Ông Nguyễn Văn Vĩnh
Ông là Nguyễn Văn Vĩnh, con người mà cuộc đời vừa uyên thâm vừa lãng mạn, đầy những giông gió đã là tâm điểm của những cuộc luận bàn, khen chê một thời.
Người ta có thể gọi ông là học giả, nhà văn hóa, nhà biên dịch, nhà báo, nhà ngôn ngữ học, nhưng đồng hành cùng với ngần ấy danh hiệu ông vẫn là một nhà cách tân hàng đầu ở Việt Nam thế kỷ trước.
Đứng vững trên nền tảng của văn hóa Việt, hiểu biết sâu sắc về con người và xã hội Việt Nam ông chuyển sang nghiên cứu sâu sắc về con người và văn hóa Pháp, với mong muốn tìm một hướng để canh tân đất nước. Tiếp thu được những tinh hoa văn hóa gắn liền với tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của cách mạng Pháp 1789, ông phân biệt rõ đất nước Pháp văn minh với chủ nghĩa thực dân Pháp xấu xa. Ông tuyển dịch và giới thiệu những tác phẩm hay và tiến bộ nhất của nước Pháp sang chữ quốc ngữ, dịch văn thơ truyền thống Việt sang tiếng Pháp. Bất hợp tác với chính quyền thực dân và truyền bá tư tưởng tiến bộ, ông đã phản kháng chế độ thực dân bằng chính vũ khí nhân đạo của văn hóa Pháp, chối bỏ mọi quyền lợi, địa vị, danh vọng mà người Pháp trao tặng.
Nguyễn Văn Vĩnh là người thổi hồn cho chữ quốc ngữ với quan điểm nổi tiếng về người Việt phải có chữ viết của riêng mình, chữ viết đó sẽ là cơ sở cho một cuộc cách mạng trong tư duy mới, mở rộng đường để người Việt thoát khỏi mọi sự cổ hủ, lạc hậu, hướng về tương lai.
Trải gần ba trăm năm chìm nổi, kể từ khi giáo sĩ Alexandre de Rhodes nghiên cứu và tìm phương cách la tinh hóa tiếng Việt, phải mãi đến thế hệ của những học giả như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Phạm Quỳnh, chữ quốc ngữ mới có được chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử văn hóa và văn minh Việt.
Cuộc đời của Nguyễn Văn Vĩnh là một huyền thoại. Ông xứng đáng có được một trong những vị trí trang trọng hàng đầu trong lịch sử văn hóa Việt.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tadri.org là vi phạm bản quyền