19:49 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 475


Hôm nayHôm nay : 71448

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2903538

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 34239959

Trang nhất » Tin Tức » Văn uyển

Quang cao giua trang
top

Lan trì Ngư giả Vũ Trinh (1759-1828) CA KỸ HỌ NGUYỄN

Tác giả: - Thứ hai - 28/07/2014 11:15
Lan trì Ngư giả Vũ Trinh   (1759-1828) CA KỸ HỌ NGUYỄN

Lan trì Ngư giả Vũ Trinh (1759-1828) CA KỸ HỌ NGUYỄN

LTS : Vũ Trinh, tự Duy Chu, hiệu Lan Trì Ngư Giả, người huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh. Gia đình họ Vũ có truyền thống thi thư, 17 tuổi ông đã thi đỗ Hương tiến được tập ấm làm tri phủ phủ Quốc Oai.. Cuộc đời ông nổi chìm cùng những dâu bể của một thời loạn lạc. Ông nổi tiếng uyên thâm, văn chương hàm súc, trau chuốt. Tòa soạn xin gửi tới bạn đọc một chuyện của ông trích trong tập "Lan trì kiến văn lục".do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành.
Ông thượng thư Ôn quận công, họ Vũ, tên là Khâm Lân, người xã Ngọc Lặc, huyện Tứ Kỳ. Cha ông đỗ thi Hương. Ông sinh ra đã lĩnh ngộ khác thường, đọc sách, làm văn, chỉ dậy qua một lần là hiểu. Người mẹ đẻ ra ông vì có lỗi phải đuổi khỏi nhà. Mẹ kế ăn ở chẳng lành, bắt ông bỏ học đi chăn trâu.
Năm ông mười lăm, mười sáu tuổi, mẹ kế ông bắt ông học nghề, bắt phải cầy bừa, gánh phân, cuốc đất, còn mắng ông thậm tệ. Các thức ăn ngon, các đồ mặc đẹp, bà đều dành riêng cho con mình. Ông thì quần áo rách rưới, cơm hẩm cà thâm, rất ít khi được ăn no mặc ấm. Bố ông cũng không biết che chở cho ông. Ông không chịu nổi nỗi cực khổ nặng nề, liền bỏ trâu ngoài đồng rồi bỏ đi. Dọc đường, ông vừa đi, vừa xin ăn.

Được năm, sáu ngày, thì đến xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm. Ở đây, có một cử nhân mở lớp dậy học. Ông đến cửa xin ăn, và kể nỗi mồ côi đau khổ của mình. Ông cử hỏi ông đi học có biết làm thơ không. Ông trả lời là biết. Ông cử cho ông ngồi, đưa giấy bút ra, bảo ông làm bài thơ về non nước Cối Kê. Ông vung bút lập tức thành thơ, trong đó có hai câu luận như sau:
Tam sinh vị phan Gia Cát Lượng
Nhất khuông dĩ bốc Quản Di Ngô.
 
Ba bận chẳng hay Gia Cát Lượng
                           Giỏ rau đã chọn Quản Di Ngô
     Thơ trình lên. Ông cử xem, nức nở khen ngợi, liền cấp cho dầu đèn, cho theo học cùng với bọn học trò. Được hơn hai năm, việc học hành ngày càng tiến tới. Trong trường, không còn ai là đối thủ với ông được nữa.
    Mùa xuân năm ấy, trong làng vào đám rước thần. Mấy người bạn học rủ ông đi xem hội. Trai gái trong làng đều ăn mặc lộng lẫy, xinh tươi, chen chúc nhau xem hát. Riêng ông thì mặc áo bông cũ bẩn, dựa cột lén xem, chỉ sợ người khác thấy mình.
  Có một kĩ nữ mười bẩy, mười tám tuổi, nhan sắc xinh đẹp, tài nghệ tuyệt trần, mỗi khi lên sân khấu cất giọng ca thì người xem đều ngây ngất không sao tự kiềm chế nổi. Tiền và lụa thưởng rào rào ném lên đầy bàn. Lúc cô đang múa, ánh đèn chiếu qua góc đình, cô nhìn thấy ông, chăm chắm hồi lâu, bần thần như đánh mất vật gì, không sao hát hết bài được nữa. Người xem cho cô bị trúng cảm đột ngột, ai nấy đều không vui và giải tán. Ông cũng theo mọi người ra về.
   Hôm sau, vào lúc xế trưa, thấy người con gái ấy đến thẳng chỗ ông, an ủi và nói:
   “Anh hùng lưu lạc đến bước đường cùng cực này ư?”
Nói xong, cô lấy ra mười quan tiền, cùng mấy thứ ăn, mặc, đem tặng ông, rồi trân trọng từ biệt.

  Từ đó, cứ dăm ba tháng một lần cô lại đến chỗ ông ở, nhiều khi lưu lại ban đêm, may vá, nấu nướng không khác gì là người vợ.
   Lần đầu gặp cô gái, ông rất xúc động và kính trọng cô. Lâu ngày thành quen, biết cô gái yêu mình, ông bỗng dưng chớm nẩy lòng tà, lẻn tới chỗ cô gái xin ngủ. Cô gái nghiêm sắc mặt cự tuyệt và nói:
  “ Nếu thiếp dâm đãng, thì thiên hạ thiếu gì bọn đàn ông. Thiếp tự biết mình là con hát, sợ lấy phải người chẳng xứng đôi, nên cố tìm tòi trong chốn trần ai. Nếu may mà ngày sau chàng không nỡ phụ thì được chọn đời nương tựa. Còn xem nhau như là tuồng liễu ngõ hoa tường thì xin vĩnh biệt từ nay!”
  Ông nghe nói, hổ thẹn xin lỗi nàng. Từ đó, lại càng yêu kính trọng nàng hơn.
   Hơn năm sau, gặp kỳ thi Hội, ông sửa soạn hành trang định trở về quê. Cô gái đến tiễn, đưa tặng rất hậu. Lúc sắp chia tay, ông cầm tay cô nói:
  “ Chiếc thân lưu lạc, tứ cố vô thân. Chẳng ngờ giữa đường gặp gỡ, nhường áo sẻ cơm, cho tặng rất hậu. Trước nay chưa bao giờ dám đường đột. Nay sắp đến lúc biệt ly, xin được biết quê quán, họ tên để sau này biết chốn tìm nhau.”
   Cô gái thưa:
 “ Chàng không phụ thiếp, thiếp sẽ tự tìm đến chàng. Lỡ ra việc chẳng ra sao, chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Việc gì phải gặng hỏi nữa.”
  Trước đây, khi ông mới bỏ nhà ra đi, mẹ kế cho là đã nhổ được cái gai trước mắt, nỗi mừng lộ ra mặt. Cha ông vì bị vợ kiềm chế, cũng không dám đi tìm con, chỉ tìm hỏi những người quanh làng mà thôi. Tin tức về ông đã lâu không thấy, bố ông cũng coi như đã gửi thân nơi ngòi rãnh rồi. Nay bỗng thấy ông cưỡi ngựa trở về, hỏi đến học hành thấy đã tiến bước dài thì cảm thấy rất vui.
   Mùa thu năm ấy, ông thi ở huyện, ở phủ đều đỗ đầu. Thi Hương, thi Tỉnh cũng đứng thứ nhất. Cha ông bàn việc hôn nhân, định hỏi con nhà thế gia cho ông. Ông cố từ chối, kể hết thực tình cho cha nghe, và xin được lấy người con gái ấy.
   Người cha nổi dậy, mắng ông. “Đứa con ngỗ nghịch kia, vừa biết tự lập, liền không vâng lời cha, tự ý quyết định. Nhà ta không chứa loại đàn bà giang hồ.”
   Ông bất đắc dĩ phải nghe lời cha.
   Năm sau, ông đi thi Hội, thấy cô gái đem lễ tặng rất hậu tới đợi  chỗ trọ ở Kinh đô. Lân ngượng không biết nói gì thì cô gái nói:
   “Thiếp biết cả rồi, chẳng cần chàng nói. Tiền trinh của chàng còn xa muôn dặm, thiếp hàn hạ không xứng hầu hạ khăn lược cho chàng. Đó là số phận của thiếp.”
  Từ đó, ông không bao giờ gặp lại cô gái nữa.
  Sau ông thi đỗ, vào làm trong Viện Các, phụng mệnh đi sứ phương Bắc, làm quan trong kinh ngoài trấn trải hơn mười năm. Bấy giờ ở Hải Dương có loạn giặc Cầu. Triều đình thấy ông là người Hải Dương, hiểu rõ tình hình giặc, sai ông đem quân đi đánh dẹp. Dẹp giặc xong, vì có công, ông được phong quận công, coi việc ở đài ngự sử. Mấy năm sau được thăng làm Tể tướng, vẻ vang ân sủng, hiển hách không ai bằng.

    Mỗi khi kể chuyện đã qua, ông lại than thở buồn rầu tự trách mình. Ông đã sai người đi tìm chỗ ở cô gái, nhưng vẫn không tìm được.
   Sau ông đến nhà quý thích Đặng Hầu. Trên chiếu hát, thấy một người ấn phát, trông giống cô gái khi xưa. Hỏi ra thì đúng là cô kĩ nữ khi xưa. Dẫu phong trần dầu dãi, nhưng tài hoa vẫn còn. Ông hỏi thăm những năm tháng đã qua của cô, thì được biết mười năm trước cô lấy một viên quan võ, ở trấn Thái Nguyên. Khi viên này chết, không biết đi đâu, còn một ít tư trang, tìm về quê cũ. Gặp đứa em chẳng ra gì, phá tan sạch cơ nghiệp, cô đành dắt mẹ già lưu lạc trong thành Trường An, dựa vào các nhà quyền thế, đàn hát kiếm miếng qua ngày. Nghe xong, ông không sao nén nổi thương xót, bèn đón cả hai mẹ con về một nơi ở riêng, chu cấp đầy đủ.
   Hơn một năm sau, mẹ cô gái mất. Ông lo chôn cất chu đáo. Tang ma cho mẹ xong, cô gái từ biệt ra đi, ông giữ lại không được, hậu tặng tiền bạc, cô cũng không nhận. Ông ép cô, thì cô nói:
  “ Thiếp không có phúc để làm vợ chàng thì những tiền bạc này đâu có phúc tiêu mà nhận!”
   Cô gái này là người huyện Chương Đức, xứ Sơn Nam
 
Lan Trì Ngư Giả bàn rằng:
 
  Trái tim kiên trinh, khí tiết hào hiệp, con mắt tinh đời, cô gái trên đây đều có cả. Vô luận là trong đám quần thoa hay bậc mày râu cũng không có nhiều. Lưu lạc đến thế thì thực là cùng cực rồi. Phải chăng những người tài mỹ kiêm toàn thì dẫu là con gái cũng bị con tạo ghen ghét?
Tổng số điểm của bài viết là: 273 trong 58 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất