04:58 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 228


Hôm nayHôm nay : 16885

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2848975

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 34185396

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển

Quang cao giua trang
top

Ngọn gió Nam thổi mát lòng dân tộc

Tác giả: Hà Phương Thiện - Thứ tư - 03/09/2014 10:46
Ngọn gió Nam thổi mát lòng dân tộc

Ngọn gió Nam thổi mát lòng dân tộc

Nam Phong là một trong những tạp chí đương thời đặt mục đích truyền bá chữ quốc ngữ cho đồng bào và góp phần phát triển tiếng Việt thành một ngôn ngữ phong phú và hiện đại
 
 
Năm 1917, Nam Phong Tạp chí ra đời, do Phạm Quỳnh làm Chủ bút kiêm chủ biên phần Quốc ngữ và Pháp văn, Nguyễn Bá Trác làm chủ biên phần Hán văn.
Trong 17 năm (1917-1934), Nam Phong Tạp chí xuất bản được 210 số, với khoảng 35.000 trang chữ Quốc ngữ, Pháp ngữ và chữ Nho. Nam Phong là một kho tài liệu quí giá về nhiều mặt, bởi đã đề cập đến các lĩnh vực văn hoá phương Đông và Việt Nam giữa lúc nền văn minh cơ khí và văn hoá phương Tây tràn vào Đông Dương. Nam Phong Tạp chí còn có giá trị lịch sử lớn vì là diễn đàn của giới sĩ phu trong một thời kỳ đen tối của vận nước, gắng sức giữ gìn những giá trị văn hóa của phương Đông và tìm cho nhân dân Việt Nam “một con đường sáng sủa trong đó nền nhân bản của dân tộc được bảo tồn và phát huy”.
Với vai trò Chủ bút, qua mấy thời kỳ cải cách, học giả Phạm Quỳnh đã khéo léo dần chuyển nội dung của tạp chí hướng về học thuật, tìm hiểu các nền văn hoá Đông Tây, đặc biệt là văn hoá Việt Nam, với mục đích nâng cao dân trí và dân khí. Để thực hiện mục đích đó, Nam Phong đã tập trung mở mang kiến thức, giới thiệu các tư tưởng, học thuật của Pháp, truyền bá các môn khoa học tiên tiến của Phương Tây, đồng thời, tinh thần giữ gìn đạo đức, bảo tồn quốc hồn, quốc túy trong quốc dân đồng bào luôn được coi trọng và tinh tế lồng ghép vào từng bài, từng mục của Nam Phong. Xuất bản mỗi tháng một kỳ, khổ A4, khoảng 100 trang, các bài viết của tạp chí được trình bày làm 2 cột với các hoa văn, họa tiết khá đẹp. Với nội dung phong phú, bài viết nghiêm cẩn, thiên về biên khảo văn học, lịch sử, khoa học, triết học, tiểu thuyết dịch thuật từ tiếng Pháp, các thông tin về chính trị, xã hội trong nước và quốc tế, nhất là mảng văn thơ Hán Nôm được đăng tải đều đặn, Nam Phong không chỉ mang những kiến thức về các tư tưởng, học thuật Âu - Á cho người không biết tiếng Pháp hoặc chữ Nho, trở thành tờ tạp chí có nhiều thông tin hữu ích so với các báo, tạp chí đương thời, mà còn thực hiện được mục đích truyền bá chữ quốc ngữ cho đông đảo người dân Việt, góp phần không nhỏ phát triển tiếng Việt thành một ngôn ngữ so sánh được với tiếng Pháp và tiếng Hán.
Mục đích chính là cổ súy cho chữ quốc ngữ, nhưng chính việc dùng thứ chữ viết tiện dụng đó để phổ biến khoa học, văn hóa phương Tây và bảo tồn văn hóa Việt đã thể hiện sự trân trọng di sản văn hóa dân tộc của Nam Phong. Thơ văn Hán Nôm giữ một vị trí quan trọng trong nền văn học dân tộc nên được Nam Phong đặc biệt chú ý. Công cuộc “quốc ngữ hóa” cái vốn liếng tiền nhân, sao lục các trước tác tiên Nho, giới thiệu những áng văn Hán và Nôm lịch triều, bình giải những danh tác cổ văn... luôn được Nam Phong chăm chút và dành cho vị trí trang trọng trên các trang tạp chí. Hầu hết các tác giả tiêu biểu của văn học cổ Việt Nam đã được Nam Phong sưu tầm, dịch và giới thiệu như: Mãn Giác, Không Lộ, Lý Thái Tông, Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trung Ngạn, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Nguyễn Phi Khanh, Đặng Dung, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Công Trứ… với những tác phẩm tiêu biểu của các ông, đã hiện diện trên các số tạp chí là thành công lớn của Nam Phong. Bên cạnh những áng thơ Đường được dịch, có mặt trên Nam Phong còn là các truyện Nôm khuyết danh Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa... Nam Phong còn có công sưu tầm, giới thiệu những tác phẩm hiếm, khó tìm, đáng chú ý là “Bạch vân chiếu xuân hải phú”, một tác phẩm được sáng tác trong thời kỳ Bắc thuộc của Khương Công Phụ, đăng tải trên Nam Phong số 83 năm 1924.
Lịch sử đã chứng minh tạp chí Nam Phong có nhiều đóng góp tích cực cho nền văn hóa và văn học Việt Nam. Với 210 số Tạp chí, mỗi số đều có phần chữ quốc ngữ, phần chữ Hán và phần chữ Pháp riêng biệt, đăng tải những nội dung được độc giả quan tâm. Không chỉ có nhiều bài nghiên cứu về  Truyện Kiều của Nguyễn Du, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, thơ của Trần Khánh Dư, Lê Thánh Tông, Bà huyện Thanh Quan, Nam Phong còn bàn về thơ Nôm, câu đối Nôm, nghiên cứu lịch sử, khảo cứu về phong tục, đất đai, thổ sản, các di tích, danh lam thắng cảnh trên khắp đất nước, rồi luận về giáo dục, khoa cử với những tư liệu thú vị và sinh động. Đặc biệt Nam Phong đăng tải nhiều công trình nghiên cứu công phu về lịch sử dân tộc từ Đông Sơn đến thời kỳ Bắc thuộc; về các triều đại nhà Lê, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn; về các nhân vật lịch sử Ngô Quyền, Lý Nhân Tông, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Hồ Quý Ly, Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Nguyễn Huệ, Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Trường Tộ… Nội dung phong phú của Nam Phong còn được tạo nên bởi rất nhiều vấn đề khác đề cập đến trong tạp chí. Người đọc có thể tìm thấy trên những trang báo của Nam Phong những kiến thức về tôn giáo, luật hình, lễ nghi, y học, nghề đàn, lịch, lăng tẩm, lệ cống Trung Quốc, lịch sử và phong tục các nước Ấn Độ, Nhật Bản… Tạp chí Nam Phong thực sự là một địa chỉ cung cấp những kiến thức khoa học cơ bản, những tư liệu quý về khoa học xã hội và nhân văn, và về nhiều lĩnh vực khoa học khác.
Trải qua nhiều thập kỷ, những công trình nghiên cứu đã được đăng tải trên Nam Phong vẫn giữ nguyên giá trị. Không chỉ với lĩnh vực nghiên cứu Văn học, nhiều ngành khoa học xã hội khác như Sử học, Triết học, Dân tộc học, Xã hội học… đều có thể khai thác ở tạp chí này những tư liệu và thông tin hữu ích. Để phục vụ các nhà nghiên cứu, năm 1989, phòng Thông tin - Tư liệu - Thư viện thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã hoàn thành tập Thư mục các bài viết trên tạp chí Nam Phong có liên quan đến tác giả, tác phẩm Hán Nôm. Bộ sách Thơ văn Lý Trần gồm 3 tập được Viện Văn học tổ chức biên soạn trong gần 40 năm cũng tham khảo và sử dụng nhiều bản dịch thơ văn được công bố trên các số báo Nam Phong.
 Vai trò chấn hưng dân trí, dân khí của Nam Phong đã được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định. Thiếu Sơn, nhà phê bình nổi tiếng đương thời đã viết: “Nhiều người không biết văn Tây văn Tàu có thể chỉ nhờ đọc Nam Phong mà có được cái trí thức phổ thông về văn chương học thuật Đông Tây” (4). Vũ Ngọc Phan trong bộ sách “Nhà văn hiện đại” coi tạp chí Nam Phong như một thứ “Bách khoa toàn thư” và kết luận rằng, “trong lịch sử văn học hiện đại không thể nào quên được tờ Nam Phong”(6). Từ một tờ báo được lập ra nhằm mục đích phục vụ chính sách cai trị của thực dân Pháp trở thành tờ báo thực hiện đắc lực vai trò chấn hưng dân trí, dân khí, công đầu thuộc về Chủ bút Phạm Quỳnh, một học giả yêu nước và tài năng. Con người “khổng lồ, trí tuệ uyên thâm” ấy “là một nhân cách văn hóa lớn, một người tha thiết yêu dân tộc, ưu tư cho sự phát triển của dân tộc”(1). Niềm yêu tha thiết ấy luôn thể hiện trong các bài viết của ông, trong quan niệm về vai trò của người làm báo - những người theo đuổi “cái nghề khua chuông gõ mõ trong quốc dân, đem những lời hay lẽ phải mà bàn bạc với đồng bào, mong gây lấy một mối tư tưởng cảm tình chung, mưu cho nước nhà, giống nhà sau này được cường mạnh vẻ vang”(5). “Hiểu sâu sắc văn hóa phương Đông, tự học mà chiếm lĩnh văn hóa phương Tây rất cơ bản”(3) nên các bài viết của ông, dù được viết bằng tiếng Việt hay tiếng Pháp, luôn là những trang viết giá trị. Theo nhà văn Nguyên Ngọc, “Phạm Quỳnh là một trong những người Việt viết tiếng Pháp hay nhất, một thứ tiếng Pháp trong sáng, sang trọng, trang nhã và đầy âm vang”(1). Các tiểu luận bằng tiếng Pháp cùng những trước tác bằng tiếng Việt của con người có “vốn tri thức uyên thâm về văn hóa và văn minh không chỉ của Pháp mà còn của cả phương Tây cổ kim”, có “vốn Hán học cùng tri thức về phương Đông (...) rộng sâu”(1) ấy “đã đặt ra những vấn đề bao quát về dân tộc, văn hóa, về sự va chạm giữa hiện đại và quá khứ, giữa phương Đông và phương Tây, từ đó “tìm con đường cho sự phát triển Việt Nam”(3)
Với Phạm Quỳnh, nếu cổ động được điều hay, truyền bá được lẽ phải, có lợi cho xã hội, có ích cho dân tộc, cho đất nước, đó chính là phần thưởng cao quí đền công cho tâm huyết của ông và những người làm báo Nam Phong. Những công trình biên khảo của Nam Phong không chỉ cung cấp tài liệu cho quốc học mà còn đem lại cho nền văn nghệ mới một cái gốc, móc nối nó với truyền thống suy tư và diễn đạt của tiền nhân. Phạm Quỳnh quan niệm rằng, câu văn mới, trước khi bay bổng cần phải dựa vào câu văn Nôm, vào Truyện Kiều và ca dao, nhưng một mặt khác, Phạm Quỳnh cũng lại hướng sang Tây phương để mở cho văn nghệ những đường hướng mới. Ông đã viết nhiều khảo luận về các loại văn phương Tây như tiểu thuyết, kịch, thơ, đó chính là những chỉ dẫn cho người cầm bút thời ấy đổi mới phương pháp sáng tác. Không chỉ bằng dịch thuật, bằng chọn lọc giới thiệu và bình luận, con người “khổng lồ, trí tuệ uyên thâm” ấy còn sắp đặt để các cộng sự đắc lực của mình dẫn dắt độc giả qua những chuyên mục của Nam Phong khám phá những chân trời mới.
Kể từ khi ra đời đến nay, gần một thế kỷ đã trôi qua, tinh thần chấn hưng văn hóa Việt của tạp chí Nam Phong vẫn luôn là bài học mang tính thời sự. Biết chắt lọc tinh hoa của thế giới, sẵn sàng tiếp nhận cái mới nhưng luôn biết giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc chính là sức mạnh của chúng ta trên con đường hội nhập và phát triển.

Tác giả: Hà Phương Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất