Xã hội học tri thức của Karl Mann heim

*Nguồn internet

*Nguồn internet

Ngày nay, khi nhân loại đang bước vào ngưỡng cửa của nền kinh tế trí thức, người ta mới thật thấu hiểu những tiền đề khoa học được đặt ra từ K.mannheim trong Sociology of knowledge là quan trọng như thế nào.


Những nghiên cứu về tri thức và giới trí thức chỉ thực sự được bắt đầu ở phương Tây gắn liền với “Phong trào Phục hưng” từ thế kỷ XVI với sự đề cao con người và khả năng sáng tạo của con người.
 
Tuy nhiên, sự xuất hiện của xã hội học, đặc biệt là xã hội học tri thức (sociology of knowledge) mới là bước phát triển cơ bản cho những nghiên cứu về tri thức và tầng lớp trí thức. Điều này gắn liền với những tên tuổi lớn của tư duy xã hội học với H. Spenser, E. Durkheim, M. Weber, A. Weber, V.Pareto và đặc biệt là K.Mannheim 

Thoạt đầu, những người đi tiên phong trong những nghiên cứu về tri thức và việc vận dụng tư duy xã hội học để giải thích những vấn đề nhận thức và tư duy của con người là các nhà xã hội học Émile Durkheim và Marcel Mauss vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.  Tuy không trực tiếp đặt ra, cũng không sử dụng thuật ngữ “xã hội học về tri thức” trong nghiên cứu của mình, nhưng trên thực tế, công việc của họ lại là vừa đặt nền móng vừa là những đóng góp quan trọng đầu tiên và có hiệu quả cho lĩnh vực “xã hội học tri thức” sau này.

Emile Durkheim (1858-1917), cho đến nay, vẫn được xem là vị giáo sư đầu tiên đem tư duy xã hội học vào giảng dạy thành công trong một trường Đại học. Tại Đại học Bordeaux trong những năm 1890. Durkheim đã xây dựng được một hệ thống giáo trình hoàn chỉnh, phân tích và lý giải nhiều quá trình và hiện tượng xã hội theo một hướng tư duy mới, cụ thể về những vấn đề như cơ cấu và chức năng xã hội, các sai lệch xã hội, nạn tự tử, gia đình, cấu trúc xã hội, và các tổ chức xã hội. Ông cũng dành một phần lớn công việc của mình để đề cập tới những khía cạnh xã hội học về tri thức và các phương pháp tư duy .  Năm 1902, ông xuất bản, cùng với nhà xã hội học Pháp Marcel Mauss, một chuyên luận khoa học về tư duy và nhận thức có nhan đề là “Nguồn gốc của sự phân loại”. Đây là một chuyên luận xã hội học đặc sắc, nói về sự chuyển biến của các thiết chế và tổ chức xã hội, từ tính tự phát sang tính tự giác, thông qua những sự “liên kết xã hội”. Ông khẳng định rằng, xã hội đang chuyển biến sang một cơ chế mà trong đó vai trò của con người, thông qua tri thức, học vấn mà ngày càng trở nên rõ ràng và chủ động hơn, trong đó xã hội được tổ chức với một hệ thống cấu trúc ngày càng hợp lý.

 Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong lý thuyết về “liên kết xã hội” của Durkheim là khái niệm của ông về tập thể đại diện (représentation collectives). “Tập thể đại diện” là những biểu tượng và tư duy nhận thức có thể đại diện cho những ý tưởng, niềm tin và giá trị được xây dựng bởi một tập thể, một số đông. Nó có thể bao gồm các từ, các khái nim, các biểu tượng, các ý tưởng, là công cụ cho tư duy nhận thức, chẳng hạn như một cây thánh giá, một tảng đá, một ngôi đền... Durkheim khẳng định rằng, thông qua những biểu tượng mang tính chất “đại diện tập thể” mà một nhóm xã hội có thể gây sức ép lên các cá nhân để nhận thức và tư duy của cá nhân có thể phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và tư tưởng của xã hội”. Quá trình này diễn ra khách quan, nó định hướng tư duy của con người vào nhận thức của số đông, nâng tầm nhận thức của cá nhân lên tầm của xã hội. 

Tuy nhiên, nhà xã hội học người Đức nổi tiếng là K. Mannheim (1893-1947) mới thực sự là người sáng tạo chính của xã hội học tri thức (Sociology of knowledge). Ông cũng là người đầu tiên đã khẳng định tri thức của con người là một nguồn lực cho sự phát triển của xã hội. Ngày nay khi nhân loại đang bước vào ngưỡng cửa của nền kinh tế trí thức, người ta mới thật thấu hiểu những tiền đề khoa học được đặt ra từ K.Mannheim trong Sociology of knowledge là quan trọng như thế nào.

 Mannheim sinh ra ở Budapest, học ở đó rồi sau là ở Berlin , Paris và Heidelberg. Ngoài hai mươi tuổi ông đã có bằng tiến sĩ triết học với một bản luận án xuất sắc có tên là “Cơ cấu của nhận thức” mà sau này được ông biên soạn và xuất bản thành một cuốn sách rất nổi tiếng, được coi là nền tảng cho môn “xã hội học tri thức”. Năm 1914, ông đã tham dự các bài giảng rất có tiếng vang lúc bấy giờ của nhà xã học Georg Simmel và chịu ảnh hưởng rất sâu sắc lối tư duy thoáng đãng của Georg Simmel đặc biệt là về phương pháp luận khoa học. Ở Đức, Mannheim chuyển từ Freiburg về sống tại Heidelberg, và làm việc tại đây cùng với nhà xã hội học và văn hóa học người Đức Alfred Weber, anh trai của nhà xã hội học nổi tiếng Max Weber. Tư tưởng của hai ông đã bổ trợ cho nhau một cách đắc lực trong những nghiên cứu về trí thức và văn hóa.

Năm 1930, ông trở thành giáo sư xã hội học tại Đại học Johann Wolfgang Goethe Frankfurt. Hai nhà xã hội học nổi tiếng khác là Norbert Elias và Hans Gerth cũng đã từng làm việc như là trợ lý của ông trong thời gian này, từ mùa xuân 1930 cho đến mùa xuân năm 1933.

Trong cuốn sách có tên là “Nhận thức về cơ cấu của tri thức”, K.Mannheim đã luận giải về việc phải nghiên cứu sâu sắc về con người và trí tuệ của con người, nhằm phát huy năng lực sáng tạo của họ. Trí tuệ của con người, theo ông luôn tuân thủ những nguyên tắc vận hành của riêng nó, những nguyên tắc mà ông gọi là “những nguyên tắc nhận thức luận”.

Ông cũng chỉ ra rằng nhận thức luận về “mối quan hệ giữa người trí thức và tri thức là phải dựa trên nền tảng của tâm lý học, lý luận và bản thể học’’. Trong tác phẩm này, Mannheim trình bày “các diễn giải về vấn đề  mối quan hệ giữa cái toàn bộ và các bộ phận cấu thành của nó trong tư duy nhận thức”. Ông đưa ra những lập luận về sự khác biệt giữa nhận thức nghệ thuật với nhân thức khoa học và triết học”. Ông cho rằng khoa học luôn luôn cố gắng để bác bỏ hoặc khẳng định một giả thuyết, còn nghệ thuật thì tư duy bằng các hình tượng và bằng sự cảm xúc mặc dù cả hai có thể cùng tồn tại trong cùng một thế giới quan.

Trong thời gian này Mannheim đã chuyển hẳn từ triết học sang nghiên cứu xã hội học để khẳng định rõ hơn và cụ thể hơn những ý tưởng về “xã hội học tri thức”. Ông cũng tìm hiểu các nguồn gốc của văn hóa, coi văn hóa là nơi lưu giữ và truyền bá tri thức. Trong tác phẩm “hệ tư tưởng và không tưởng” (Ideology and Utopia), ông lập luận rằng. hệ tư tưởng của con người trong nhiều trường hợp có thể trở thành không tưởng, nhưng không thể vì thế mà bị giới hạn lại một cách chủ quan, bởi chính nó tạo ra những tư duy sáng tạo mới. Việc giới hạn ý thức hệ đồng nghĩa với sự ngăn chặn khả năng sáng tạo của tư duy. Ông ủng hộ phương pháp tư duy biện chứng của Mác. Tuy nhiên, ông kêu gọi một bước đi xa hơn đối với tư duy, để nó có thể vượt ra khỏi khuôn khổ của những ràng buộc của điều kiện và cơ sở vật chất.

Mannheim cũng nghiên cứu về các tầng lớp xã hội, vị trí vai trò của các tầng lớp xã hội, các thế hệ và đặc biệt là tầng lớp trí thức, coi trí thức như là yếu tố quyết định lớn nhất cho sự sáng tạo tri thức. Ông cũng cho rằng việc thừa nhận các quan điểm khác nhau tùy theo sự khác biệt về thời gian và vị trí xã hội của các nhóm xã hội sẽ giúp cho nhận thức của chúng ta ngày càng tiếp cận được với sự đúng đắn của chân lý.

 Sau này người ta hay so sánh phương pháp tư duy của Marx trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức với phương pháp tư duy của K.Mannheim trong Hệ tư tưởng và không tưởng và đồng thời đánh giá cao những đóng góp của Mannheim trong những tư duy khoa học hướng về việc giải phóng các tiềm năng của tư duy .

Những nỗ lực đầy tham vọng của Mannheim để thúc đẩy một xã hội học phân tích toàn diện và sâu sắc về cấu trúc của tri thức đã tạo được ảnh hưởng lớn trong những nghiên cứu về tri thức và tầng lớp trí thức sau này mà tiêu biểu là Hannah Arendt , Max Horkheimer, Herbert Marcuse , Paul Tillich , Hans Speier , Günther Stern (hay còn gọi là Günther Anders ), Waldemar Gurian và từ những năm 1970 như Erich Fromm và Michael Maccoby. Nó cũng là tiền đề cho sự ra đời của những nghiên cứu xã hội học của những nhà nghiên cứu thuộc trường phái Frankfurt .

 Tác phẩm nổi tiếng của Mannheim “Cơ cấu của tư duy” (Structures of thinking) xuất bản vào những năm 1920-1924 tại Anh Quốc ngày nay đã được tái bản rất nhiều lần trong bối cảnh mới của việc phát triển nền kinh tế tri thưc. Những nhắc nhở của K. Mannheim đối với các nhà quản lý rằng phải biết  nâng cao khả năng sáng tạo của con người thông qua việc nghiên cứu, đầu tư khai thác các nguồn lực từ trí tuệ giúp cho trí tuệ luôn thông thoáng, vượt qua được những giới hạn vốn có của mình đến nay càng được quan tâm nhiều hơn. Nhiều tư tưởng của Mannheim đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là niềm tin mà ông gửi gắm vào khả năng tư duy được ông gọi là “ không có giới hạn” của tri thức con người./.

Tác giả: Đặng Vũ Cảnh Linh