19:53 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 493

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 491


Hôm nayHôm nay : 71859

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2903949

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 34240370

Trang nhất » Tin Tức » Văn uyển » Văn học & Nghệ thuật

Quang cao giua trang
top

Luân lý vấn đáp

Tác giả: Phan Bội Châu - Thứ năm - 02/10/2014 16:16
Cụ Phan Bội Châu

Cụ Phan Bội Châu

Lời Tòa soạn:: Phan Bội Châu, hiệu là Sào Nam, sinh ngày 26/12/1867 ở làng Đan Nhiệm xã Xuân Hoà, huyện Nam đàn, tỉnh Nghệ an. Cụ là nhà yêu nước, nhà cách mạng lớn của thế kỷ xx, người khởi xướng phong trào Đông du. Hãy đọc dưới đây những lời cụ giảng giải cho thanh niên, dưới hình thức hỏi và đáp của cụ về tổ quốc, dân tộc và lòng yêu nước. Lời văn thật bình dị, dễ hiểu mà sâu sắc, đầy cảm xúc của Phan Bội Châu, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.




BÀI THỨ NHẤT  
I — Trò là người nước nào?
II — Thưa, tôi là người nước Nam.
I — Tên nước Nam kêu bằng gì?
II — Thưa, kêu bằng nước Việt Nam.
I — Vì sao mà kêu rằng Việt Nam?
II — Thưa, vì tên nước ta thuở xưa kêu rằng Việt Thường, sau lại kêu An Nam; bây giờ mới góp hết hai tên cũ mà kêu rằng Việt Nam.
I — Trò đã là người Việt Nam thì nước Việt Nam là chi của trò?
II — Thưa, là bào thai mẹ tôi đẻ ra tôi.
I - Vậy thời, trò đặng kêu nước Việt Nam bằng chi?
II — Thưa, kêu bằng “ Nước mẹ”.

BÀI THỨ HAI
I — Trò ở trong nhà, thương yêu kính trọng ai?
II — Thưa, thương yêu kính trọng cha tôi, mẹ tôi.
I — Còn ai nữa?
II — Thưa, anh em tôi, chị em tôi.
I — Trò tới nhà trường thương yêu kính trọng ai?
II — Thưa, thương yêu kính trọng thầy dạy với bạn học.
I - Vậy thời có ai đáng thương yêu kính trọng hơn cha mẹ, anh em, thầy bạn nữa không?
II — Thưa có, thứ nhất đáng thương yêu kính trọng hơn là nước Việt Nam.
I — Vì sao mà nước Việt Nam đáng thương yêu kính trọng thứ nhất?
II — Thưa, bởi vì có nước Việt Nam mới có cha mẹ, anh em, chị em, thầy và bạn tôi. Nếu không có nước Việt Nam thời cha mẹ tôi, anh em tôi, chị em tôi, thầy bạn tôi tất là không có cả.

BÀI THỨ BA
I -  Những người dân nước Việt Nam là chi của trò?
II — Thưa, hết thảy là anh em, chị em tôi.
I - Vậy thời trò nên kêu người Việt Nam bằng gì?
II — Thưa, đáng kêu bằng đồng bào.
I - Đồng bào là nghĩa làm sao?
II — Thưa, là chung ở trong một bào thai mẹ.
I - Cớ sao những người Việt Nam mà lại kêu là đồng bào của trò được?
II — Thưa, là vì nước Việt Nam là một bào thai mẹ rất lớn, mà những người Việt Nam rặt là ở trong bào thai mẹ đó đẻ ra; vậy thời những người Việt Nam chẳng phải là đồng bào tôi hay sao?
I - Vậy thì đồng bào trò có bao nhiêu người?
II — Thưa, có hai mươi lăm triệu người.
I — Sao nhiều vậy?
II — Thưa, là vì những người nước Việt Nam hết thảy trai gái già trẻ có hai mươi lăm triệu.

BÀI THỨ TƯ
I — Trò ở với đồng bào trò nên làm sao?
II — Thưa, nên thương yêu nhau hết sức.
I — Thương yêu đồng bào trò thì nên làm sao?
II — Thưa, nên bênh vực nhau hết sức, hễ đồng bào tôi sung sướng thì tôi lấy làm vui vẻ, hễ đồng bào tôi khổ cực thì tôi lấy làm đau đớn.
I - Nếu trò không thương đồng bào có thiệt hại gì đến trò không?
II — Thưa có, thiệt hại lắm. Chẳng những thiệt hại mà thôi, mà còn đến nỗi nòi giống tôi tuyệt hết.
I - Cớ sao vậy? Nòi giống dân trong một nước có lẽ nào tuyệt được? E trò nói vơ chăng?
II — Thưa, nói vậy là không phải nói vơ đâu; bởi vì  đồng bào ta không thương yêu nhau thời tất nghi ngờ nhau, ghét bỏ nhau rồi tất có một hạng người nòi giống khác nó nhân đó mà ăn hiếp đồng bào ta; vả lại có khi nó mượn dao đồng bào ta để giết đồng bào ta. Nòi giống khác ngày càng mạnh thêm, thời nòi giống ta ngày càng hèn yếu, cuối cùng chắc là nòi giống ta tuyệt hết.

BÀI THỨ NĂM
I -  Tất cả người trong thế giới này có mấy loài?
II — Thưa, có năm loài: 1. Loài người sắc trắng, 2. Loài người sắc vàng, 3. Loài người sắc hồng, 5. Loài người sắc mun.
I - Người Việt Nam ta thuộc về loài gì?
II — Thưa, nòi giống ta thuộc về loài sắc vàng.
I — Nòi giống ta có thể thành ra một dân tộc không?
II — Thưa vẫn thành được một dân tộc.
I — Có lấy gì làm chứng cớ không?
II — Thưa có, chứng cớ là vào trong lịch sử: Từ đời Hồng Bàng Thị, Lạc Long Quân thì đã có nòi giống ta. Trải hơn hai ngàn năm đến đời Đinh, Lý, Trần, Lê thời nòi giống ta ngày càng đông đúc. Khi đầu ở Bắc Kì mà sau tràn vào đến Trung Kì, lại tràn vào Nam Kì nữa. Trót bốn ngàn năm vẫn không bao giờ nòi giống khác lấn ép được, mà lại có sức đủ chinh phục nòi giống khác nữa... coi đó thì nòi giống Việt Nam ta chẳng phải là một dân tộc hay sao? Chẳng phải là một dân tộc to lớn hay sao?

BÀI THỨ MƯỜI HAI
I — Nghĩa vụ chung của các trò nên làm sao?
II — Thưa, nên làm sao cho xứng đáng một người dân nước Nam, là bởi vì nghĩa vụ quốc dân là nghĩa vụ chung của chúng tôi.
I - Muốn cho xứng đáng một người dân nước Nam thì nên làm sao?
II — Thưa, nên hết sức trung thành với việc nước.
I — Trung thành với việc nước có lẽ một hai người làm được không?
II — Thưa, việc nước là việc chung không thể một hai người làm nên được.
I - Cứ như trò nói thì việc nước tất phải hết thảy mọi người làm mới nên được sao? Nhưng có người tài hèn sức mọn không đủ làm việc lớn, thì phải làm sao?
II — Thưa, việc đó không lo gì, miễn có lòng trung thành với việc nước, tuỳ tài tuỳ sức, ai nấy cũng là gánh được một phần.
I — Tài sức mỗi người khác nhau, thì có cách gì mà chung nhau làm việc nước được.
II — Thưa có, tài sức khác nhau mặc lòng, cốt ở đồng tâm, muôn ngàn người đồng lòng, thì việc khó mấy cũng làm nên.
I — Cái dây đồng tâm đó có phép gì mà thắt chặt lại được không?
II — Thưa có hai lẽ, một là người nào người nấy ai cũng biết rằng chung một nòi giống thời hoạ phước chung với nhau, hai là người nào người nấy ai cũng biết rằng chung một địa vị thì vinh nhục chung với nhau. Đã biết rõ ràng như vậy, thì đồng tâm cũng dễ lắm./.

Tác giả: Phan Bội Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất