01:38 ICT Thứ sáu, 20/09/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 586

Máy chủ tìm kiếm : 11

Khách viếng thăm : 575


Hôm nayHôm nay : 13094

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2570641

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 57989682

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển

Quang cao giua trang
top

Về những dấu ấn kiến trúc đô thị Pháp trong di sản văn hóa Việt Nam

Tác giả: PGS-TS Đặng Văn Bài - Thứ ba - 11/11/2014 10:03
*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

Di sản văn hóa Việt Nam - Thống nhất trong đa dạng
Các nhà khoa học đã tương đối thống nhất về đặc trưng trong di sản văn hóa Việt Nam. Đó là: sự thống nhất trong đa dạng. Có thể diễn giải đặc trưng đó ở các khía cạnh dưới đây:
- Đa dạng văn hóa thể hiện qua các đặc điểm văn hóa vùng miền và địa phương trong cả nước.
- Đa dạng văn hóa trong kho tàng di sản văn hóa của 54 dân tộc anh em cùng cộng sinh hàng ngàn năm qua trên mảnh đất hình chữ S từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái.
- Đa dạng văn hóa trong quá trình tiếp thu và Việt Nam hóa/bản địa hóa các yếu tố văn hóa ngoại sinh (Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Hoa, Pháp, Liên Xô cũ và Mỹ v.v…).
Về ảnh hưởng của văn hóa Pháp
Từ quan điểm tiếp cận nêu trên ta thấy, văn hóa Pháp cũng như văn hóa phương Tây đã có ảnh hưởng không nhỏ tới việc hình thành sự thống nhất trong đa dạng văn hóa của Việt Nam.
Thứ nhất, có thể coi ảnh hưởng văn hóa Pháp là nhịp cầu giúp Việt Nam tiếp xúc với văn minh phương Tây, tạo cơ sở văn hóa – tư tưởng để tiếp tục thực hiện tiến trình giải Hoa hóa sau ngàn năm Bắc thuộc.
Thứ hai, các văn bản thỏa thuận pháp lý ký kết giữa Pháp và triều đình Mãn Thanh về phân định ranh giới lãnh thỗ và lãnh hải của Việt Nam với Trung Hoa, Lào, Cămpuchia hiện vẫn đang là hiệu lực pháp lý để chúng ta tiếp tục đấu tranh, xác lập lại chủ quyền trên bộ và trên biển với Trung Quốc và các nước láng giềng khác.
Thứ ba, cùng với tiếng Việt, chữ quốc ngữ do các nhà truyền giáo phương Tây và Pháp la tinh hóa đang là “công cụ văn hóa” đặc dụng giúp chúng ta khẳng định bản sắc văn hóa Việt và giao lưu, hội nhập quốc tế.
Thứ tư, hệ thống giáo dục do người Pháp đưa vào Việt Nam đã góp phần đào tạo được tầng lớp trí thức “tây học” mà nhiều người sau này trở thành những trí thức yêu nước, tham gia cách mạng và có công đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Hệ thống giáo dục đó đã mang lại nhiều yếu tố văn hóa mới (vượt trội so với Nho học) trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội (văn học, nghệ thuật, hội họa, sân khấu điện ảnh, âm nhạc, kiến trúc, v.v…).
Thứ năm, ảnh hưởng văn hóa Pháp và các nước phương Tây khác góp phần không nhỏ vào việc hình thành nếp sống, lối sống văn minh đô thị/nếp sống công nghiệp là yếu tố rất cần thiết cho Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Có thể coi, tính thống nhất trong đa dạng văn hóa là bằng chứng thuyết phục về sức sống văn hóa Việt qua ngàn năm lịch sử. Chúng ta đã biết chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của các nước mà Việt Nam có quan hệ để làm giàu kho tàng di sản văn hóa của mình, đồng thời, vẫn bảo lưu được bản sắc văn hóa dân tộc. Cũng nhờ có tinh thần khoan dung văn hóa mà ở Việt Nam, về cơ bản, không có hiện tượng xung đột về sắc tộc, tôn giáo và văn hóa là một trong những nhân tố đã gây ra những thảm họa xã hội ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Xác định lại thái độ
Việc tiếp biến với văn hóa Pháp và phương Tây, dù dưới hình thức nào (áp đặt bằng họng súng thực dân hay tự giác chọn lọc để bản địa hóa các yếu tố văn hóa ngoại sinh), cũng thể hiện xu thế chung là mong muốn thoát khỏi ảnh hưởng của nho giáo để vươn tới hội nhập quốc tế một cách toàn diện và sâu rộng. Thành tựu kinh tế - xã hội mà các nước trong khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…) đã đạt được là bằng chứng thuyết phục về xu thế phát triển chung mà chúng ta cần kiên định đi theo.
Những nội dung trình bày ở trên đặt ra vấn đề phải xác định lại thái độ ứng xử văn hóa đối với các yếu tố văn hóa Pháp cũng như phương Tây đang hiện hữu ở Việt Nam như là một bộ phận cấu thành kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Hướng chủ đạo phải theo đuổi là: tiếp tục xem xét, loại bỏ, khắc phục những yếu tố đã trở nên lạc hậu, không phù hợp với phong tục, tập quán của dân tộc, đồng thời bảo tồn và phát huy những tinh hoa văn hóa (dù chúng có nguồn gốc xuất xứ từ đâu) nhằm phục vụ tích cực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế.
Kiến trúc đô thị kiểu Pháp trong di sản văn hóa Việt
Trong quỹ di sản kiến trúc của mỗi quốc gia dân tộc, đô thị bao giờ cũng là một trong những thành tựu kiến trúc/văn hóa lớn lao nhất chứa đựng nhiều mặt giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và khoa học kĩ thuật.
Đô thị là một chuỗi không gian nhân tạo hay một tổ hợp không gian sống đa chức năng, trong đó có sự kết hợp hài hòa giữa môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo do con người thiết lập ra nhằm đáp ứng nhu cầu sinh tồn và phát triển kinh tế - xã hội của các cộng đồng cư dân đô thị. Hình thái kiến trúc đô thị thể hiện thái độ ứng xử văn hóa của các dân tộc đối với môi trường cảnh quan thiên nhiên, mà biểu hiện cụ thể nhất của thái độ ứng xử văn hóa đó là ý tưởng quy hoạch phát triển đô thị.
Người Pháp đã để lại dấu ấn văn hóa rõ nét nhất trong quá trình hình thành hệ thống đô thị của Việt nam nói chung và thành phố Hà Nội với tư cách là thủ phủ của xứ Đông Dương nói riêng.
Những địa điểm mà người Pháp đã lựa chọn và quy hoạch xây dựng các thành phố và tỉnh lỵ các địa phương là các khu vực có nhiều ưu thế về các điều kiện tự nhiên cũng như văn hóa gần sông, gần biển tiện lợi cho việc giao thương trong nước và quốc tế. Các khu nghỉ mát lý tưởng của Việt Nam (Đà Lạt, Tam Đảo, Vũng Tàu, Nha Trang, v.v…) phần lớn đều do người Pháp phát hiện, lựa chọn và quy hoạch trước đây.
Đánh giá di sản kiến trúc Pháp
Các nhà nghiên cứu đẫ coi kiến trúc thuộc địa Pháp như là “khớp nối” chuyển tiếp của kiến trúc Việt Nam từ truyền thống sang hiện đại, hoặc có thể nói “người Pháp đã đặt nền móng cho cuộc cách mạng về kiến trúc và xây dựng ở Việt Nam”. Sự biến đổi cơ bản đó được biểu hiện cụ thể ở một số mặt sau đây:
- Trong ý tưởng quy hoạch ban đầu phát triển thành phố Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác của Việt Nam dưới thời thuộc Pháp, ta thấy nổi bật hai yếu tố là: Một tòa thành phòng thủ kiểu Vauban và hệ thống mạng đường phố ô bàn cờ. Riêng với Hà Nội cần phải kể tới hệ thống 36 phố phường trong khu phố cổ (nay đã thành di sản văn hóa quốc gia).
- Lần đầu tiên các đô thị và công trình kiến trúc đơn lẻ được xây dựng trên cơ sở những ý tưởng quy hoạch tổng thể ban đầu cũng như các bản vẽ thiết kế kiến trúc do những kiến trúc sư chuyên nghiệp phác thảo ra mà định hướng cơ bản là xây dựng thành phố vườn kiểu phương Đông (đường phố cây xanh, nhà vườn biệt thự kiểu Pháp…).
- Trong các đô thị có hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo kiểu hiện đại phương Tây như: Đường giao thông lớn trồng các loại cây xanh đặc chủng cho xe cộ, hè đường rộng cho người đi bộ, hệ thống cấp thoát nước và điện chiếu sáng trước đây chưa hề có ở Việt Nam…
- Cơ cấu không gian kiến trúc đô thị hiện đại bao gồm các phân khu chức năng rất cụ thể: Trung tâm chính trị, hành chính và công sở, trung tâm thương mại buôn bán sầm uất, khu thị dân, khu công nghiệp và các không gian xanh công cộng như công viên, vườn hoa, tượng tài ngoài trời.
- Đặc biệt phải kể đến việc sử dụng các loại vật liệu xây dựng mới (bê tông, cốt sắt, dầm sắt) cho phép xây dựng các dạng kiến trúc hiện đại với khẩu độ không gian lớn hơn rất nhiều so với kiến trúc của các triều đại phong kiến trước đây. Có thể dẫn ra một số công trình tiêu biểu như Phủ toàn quyền Đông Dương, Nhà hát Lớn thành phố, Nhà thờ lớn, cầu Long Biên…
Thành công lớn của các kiến trúc sư Pháp là ở chỗ họ đã đưa ra những ý tưởng quy hoạch phát triển đô thị và kiến trúc thích hợp để bản địa hóa các công trình kiến trúc kiểu phương Tây, tạo lập sự hài hòa giữa văn hóa Đông – Tây, giữa các yếu tố bản địa và chính quốc trong hệ thống các đô thị Việt Nam mà điển hình nhất là hai đô thị tiêu biểu như Hà Nội và Đà Lạt chẳng hạn. Đó cũng là lý do khiến chúng ta ngày nay phải nhìn nhận lại kiến trúc giai đoạn thuộc địa Pháp như một bộ phận cấu thành quỹ di sản kiến trúc Việt Nam.
Kết luận
Giai đoạn đầu của sự phát triển đô thị Hà Nội đã mang dấu ấn kiến trúc mà có thời chúng ta gọi là “kiến trúc thuộc địa Pháp” ở Việt Nam. Trước đây, do cứng nhắc về mặt nhận thức, chúng ta quen gán tất cả những gì liên quan tới thời kỳ thuộc Pháp là xâm lước, bóc lột, nô dịch mà lãng quên hoặc đánh giá thấp giá trị văn hóa nghệ thuật của các sản phẩm ra đời vào giai đoạn đó.
Tuy nhiên dưới góc độ văn hóa và di sản văn hóa, có thể nói, về bản chất thì những di sản kiến trúc Pháp tại Việt Nam chính là biểu hiện của sự giao thoa văn hóa Đông – Tây và là phần bổ sung vào quỹ di sản kiến trúc của thủ đô Hà Nội ngày nay. Do vậy chúng ta cũng cần nhìn nhận nó với một thái độ trân trọng giống như đối với tất cả các di sản văn hóa vô giá khác.

Tác giả: PGS-TS Đặng Văn Bài

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất