Tìm hiểu tư tưởng pháp trị của người xưa
- Thứ sáu - 23/05/2014 21:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mặc dù có những hạn chế nhất định nhưng tư tưởng Pháp trị trong quản lý xã hội của người xưa đã để lại những bài học sâu sắc cho chúng ta ngày nay. Để sống, lao động và học tập theo pháp luật, những nguyên tắc chặt chẽ của tư tưởng Pháp trị ngày xưa, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Việc vận dụng tư tưởng Pháp trị như thế nào trong thực tiễn xã hội đòi hỏi chúng ta cần phải nghiên sứu nó một cách toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn.
Các sĩ phu phong kiến đã mất khá nhiều giấy mực để phục vụ cho việc trị dân của các triều đại phong kiến
Để trị dân, giai cấp phong kiến thời xưa có trăm nghìn biện pháp. Dụ dỗ và dọa nạt, khủng bố và vuốt ve, lừa phỉnh và mua chuộc: tất cả đều là những biện pháp để trị dân, để nô dịch dân mà thôi.
Nên dùng pháp luật mà trừng trị? Hay nên dùng đạo đức, dùng lễ nghi mà giáo dục? Nên đưa dân chúng vào trật tự phong kiến bằng khuyếch trương uy vũ hay phát huy văn hiến?
Nên dùng pháp luật mà trừng trị? Hay nên dùng đạo đức, dùng lễ nghi mà giáo dục? Nên đưa dân chúng vào trật tự phong kiến bằng khuyếch trương uy vũ hay phát huy văn hiến?
Pháp trị, đức trị, lễ trị, võ trị, văn trị ... bao nhiêu thứ mỹ từ ấy, tất cả chỉ là những thứ trị người của giai cấp phong kiến.
Hai quan điểm đối lập đã từng tồn tại dai dẳng trong xã hội phương Đông: quan điểm của Pháp gia và quan điểm của Nho gia.
Nho giáo chủ trương lấy đạo đức để răn dạy con người, từ đó ổn định xã hội và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Đó là đức trị đối lập với quan điểm pháp trị mà đại biểu là Quản Trọng, Thương Ưởng, Hàn Phi, Lý Tư...
Nho gia thường coi đức trị là Vương đạo, còn pháp trị là Bá đạo. Vương đạo dùng chính giáo, Bá đạo trọng hình pháp. Năm đời Bá ở thời Xuân Thu chủ yếu dùng luật pháp để cai trị. Sử gọi là Ngũ Bá gồm có Hoàn Công nước Tề, Văn Công nước Tấn, Mục Công nước Tần, Tương Công nước Tống và Trang Vương nước Sở. Rồi cuối đời Xuân Thu lại có thêm Ngô vương Phù Sai và Việt vương Câu Tiễn.
Những ông vua nói trên đã biết dùng những tướng giỏi và có những chính sách thiết thực, thưởng phạt phân minh đưa toàn dân đi vào cuộc sống có quy củ. Chính sách ấy đặt ra những quan hệ sòng phẳng giữa nhà nước và nhân dân, giữa Vua và bề tôi. Người ta cho rằng tư tưởng chính sách ấy là của Quản Trọng được ghi trong cuốn Quản Tử (cuốn sách đã thất truyền). Chính sách ấy gạt đạo đức sang một bên mà chỉ chú trọng tới pháp luật và quản lý đất nước bằng luật pháp và có thể tóm tắt như sau:
Mọi người phải tôn trọng nhà Vua vì Vua là người đặt ra pháp luật có quyền cho dân sống, bắt dân chết. Nếu không tôn quân thì nước không được yên, bản thân mình cũng không được yên. Có thế thôi.
Còn Vua lại phải yêu dân, nhưng không phải chỉ vì dân đâu mà chính là vì Vua. Có yêu dân thì dân mới phục tùng và Vua mới mạnh "Muốn tranh thiên hạ thì trước hết phải tranh thủ nhân tâm" (Tranh thiên hạ giả, tất tiên tranh nhân). Cho nên yêu dân không xuất phát từ quan điểm đạo đức nào mà chỉ là một phương pháp để bảo vệ ngôi Vua mà thôi.
Pháp trị đòi hỏi phải rành rọt về luật, về lệnh, về hình, về chính.
Luật là để mọi người nhận rõ vị trí của mình.
Lệnh là để cho nhân dân biết bổn phận của mình phải làm gì.
Hình là để trừng trị những kẻ phạm pháp. Việc trừng trị ấy phải rất công minh thì kẻ có tội mới không oán, kẻ vô tội mới không lo sợ.
Còn Chính là tất cả các biện pháp kinh tế, chính trị để sửa cho nhân dân, để họ đi theo pháp luật.
Luật pháp phải minh bạch, phải hợp lý đối với đời sống của nhân dân theo nguyên tắc thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Thiên thời là không ra lệnh trái thời. Thí dụ: đang mùa gặt mà bắt dân đi đắp đường đào hào...
Địa lợi là phải căn cứ theo địa thế từng miền như đất rộng thì bảo cấy lúa, đất ở bờ biển thì bảo dân làm muối...
Nhân hòa là đừng có ban những mệnh lệnh trái ngược với tâm lý tình cảm và khả năng thực tế của dân.
Muốn thi hành pháp luật thì phải chuẩn bị cho dân hiểu biết pháp luật rồi mới áp dụng. Không được áp dụng pháp luật đối với những việc phạm pháp khi pháp luật chưa ban bố. Dân chưa được phổ biến về pháp luật mà trừng trị dân, thì việc đó Pháp trị coi là bạo ngược. Muốn cho mọi người tuân theo pháp luật thì người trên phải gương mẫu trước đã. Nếu người trên không thi hành pháp luật, không bị trừng trị khi phạm pháp, thì không thể bắt dân tuân theo pháp luật được.
Luật pháp ban ra phải được cân nhắc kỹ càng không được nay sửa mai đổi. Trong trường hợp này, dân không biết xử trí ra sao cả dù thưởng có lớn dân cũng không ham, có nặng dân cũng không sợ.
Sau cùng, việc xử án phải rất chí công vô tư, không khoan dung với người mình yêu, không nghiêm khắc với người mình ghét. Một nguyên tắc nổi tiếng của Pháp trị là "Trời không vì vật nào mà làm thay đổi bốn mùa. Minh quân, Thánh nhân, cũng không vì một vật nào mà thay đổi luật pháp" (Thiên bất vị nhất vật uống kỳ thời. Minh Quân, Thánh Nhân diệc bất vị nhất vật uống kỳ Pháp).
Chính Vua cũng không có quyền thay đổi luật pháp: "Bất vị quân, dục biến kỳ lệnh, lệnh tôn ư quân" (Không vì vua muốn mà thay đổi lệnh, lệnh cần tôn trọng hơn cả vua). Luật pháp cần phải được áp dụng nhất loạt đối với tất cả mọi người. Nước nào mà vua tôi, trên dưới, sang hèn đều theo pháp luật thì nước ấy rất bình trị (Quân Thần, Thượng Hạ, Quý Tiện, giai tòng pháp, Thử chi vị đại trị).
Nói đến học phái chính trị thời Chiến Quốc, người ta nhắc tới tên tuổi của những nhà Pháp trị nhưThương Ưởng, Hàn Phi và Lý Tư. Đó là những người góp phần làm cho đất nước Tần trở nên cường thịnh và thống nhất Trung Quốc.
Theo Thương Ưởng, muốn đảm bảo trật tự trong xã hội thì phải làm thế nào cho dân tin cậy ở chính quyền và giữ gìn phép nước. Thương Ưởng đặt ra lệ : 5 nhà thành một ngũ, 10 nhà thành một thập, trong đó mọi người phải tự kiểm soát và tố cáo lẫn nhau. Ai thấy kẻ gian mà không tố cáo thì bị tội chém. Ai tố cáo thì được thưởng công như là giết được kẻ thù. Ai chứa chấp kẻ gian thì bị xử tội như là đầu hàng quân địch.
Lệnh đã ban ra rồi, nhưng sợ dân còn chưa tin, Thương Ưởng đã dùng biện pháp sau đây:
Thương Ưởng sai một người đặt một cây gỗ ở cửa nam kinh thành và cáo thị rằng người nào vác được khúc gỗ ấy từ cửa nam sang cửa bắc, thì được thưởng 100 lạng vàng. Thấy thưởng hậu như vậy, mọi người lấy làm lạ và không tin. Ông lại ra lệnh mới: Ai rời được cây gỗ thì được thưởng 500 lạng vàng. Một người thử rời khúc gỗ đó xem có được thưởng gì không. Khi khúc gỗ đã được chuyển tới cửa bắc thì lập tức chiêng trống rầm trời, thừa tướng thân hành đem 500 lạng vàng tặng cho người ấy. Từ ấy, toàn thể dân nước Tần tin rằng từ nay lệnh của triều đình ban ra thì thế nào cũng được thi hành đúng.
Một lần khác Thái tử phạm phép nước, cưỡi ngựa trên mảnh đất mà Thương Ưởng đã ngăn cấm. Thương Ưởng tuyên bố: "Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật nhưng thái tử là người kế vị ngôi vua không thể bắt thái tử chịu tội mà hai ông quan sư phó dạy thái tử phải chịu tội thay. Ông sai người bắt hai viên quan đó tới. Một người bị xẻo mũi, một người bị cắt tai. Từ đó nhân dân ai cũng sợ pháp luật của nhà nước.
Sử chép rằng với chính sách pháp trị ấy, chỉ trong 10 năm của rơi ngoài đường không ai dám nhặt, tại miền rừng núi xa xôi cũng không còn trộm cướp nữa.
Sau Thương Ưởng phải kể đến Hàn Phi Tử, ông mới thực là linh hồn của tư tưởng Pháp trị. Ông viết cuốn sách gồm 55 thiên gọi là Hàn Phi Tử (Sách đã được dịch ra tiếng Việt).
Theo Hàn Phi Tử thì tính khí của con người vốn là ác không thể dùng nhân nghĩa lễ nhạc mà sửa được. Chỉ có cách dùng hình pháp cho thật nghiêm thì mới khỏi loạn.
Vua Tần đọc sách của Hàn Phi Tử, tỏ ý ngưỡng mộ, muốn sử dụng ông. Nhưng Lý Tư thấy ông giỏi hơn mình, nên đã gièm pha với vua Tần, bắt Hàn Phi bỏ ngục và ép phải tự tử, còn bản thân mình thì lại cố sức vận dụng học thuyết của Hàn Phi.
Lý Tư làm chức thừa Tướng giúp Tần Thủy Hoàng vận dụng tư tưởng Pháp trị để thống nhất Trung Quốc. Lý Tư lên án Nho giáo và cương quyết thanh trừng các nhà nho. Ông dâng sớ lên Tần Thủy Hoàng trong có đoạn viết như sau:
"Trước đây, thiên hạ loạn lạc không thống nhất các nhà nho dấy lên, động bàn đến cái gì là dẫn đời xưa để làm hại đời nay, nói lên những lời trống rỗng để làm rối trật tự...
"Nay Hoàng đế đã gồm cả thiên hạ, mà những nhà nho vẫn cùng nhau bác bẻ pháp giáo của nhà vua. Mỗi khi nhà vua có hiệu lệnh gì xuống, họ cứ lấy cái học của họ để nghị luận, trong lòng không cho là phải và túm năm tụm ba để bàn tán... Nếu để như thế mà không cấm thì ở trên thế lực của Vua kém đi và ở dưới các đảng phái xuất hiện, vậy xin cho cấm ngay là tiện hơn cả".
Ông kiến nghị: "Các sách Thi thư cùng Bách gia ngữ phải đem đốt hết. Ai nói thầm với nhau về sách Thi Thư thì chém bỏ xác ngoài chợ. Ai lấy đời xưa mà chê đời nay thì giết cả họ. Kẻ làm quan lại có thấy hoặc biết mà không tố giác thì đều phải cùng chịu một tội. Lệnh xuống 30 ngày mà không chịu đốt thì gọt đầu bôi đen bắt đi làm phu. Những sách còn được phép để lại chỉ là sách thuốc, sách bói, sách trồng cây ..." (theo Sử ký tư Mã Thiên).
Chấp nhận điều này, Tần Thủy Hoàng ra lệnh đốt sách và sau đó chôn sống 460 nhà Nho tại Hàm Dương.
Chính sách Pháp trị đẩy đến chỗ cực đoan như qua hành động nói trên, được coi như là một trong những nguyên nhân đã dẫn tới sự sụp đổ của nhà Tần, tạo điều kiện cho sự phục hồi của tư tưởng Đức trị, hạ thấp vai trò của Pháp trị và từ đó gạt bỏ những tiến bộ của tư tưởng Pháp trị.
Sau khi nhà Tần sụp đổ và được thay thế bằng nhà Hán, Khổng Tử và học thuyết đức trị của ông lại được phục hồi. Tứ thư và Ngũ kinh lại được sưu tầm và phổ biến. Hán Cao Tổ người đã từng đái vào mũ nhà Nho lại bắt đầu tỏ ra tôn trọng nhà Nho và chấn hưng Nho giáo. Người ta nói rằng có thể ngồi trên mình ngựa mà giành được đất đai, nhưng không thể ngồi trên mình ngựa để giữ được đất đai mãi mãi. Bạo lực quân sự và chính trị không phải là kế sách lâu dài. Những tư tưởng ấy khiến cho Lưu Bang và các vua Hán đã chủ trương xây dựng và truyền bá phương pháp Đức trị.
Mặc dù có những hạn chế nhất định nhưng tư tưởng Pháp trị trong quản lý xã hội của người xưa đã để lại những bài học sâu sắc cho chúng ta ngày nay. Để sống, lao động và học tập theo pháp luật, những nguyên tắc chặt chẽ của tư tưởng Pháp trị ngày xưa, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Việc vận dụng tư tưởng Pháp trị như thế nào trong thực tiễn xã hội đòi hỏi chúng ta cần phải nghiên sứu nó một cách toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn./.