Cuốn sách "Thực hành kĩ năng sống dành cho học sinh lớp 1": Dũng cảm không có nghĩa là liều lĩnh, ngu xuẩn

Cuốn sách "Thực hành kĩ năng sống dành cho học sinh lớp 1": Dũng cảm không có nghĩa là liều lĩnh, ngu xuẩn
Mấy ngày hôm nay, nhiều bậc cha mẹ tỏ ra lo lắng về cuốn sách "Thực hành kĩ năng sống dành cho học sinh lớp 1" do nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam phát hành có bài hướng dẫn thực hành cho học sinh đi trên những mảnh vỡ thủy tinh.

Bài học mà cuốn sách dạy cho học sinh là, theo luật vật lý, trẻ nhỏ dẫm hoặc đi lên mảnh thủy tinh là không sao. Vị tiến sỹ, chủ biên cuốn sách, cũng đăng đàn khẳng định là trẻ con đi trên thảm thủy tinh vỡ không hề bị làm sao, và kết luận hãy mạnh dạn để huấn luyện các em thành đại bàng chứ không phải thành kẻ yếu đuối.

Tôi tò mò tìm đọc, vì sợ nghe "hơi nồi chõ", nhỡ thảm thủy tinh là nghĩa ẩn dụ để nói tới những chông gai đời người. Nhưng đọc rồi mới hiểu là những mảnh vỡ thủy tinh thật.


  Tôi không hiểu về vật lý cho lắm. Nhưng nhớ lại ngày bé dẫm phải mảnh thủy tinh đã chảy máu, đau buốt. Em trai tôi dẫm phải mảnh thủy tinh do đi chân đất ra đường, đã bị mảnh vỡ găm vào chân, nhiễm trùng, lê lết trên sàn nhà cả tháng, mẹ tôi phải làm "y tá" gắp thủy tinh ra, rồi đi xin nước o xy già của bệnh viện để rửa vết thương hàng ngày, rồi cạo viên thuốc kháng sinh rắc vào, mãi mới khỏi. Không hiểu có bậc cha mẹ nào muốn con trẻ lớp 1 thử dẫm lên mảnh vỡ thủy tinh không? . Hay là ở nhà chẳng may có thủy tinh vỡ là phải dọn bằng sạch.

Thiết nghĩ, dạy kỹ năng sống cho trẻ có nhiều bài học quý giá từ lý thuyết đến thực hành hay lắm. Với những mảnh vỡ thủy tinh sắc nhọn, không nên khuyến khích trẻ dẫm lên để rèn luyện bản lĩnh.

Và cả những chông gai, nguy hiểm nghĩa đen, hay nghĩa ẩn dụ trong cuộc đời, không chỉ học cách để đương đầu, mà học cả cách tránh được nếu có thể, thoát ra nếu có thể để hạn chế rủi ro, hạn chế tổn thương chính mình và người khác.

Với con tôi ngày bé, khi lỡ tay làm vỡ cốc thủy tinh, tôi dạy cháu cách dọn dẹp, để không để bản thân hoặc người khác dẫm phải.

Tuy đại diện NXB Giáo dục có nói với báo chí là rút kinh nghiệm, khi tái bản vừa qua đã loại bỏ câu chuyện mảnh thủy tinh ra khỏi sách, nhưng thử hỏi, hàng bao nhiêu cuốn sách trước đó đã phát hành vẫn lưu hành trong đời sống, sẽ gây tác hại như thế nào? Tại sao không đặt vấn đề thu hồi tonaf bộ cuốn sách đã xuất bản?

Tác giả: Thùy Dương Trần

Nguồn tin: vanhien.vn