Văn Hóa Trong kinh Doanh

GS Phạm Xuân Nam

GS Phạm Xuân Nam

Từ bao đời nay, mối quan hệ văn hóa và kinh doanh, đạo đức và kinh tế đã được nhiều bộ óc trên thế giới và cả trong nước quan tâm và lý giải, nhưng các câu trả lời được đưa ra là hết sức đa dạng, nhiều khi trái ngược lẫn nhau.
Từ bao đời nay, mối quan hệ văn hóa và kinh doanh, đạo đức và kinh tế đã được nhiều bộ óc trên thế giới và cả trong nước quan tâm và lý giải, nhưng các câu trả lời được đưa ra là hết sức đa dạng, nhiều khi trái ngược lẫn nhau.
     Ở phương Đông thời kỳ cổ đại, Khổng Tử (551 -479 trước Công nguyên) – Nhà khai sáng của đạo Nho – cho rằng : Trong xã hội chỉ có những con người làm nhiệm vụ dạy dỗ, chăn dắt cai trị mới là cao quý, là quân tử; còn những người làm ruộng, đi buôn…đều là thấp hèn, là tiểu nhân. Tuy không phản đối việc làm giàu, song Khổng Tử chủ yếu cổ vũ cho tư tưởng an bần lạc đạo : “ thà ăn cơm thô, uống nước lã, co cánh tay mà gối đầu, lấy đó làm vui, chứ do bất nghĩa mà giàu sang thì sự giàu sang ấy ta coi như đám mây trôi n ổi”
  Về sau, Mạnh Tử (372 – 289 trước Công nguyên) – Người kế tục sự lỗi lạc của KhổngTử - đã đưa ra lời khẳng định dứt khoát: “ Làm điều nhân thì chẳng giàu, thì làm giàu thì chẳng có nhân ”. Khi đến yết kiến Lương Huệ Vương, Mạnh Tử đã khuyên nhà vua: “ Vua không nên nói lợi làm gì, chỉ có nhân nghĩa mà thôi ”.
  Trong hàng ngàn năm, tại những nước Đông Á chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng  Khổng – Mạnh , hầu hết những nhà Nho cũng chỉ nói đến việc làm giàu, chỉ nói đến điều nghĩa chứ không dám nói đến lợi. Ở Việt Nam, mặc dù dư luận rộng rãi trong nhân dân thừa nhận thương nghiệp là một nghề không thể thiếu để làm giàu, nhưng dưới con mắt của nhà Nho chính thống, nó luôn bị xếp vào bậc cuối cùng của thang giá trị nghề nghiệp trong xã hội.
   Trong khi đó, ở phương Tây, trước hết các nước xung quanh Địa Trung Hải và ở cả Trung Cận Đông thời cổ đại, việc kinh doanh buôn bán đã được đề cao. Trong bộ truyện Nghìn lẻ một đêm của văn học dân gian ả Rập, nhân vật lái buôn có mặt ở nhiều nơi và được xem là đáng kính.
   Đến cuối thế kỷ XVIII, khi chủ nghĩa tư bản đã ra đời ở các nước Tây âu, nhà kinh tế học cổ điển người Anh là Adam Smith ( 1723- 1790) đã lập luận rằng : “ Trong nền kinh tế thị trường, sự tác động qua lại của những động cơ vị kỷ giữa cá nhân con người được chuyển hóa thành kết quả bất ngờ nhất là sự hài hòa xã hội ”. Vì thế theo ông, “ Đừng tìm cách làm tốt, hãy để cho cái tốt xuất hiện như là sản phẩm phụ của sự ích kỷ ”
  Cũng như nhiều nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng kinh tế ở phương Tây sau này đã nhận xét: “ niềm tin của Smith về sự hài hòa tự phát [ trong xã hội do sự cọ xát của những động cơ vị kỷ trên thị trường – P.X.N] đã không hề được hiện thực chứng minh ”. Trong suốt thể kỷ XIX và cho đến cả ngày nay nữa, việc chạy theo lợi nhuận tối đa bằng bất cứ thủ đoạn nào của các nhà kinh doanh đã dẫn đến những cuộc khủng hoảng kinh tế chu kỳ, kéo theo những mâu thuẫn và xung đột xã hội sâu sắc, cùng nhiều hiện tượng suy đồi nghiêm trọng về văn hóa, đạo đức ngay các nước tư bản phát triển nhất.
   Trước thực tế đó, John Maynard Keynes (1883 – 1946) – Được xem là nhà kinh tế học có ảnh hưởng nhất trong thế giới tư bản từ những năm 30 đến những năm 70 của thế kỷ XX – khi bàn về kinh doanh nói trắng ra rằng: “ Tuy về lâu dài sẽ đến một lúc người ta đánh giá mục đích cao hơn phương tiện và thích các tốt hơn cái có lợi nhưng ít nhất 100 năm nữa…gian trá là có lợi, còn ngay th ẳng thì không. Tính tham lam, việc cho vay nặng lãi và sự phòng xa vẫn còn là các vị thần… Có thể dẫn dắt chúng ta từ đường hầm của sự cần thiết kinh tế ra ánh sáng”
   Dựa vào luận điểm nói trên của Keynes, nhiều nhà kinh tế học phương Tây còn giải thích một cách lạnh lùng. Thị trường là sự thể chế hóa của chủ nghĩa cá nhân, kể cả người bán và người mua đều không có trách nhiệm về bất cứ điều gì, trừ cái lợi của riêng mình.
   Nhưng rồi cùng với sự phát triển của Khoa học và Công nghệ, tạo điều kiện cho việc kiếm lời một cách văn minh không chỉ dựa trên trí tuệ mà còn dựa trên lương tri của con người, luận điểm của Keynes về hoạt động kinh doanh “ gian trá là có lợi, còn ngay thẳng thì không” đã bị những nhà tri thức tiến bộ ở chính các nước phương Tây phê phán, bác bỏ.
   Đầu những năm 70, Fritz Schumacheer – một nhà kinh tế học người Anh trong tác phẩm “ nhỏ là đẹp ” nổi tiếng của mình, đã viết “ Tôi cho rằng bây giờ đã đủ bằng cớ để chứng minh nhận định đó của [của Keynes – P.X.N] là sai theo ý nghĩa rất trực tiếp và thực tiễn. Nếu những thói xấu của con người như tham lam và dục vọng được nuôi dưỡng một cách có hệ thống thì hậu quả không tránh khỏi sẽ chẳng có gì khác ngoài sự sụt đổ của trí tuệ… Nếu tất cả xã hội có nhiều cái thói xấu đó. Tổng sản phẩm quốc dân có thể ra tăng nhanh chóng theo cách đánh giá của các nhà thống kê, nhưng không phải qua kinh nghiệm thực tế của nhân dân, vì họ thấy mình bị đè nén bởi tâm trạng thất vọng, sự tha hóa, sự bất an…ngày càng tăng. Theo ông, đã đến lúc trong kinh tế học , “Sự chân thật về tinh thần và đạo đức phải được chuyển vào vị trí trung tâm”.
    Cùng mạch suy nghĩ của Schumacher còn có một số nhà kinh tế học Âu – Mỹ khác như Aldous  Huxley, Paul Hawken, vv…Song, cho đến nay những luận điểm rất đáng trân trọng của họ chưa phải đã hoàn toàn thắng thế trong giới kinh tế học phương Tây.
   Trong khi đó, ở  Nhật Bản ngay từ thời Minh trị (1868 – 11912), học giả Shibusawa đã viết cuốn sách nhan đề : Luận ngữ và chiếc bàn tính để chứng minh: “ Người ta hoàn toàn có thể dùng chữ nhân của Nho giáo với việc kiếm lời trong kinh doanh đó thúc đẩy nền kinh tế quốc dân phát triển ”. Quan điểm của Shibusawa nhanh chóng được đông đảo giới nghiên cứu Nhật Bản – nơi vừa có điều kiện và yêu cầu phát triển mạnh về kinh tế, vừa có truyền thống tôn trọng đạo đức trong xã hội  - hưởng ứng
    Khác với tình hình nước Nhật trong cuộc cải cách Minh trị., tại Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX , việc kinh doanh công thương nghiệp vẫn bị kỳ thị, kìm hãm bởi triều đình phong kiến nhà Nguyễn độc tôn Nho giáo, song ở trong nước lúc bấy giờ cũng có một số nhà tri thức như Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ… tuy đều xuất  thân từ cửa Khổng sân Trình, nhưng đã nhạy cảm việc xu thế mới của thời đại và trở thành người đi tiên phong trong sự nhận thức về sự cần thiết phải mở mang kinh doanh buôn bán làm giàu cho đất nước, trong khi vẫn tôn trọng giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc.
   Chính Đặng Huy Trứ ( 1825 – 1874 ) đã tự vượt lên quan niệm cũ vốn có của mình xem nghề buôn là “ Mạt nghệ ” để đi đến khẳng định: “ Việc làm ra của cải là đạo lớn không thể coi thường”. Là người trực tiếp kiến nghị thành lập và được giao đứng đầu Ty Bình Chuẩn mở tại Hà Nội từ năm 1866 để lo việc kinh doanh buôn bán gây dựng tài chính cho quốc gia. Đặng Huy Trứ đã chủ trương kết hợp việc kiếm lời mà việc kinh doanh phải theo đuổi với “ đạo tâm ”  trong sáng mà người ấy phải luôn giữ gìn trong cân đo đong đếm, giao dịch bạn hàng với người mua .
   Gần như đồng thời với Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ (1830 – 1871) cũng cho rằng : “ mở rộng việc khai thác nguồn lợi… mở rộng đường thương mại để giàu có của cải ” Ông bài bác thái độ của nhiều nhà Nho đương thời vẫn khư khư bám vào luận điểm của Mạnh Tử đã trình bày với Lương Huệ Vương về nghĩa và lợi ; Đồng thời ông khẳng định : Việc mưu cầu tài lợi cho dân, cho nước một cách khôn khéo chính là “ nền tảng của nhân nghĩa ”.
  Từ những điều nói trên ta có thể thấy : Trải qua nhiều thế kỷ cả ở Phương Đông và phương Tây, đã có biết bao nhà tư tưởng, nhà kinh tế, nhà triết học… hao tâm, tổn chí để bàn về mối quan hệ giữa đạo đức và kinh tế, văn hóa và kinh doanh. Nhưng trong một thời gian dài trước kia, do hạn chế của các điều kiện lịch sử, hầu hết ý kiến đều cho rằng đạo đức và kinh tế, văn hóa và kinh doanh không chỉ là những lĩnh vực khác biệt mà còn đối lập nhau trong việc định hướng giá trị của các hành vi con người. Phải cho đến khoảng trên dưới một thế kỷ gần đây, trong những điều kiện mới của thời đại, những nhà tri thức sáng suốt của nhiều  dân tộc mới đi tới chỗ nhận thức ra khả năng kết hợp giữa việc làm giàu và việc làm điều nhân, giữa cái lợi và cái đẹp trong kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của mỗi quốc gia.
   Đó là một xu hướng tiến bộ trong quá trình phát triển tư duy kinh tế của loài người.
 
                                                        Trích lại từ Tạp chí “Truyền thống và phát triển”
 
 
 

John Maynard Keynes
 
 
 
Ông quan nổi tiếng thanh liêm Đặng Huy Trứ, người cổ vũ mạnh mẽ cho việc nhà nho phải biết thành thạo kinh doanh buôn bán.

Tác giả: GS Phạm Xuân Nam