Truyện ngắn của Lê Hoài Nam
- Thứ hai - 13/07/2015 09:00
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chiếc máy được đóng trong hộp gỗ thông dầu, vận chuyển từ ngoài bắc vào, qua bao nhiêu chặng đường khói lửa đạn bom mà vẫn còn nguyên đai nguyên kiện. Người phấn khởi nhất là trung đoàn trưởng Nguyễn Chung Kết. Ông nhấc máy gọi xuống tiểu đoàn công binh đang làm Đường 20 quyết thắng, hỏi: “Này, cái đồng chí nữ quân nhân quê Hải Phòng hôm trước phát hiện ra hang ổ của lũ thám báo ấy, tên là gì nhỉ”. “Báo cáo tên đồng chí ấy là Hát ạ”, tiểu đoàn trưởng công binh trả lời. “Đồng chí ấy có tốt không?”, trung đoàn trưởng Nguyễn Chung Kết hỏi tiếp. “Báo cáo, không những rất tốt mà còn năng nổ, dũng cảm nữa ạ. Đồng chí ấy mới bị trận sốt rét quật ngã, may mà quân y tiểu đoàn cứu được, nhưng hiện tại sức khỏe kém lắm, chưa ra trận địa được”.
“Thôi, đồng chí ấy ốm quá thì tôi sẽ điều về trên trung đoàn bộ nhận nhiệm vụ mới! Ngay ngày mai, nhé!”. Vậy là được một người. Người thứ hai sẽ là ai nhỉ? Phải rồi, ta sẽ chọn cái cô bé giao liên đi cùng ta từ Bãi Hà vào hôm trước! Trung đoàn trưởng Nguyễn Chung Kết quay sang bảo chú lính công vụ xuống trung đội giao liên truyền lệnh cho trung đội trưởng: sáng mai cho trung sĩ Hoan lên gặp trung đoàn trưởng nhận nhiệm vụ mới. Trung đoàn trưởng Nguyễn Chung Kết có thiện cảm với Hoan từ cái hôm ông cùng với hai anh trợ lý quân lực ra Bãi Hà họp giao ban mặt trận. Hôm ấy Hoan dẫn đường cho đoàn thương binh từ tuyến trong ra Bãi Hà. Kết bảo Hoan đợi ông họp xong rồi cùng về. Bãi Hà là trạm giao liên cuối cùng trên đất Bắc, thuộc miền tây Vĩnh Linh, trong một khu rừng già với những cây cổ thụ cao vút, dây leo chằng chịt, nơi thượng nguồn sông Bến Hải. Nơi đây, quân ra, quân vào nườm nượp. Bộ đội, thanh niên xung phong gặp nhau cười nói râm ran với đủ chất giọng bắc, trung, nam. Hôm trung đoàn trưởng Kết ra họp, binh trạm tặng ông một con lợn cỡ 40 ki-lô-gam do họ tự nuôi được. Hai cậu trợ lý quân lực cứ dừa nhau không muốn mang về. Hoan liền sắn tay chộp hai chân sau con lợn nhét vào cái bao, vác lên vai, bước phăm phăm. Dọc đường phải leo dốc, vượt núi, con lợn lại tè ra ướt đẫm lưng áo Hoan. Kết thấy ái ngại cho cô. Gặp một dòng suối, Kết rút con dao găm đưa cho Hoan: “Này em gái, tiện gặp dòng suối đây, ta xả thịt con lợn, mỗi người mang một ít cho nhẹ vai!”. Hoan bảo: “Thủ trưởng cứ để tôi mang. Thủ trưởng sẽ thấy tôi khuân cả con về là có lý đấy”. Về trung đoàn bộ, Hoan giao con lợn cho tiểu đội nuôi quân. Họ cắt tiết đánh tiết canh, làm món lòng sốt, cả cơ quan trung đoàn bộ được một bữa thịnh soạn “quên chết”. Trung đoàn trưởng yêu quý Hoan từ bữa ấy. Bây giờ có cái máy 15 oát, là cơ hội để ông tạo điều kiện cho Hoan về đó, gần với ông hơn, có điều kiện để ông giúp đỡ cô.
Vậy là chỉ còn thiếu một, nhưng là người quan trọng nhất: biết gõ ma-líp truyền tin. Kết gọi lên Bộ tư lệnh mặt trận “xin”. Trưởng ban quân lực hỏi: “Nam hay nữ?”. Kết đáp: “Ở đây có hai nữ rồi, thêm một nữ nữa, cùng ở một hầm cho tiện”.
Người nữ quân nhân dược Bộ tư lệnh mặt trận điều về tên là Hảo, 25 tuổi, cấp bậc chuẩn úy. Hát tuổi 21, cấp trung sĩ. Hạ sĩ Hoan ít tuổi nhất, mới 19. Trung đoàn trưởng Kết gặp họ động viên rât sôi nổi. “Nhiệm vụ mà các đồng chí sắp làm rất đặc biệt. Phải là những người có trí tiến thủ, có thành tích mới được đưa về đây. Quái,duyên giời thế nào mà ba đồng chí đều mang tên chữ đầu là H nhỉ! Vậy thì từ nay cứ gọi cái tổ thông tin 15 oát này là Pháo đài 3H nhé! Vừa giữ được bí mật quân sự, vừa phản ánh đúng tầm quan trọng của nó!”.
Nguyễn Chung Kết phân công đích danh viên tham mưu phó trung đoàn hướng dẫn cho 3H làm hầm. Đấy là một vách núi có một cái hàm ếch. Họ chỉ việc chặt cành cây đóng xuống, đắp đất dầy một mét là thành vách hầm thứ hai. Trước cửa hầm, đắp thêm một vách đất nữa để tránh mảnh đạn bay theo chiều dọc vào trong hầm. Từng là quân 15 oát của Bộ tư lệnh mặt trận, Hảo hướng dẫn cho Hát và Hoan phá mấy cái hòm đạn đại liên ghép thành cái bàn đặt máy và một cái ghế băng đặt maliven ở giữa, hai đầu ghế dành cho hai người ngồi quay. Ngoài cùng căn hầm họ dùng tre nứa ghép thành một cái giường đủ cho ba người nằm. Rồi họ thiết kế được cả chỗ đặt giá súng, đặt ba lô. Họ đặt ăng-ten trên sườn núi ròng dây xuống máy. Viên tham mưu phó cho chuyển cả tổng đài hữu tuyến sang căn hầm ấy giao cho ba cô gái. Ngoài những giờ phải lên máy 15 oát thì họ thay phiên nhau trực tổng đài. Họ làm quen với nhau rất tự nhiên và bắt tay vào công việc nhanh chóng.
Nơi trung đoàn bộ đóng quân là những cánh rừng nguyên sinh, với những thân cây cổ thụ to lớn đến cả chục người nối tay ôm xung quanh vẫn không xuể. Khí hậu thay đổi lạ lùng. Chỉ cách nhau một đoạn đường ngắn mà bên đông thì nắng nóng, bên tây thì mưa và lạnh. Buổi sáng, ba chị em thường leo lên sườn núi đứng nhìn bao quát, chiêm ngưỡng rừng núi Trường Sơn hùng vĩ, thơ mộng. Tuy là nơi trú quân của trung đoàn bộ lắm người qua lại, nhưng xung quanh vẫn còn những nét hoang sơ của rừng già. Những tiếng hú lanh lảnh của đàn vượn gọi bầy, tiếng ríu rít của đàn chim tìm quả trong những vòm cây . Thỉnh thoảng phía bên kia sườn núi lại vang lên từng hồi đơn độc của chú chim "bắt cô trói cột" như nhắc nhởmọingườihãy“khókhănkhắcphục”.
Ban ngày, trên bầu trời, những chiếc máy bay trinh sát L19, 0V-10 cứ vè vè, ò ò lùng sục quân ta. Đâu đó, tiếng ùng oàng xa xa vọng lại.
Ban đêm, những chiếc máy bay cánh quạt "Bà già C130" ầm ầm, ì ì thay nhau bay dọc tuyến đường đi vào của bộ đội miền Bắc, soi mói bắn phá. Thỉnh thoảng chúng lại bắn một loạt đạn từ trên cao xuống. Tiếng nổ nghe: "Binh bùng, binh bùng". Hảo nói:
-Máy bay này được trang bị kính ngắm hồng ngoại, nên chúng bắn vào những chiếc xe vận tải, xe thiết giáp của ta chạy trong đêm khá chính xác. Nghe những tiếng nổ cứ như “xin thùng, xin thùng!”. Cánh lính lái xe Trường Sơn gọi là: "Máy bay tử thần" đấy!
Hảo quê thành phố Nam Định, nhiều tuổi quân nhất, vào chiến trường đã sáu năm, là sĩ quan dự bị nên được phân công tổ trưởng. Thân người Hảo nhỏ nhắn, cân đối. Gương mặt trông đầy đặn, phúc hậu, chỉ phải cái bị sốt rét nhiều lần quá, trên đầu chỉ còn lơ thơ mấy sợi tóc. Lúc nào Hảo cũng phải đội chiếc mũ mềm để che đi cái đầu trọc. Lính 15 oát của Bộ tư lệnh mặt trận, Hảo thừa nhận mình không vất vả gian nan bằng Hát và Hoan. Nhưng các loại vũ khí, các kiểu đánh phá của địch không còn xa lạ với Hảo. Không ít lần Hảo thoát chết trong trận bom rải thảm của B52. Hảo ghét nhất là lũ vắt. Trên đường đi công cán, vào những ngày mưa, qua những khu rừng rậm hoặc những bãi lau, Hảo thường bị những “dàn” vắt bất ngờ tấn công. Nó tấn công bí mật đến nỗi khi đã hút no máu, tự lăn ra khỏi cơ thể Hảo mới biết. Nhiều lần rồi thành quen, không còn biết sợ nữa. Bây giờ thì Hảo lại thích vào rừng một mình, say sưa tìm những sản vật mà rừng ban tặng cho con người. Hôm nào chiến sự bớt căng thẳng, Hảo dặn dò Hát và Hoan trực, còn cô tranh thủ vào rừng tìm củ sắn (củ mỳ), đào cây sâm đất, hái rau môn thục, lá bứa. Trực tổng đài và máy 15 oát ban đêm thường rất đói. Có một bữa ăn phụ và uống cốc nước sâm đất thì không gì sảng khoái cho bằng. Hảo còn hướng dẫn cho Hát và Hoan cách phân biệt giữa cây môn thục với cây rau ngải dại. Hảo từng bắt gặp những người lính đi hái rau môn thục nhầm sang cây rau ngải dại. Ăn phải rau này, sẽ ngứa từ trong ruột ra đến miệng, khó chịu đến mức muốn thò cả tay vào trong bụng để cào cho đỡ ngứa. Hảo nói, đi kiếm rau rừng, gặp tất cả những loại cây, lá có vị đắng, ngọt thì tuyệt đối không được đụng đến, rất dễ bị ngộ độc. Còn những loại rau lá có vị chua có thể vô tư ăn được.
Hát quê thành phố Hải Phòng, từ tiểu đoàn công binh lên trung đoàn bộ với một chiếc ba lô căng phồng. Trận sốt rét khiến Hát phải nằm co hàng tuần, mới gượng dậy, người hãy con khật khừ, èo uột. Hát không bị rụng tóc như Hảo, nhưng nước da xanh bủng, lại có một vết sẹo khá to như con thạch sùng đậu trên má, hậu quả của một lần bị thương vì mìn định hướng. Không đủ thuốc men, vết thương nhiễm trùng để lại vết sẹo như thế. Công bằng mà nói, cho dù bị nước da và vết sẹo làm phương hại sắc đẹp, nhưng nhìn tinh, Hát vẫn còn những nét duyên dáng mặn mà nồng nàn đặc trưng của con gái thành phố cảng.
Hoan mở giúp cái ba lô cho Hát. Mấy bộ quân phục chưa kịp giặt, dăm bảy phong lương khô “nội địa” dành cho lính, vài bánh lương khô 702 dành cho sĩ quan. Hoan thọc tay sâu vào ba lô, còn lôi ra vài ba thứ lặt vặt: bao thuốc Bastos Quân tiếp vụ, dao cạo râu cụp xòe, một cái bật lửa Zippo...toàn là đồ chiến lợi phẩm. Nhưng “khủng” nhất là một dây xanh-tuya-rông kèm theo cả một bộ đồ lính trận của Mỹ: lưỡi lê tháo từ súng Ar15 ra, bình tông bằng i-nox, mấy vỏ bao đựng băng đạn cực nhanh. Một cái túi đựng mìn Claymos, dùng để đựng đồ khoác qua vai rất tiện.
-Sao cậu lại có mấy thứ này? Thương binh từ tuyến trong ra ném lại cho hả Hát? - Hoan hỏi. Cô cũng tỏ ra thích thú với những thứ chiến lợi phẩm ấy.
-Đơn vị tớ xơi gọn một tổ thám báo, thu được chiến lợ phẩm. Hôm nghe tin tớ được chuyền lên trung đoàn, tiểu đoàn trưởng tặng tớ. Vì tớ có công phát hiện ra lũ thám báo, tớ chạy về báo cho đơn vị.
Sống với nhau một thời gian, Hảo và Hoan đều phải thừa nhận, nói về khoản trận mạc, Hát có nhiều chuyện để nói hơn. Nó kể tên, công dụng từng loại vũ khí cả của bên ta lẫn bên địch. Hát chỉ tiếc, tiểu đoàn không cho cô mang theo khẩu tiểu liên AR15 của Mỹ lên đây. Súng AR15 tiếng kêu nhỏ, đi săn thú rừng đỡ bị lộ. Đạn AR15 nhỏ, bắn vào con thú, vết thương không bị xé ra như đạn tiểu liên AK của ta. Hát nói thế.
Hát kể, cách đây chưa lâu, cô chứng kiến đơn vị hỏa lực của bộ binh ta phối hợp với tiểu đoàn công binh của cô đánh chặn đội hình hành quân của đợn vị lính dù địch. Súng B40 thường là để đánh xe tăng, xe cơ giới; nhưng hôm ấy một người lính ta đã dùng B40 bắn bộ binh. Với sức nóng 1650°C, quả đạn tạo ra hiệu ứng y như quả mìn định hướng rất khủng khiếp, nó thổi bay cả một trung đội lính dù ngụy. Những xác chết lăn lóc, cháy thành than, cong queo như que củi.
Hoan rất kính nể Hảo và Hát, tuy sự kính nể mỗi người mỗi khác. Nhưng cô gái quê ngoại thành Hà Nội này cũng không đến mực tự ti. Tuy ít tuổi đời và tuổi quân nhất so với Hảo và Hát, nhưng cái chân chiến sĩ giao liên đã giúp Hoan đi qua khá nhiều nơi.
Những rừng cây săng lẻ rộng mênh mông, cuối mùa khô hoa nở tím ngát cả một góc trời. Những rừng khộp thưa thớt, mùa khô cây trụi lá trơ cành. Những chiếc lá khộp to như chiếc bánh đa nướng rụng xuống, phủ kín mặt đất. Khi đặt chân lên, tiếng vỡ ra kêu rôm rốp. Những
rừng le tán lá phủ kín, dày đặc, với một màu xanh trải rộng nằm dọc hai bên bờ suối. Những dốc đá tai mèo thẳng đứng. Từ dưới chân núi nhìn lên, những chiếc thang bằng dây song rừng chênh vênh bồng bềnh như trôi trong mây trắng. Nhiều người lính lần đầu qua đây rùng mình khi nghĩ đến việc phải đu bám trên những cái thang đó. Nhưng Hoan vẫn thường leo qua, không những thế, cô còn làm điểm tựa cho những người lính yếu bóng vía đeo bám .
Nhưng người lính giao liên đáng ngại nhất là khi con đường cũ bị bom cày nát, phải phát cây rừng mở một con đường mới, vừa mở vừa dò gỡ mìn. Những quả mìn chống bộ binh giống như cái hộp nhựa to bằng nắm tay, có dập nổi chữ A trên nắp. Nếu không may dẫm vào, một nửa cẳng chân sẽ đi đứt. Mìn nhảy thì ác hơn. Nó giống như cái ống bơ, loại một ki-lô-gam, trên đầu gắn cái kíp có ba sợi dây cước tõe ra ba hướng. Nếu ai sơ sẩy chỉ cần khẽ chạm vào một sợi, quả mìn sẽ nhảy lên cao ngang ngực rồi mới nổ. Người lính không may ấy như bị chém ngang người...
Có hôm, Hoan đang dẫn một đoàn quân từ Bãi Hà vào, đến một quãng trống thì dính pháo bầy. Nghe những tiếng «Tùng tùng tùng tùng...» liên tục, tưởng như không bao giờ dứt, mảnh bay vù vù, chém phầm phập vào cây rừng, vào vách đất. Cả một vùng đất chi chít lỗ pháo, đến một ngọn cỏ cũng không nguyên vẹn. Nhưng may sao hôm ấy đạn rơi chếch, cách đoàn quân mấy chục bước chân, một số người chỉ bị thương nhẹ.
Tóm lại, nói về mặt trải nghiệm chiến trường, Hoan không hề thua kém Hảo và Hát. Hoan chỉ mang chút mặc cảm về hình thể của mình. Người Hoan đã gầy lại cao tới 1 m 65, trông càng lêu đêu như cây sào. Không ít lần dẫn quân ra, vào, cũng có những người lính tỏ ra thiện cảm với Hoan, nhưng họ chỉ tán tỉnh cho vui chứ chưa ai ngỏ một lời hẹn ước.
X X X
Một hôm, có đơn vị tân binh hành quân từ bắc vào, ai cũng đeo trên người chiếc ba lô căng phồng và lỉnh kỉnh súng đạn, gạo muối nặng quá sức, đến binh trạm họ trút vợi đi một số thứ. Có mấy chàng vào hẳn cửa hầm thông tin của ba người lính tóc dài tặng họ vô khối đồ ăn đồ dùng: bao gạo, lương khô, khăn mặt, sổ sách, truyện…Hảo cầm cuốn Phong Thủy nghiên cứu. Mấy hôm sau Hảo phán:
-Hầm của chúng ta cửa quay hướng tây nam, hướng của tình yêu. Trước sau rồi thần tình yêu sẽ ghé thăm…
Chẳng hiểu lời phán của Hảo hiệu nghiệm đến đâu, nhưng đúng là ít ngày sau đó, Hát đã quen với một anh chàng trung đội trưởng thông tin dưới tiểu đoàn pháo. Họ mới chỉ quen nhau qua những cuộc nói chuyện trên máy hữu tuyến. Nơi trú quân của anh chàng chuẩn úy tên là Lượng ấy cách trung đoàn bộ vài đạc đường rừng. Chưa gặp mặt, nhưng nghe giọng nói là biết tâm tính con người rồi. Những ngày đầu mới quen họ gọi cho nhau ngày một đôi lần. Về sau càng say nhau, mật độ cuộc gọi càng tăng lên. Họ còn cầm điện thoại hát cho nhau nghe nữa. Chàng than phiền rằng cứ màn đêm buông xuống, rừng tối đen như thắt ra từng miếng được, là chàng lại nhớ nàng nôn nao. Thế là mỗi khi trước lúc đi ngủ, Hát lại đọc tặng chàng một truyện ngắn trong tập “Bình minh mưa” của C. Pauxtopsxky. Tình yêu đã đến độ thúc giục họ không thể không gặp nhau. Họ hẹn gặp nhau ở một ngã tư con đường mòn, gần nơi chàng đóng quân. Lượng dặn: “Chỗ ấy quân ra quân vào, lại có cả nữ thanh niên xung nữa, em cầm một vật gì trên tay để anh dễ nhận ra nhé”. Hát nói: “Vâng, em sẽ cài một bông hoa rừng trên tóc…”. Hảo và Hoan đều cổ súy cho Hát, gánh thay cả phần việc của Hát.
Hát diện bộ quân phục vải Tô Châu mới nhất. Đi dép cao su Trung Quốc, xỏ thêm đôi tất dầy tránh trượt khi lên dốc xuống dốc.
Khoác lên vai khẩu AK, ba băng đạn, hai quả lựu đạn. Hát không quên mang theo cái túi mìn Claymos, trong đó đựng mấy phong lương khô 702, bao thuốc Bastos Quân tiếp vụ làm quà cho trung đội của chàng. Quà tặng riêng chàng là con dao cạo râu cụp xòe, cái bật lửa Zippo chiến lợi phẩm mà Hát mang từ dưới tiểu đoàn công binh lên.
Hát ra đi từ sáng sớm, quá trưa mới về, mặt buồn như chấu cắn. Hỏi mới biết: chàng Lượng, trung đội trưởng thông tin tiểu đoàn pháo binh hẹn hò thế nhưng không hiểu sao lại không đến chỗ hẹn? “Chắc là anh ấy phải đi làm nhiệm vụ gấp!”, Hát bảo thế. Hảo nói: “Nếu vậy thì chàng cũng phải cho lính của mình ra gặp Hát nói lời thông cảm chứ?”. Hoan thì có vẻ hoài nghi: “Tớ thấy trong chuyện này có gì đó bí ẩn, khuất tất, không ổn. Hát, cậu vẽ đường, tớ sẽ cất công lên tận nơi Lượng ở xem sao!”.
Hoan dùng luôn cái thắt lưng đeo băng đạn, lựu đạn và khẩu AK của Hát khoác vào người rồi băng rừng vượt suối tìm đến tận nơi trung đội của Lượng đóng quân. Một người lính trẻ đeo súng đứng gác trước cửa hầm tổng đài của tiểu đoàn pháo binh ngăn Hoan lại, hỏi: “Có phải đồng chí ở trên trung đoàn bộ cùng với đồng chí Hát không?”. “Đúng thế - Hoan nói - Đồng chí cho tôi gặp trung đội trưởng Lượng!”. Người lính trẻ đáp: “Anh Lượng đi công tác gấp dưới đại đội rồi, phải hôm sau mới về đồng chí ạ”.
Hoan nói: “Tôi cứ tạm tin như thế. Nhưng nếu trung đội trưởng của đồng chí có mặt ở đơn vị mà ngại không muốn gặp tôi thì đồng chí hãy chuyển lời tôi nói với anh ấy rằng, Hát là một cô gái không hề xấu xí. Cố ấy là hoa khôi của một trường phổ thông cấp ba thành phố cảng. Đồng chí bảo anh Lượng nên có cách ứng xử sao cho đẹp, kẻo rồi sẽ ân hận và nuối tiếc đấy!”.
Nhưng Hảo, Hát, Hoan chờ mãi không thấy Lượng gọi lại. Cuối cùng thì Hát lên tiếng trước: “Chúng ta không nên bận tâm về anh ấy ấy nữa. Bản tính con người ấy không xứng đáng để chúng ta tin yêu và kính trọng”. Hát lấy lại thăng bằng không khó khăn lắm. Cô lao vào công việc một cách hồn nhiên, mạnh mẽ, như chưa hề có chuyện buồn xẩy ra.
Hiệp định Pari ký kết. Quân đội Mỹ rút hết về nước, chỉ còn quân của Thiệu, mặt trận bớt căng thẳng, khốc liệt hơn trước. Trung đoàn cho một số thương bệnh binh và nữ quân nhân đã vào chiến trường nhiều năm ra bắc để được giải quyết chế độ chính sách.
Hảo đã 6 năm tuổi quân, Hát đã 4 năm; họ có tên trong số đó. Trung đoàn trưởng Kết hạ lệnh mổ một con lợn 60 ki-lô-gam liên hoan tiễn chân họ. Quân lực trung đoàn lấy về hai nữ tân binh thế chân của Hảo và Hát. Món quà chiến trường Hảo mang về bắc là một cái cát tút quả đạn pháo 130 ly. Hảo bảo cái cát tút ất sẽ đưa đến phố Hàng Đồng thuê thợ đúc cho một cái mâm mang về nhà tặng bố mẹ thì quá tuyệt. Từ bé đến lúc đi bộ đội Hảo chỉ được ăn cơm bằng cái mâm gỗ. Hát mang theo cái túi đựng mìn Claymos chiến lợi phẩm. Hát bảo ra bắc đeo cái túi ấy bên hông rất có nét. Hôm tiễn chân Hảo và Hát, Hoan khóc sụt sùi. Hoan thương Hảo đã chuẩn bị bước sang tuổi hai mươi sáu mà chưa có một mảnh tình vắt vai. Ra bắc tóc Hảo có mọc lại được không?
Không mọc lại được, để cái đầu trọc đi đâu cũng sùm sụp cái mũ mềm như thế, liệu có lọt nổi vào mắt chàng nào không? Hoan thương Hát, tưởng hạnh phúc đã nằm trong tầm tay mà còn bị tuột mất. Chưa bao giờ Hoan cảm thấy căm ghét cái anh chàng tên là Lượng ấy như lúc này.
Hảo và Hát đi rồi, Hoan cảm thấy một sự trống trải mênh mông. Hai nữ chiến sĩ trẻ là Nụ và Hằng không bù đắp nổi cho Hoan nỗi trống trải này. Hình như trung đoàn trưởng Kết “đọc” được tâm trạng ấy qua đôi mắt Hoan. Một hôm ông đã sai người lính công vụ gọi Hoan lên hầm chỉ huy để ông gặp. Ông nói:
-Từ ngày đồng chí về trung đoàn này, tôi để ý và rất có thiện cảm với đồng chí. Trung thực, chịu khó, xốc vác và dũng cảm nữa…Tôi hỏi thật: đồng chí có thích ra bắc công tác không?
- Báo cáo thủ trưởng, tôi vào chiến trường mới gần ba năm, chưa bị thương tích gì, liệu có được ra không ạ?
- Ra hay không là do chính đồng chí có thích nhận nhiệm vụ mới hay không. Bây giờ tôi công bố cái nhiệm vụ ấy nhé: Lấy chồng!
Hoan hơi bị choáng. Quá bất ngờ. Không cất nổi lên lời, vì chẳng biết nói gì, lại cảm thấy hơi buồn cười. Lấy chồng theo mệnh lệnh! Hoan chưa bao giờ hình dung cuộc đời mình lại có cái tình huống này. Mặt Hoan cứ nghệt ra, hai tay đan chéo vào nhau, hết vặn trái lại văn phải.
-Đồng chí có nghe tôi nói không vậy? Đồng chí có chấp hành không? - trung đoàn trưởng hỏi dồn dập.
-Thưa thủ trường… lấy ai ạ…?
-Đồng chí lấy em trai tôi, hiện đang là bộ đội làm việc tại tỉnh đội Quảng Bình!
Hoan tỉnh hẳn người, vì tò mò, và cũng muốn xem mặt chàng hôn phu tương lai tròn méo thế nào. Hôm sau trung đoàn trưởng bố trí cho Hoan và người ấy gặp nhau tại một căn lán bỏ không, vẫn thường dành cho thương binh từ trong ra nghỉ tạm. Trung đoàn trưởng chỉ tay vào một anh bộ đội, giới thiệu: “Đây là đồng chí Cấu, em trai tôi”.
Ôi, trước mắt Hoan là một anh bộ đội còn trẻ, chỉ ngang tuổi Hoan, dáng nhỏ và thấp, có lẽ phải thấp hơn Hoan tới mười phân. Gương mặt sắt seo. Cấu cứ cúi mặt nhìn xuống nền nhà, thỉnh thoảng khẽ ngẩng đầu lên lén nhìn Hoan. Câu chuyện rời rạc, tẻ nhạt. Hoan nhìn Cấu cảm thấy tội nghiệp cho anh chàng này quá. Ngồi hàng tiếng đồng hồ mà trái tim Hoan vẫn ngủ yên, chẳng một chút xao động. Hoan chào Cấu, bỏ về hầm thông tin.
Sáng hôm sau, trung đoàn trưởng Kết gọi Hoan lên hầm chỉ huy, yêu cầu Hoan trả lời ngay: đồng ý lấy Cấu làm chồng không! Trung đoàn trưởng còn nêu ra một viễn cảnh đám cưới tưng bừng, một công việc hấp dẫn ở Tỉnh đội Quảng Bình hoặc chuyển ngành sang Ủy ban tỉnh. Nếu Hoan không đồng ý, sẽ bị thuyên chuyển xuống tiểu đoàn!
Chẳng đợi lâu, Hoan trả lời ngay: "Thủ trưởng điều tôi xuống tiểu đoàn nào cũng được ạ".
Nhưng trung đoàn trưởng không thể điều Hoan xuống tiểu đoàn ngay, bởi một lẽ, khi Hảo và Hát ra bắc rồi, hiện tại cả trung đoàn chỉ còn mình Hoan là biết gõ ma- líp vô tuyến 15 oát. Hai nữ chiến sĩ trẻ Nụ và Hằng thì chỉ mới biết quay maliven mà thôi.
X X X
-Anh là ai mà cho gọi em ra đứng bên bờ suối lúc mà sắp đến giờ em phải lên máy truyền tin thế này?
-Thì em thử đoán xem tôi là ai nào?
Hoan ngước nhìn từ gương mặt xuống đến chân người lính:
-Đừng làm mất thời gian nữa! Có việc gì thì nói đi, kẻo chỉ còn năm phút nữa là đến giờ liên lạc với Bộ tư lệnh mặt trận, em phải ngồi vào bàn gõ ma-lip rồi đấy!
-Vậy thì tôi nói nhé. Tôi chính là người hay gọi máy hữu tuyến cho Hát đấy!
-À, hóa ra anh là Lượng, trung đội trưởng thông tin tiểu đoàn pháo binh! Hát được chuyển ra bắc rồi, anh có biết không?
-Tôi biết, nhưng không có cơ hội nào cho tôi gặp Hát, vả lại nếu gặp tôi cũng chẳng biết nói thế nào cho phải!
- Vậy hôm nay anh lên trung đoàn tìm em là để thanh minh thanh nga gì đó đúng không?
- Tùy Hoan hiểu thế nào cũng được. Bây giờ Hoan cho tôi được thú nhận điều này: Cái hôm tôi và Hát hẹn gặp nhau ấy, tôi đứng trong bụi cây ngắm cô ấy, dự định nếu ưng ý thì mới ra gặp. Cuối cùng thì tôi không ra gặp nghĩa là…
-Nghĩa là anh chê cái vết sẹo trên má làm cho gương mặt của Hát xấu đi chứ gì? Anh ngốc thật đấy, sao anh không nghĩ rằng, khi ra bắc có điều kiện tốt hơn, Hát đi phẫu thuật lại, gương mặt sẽ xinh đẹp như xưa?
-Tôi có nghĩ đến việc ấy. Tôi đã hình dung ra gương mặt Hát sau khi phẫu thuật sẽ như thế nào. Nhưng người ta yêu nhau đâu chỉ vì gương mặt. Nó là một cái gì đó mà chỉ có trái tim mới giải thích được. Có thể sau này phẫu thuật lại vết thương, Hát sẽ được một người đàn ông đàng hoàng xứng đáng hơn tôi cưới làm vợ. Nhưng tôi thì…quả thật, Hát chưa gợi cho tôi cảm giác của tình yêu.
-Cho dù thế, giá hôm đó anh cứ ra gặp Hát thì phải lẽ hơn. Chúng ta là những người lính chiến, có gì mà không nói được với nhau!
-Tôi lại nghĩ khác: thà tôi mang tiếng hèn một chút, coi như chưa quen biết nhau còn hơn ra gặp Hát, để rồi khó xử với nhau…
-Thế còn cái hôm em lên tìm anh thì anh đi xuống đại đội hay ở tiểu đoàn bộ mà anh trốn không muốn gặp?
-Hôm ấy, tôi cũng đứng trong bụi cây nhìn ra, tôi đã lặng người đi khi nhìn thấy em. Trái tim tôi mách bảo rằng, chính em mới là người mà tôi tìm kiếm trong cõi đời này! Bởi vậy mà hôm nay tôi đã đến đây…
Choáng! Liệu mình có nghe nhầm không nhỉ? Có gì đó hơi trơ tráo. Nhưng cứ nhìn gương mặt và những động thái, cử chỉ kia thì rõ ràng là Lượng rất thành thật, tự đáy lòng. Lượng đang run rẩy xúc động khi đứng trước mình. Trông Lượng khá đĩnh đạc, nam tính. Nhưng nếu mình tỏ ra một sự quy phục nào thì sẽ là vội vã, Lượng sẽ cho mình là kẻ dễ dãi, và nhất là khi biết chuyện Hát sẽ nghĩ thế nào về mình? Một tình huống khá nam giải với mình đây!?
-Anh Lượng, cám ơn anh đã đến tìm em và nói với em những lời đó. Nhưng anh chưa hiểu gì về em cả. Bây giờ anh hãy cứ về tiểu đoàn đi. Rồi em sẽ trả lời anh sau. Chúng mình còn thời gian mà!'
Dường như chỉ cần Hoan nói câu ấy, Lượng đã mãn nguyện lắm rồi. Dùng dằng một lát, Lượng nắm nhẹ bàn tay Hoan tạm biệt. Cái dáng người tầm thước và rắn rỏi của Lượng biến nhanh vào cánh rừng đang chuyển dần sang màn đêm.
Ba ngày sau đó, Lượng gọi cho Hoan một cú điện hữu tuyến. Chưa nói được gì thật sâu sắc với nhau. Chiều hôm ấy, hai chiếc máy bay B57 bay rất cao chẳng hiểu từ hướng nào đến ném bom tọa độ. Ba căn hầm của trung đội thông tin tiểu đoàn pháo binh lĩnh trọn hai quả bom tấn. Trong số những người hy sinh có Lượng. Bằng một linh cảm đặc biệt của người đang yêu, Hoan nói với Nụ và Hằng trực máy thay cả phần việc của cô. Hoan chạy băng băng qua nhiều đèo dốc, rừng rú, về phía tiểu đoàn pháo binh. Đến nơi, người ta đã chôn cất Lượng trên một bãi đất pha sỏi bằng phẳng bên bờ suối cùng với hàng chục liệt sĩ khác. Hoan chỉ còn biết thắp lên mộ Lượng và các đồng đội của anh những nén hương và khấn cho vong hồn các anh nơi chín suối bình an.
Hà Nội, tháng 4 năm 2015.