Lắng nghe tâm mình
- Thứ năm - 30/07/2015 13:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ảnh minh họa.
Phổ Hiền Bồ-tát dạy nếu là người trí nên suy nghĩ những gì khi chết mà mang theo được thì nên tích cực tu hành, cái gì không mang theo được thì bỏ lại trần gian. Vì vậy, chúng ta cần quán tưởng tâm mình, vì chúng ta biết khi chết, mọi thứ vật chất đều phải bỏ lại, tài sản, danh vọng, địa vị cũng bỏ. Có người chưa chết nhưng đã mất địa vị xã hội là đã phải bỏ trước rồi, trước hay sau gì cũng phải bỏ. Tuy nhiên, nếu nói tất cả đều phải bỏ, tiền tài, danh vọng, quyền lợi vật chất cho đến cuối cùng cũng bỏ luôn cái mạng này thì quan tâm làm gì. Phật không dạy chúng ta tu tiêu cực như vậy.
Thầy học kinh Pháp hoa với một giáo sư, ông nói đạo Phật đào tạo người cứu đời, giúp người và phải làm lợi ích cho số đông, cho chư Thiên và loài người. Phật tử cần cân nhắc tâm tưởng chúng ta làm sao dung hòa được việc làm lợi ích cho người mà không bị dính mắc với thành quả, vẫn buông bỏ được.
Quán tưởng về tâm chúng ta, đầu tiên chúng ta thấy có hai phần là phần chân và phần giả. Đương nhiên chúng ta bỏ phần giả, vì có giữ cũng mất. Nhưng phần chân tâm không bao giờ mất, vọng thức thì mất. Quán sát tâm con người, ngài Thế Thân nhận thấy có tám thức tâm vương và 51 tâm sở. Vì vậy, chúng ta suy nghĩ, bỏ phần vật chất bên ngoài, hướng về tâm quan sát, thấy có tâm vương và tâm sở đúng như ngài Thế Thân dạy. “Sở” là sở hữu, là lệ thuộc; 51 tâm sở là sở hữu của tâm vương. Khối vật chất bên ngoài chúng ta không nói tới, vì chủ đề là tâm. Phật dạy tâm là chủ, tất cả mọi việc do tâm quyết định. Tâm vương gồm có tám thức là nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt-na-thức và A-lại-da-thức. Nhưng đối với 51 tâm sở lệ thuộc tám thức tâm vương, chúng ta phải thực tập và chuyển hóa nó cho tốt, vì 51 tâm sở tác động mạnh đến cuộc sống, nên chúng ta cần quan sát và điều chỉnh.
Trong 51 tâm sở có 6 căn bản phiền não, 20 tùy phiền não lệ thuộc 6 căn bản phiền não là thế lực xấu và 11 thiện tâm sở. Phật dạy Tỳ-kheo tu hành, muốn đắc đạo, cái gì xấu ác đã sanh phải đoạn trừ, cái ác chưa sanh thì ngăn chặn lại, không cho sanh, để hạt giống ác trong tâm mất hẳn; đó là tâm xấu, không phải hành động xấu bên ngoài. Và cái thiện sanh rồi, ráng nuôi lớn; cái thiện chưa sanh thì tìm cách tạo cho sanh. Cho nên người tu ngồi yên, nhưng điều chỉnh tâm, vì Phật dạy tất cả mọi việc do tâm quyết định, tâm quyết định lời nói, hành động của chúng ta. Nếu thực tập pháp này, chúng ta bước chân vào thế giới Phật, hay vào dòng Thánh, dù chưa là Thánh. Bấy giờ chưa làm gì, nhưng thành tựu được như vậy, trở thành người Hiền nghĩa là được mọi người nhìn mình có thiện cảm. Thực tập pháp này, ác trong lòng chúng ta đoạn, thiện tăng trưởng thì mọi loài thấy chúng ta, lòng họ thanh thản và tiến hơn một bước, họ quý mến ta.
Thật vậy, Phật tại thế, Ngài vào rừng ở, khỉ tìm đến dâng trái, voi ôm bình bát của Phật xuống sông múc nước. Ở thời hiện đại, chúng ta thấy những người thuần hóa thú vật là họ cảm thông với con vật, thương yêu nó, tức thiện tâm sanh, nên con vật cũng thương người chủ. Phát xuất từ lòng tốt của con người mà cảm hóa được người khác, cảm hóa được loài vật. Và từ tâm tốt thể hiện thành hành động tốt, làm lợi ích cho số đông, cho chư Thiên và loài người. Điển hình như gần đây, Thủ tướng Lý Quang Diệu qua đời trong lúc ông không còn là Thủ tướng, nhưng người dân Singapore nghĩ về ông vô cùng thương tiếc với tất cả tấm lòng. Trước kia, Singapore là một cảng của Mã Lai, diện tích không bằng thành phố Hồ Chí Minh, nhưng ông về làm Thủ tướng một bán đảo nhỏ, chỉ một thời gian sau, ông đã nâng kinh tế nước này lên tầng cao mới, thu nhập của người dân cao nhất thế giới. Việt Nam mới nâng mức thu nhập của người dân thành phố được khoảng một ngàn đến hai ngàn đô một năm. Trong khi người dân Singapore mỗi năm, họ có được bốn mươi ngàn đô một đầu người. Từ một nước nghèo, dân làm thuê mướn ở bến cảng, nhưng đời sống của họ đã được nâng cao vượt bậc. Rõ ràng ông Lý Quang Diệu thể hiện đúng lời Phật dạy làm lợi ích cho số đông, nên ông được mọi người quý trọng. Khi kinh tế Việt Nam đổi mới, ông chủ trương đầu tư vào Việt Nam xây dựng khu công nghiệp ở Bình Dương. Trước kia, thầy lên Bình Dương hoằng pháp, bố thí, giúp đỡ người nghèo thì lúc đó, tỉnh này là một trong những tỉnh nghèo của Việt Nam. Nhưng từ khi Singapore đầu tư vào tỉnh này, đã giải quyết được việc làm cho người dân ở đây và cả những người không có việc làm ở miền Bắc, miền Trung cũng vô làm ở khu công nghiệp Bình Dương. Vì vậy, với sự đầu tư của Singapore, tỉnh Bình Dương ngày nay trở thành một trong năm tỉnh có mức đóng góp cao nhất cho Nhà nước, cho nên dân Việt Nam cũng trân trọng ông Lý Quang Diệu; Chính phủ, Quốc hội và Bộ Ngoại giao nước ta đã đến viếng lễ tang và ghi vào sổ tang những việc làm tốt của ông đối với Việt Nam.
Từ tâm tốt, ông Lý Quang Diệu đã thể hiện thành hành động tốt. Quý vị tự nhận mình là Phật tử, nên soi rọi lòng mình xem mình có thật tốt chưa. Đối với thầy, không nhất thiết là Phật tử, nhưng phải là có tấm lòng giống Phậtthì người đó là bạn của chúng ta. Thầy nghĩ với quan điểm rộng, tôn giáo ở thế kỷ XXI kết hợp được những người tốt làm cho trái đất này sạch, đẹp, an ổn, không còn là tôn giáo nói xấu nhau, giết nhau, giành giựt nhau. Theo Phật cũng được, theo Chúa cũng được, miễn làm cho nhân loại sống an vui, làm cho trái đất này trong sạch.
Tất cả chúng ta tự soi rọi tâm mình, quán sát lại tâm coi điều kiện nào tạo thành người tốt, người xấu. Ngài Thế Thân chia hai, tâm tốt và tâm xấu. Tâm xấu phải loại bỏ, tâm tốt cần phát triển. Ngoài ra, còn có 24 bất tương ưng tâm sở là nó luôn nghĩ ngược lại, gọi đó là phản ứng của nội tâm, khi thì nó nghĩ như vầy, khi thì nghĩ ngược lại. Thí dụ mình khởi niệm tốt, muốn làm việc thiện, nhưng lại suy nghĩ có nên làm hay không và nó thường tìm lý do từ chối việc tốt.
Tâm ác nếu có, chúng ta phải cắt bỏ, chưa có thì đừng tập. Một là lòng tham. Phật dạy cắt bỏ lòng tham, không phải cắt bỏ tài sản. Nhiều người tu hành bỏ tài sản, bỏ công ăn việc làm là sai lầm. Và khi lòng tham chúng ta bỏ rồi, tài sản chúng ta có mất không. Có thể nói tài sản không mất, địa vị không mất, đôi khi tài sản còn nhiều hơn, địa vị của chúng ta cao hơn. Đừng hiểu lầm theo hướng tiêu cực. Thời Phật tại thế, ông Cấp Cô Độc chuyên làm việc thiện, đầu tiên là ông bình đẳng cúng dường, cúng dường Sa-môn là đệ tử Phật và cúng cho Sa-môn ngoại đạo, cúng cho Bà-la-môn mà ông gọi là hàng cao thượng nên cúng dường.
Sa-môn từ bỏ quyền lợi cá nhân, lo việc chung, không phải là người trốn đời, tiêu thụ. Sa-môn là nhà hiền triết không cần vật chất, công danh để dấn thân làm lợi ích cho đời. Đức Phật là người đầu tiên làm việc này, Ngài dạy đệ tử đến đâu phải làm lợi ích cho nơi đó, không phải hưởng thụ. Sa-môn sống độc thân để được tự do làm được nhiều việc hơn, làm việc cao cả. Hàng Bà-la-môn là người trí thức học rộng, hiểu nhiều, làm nhiều lợi ích cho xã hội, họ là thượng tầng kiến trúc. Xã hội nào có nhiều người trí thức, chắc chắn phải tốt và phát triển nhanh. Ông Lý Quang Diệu lên làm Thủ tướng, ông dùng tiền đào tạo nhiều trí thức. Lúc thầy ở Nhật, thấy nhiều sinh viên Singapore qua Nhật học kỹ thuật để phát triển Singapore. Giới trí thức là vốn quý nhất của dân tộc. Ngoài ra, người đi dạy đạo đức cũng giúp cho xã hội tốt đẹp.
Giới Bà-la-môn trí thức và hàng Sa-môn đạo đức, hai thành phần này được coi như đỉnh cao phát triển xã hội. Ông Cấp Cô Độc cúng dường những người này, không kỳ thị là mình theo đạo Phật rồi chống đạo khác. Ngoài ra, còn có giới công nhân thợ thuyền. Giới trí thức Bà-la-môn là người sáng tạo, còn thợ thuyền trực tiếp tạo ra của cải. Nếu giới công nhân thợ thuyền chịu ảnh hưởng của người đạo đức thì họ trở thành người tốt thích làm cho người khác hưởng, không thích hưởng của người khác. Những người sản xuất có được tâm niệm như thế sẽ tạo cho xã hội phát triển dễ dàng.
Ông Cấp Cô Độc bố thí, cúng dường, nhưng không nghèo, mà của cải còn tăng thêm. Ông cúng dường Sa-môn là người phát triển trí tuệ, ngày nay gọi là cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo. Ở thế kỷ XIX, Minh Trị Duy Tân của Nhật cấp học bổng cho sinh viên để nâng trình độ trí tuệ, thể hiện tinh thần học Phật của người Nhật là đào tạo giới trí thức. Nhưng đôi khi chúng ta sai lầm, đào tạo nhưng không sử dụng. Thực tế cho thấy ở nước ta, nhiều người có bằng cấp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ để treo đó, không làm gì cho cuộc đời. Vì vậy, chúng ta cần nghĩ thêm là đào tạo để sử dụng, vì bỏ tiền đầu tư cho họ học có bằng cấp, treo đó thì lãng phí vô cùng. Thời thầy còn là học tăng, một thầy đậu tú tài cũng khó có, nhưng ngày nay, hàng trăm tiến sĩ, hàng ngàn cử nhân không sử dụng được, quả là lãng phí.
Ông Cấp Cô Độc bố thí, cúng dường đúng pháp, nên công việc làm ăn tốt thêm, xã hội chịu ảnh hưởng Phật giáo trở thành tốt đẹp, phát triển. Theo Phật, đầu tiên xây dựng tâm con người không tham lam, cái gì không phải của mình không sử dụng. Người không có tâm tham, cái gì mình sử dụng không hết thì cho người khác, nghĩa là đổi tâm tham thành tâm bố thí. Của cải nhiều thì ban rải và có trí tuệ thì làm theo Cấp Cô Độc là ông cung cấp cho đời sống của thợ thuyền đầy đủ, nên ông đi chùa, nghe pháp, nhưng sự nghiệp của ông lớn thêm, vì công nhân của ông không tham, không thâm lạm là nhờ họ học theo tấm gương của người chủ rất tốt, không tham mà luôn lo lắng cho họ được ấm no. Ngoài ra, sản phẩm của họ làm ra, chính họ được hưởng. Cấp Cô Độc theo Phật dạy, tiền làm ra không được dùng quá 50%, để 30% tái tạo sản xuất, còn 20% đầu tư vào việc đạo đức là bố thí, cúng dường. Thầy nhắc các Phật tử không nên làm việc thiện quá 20% mình có. Có Phật tử quá tốt, làm hết tài sản, thậm chí vay mượn để cúng dường, bố thí. Làm quá số này, coi chừng bị phá sản, nghèo khổ bao vây thì tâm ác sanh ra. Thực tế đã có người bị như vậy là từ tâm thiện mà sanh ra tâm ác, như vậy không thực hiện đúng lời Phật dạy rằng tâm thiện chưa sanh thì phải tạo điều kiện cho sanh, tại sao lại chuyển thành ác.
Cấp Cô Độc thể hiện tâm từ bi bằng cách chăm sóc, quan tâm đến công nhân, họ mới hết lòng với ông. Mình thương con vật, nó quấn quít mình, mình thương người giúp việc, họ cũng thương lại mình, đó là tu tập thiện tâm sở. Khi có nhiều của cải, chúng ta sử dụng tiền của đó để làm việc công đức như giúp đỡ người hoạn nạn, xây trường học, xây cầu, giúp học sinh vượt khó...
Theo Phật, cắt bỏ lòng tham, không phải cắt bỏ vật chất, địa vị. Chúng ta không có lòng tham và xây dựng người cũng không có lòng tham như chúng ta, đó là Cực lạc của Phật Di Đà giáo dưỡng người như thế. Có người nghĩ niệm Phật để vãng sanh. Thầy nói không phải vậy. Vãng sanh Cực lạc phải có điều kiện và điểm quan trọng then chốt là tâm trí lắng yên như vào thiền định thì Phật và Thánh chúng mới phóng quang tiếp độ. Tâm lắng yên là ác tâm không còn, không còn tham, sân, si, ngã mạn thì tâm mới đứng yên. Vì vậy, ban đầu Phật dạy cắt bỏ tâm ác và sanh thiện tâm là: tín, tàm, úy, vô tham, vô sân, vô si, tinh tấn, khinh an, bất phóng dật, hành xả và bất hại. Chúng ta phải tu mười một thiện tâm này, để nó khởi lên và lớn dần trong tâm chúng ta là tu tâm.
Đầu tiên chúng ta khởi thiện tâm bất hại, tức cái gì có hại cho cuộc đời, hại người, hại vật thì dứt khoát không làm. Biết có hại mà vẫn làm là ác. Và khi chúng ta tu thiện tâm sở này, không hại ai thì sẽ có được tâm nhẹ nhàng gọi là khinh an. Mặc dù chưa đạt được nhứt tâm bất loạn, chỉ mới có tâm nhẹ nhàng trước thiện ác, khen chê của cuộc đời thì không bao giờ mình nhăn trán, chau mày. Vì họ thanh thản, nên mọi loài thấy họ cũng được thanh thản theo. Người xấu nhưng không thấy mình xấu, cứ nghĩ người khác xấu. Nhưng Phật dạy rằng mọi người là tấm gương cho mình soi bóng. Người thấy chúng ta xấu thì phải tự biết rằng chúng ta xấu. Kinh Viên Giác dạy nếu là bậc chân tu thì không thấy lỗi người, mà thấy lỗi mình. Thấy lỗi mình bằng cách nếu bị người khi dể, mắng nhiếc, phải biết mình lỗi, nên phải trốn, sợ người thấy chúng ta, họ ghét mắng thì ta càng thêm tội. Coi cuộc đời đối xử với mình như thế nào, coi phản ứng của người đối với mình ra sao là biết được tâm của mình thì tu được.
Ngoài ra, tâm khinh an là tâm lúc nào cũng thanh thản. Tâm khinh an có được do đoạn tham, sân, si. Vì vậy, tu thiện của chúng ta là đoạn tham và tu vô tham thì thấy vật không phải của ta, không lấy, cho nên không nợ ai là điều an lạc nhất. Người khuấy động, hay cám dỗ mình, nhưng mình không động theo họ, không động theo sự cám dỗ, nghĩa là thanh thản giữa cuộc đời, đó là thiện tâm sở mà chúng ta đạt được. Từ tâm vô tham, vô sân, vô si và kế là tâm bất phóng dật. Thông thường, tâm nghĩ đến tốt xấu của cuộc đời, nghĩ đến người này, người nọ; nhưng tu theo Phật, tâm bắt đầu đứng yên, nghĩa là chúng ta cột tâm lại. Theo kinh nghiệm của thầy, khi tâm chưa đứng yên, thầy lạy sám hối và tụng Pháp hoa, đem tâm mình cột vô kinh điển Đại thừa, cột vô Hồng danh Phật, giúp cho tâm mình mở rộng vô biên nhờ tiếp nhận kinh Đại thừa là pháp hành của Bồ-tát. Cụ thể chúng ta thấy trong kinh Pháp hoa, Phật giới thiệu Bồ-tát Quan Âm và chúng ta suy nghĩ về Quan Âm thì Phật dạy rằng tâm chúng ta cũng tốt theo Bồ-tát. Quan Âm đi đến đâu, tâm chúng ta hướng tới đó. Quan Âm nguyện ở Ta-bà, không về Cực lạc. Thuở nhỏ, thầy tụng Pháp hoa, thấy Quan Âm nguyện ở Ta-bà, tại sao mình về Cực lạc, về đó để hưởng thành quả của người khác hay sao. Làm cho người khác hưởng thích hơn. Chừng nào Quan Âm về Cực lạc thì thầy về Cực lạc. Về sau, thầy đọc kinh Hoa nghiêm thấy Bồ-tát Phổ Hiền nguyện khi mãn duyên ở Ta-bà, ngài về Cực lạc: “Nguyện tôi lúc mạng sắp lâm chung. Trừ hết tất cả các chướng ngại. Tận mặt gặp Phật A Di Đà. Liền được vãng sanh cõi Cực lạc…”.
Khi mình theo chân Quan Âm đi Ta-bà làm đủ thứ việc thì tâm Ta-bà sanh ra, chướng nghiệp sanh ra, không về Cực lạc được. Còn Bồ-tát Quan Âm làm tất cả mọi việc trên cuộc đời, nhưng việc không vướng tâm Ngài, đó là tùy duyên giáo hóa. Vì vậy, Phổ Hiền dạy chúng ta làm tất cả mọi việc, nhưng lúc lâm chung, tất cả những thứ này đều bỏ lại trần gian. Làm không từ chối việc khó khổ nào, nhưng vừa làm vừa buông là hành xả. Nếu xả không được, chắc chắn không về Cực lạc. Phải có tâm hành xả. Nhiều thầy tu lo nhiều Phật sự, nhưng bất đắc kỳ tử, chướng ngại nghiệp sanh ra. Vì vậy, Phổ Hiền nhắc rằng làm nhiều, nhưng phải xả, nhất là lúc lâm chung, phải cắt đứt tất cả mọi việc thế gian mới vãng sanh Cực lạc.
Phổ Hiền nói không phải về Cực lạc để hưởng phước sung sướng. Vì hưởng phước sung sướng thì ở cõi Trời đã có, nhưng Bồ-tát nhắc về Cực lạc để nhận sự thọ ký của Phật Di Đà. Thầy nhớ Hòa thượng Trí Hải nói rằng lâm chung, ngài về Cực lạc vài ba ngày để nhờ Phật Di Đà thọ ký, xong thì ngài quay lại đây để làm việc với quý thầy. Về Phật Di Đà thọ ký là xác minh lại việc làm nào của mình được và cái chưa được, rồi lạy Phật Di Đà về Ta-bà tiếp tục việc của Đức Thích Ca giao cho chúng ta. Ở đây tu một ngày bằng tu ở Cực lạc mười kiếp. Ở đây phát Bồ-đề tâm làm được nhiều việc.
Tu hành, ngồi yên quán sát tâm và điều chỉnh tâm để đạt được diệu lực vô tác, tức không làm, nhưng kết quả có được lớn lao vô cùng. Quán chiếu tâm và đoạn ác tâm, phát huy thiện tâm thì mọi loài thấy ta, họ phát tâm. Trước kia, chúng ta muốn dạy người, muốn làm, nhưng không được. Nay buông bỏ tất cả để điều chỉnh tâm trong sáng, không làm, nhưng mọi việc tự tốt theo tâm thanh tịnh của chúng ta. Quán sát nội tâm xem ác tâm đoạn chưa, thiện tâm sanh chưa. Theo Phật, thiện tâm sanh thì không cần vật chất, nhưng vật chất tốt và địa vị cao thể hiện ý nghĩa bỏ tất cả, nhưng được tất cả. Cầu cho những người hữu duyên đều trở thành pháp khí Đại thừa, trở thành Quan Âm, Phổ Hiền trong tương lai, làm được nhiều việc tốt đẹp cho đời, cho đạo hơn nữa.