11:00 ICT Thứ bảy, 21/09/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 707

Máy chủ tìm kiếm : 13

Khách viếng thăm : 694


Hôm nayHôm nay : 92374

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2835358

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 58254399

Trang nhất » Tin Tức » Văn uyển » Cảm thụ người Xưa

Quang cao giua trang
top

Yếm đào - mẫu thiết kế đẹp nhất mọi thời đại

Tác giả: Minh Hồng - Thứ ba - 14/10/2014 08:15
*Nguồn internet

*Nguồn internet

Hỡi cô mặc áo yếm hồng Đi trong đám hội có chồng hay chưa? * Hỡi cô yếm thắm răng đen Muốn lên mạn ngược ngồi thuyền cùng anh! * Con cò đỗ cọc cầu ao Phất phơ hai dải yếm đào gió bay. Em về giục mẹ cùng thầy Cắm sào đợi nước biết ngày nào trong?



Không biết từ bao giờ, hình ảnh yếm đào gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Việt và đi vào ca dao, thi ca nhẹ nhàng, sinh động mà uyển chuyển đến thế. Nhắc đến cái yếm, có lẽ không ai không biết rằng nó đã từng được coi là quốc phục của phụ nữ Việt một thời, trước khi áo dài xuất hiện.

Đến nay, nhiều nhà thiết kế còn khẳng định rằng, cứ để nguyên cái yếm thắm ngày xưa ấy mà lên sàn diễn, chắc chắn nó cũng xứng đáng đứng vào hàng ngũ những mẫu thời trang đẹp nhất. Với người Việt, yếm đào thuộc diện mẫu thiết kế đẹp nhất mọi thời đại.

Hình ảnh cái yếm nhỏ nhắn, tao nhã được gắn liền với vẻ đẹp của người phụ nữ Việt. Nó được mặc ở mọi tầng lớp giai cấp xã hội, từ các tôn nữ công chúa nơi thâm cung, các phu nhân tiểu thư của những gia đình quý tộc, đến những người phụ nữ bình dân tần tảo, vất vả sớm hôm.

Chiếc yếm mộc mạc mà trang nhã, tinh tế mà thanh lịch làm tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ. Nó thực sự là một công trình nghệ thuật tuyệt mỹ nhưng lại hết sức đơn giản, thường được tạo nên từ bàn tay khéo léo của chính người mặc.

Khi nhắc đến yếm là có thể nghĩ ngay đến hình ảnh miếng vải vuông nhỏ nhắn đặt chéo trên ngực người con gái, ở góc trên có sợi dây quàng vào cổ và buộc sau lưng, trên cổ yếm được trang trí bằng các họa tiết nhỏ, kín đáo. Chiếc yếm ra đời như để tôn lên cái lưng ong vốn được xem là một nét đẹp của người phụ nữ Việt.

Đàn bà thắt đáy lưng ong
Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con.


Phái đẹp dường như đẹp hẳn lên khi khoác lỏng lẻo mảnh vải duyên dáng ấy trước ngực. Yếm còn như một món đồ trang sức thật trang nhã làm tôn lên vẻ dịu dàng. Người ta có thể nhìn đường kim mũi chỉ trên yếm để biết được sự khéo léo, tinh tế của người mặc. Có một vài kiểu yếm cơ bản như: nếu cổ tròn gọi là yếm cổ xây, cổ nhọn đầu hình chữ V gọi là yếm cổ xẻ, cuối chữ V mà xẻ sâu xuống gọi là yếm cổ cánh nhạn. Qua thời gian, đặc biệt là ở thế kỉ XX, áo yếm càng được sử dụng phổ biến với nhiều kiểu dáng và mẫu mã phong phú. Thời kỳ “cách tân” này, cổ yếm thường được “dằn” thêm ba đường chỉ để “bảo hiểm” hoặc may viền lằn vải, thêu hoa cặp theo đường biên cổ.

Vải may yếm rất đa dạng tùy vào quan niệm thẩm mỹ của chủ nhân và vào môi trường sử dụng. Với những người phụ nữ bình dân, yếm mặc ở nhà hay đi lao động được may bằng vải ta hay còn gọi là vải trúc bâu. Với những con nhà khá giả, quyền quý mặc yếm vóc, yếm nhiễu là những loại vải quý đắt tiền.

Bản thân màu sắc của yếm cũng nói lên nhiều điều về người chủ của nó: những người phụ nữ lao động sớm hôm ngoài ruộng đồng thường mặc yếm bằng vải thô màu nâu; những cô gái nhà gia giáo nề nếp mặc yếm màu trang nhã và kín đáo; những người phụ nữ lớn tuổi mặc yếm màu thẫm. Các cô gái, những phụ nữ đoan chính thường ít dùng những chiếc yếm màu sắc sặc sỡ, thường chỉ những cô nàng lẳng lơ như Thị Mầu mới dùng màu yếm này. Thế nên mới có chuyện:

Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
Sư về sư ốm tương tư…

Mà có tương tư cũng là điều thường thôi, vì yếm và người đẹp quá… Yếm thường mặc với áo cánh, áo tứ thân hoặc áo dài. Nét duyên thầm do chiếc yếm đào mang lại cho người con gái là ở nét mềm mại kín đáo, tế nhị chứ không phải phô trương, kệch cỡm. Qua chiếc yếm có thể biết được rất nhiều điều về người mặc yếm: sự khéo léo, phẩm chất, truyền thống gia đình… Không chỉ vậy, chiếc yếm còn viết lên những câu chuyện tình yêu vô cùng độc đáo.

Trải qua thời gian, chất liệu, màu sắc làm nên chiếc yếm cũng có nhiều thay đổi nhưng về cơ bản hình dạng chiếc yếm thường vẫn giản đơn như vậy. Khi các kiểu áo Tây phương xâm nhập vào Việt Nam thì rất nhiều kiểu yếm và áo ngực mới lạ cũng xuất hiện. Thế rồi do những trang phục du nhập vào có tính tiện dụng hơn nên Yếm không còn được sử dụng rộng rãi nữa. Nó thường chỉ được dùng cùng với trang phục cổ trong các dịp lễ hội truyền thống, để lại nhiều sự bâng khuâng nhớ tiếc của biết bao chính nhân quân tử Việt.

Trong những năm gần đây, một bộ phận giới trẻ đã quay lại với áo yếm, như tìm lại với cái đẹp truyền thống. Nhưng đôi khi nó đã bị biến đổi nhiều để phù hợp với hoàn cảnh của cuộc sống hiện đại. Sự sáng tạo đôi khi đã là quá đà của một số cô gái như: họ mặc yếm thay cho áo, kết hợp yếm với những quần jean, quần sooc, váy ngắn… Chiếc yếm có lúc bị biến thành một thứ trang phục kệch cỡm, hở hang đã làm mất đi vẻ đẹp thuần Việt và các giá trị văn hóa vốn có của nó.

Thiết nghĩ, yêu cái đẹp truyền thống, muốn lưu giữ, phát huy những vẻ đẹp truyền thống là điều đáng quý nhưng cần có sự hiểu biết, sử dụng đúng cách, đúng hoàn cảnh. Còn sự không hiểu biết, cách tân một cách quá đà sẽ dẫn đến việc phá bỏ vẻ đẹp vốn có mà cha ông đã tạo dựng từ bao đời./. 

Tác giả: Minh Hồng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất