00:39 ICT Thứ sáu, 20/09/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 1001

Máy chủ tìm kiếm : 415

Khách viếng thăm : 586


Hôm nayHôm nay : 5932

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2563479

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 57982520

Trang nhất » Tin Tức » Xã hội học » Sai lệch xã hội

Quang cao giua trang
top

Bình thường hay bất thường khi thu phí tác quyền quốc ca?

Tác giả: Xuân Vũ (tổng hợp) - Thứ năm - 27/08/2015 08:50
Quốc ca là của cải tinh thần vô giá của mỗi người dân Việt

Quốc ca là của cải tinh thần vô giá của mỗi người dân Việt

Câu chuyện văn hóa khiến nhiều người quan tâm nhất trong tuần qua khi Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC ) vừa yêu cầu thu phí tiền tác quyền bài ‘Tiến quân ca', là Quốc ca của Việt Nam, lập tức dư luận phản ứng, gây những tranh cãi bởi việc bình thường trở nên bất thường. Bình thường với bất cứ tác phẩm nào trong điều kiện được ủy quyền. Bất bình thường vì bài ‘Tiến quân ca' là bài quốc ca. Chẳng nước nào thu phí tác quyền quốc ca nước mình cả.

Theo PetroTimes (Thời báo năng lượng) trong bài “Quốc ca không phải là để cho họ kiếm tiền”ngày 22/08/2015 thông tin: “Vừa qua, VCPMC cho biết Trung tâm sẽ tiến hành thu phí tác quyền ca khúc Tiến quân ca, hay còn là Quốc ca của Việt Nam khi ca khúc được trình diễn tại các chương trình nghệ thuật (ngay cả các chương trình nghệ thuật mang tính chính trị, không bán vé), chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật phục vụ bà con ở vùng sâu, vùng xa, các chương trình hội nghị, kỷ niệm (có thể xem xét tùy theo tính chất của chương trình), xuất hiện trong các tác phẩm điện ảnh (phim truyện, phim tài liệu)... VCPMC chỉ xem xét không thu phí tác quyền trong một số trường hợp, chẳng hạn như học sinh hát Quốc ca khi chào cờ vào mỗi sáng thứ hai hằng tuần.

Cũng theo VCPMC, ca khúc Tiến quân ca được thu tiền tác quyền bình thường giống như những ca khúc khác của nhạc sĩ Văn Cao. Phía VCPMC cũng không nói rõ con số cụ thể mà chỉ cho biết rằng, số tiền thu được không nhiều, vì khó kiểm soát được hết việc ca khúc này được trình diễn ở những đâu, trong trường hợp nào”.

PetroTimes cho rằng: “Đây quả là một điều nực cười và khó hiểu. Bởi người dân Việt Nam dù trong nước hay đang định cư ở nước ngoài đều biết rằng, bài hát Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao đã được lựa chọn làm Quốc ca của nước ta gần 70 năm qua. Chúng ta hát Quốc ca trong những nghi lễ trọng thể, với thái độ và tấm lòng thành kính, thiêng liêng nhất. Chúng ta thuộc và hát Quốc ca từ khi còn rất nhỏ, nó đã ngấm vào máu và trở thành một phần không thể thiếu của con người, của đất nước Việt Nam.

Và từ sau khi bà Nghiêm Thúy Băng, phu nhân của cố nhạc sĩ Văn Cao gửi thư ngỏ lời được hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca cho Quốc hội, bài hát này đã thuộc về sở hữu toàn dân. Trong thư ngỏ, phu nhân cố nhạc sĩ nhấn mạnh: “Đúng tâm nguyện của ông nhà tôi là Quốc ca không của riêng ông nên tôi xin hiến tặng Nhà nước, Quốc hội. Đây không đơn thuần là một ca khúc âm nhạc nên gia đình chúng tôi không thể trao tặng Bộ VH-TT-DL mà chúng tôi muốn trao tặng cho Quốc hội. Vì Quốc hội đã là cơ quan chính thức chọn Tiến quân ca thành Quốc ca Việt Nam năm 1946...

Rõ ràng, ai cũng có quyền thể hiện lòng yêu nước, thể hiện trách nhiệm công dân và niềm tự hào dân tộc, trong đó, có một cách thể hiện là đặt tay lên trái tim và hát Quốc ca. Thế nhưng với quy định mới mẻ này của VCPMC, người dân Việt Nam muốn thể hiện lòng yêu nước? Hãy trả tiền!”

Trên vtc.vn ngày 22/8 thông tin: Trả lời phóng viên, LS Nguyễn Thị Nhân Hậu (Đoàn LS TP.HCM), Tổng giám đốc Công ty Sở hữu trí tuệ S&O tại Việt Nam cho rằng việc thu tiền bản quyền phải xác định rõ: thu để làm gì, thu cho ai, bảo vệ quyền lợi cho ai, có mục đích cá nhân hay không, nếu sử dụng vào bất kỳ mục đích nào cho cá nhân, tổ chức nào cũng đều không đúng quy định pháp luật.

Việc đề xuất thu phí bản quyền Quốc Ca là không hợp lý bởi theo quy định tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ, các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm: Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm; trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu; biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào...

“Khi luật đã quy định rõ như thế thì dù sử dụng tác phẩm Tiến quân ca vào mục đích thương mại, cũng phải xem xét nhiều yếu tố khác mới có thể thu phí như: tính chất thương mại như thế nào trong khi bài hát đã mang tính chất của công chúng, toàn Đảng, toàn dân; ý nguyện của cố nhạc sĩ Văn Cao, mong muốn của gia đình cố nhạc sĩ có muốn thu phí hay không; thu tiền vào mục đích gì vì bài hát của công chúng thì không thể thu tiền cho cá nhân hoặc sử dụng vào mục đích cá nhân?”, LS Hậu phân tích.

Luật sư cũng cho rằng Tiến quân ca khi trở thành Quốc ca là đã trở thành tinh thần dân tộc, không thể xem đó là một loại hàng hóa để tính toán thu phí. Làm như vậy mất đi ý nghĩa thiêng liêng của Quốc ca.

Trên vanhoaonline.vn (Báo điện tử Văn hóa của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch) cũng đã đăng tải bài “Xung quanh việc VCPMC thu phí tác quyền bài hát Tiến quân ca: Hãy hỏi nhân dân xem họ nghĩ gì?” nêu một số ý kiến của bạn đọc xung quanh sự việc này:

Nếu Văn Cao còn sống, ông sẽ không đặt vấn đề thu tác quyền

Quốc ca không phải là tác phẩm của tập thể làm ra mà có tác giả cụ thể là nhạc sĩ Văn Cao. Sáng tác ở thời điểm đó dù do đặt hàng, hay chỉ thị của ai… thì ông vẫn là người sáng tác ra tác phẩm này và tác phẩm chịu theo điều luật trong nước và quốc tế. Đứng ở góc độ pháp lý, tác giả là Văn Cao là chủ sở hữu tác phẩm đó. Khi sáng tác xong, tác phẩm được Quốc hội chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam.

Văn Cao khi còn sống có được Nhà nước trả tiền, hay thực hiện tác quyền chưa? Nếu thực hiện rồi thì chiếu theo luật tác quyền ông chỉ còn quyền nhân thân, còn quyền sở hữu thì không còn. Chúng ta cũng xem xét, tác phẩm của ông được vinh danh qua Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương… để thấy xã hội đã tôn vinh và thấy niềm vinh dự của người có tác phẩm được Nhà nước chọn là Quốc ca. Tôi tin chắc nếu Văn Cao còn sống, ông sẽ không đặt vấn đề thu tác quyền. (Bà Nguyễn Thế Thanh - nguyên Phó GĐ Sở VHTTDL TP.HCM)
Đây là tác phẩm có vị trí đặc biệt

Theo tôi là không nên thu tác quyền bài Tiến quân ca. Đứng trên vai trò một nhạc sĩ, tôi thấy đây là niềm vinh hạnh lớn nếu như tác phẩm của mình được chọn làm Quốc ca. Cho nên người nhạc sĩ không nghĩ rằng sẽ lấy tác quyền đâu. Nếu đây là tác phẩm thuần túy thì đương nhiên sẽ thu, nhưng đây là một tác phẩm có vị trí đặc biệt, mang tính toàn dân nên việc thu tác quyền là không nên. Tuy nhiên, đó là nói về mặt tình cảm, còn xét theo luật, vẫn có thể thu, nếu như bài hát được dùng trong những trường hợp mang tính thương mại.

Nhưng rất khó để kiểm soát xem bài hát được sử dụng ở đâu, khi nào, chính vì thế mà tôi nghĩ Nhà nước nên nghiên cứu, có thể có một động thái nào đó để tác phẩm này là của toàn dân thì lúc đó sẽ không có ai tranh cãi được nữa. Nếu Nhà nước làm vậy thì quốc dân sẽ ủng hộ... (Nhạc sĩ Kiều Tấn, nguyên Trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình TP.HCM)

Tôi lấy làm lạ chuyện thu tiền tác quyền khi hát Quốc ca

Những bản nhạc như Tiến quân ca đã thuộc quyền sở hữu của toàn dân thì không nên thu tiền bản quyền. Mà cũng không ai lại thu tiền những tác phẩm về tính chất là để phục vụ công chúng, để hát trong các sự kiện trọng đại, các nghi lễ thiêng liêng, hát để thể hiện trách nhiệm công dân và niềm tự hào dân tộc như vậy. Tôi lấy làm lạ khi người ta nói đến chuyện thu tiền tác quyền khi hát Quốc ca.

Người dân VN từ nhỏ đến lớn khi hát Quốc ca đều cảm nhận được những tình cảm thiêng liêng, đó là tác phẩm thể hiện tình cảm yêu nước của mỗi một cá nhân. Riêng tôi, mỗi khi tham gia các sự kiện, chương trình có hát Quốc ca, tôi đều hát bài hát đặc biệt này với một cảm xúc hết sức thiêng liêng, với trọn vẹn tấm lòng, niềm tự hào của một công dân yêu nước. Thế nên, giờ nghe chuyện thu tiền với một bản nhạc có ý nghĩa thiêng liêng như thế, tôi thấy lạ, lạ quá! (GS. TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)

Thể hiện lòng yêu nước cũng phải trả tiền ư?

Với tư cách là một công dân, tôi không hiểu tại sao lại thu tiền tác quyền đối với việc hát Quốc ca? Đặt vấn đề thu tiền tác quyền bài hát này dù trong bất kỳ trường hợp nào, với đối tượng nào cũng là bất hợp lý. Ai cũng có quyền và trách nhiệm thể hiện tình yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc bằng nhiều cách thức, trong đó có hát Quốc ca.

Vậy thì có nghĩa, thể hiện lòng yêu nước cũng phải trả tiền ư? Tôi không biết sẽ giảng giải hay cắt nghĩa việc làm này như thế nào nếu như ngay ngày mai, sinh viên của tôi sẽ hỏi “vì sao?”… (Giảng viên Nguyễn Cao Cường, Khoa Báo chí, Trường Đại học KHXH & NV, Đại học QG Hà Nội)

Không tán thành...
Được vinh dự góp mặt vào Đội tuyển Bóng đá quốc gia Việt Nam, tham gia thi đấu tại những giải đấu lớn trong nước và quốc tế, mỗi khi tôi và các cầu thủ Việt Nam được hát lên bài hát Quốc ca trước trận đấu, cảm xúc thiêng liêng thật khó diễn tả. Nhất là khi thi đấu trên nước bạn thì cảm xúc đó lại càng tăng lên gấp bội.

Chúng tôi tự hào vì đó là bản sắc, là tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Vì thế, tôi không tán thành với việc đặt vấn đề thu tiền tác quyền đối với một bản nhạc có ý nghĩa thiêng liêng như vậy, dù là thu trong bất kỳ hoàn cảnh hay tình huống như thế nào. (Tuyển thủ bóng đá quốc gia Nguyễn Văn Quyết).

Tôi bất ngờ khi người ta nói chuyện tiền nong với việc hát Quốc ca

Từng dẫn dắt Đội tuyển Bóng đá quốc gia tham gia thi đấu tại nhiều giải đấu quốc tế, hơn ai hết, tôi hiểu niềm tự hào và cảm xúc dân tộc mãnh liệt đến thế nào khi đứng dưới lá quốc kỳ để cất lên những giai điệu hào hùng của Quốc ca Việt Nam. Đó không chỉ là một bài hát mà là một thông điệp thể hiện khí phách, bản lĩnh và ý chí hướng lên phía trước của cả một dân tộc. Đối với những cầu thủ trẻ thì đó còn là một nhạc phẩm chứa đựng ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử vô cùng sâu sắc.

Bản thân tôi khi nghe đến việc thu tiền tác quyền đối với hát Quốc ca, cảm thấy thật bất ngờ. Tại sao người ta lại có thể nói chuyện tiền nong, cân đo đong đếm đối với một việc làm thiêng liêng đến thế?! Hãy để mỗi người dân Việt Nam cất lên tiếng lòng và thể hiện tình yêu Tổ quốc một cách thực sự hào sảng, vô tư. (Ông Phan Thanh Hùng, nguyên HLV trưởng Đội tuyển Bóng đá Quốc gia, HLV trưởng CLB Hà Nội T&T).

Hãy hỏi nhân dân xem họ nghĩ gì?

Tôi được biết khi còn sống, nhạc sĩ Văn Cao đã viết: “Bài hát này (Tiến quân ca - P.V) bây giờ không còn là của riêng tôi nữa”. Như thế ông đã hiến tặng bài hát cho nhân dân và đất nước. Vậy hà cớ gì mà bây giờ Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN lại đặt vấn đề thu phí tác quyền Tiến quân ca? Tôi cho rằng nên hỏi ý kiến đông đảo quần chúng nhân dân xem họ nghĩ gì khi bài hát đã trở thành một di sản văn hóa của tâm hồn, tình cảm của nhân dân VN mà lại đem ra để tính tiền (thu phí bản quyền) trong xã hội VN hiện đại? Tại sao lại thu tiền của người dân khi người dân cất giọng lên hát Quốc ca bằng tất cả tấm lòng?

Quốc ca của VN trong trái tim và tâm hồn của người VN là của cải tinh thần vô giá. Người dân VN hát bài Tiến quân ca bằng tất cả sự trân trọng, thiêng liêng. Đây chính là phần thưởng cao quý nhất cho nhạc sĩ Văn Cao, khi bài hát đó được sống trong lòng triệu triệu con tim và đã trở thành tráng ca bất tử. Hãy tôn trọng tình cảm ấy của dân tộc VN đối với Quốc ca VN và rất không nên mang nó ra để tính toán bằng tiền với bất cứ lý do nào.(PGS,TS Nguyễn Thị Minh Thái)

Đòi thu phí bản quyền là không phù hợp với đạo lý

Đứng về góc độ tình cảm, Tiến quân ca đã trở thành bài Quốc ca, là tài sản vô giá của toàn dân tộc VN. Đòi thu phí bản quyền là không phù hợp với đạo lý và tâm nguyện của cố nhạc sĩ. Phần thưởng lớn nhất đối với nhạc sĩ là người dân VN hát Quốc ca ở khắp mọi nơi, mọi lúc.

Với trường hợp bài Quốc ca thì không thể hành xử theo một cách thu phí thông thường khi mà nó đã trở thành một giá trị tinh thần của dân tộc. Tiến quân ca đã trở thành bất tử khi nó sống trong trái tim của người dân VN, sự vô giá ấy không thể tính được bằng tiền. (PGS, TS Trịnh Hòa Bình, Phó Tổng thư ký Hội Xã hội học VN).

Nếu là Giám đốc VCPMC, tôi sẽ không nhận lời thu phí tác quyền

Vì sao ư? Vì cách hành xử thiếu tình, lạnh lùng và nhìn “gần quá”
Tôi mạo muội nói vậy cũng vì vài ngày nay, chúng tôi đã nghe dư luận, đã đọc nhiều báo cùng bàn và nói về một phần nỗi bức xúc này. Thưa ông Giám đốc Trung tâm, trộm nghĩ, ông không thể khác nhân dân mình: Là đã từng nhiều lần đặt tay lên ngực mà rưng rưng tự hào trong hào khí “Đoàn quân Việt Nam đi”… Người dân thường ở mỗi vùng quê ai trong số họ cũng từng nhỏ lệ khi con em dân tộc mình mỗi lần đoạt huy chương cao nhất ở khu vực hay quốc tế, con cháu ta lại cất lên Quốc ca với những khóe mắt nhỏ lệ tự hào… Ngồi xem ti vi thôi, chúng tôi cũng không cầm lòng được những giây phút như vậy!

Chúng tôi cũng biết, vợ của nhạc sĩ quá cố Văn Cao, bà Nghiêm Thúy Băng đã trịnh trọng đặt lời hiến tặng tác phẩm của chồng mình, bài hát Tiến quân ca cho Nhà nước, cũng có nghĩa là cho nhân dân. Bà còn chua thêm với anh em báo chí, rằng: “Đúng tâm nguyện của ông nhà tôi là Quốc ca không của riêng ông nên tôi xin hiến tặng Nhà nước. Đây không là một ca khúc âm nhạc đơn thuần, nó là bài ca của nhân dân”… Bây giờ, cả vùng quê tôi đang phô tô văn bằng hiến tặng bài hát đó của vợ ông Văn Cao, như thêm một lần kính trọng và tri ân gia đình tác giả.

Chúng tôi cũng được biết, qua lời truyền miệng thôi, là Trung tâm đứng ra tổ chức đi đòi tiền tác quyền Tiến quân ca là theo yêu cầu của một ai đó trong gia đình cố nhạc sĩ, vì họ chưa đồng thuận với thân mẫu mình chuyện hiến tặng?

Thưa ông Giám đốc Trung tâm: Chúng tôi hiểu, người luật sư chân chính, họ có quyền chính đáng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho kẻ giết người trước phiên tòa. Nhưng không bao giờ họ có bất cứ cử chỉ hay hành vi nào làm tổn thương đến những người bị hại và dư luận xã hội.

Sao Trung tâm không nghĩ đến cách thu tiền tác quyền nhân hậu hơn, hợp lòng dân và các nghệ sĩ hơn? Ví như hãy trích phần trăm tiền đã thu từ bao năm của các nghệ sĩ khác để bù vào những yêu cầu (nếu có) của ai đó trong gia đình nhạc sĩ Văn Cao?

Sao Trung tâm không hiến kế cho các tổ chức xã hội, cho chính các nghệ sĩ, hãy bù đắp cho công lao gia đình của nhạc sĩ Văn Cao, để quyết thực hiện tấm lòng, mong ước của vợ nhạc sĩ là hiến tặng đến cùng tác quyền âm nhạc Quốc ca cho đất nước, cho nhân dân?
Chúng tôi tin rằng, sẽ có nhiều đơn vị và cá nhân muốn bù đắp khoản tiền này cho ai đó, thay vì để Trung tâm của ông rốt ráo lên kế hoạch đi thu tiền như vậy.
Lê Ngọc Năm (Nhà báo)

Tác giả: Xuân Vũ (tổng hợp)

Nguồn tin: vanhien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất