vấn đề". Thậm chí khi cả tổ dự án đang làm việc tại văn phòng Trung tâm, lãnh đạo còn cho cán bộ hành chính đến “mời” đi. “Chuyên gia Hà Lan của tôi lúc đó đã ôm mặt khóc nói: Chúng tôi đến làm việc cho phụ nữ của các bạn chứ có phải cho chúng tôi đâu, tại sao lại đuổi đi?”, bà Quý nhớ lại. Tuy nhiên, bà vẫn cương quyết theo đuổi tới cùng. Vì Trung tâm Nghiên cứu phụ nữ từ chối đề tài này, bà phải liên hệ với Viện Nghiên cứu Thanh niên, nơi chồng bà (TS Đặng Vũ Cảnh Khanh) làm Viện trưởng để nhờ tiếp nhận dự án. Từ năm 1997-2000, dự án đã được thực hiện và cuốn sách đầu tiên “Vấn đề ngăn chặn nạn buôn bán phụ nữ ở Việt Nam" cũng được ra mắt năm 2000. Các khuyến nghị trong sách đã được Bộ công an và các cơ quan khác sử dụng.
Năm 1996, TS Quý được Đại học Clark (bang Massachusetts, Hoa Kỳ) mời sang giảng về Giới và phụ nữ. Việc đi giảng tại Mỹ kéo dài 1 năm khiến bà không thể cáng đáng nổi công việc điều phối Dự án nghiên cứu buôn bán phụ nữ qua biên giới ở cả hai miền Bắc - Nam của Việt Nam vào năm 1997. Để có thể yên tâm công tác, bà đã chủ động tìm người điều phối ở miền Nam và được bà Lê Thị Thu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tại TP Hồ Chí Minh (người sau này là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình & Trẻ em) tiếp nhận.
Sau khi kết thúc việc giảng dạy tại Mỹ năm 1997, TS Quý đã trở về làm điều phối viên của Dự án nghiên cứu về tình trạng buôn bán phụ nữ ở phía Bắc.
Năm 2000 – 2001, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc – UNFPA yêu cầu bà phác thảo dự án hành động chống bạo lực gia đình tại Việt Nam. Bà nhanh chóng hoàn thành và cho triển khai thí điểm tại thị trấn Thanh Nê và xã Vũ Lạc (tỉnh Thái Bình). Mô hình “Địa chỉ tin cậy” là sáng kiến của thị trấn Thanh Nê nằm trong dự án của bà được bà báo cáo Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và được cho phép đưa vào Luật Phòng chống Bạo lực gia đình (2007) và nhân rộng khắp nơi. Sau này bà còn mở rộng thêm dự án tại hai xã Yên Tân, Yên Hồng huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) và đạt được thành công lớn, giảm tới gần 90% các vụ bạo lực, chấm dứt 100% các vụ gây thương tích cho nạn nhân. Bà cùng con trai, Th.s Đặng Vũ Cảnh Linh đã cho ra đời cuốn sách "Bạo lực gia đình-Một sự sai lệch giá trị" năm 2007 để mô tả các mô hình cộng đồng chống bạo lực gia đình.
Vào danh sách 1.000 phụ nữ vì hòa bình của thế giới
Tới nay, GS. TS Lê Thị Quý đã được công nhận rộng rãi là nhà khoa học đầu ngành về Xã hội học gia đình và Giới. Bà được ghi nhận là người đầu tiên của Việt Nam đi tiên phong trong nghiên cứu về mại dâm, bạo lực gia đình và buôn bán phụ nữ và trẻ em. Điều đáng ngạc nhiên là cả ba công trình nghiên cứu ấy đều được bà thực hiện cùng lúc, song song với nhau trong hàng chục năm trời.
Quá trình công tác và nghiên cứu miệt mài suốt 40 năm của bà đã cho ra đời hàng chục đầu sách giá trị, đóng góp lớn cho nền khoa học nước nhà.
Giờ đây, GS Quý vẫn đang miệt mài nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Giới và Phát triển, chủ nhiệm Bộ môn Công tác xã hội tại Trường Đại học Thăng Long và kiêm nhiệm tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Bà cũng đang nung nấu một số đề tài về công tác xã hội. Chắc chắn trong tương lai, nhà khoa học ấy sẽ còn đóng góp nhiều hơn nữa cho khoa học nước nhà.