SỬ THI – HÁ PÀ “PHUỲ CA NA CA” CỦA NGƯỜI HÀ NHÌ Ở MƯỜNG TÈ
- Thứ ba - 18/11/2014 08:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nghệ nhân Pờ Lóng Tơ hiện là người duy nhất trong cộng đồng người Hà Nhì ở Việt Nam còn lưu giữ được nguyên vẹn sử thi “P’huỳ ca Na ca”
1. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, SƯU TẦM SỬ THI P’HUỲ CA NA CA
Năm 1985, Lê Đình Lai thực hiện Luận văn tốt nghiệp với đề tài “Sơ bộ tìm hiểu và giới thiệu hai truyện thơ dài Xa Nhà Ca và Phuỳ Cá Ná Cá của dân tộc Hà Nhì” mở ra một hướng đi mới cho công tác nghiên cứu, sưu tầm sử thi ở Việt Nam; nhưng phải đến năm 2011, Chu Thuỳ Liên mới công bố tác phẩm “Xa Nhà Ca: trường ca dân tộc Hà Nhì”. Tuy nhiên, tác giả vẫn giữ thái độ dè dặt khi xếp “Xa Nhà Ca” vào thể loại Trường ca - điều mà các nhà khoa học trong và ngoài nước đã đề nghị: “không nên ngập ngừng dùng trường ca để chỉ sử thi nữa”[1]. Trong khi đó, tác phẩm trên đã được sưu tầm và công bố ở Trung Quốc với tên gọi “Khai thiên lập địa ca” và được xếp vào thể loại sử thi.
Trong một số công trình dân tộc học, sử học đã công bố, một số nhà nghiên cứu đã nhắc đền “P'huỳ ca Na ca”, tiêu biểu như các tác giả Lê Ngọc Thắng, Lâm Bá Nam trong cuốn “Bản sắc văn hoá các dân tộc Việt Nam”[2], tập thể tác giả Nguyễn Chí Buyên, Hoàng Hoa Toàn, Lương Văn Bảo trong cuốn “Nguồn gốc lịch sử tộc người vùng biên giới phía bắc Việt Nam”[3], tác giả Trần Bình trong cuốn “Tập quán hoạt động kinh tế của một số dân tộc ở Tây Bắc Việt Nam”[4] … Tuy nhiên, các tác giả chỉ gọi “P'huỳ ca Na ca” là truyện thơ dài, truyền thuyết, hay trường ca mà không gọi là sử thi.
Theo kết quả thống kê của GS.Phan Đăng Nhật thì vùng miền núi phía Bắc hiện nay mới chỉ sưu tầm và công bố được 04 tác phẩm sử thi; cụ thể là: vùng người Mường: 01 sử thi; vùng người Thái : 03 sử thi[5].
Như vậy, cho đến nay ở Việt Nam chưa có công trình nào về sử thi “P’huỳ ca Na ca” được công bố; mặt khác “P'huỳ ca Na ca” vẫn chưa được thừa nhận là sử thi.
2. THỂ LOẠI VÀ NỘI DUNG
2.1. Thể loại
Trong cuốn “Văn học dân gian” (tập II) xuất bản năm 1973 của hai tác giả Đinh Gia Khánh và Chu Chu Xuân Diên, các thuật ngữ Trường ca, Sử thi, Anh hùng ca đã được phân biệt bằng các khái niệm như sau:
- Trường ca là một danh từ chung để gọi bất cứ tác phẩm thơ ca nào mang ý nghĩa ca ngợi và có độ dài nào đó chứ không phải là một thuật ngữ chỉ một thể loại riêng biệt trong văn học dân gian.
- Sử thi là những áng thơ ca đúc kết những điều truyền thuyết và những mẩu thần thoại ở nhiều địa phương, của nhiều thị tộc, nhiều bộ lạc thành hệ thống rộng lớn để miêu tả nguồn gốc dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quốc gia trong buổi bình minh của lịch sử.
- Anh hùng ca (tráng sĩ ca) trùng hợp với sử thi ở chỗ cũng thuật lại những kỳ công vĩ tích, những sự nghiệp anh hùng. Nhưng có lẽ nên dùng thuật ngữ này để gọi những áng thơ ca liên quan đến từng vị anh hùng nhất định[6].
Năm 1981, GS.Phan Đăng Nhật trong cuốn sách “Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945” đã sử dụng các thuật ngữ “sử thi”, “sử thi anh hùng”, “sử thi – mo”… Cùng với đó, ông đã đặt tên gọi dùng để chỉ sử thi của các dân tộc bên cạnh thuật ngữ sử thi có nghĩa coi đây là một loại sử thi riêng nhằm làm tăng cường độ chính xác và làm rõ thêm nguồn gốc cũng như đặc điểm riêng của các loại sử thi của các dân tộc anh em. Theo cách cấu tạo ấy, các sử thi được mang tên gọi theo các thuật ngữ ghép như: Sử thi – mo để chỉ sử thi của người Mường; Sử thi – khan để chỉ sử thi của người Êđê; Sử thi – hri để chỉ sử thi của người Giarai; Sử thi – ot nrong để chỉ sử thi của người Mơnông; Sử thi – khắp để chỉ sử thi của người Thái; Sử thi – hmon để chỉ sử thi của người Bana; Sử thi – akhar jucar để chỉ sử thi của người Raglai; Sử thi – akayet để chỉ sử thi của người Chăm…[7]
Căn cứ vào các yếu tố xác định thể loại của một tác phẩm sử thi như tính truyền thống, tính diễn xướng cộng đồng, tính rộng lớn, hình thức kể… chúng tôi xác định “Phuỳ ca Na ca” của người Hà Nhì thuộc thể loại sử thi. Bên đó, theo hướng đi của các nhà nghiên cứu sử thi đi trước, chúng tôi mạnh dạn gọi sử thi của người Hà Nhì bằng thuật ngữ ghép là “sử thi – há pà”; bởi “há pà” hay “há pà dí” là những thuật ngữ được người Hà Nhì dùng để chỉ hành động hát, bao gồm cả thể loại hát kể (tự sự). Cách gọi này tương đồng với cách gọi bằng thuật ngữ “khắp” (hát) của người Thái khi nói về các tác phẩm sử thi “Ẳm ẹt luông” hay “Chương Han”.
Theo khung phân loại của GS.Phan Đăng Nhật, chúng tôi xác định sử thi “P’huỳ ca Na ca” là sử sử thi cổ sơ nếu xét về bình diện thời gian ra đời; còn nếu xét về bình diện đề tài thì đó là sử thi thiết chế xã hội.
2.2. Cấu trúc đề tài và nội dung tác phẩm
Sử thi “Phuỳ Ca Na Ca” không dài, chỉ gồm 932 câu với 28.903 từ (tính theo bản phiên âm gốc) nhưng hoàn toàn phù hợp với lời nhận xét của GS.Phan Đăng Nhật rằng: “các sử thi tiêu biểu của các quốc gia thường có khối lượng đồ sộ, trong lúc đó sử thi các dân tộc nước ta nói chung không lớn mấy”[8]. Bên cạnh đó, “Phuỳ Ca Na Ca” có đầy đủ những đặc điểm của “một sử thi cổ sơ (tiền quốc gia) mang tính chất tiêu biểu, thể hiện cả về nội dung cũng như cấu trúc, đặc điểm nghệ thuật, cách lưu truyền và đặc điểm tổng hợp của nó”[9].
Sử thi "P'huỳ ca Na ca" có cấu trúc gồm ba phần với nội dung cơ bản như sau:
- Phần thứ nhất, từ câu 1 đến câu 419: gồm hai mục
Mục thứ nhất kể về miền đất Na Chô Chô Ứ nằm bên dòng sông Ha Sa, có cánh đồng lớn bên sông được dẫn nước bởi mười hai con mương, có bản lớn Hà Nhì bảy nghìn hộ ở giữa thật giàu có, được bảo vệ bởi hàng rào đan dây thép, được ngăn cách với người Hán bởi dòng sông có con rồng cai quản, bởi giao lộ mười hai ngả đường lớn với bảy mươi lối rẽ đường cong do con voi chúa trấn giữ.
Mục thứ hai kể về dịch bệnh hủi đã khiến cho một cô gái lâm vào hoàn cảnh bi thương – bị thả bè trôi sông. Nhưng rồi cô gái được bà cô cứu, lại vô tình được con rồng dưới đáy sông Ha Sa làm cho khỏi bệnh và được trở về bản. Nhưng cô không về một mình mà còn đem theo một chàng trai người Hán do con rồng đưa đến. Đó cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tranh chấp và xung đột.
- Phần thứ hai, từ câu 420 đến câu 826: kể về cuộc tranh chấp âm thầm nhưng quyết liệt giữa một bên là lực lượng bảo vệ lý lẽ và những tập tục truyền thống của Hà Nhì mà đại diện là anh con trai trưởng trong nhà và một bên là lực lượng người Hán với đại diện là tên con rể và cô vợ người Hà Nhì nhẹ dạ. Chúng dần chiếm hết nhà cửa, đất đai, của cải, hãm hại con voi chúa, đánh tráo cái ống thần của người Hà Nhì. Sau đó, kiếm cớ để tiến đánh, thôn tính đất đai của người Hà Nhì.
- Phần thứ ba gồm 105 câu, từ câu 827 đến câu 932: kể về cuộc di cư bi thảm, thê lương của người Hà Nhì. Trong quá trình di cư, người Hà Nhì dần bị ly tán, phần thì do bị cộng đồng người khác bắt làm nô lệ, phần thì rơi rớt trên những địa điểm dọc theo tuyến đường di cư. Số còn lại đến sinh sống ở một địa điểm khác và không còn liên hệ gì với các nhóm đã bị ly tán dọc đường.
3. MÔI TRƯỜNG TỒN TẠI VÀ DIỄN XƯỚNG SỬ THI “P’HUỲ CA NA CA”
"P'huỳ ca Na ca" ra đời và tồn tại trong môi trường văn hoá dân gian Hà Nhì (nhóm Hà Nhì Cồ Chồ) với nền tảng xã hội về cơ bản chưa hình thành giai cấp, sự thống trị và bóc lột tuy đã manh nha hình thành nhưng chưa điển hình mà vẫn mang tính chất công xã nông thôn rõ nét. Ruộng đất, núi rừng thuộc sở hữu của toàn thể cộng đồng. Sản phẩm được phân phối theo nguyên tắc bình quân.
Thiết chế xã hội cơ sở của người Hà Nhì là làng (phu). Mỗi làng đều là một cộng đồng về cư trú, cộng đồng về sở hữu và lợi ích, cộng đồng về tâm linh và cộng đồng về văn hoá. Tổ chức và duy trì trật tự trong cộng đồng là một hội đồng các chức sắc bao gồm pò tá (trưởng làng), mồ p’hí (thầy cúng), mí cù và la chạ (những người chăm sóc rừng thiêng), thủ tý h’ló (người chăm sóc miếu thờ thổ địa), hà gà h’ló (người thờ cúng thần núi)
Chế độ hôn nhân và gia đình là chế độ phụ hệ nhưng vẫn tồn tại dấu vết mẫu hệ. Trong nếp sống sinh hoạt của mỗi gia đình, người phụ nữ có vai trò quan trọng, đó vừa là người làm ra hạt gạo nuôi sống gia đình. Trong tín ngưỡng, những nàng dâu trong các gia đình nhóm Hà Nhì Cồ Chồ là những người chăm lo việc thờ cúng tổ tiên...
Đó là cơ sở hình thành nguyên tắc chung của các quan hệ xã hội: “dân chủ, bình đẳng, thương yêu nhau” (Ăngghen). Quan hệ xã hội ấy đã chi phối mạnh mẽ đến quan hệ văn hoá. Mọi người đều có quyền sáng tạo và hưởng thụ những thành quả của văn hoá nghệ thuật. Nhờ đó mà tác phẩm sử thi của người Hà Nhì “cho ta một sự thoả mãn về thẩm mĩ và về một phương diện nào đó, chúng còn được dùng làm tiêu chuẩn, làm mẫu mực mà chúng ta chưa đạt tới”[10].
"P'huỳ ca Na ca" thường được hát bên mâm rượu ngày tết. Trên mâm nhất thiết phải có một con gà và hai chén rượu để dâng cúng Tổ tiên cùng các vị thần linh được nhắc đến trong nhiều trường đoạn. Người Hà Nhì quan niệm nếu không làm lý bằng một chén rượu và một con gà mà cứ thế hát kể thì thần linh, tổ tiên sẽ trách phạt mà giáng hoạ xuống gia đình người hát: người đau ốm, gia súc dịch bệnh, mùa màng thất bát… khiến cho sử thi mang sắc màu huyền thoại. Tuy vậy, sử thi "P'huỳ ca Na ca" không mang tính chất tín ngưỡng tôn giáo, không bị ràng buộc bởi các nghi lễ như sử thi – mo của người Mường với tư cách là một bộ phận của tang lễ.
Trước khi hát, người hát đầu tiên sẽ vừa lấy từ con gà một ít da đầu, thịt cánh, thịt đùi, thịt lườn, lòng, gan bỏ vào một cái bát con đặt cạnh chén rượu trên mâm vừa làm vừa lầm rầm khấn mời các vị thần linh và tổ tiên về ăn thịt, uống rượu, nghe con cháu hát. Diễn xướng "P'huỳ ca Na ca" có thể do một hay nhiều người thay nhau thực hiện. Người hát vừa uống rượu vừa hát (xướng). Diễn không sử dụng động tác của tay, chân mà thể hiện qua nét mặt; lúc vui, lúc buồn, khi thong thả, lúc vội vàng theo từng nội dung cốt truyện.
4. GIÁ TRỊ CỦA SỬ THI "P'HUỲ CA NA CA"
4.1. Sử thi "P'huỳ ca Na ca" mang giá trị phản ánh lịch sử
Với chủ đề chiến tranh, tác phẩm kể về sự đối đầu và xung đột một thời giữa người Hà Nhì với người Hán. Sử thi “P’huỳ ca Na ca” có rất nhiều câu nói về điều này, nhiều chỗ lặp đi lặp lại như muốn nhấn mạnh đến một vấn đề cốt tử của người Hà Nhì khi ấy – giữ đất. Đó là hình ảnh của một làng chiến đấu với hệ thống phòng thủ khá nghiêm ngặt:
Có hàng rào đan bằng dây thép
Bao bọc bảo vệ khắp xung quanh
Bản ở giữa cũng bao hàng rào thép
Bảy mươi đôi cọc cắm đều nhau
Đó là những con mãnh thú được thuần phục để bảo vệ ranh giới:
Chúa tể rừng xanh con voi to đuôi ngắn
Tổ tiên ta thuần phục được nó về
Để giữ ranh giới Hà Nhì – Hán
Trấn thủ dòng Ha Sa nước lớn
Là con rồng lặn dưới đáy sông sâu
Đó là thái độ kiên quyết thẳng tay chống trả trước âm mưu âm lược:
Nếu một ngày trâu ngựa bước chân sang
Sẽ đánh cho chết ngay lập tức
Cho phân mốc xương mục ngay tức khắc
Đánh cho chân ngựa chổng lên trời
Đánh cho ruột ngựa phơi ra đất
Kết quả của cuộc tranh dành ấy là một cuộc chiến tranh đẫm máu:
Đạn người Hán rơi dầy tựa sao sa
Máu người chết chảy thành dòng đỏ thẫm
Do chủ quan, quân Hà Nhì không chống đỡ nổi, thua và mất đất, khiến họ phải di cư về phương Nam. Một trong những điểm đến đó là Việt Nam.
Trong cuộc di cư này, sử thi "P'huỳ ca Na ca" nói về nơi đến cuối cùng của người Hà Nhì là đầu nguồn Khó Ma, vùng đất hiện nay thuộc địa phận xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Địa danh Khó Ma được miêu tả trong sử thi "P'huỳ ca Na ca" là “nơi có nhiều sản vật”, và rằng “uống rượu ngọt không cần phải trộn men[11], hạt cơm ăn cũng chẳng dùng chày giã”. Đó chính là các loại cây lõi có bột (báng, móc, cọ). Hiện nay, cộng đồng người La Hủ ở các xã Pa Ủ và Pa Vệ Sủ vẫn khai thác các loại cây này để ăn và nấu rượu. Người La Hủ ở đây còn nói rằng khi người La Hủ đến đây thì đã thấy có những đám ruộng bậc thang của người Hà Nhì. Chắc hẳn là sau khi tạm thời ăn bột lõi cây rừng sống qua ngày, người Hà Nhì đã tích cực khai khẩn ruộng bậc thang. Sau đó, một phần do số lượng dân cư tăng lên, mặt khác do tìm được những vùng đất mới tốt hơn nên người Hà Nhì đã rời đi.
4.2. Sử thi "P'huỳ ca Na ca" phản ánh phong tục, tín ngưỡng cổ truyền của người Hà Nhì
Bên cạnh đề tài chiến tranh mang tính chủ đạo, nội dung tác phẩm còn truyền tải những phong tục, tập quán truyền thống. Qua sử thi này, chúng ta thấy họ vốn là những cư dân làm ruộng nước ở trình độ tương đối cao, với ruộng lớn nhìn hút tầm mắt được tưới nước bởi mười hai con mương. Kỹ thuật làm ruộng nước của họ là kỹ thuật cấy mạ chứ không phải gieo xạ. Không chỉ làm ruộng nước, người Hà Nhì khi đó cũng làm nương. Tri thức dân gian của họ về việc phân biệt những ưu điểm của hai phương thức canh tác này khá rõ rệt:
Lúa trồng dưới ruộng hạt lúa chắc
Lúa tra trên nương bông lúa dài
Người nghệ nhân dân gian cũng không ngần ngại khi nói về việc ăn thịt mèo, mặc dù luật tục cấm điều này. Theo quan niệm của người Hà Nhì thì mèo có họ với hổ, nếu ăn thịt mèo ở trong bản thì hổ sẽ tức giận và sẽ đến trả thù, gây hoạ cho cộng đồng. Nếu ai muốn ăn thịt mèo thì phải dấu diếm, khi giết thịt mèo phải đóng kín cửa, ăn vụng ở xó nhà, không được để cho người khác biết. Xưa nếu bị phát hiện thì bị xử phạt rượu, lợn, gà để cộng đồng cúng tạ lỗi với thần rừng. Nay, những lão niên Hà Nhì vẫn còn duy trì nếp nghĩ và cung cách ứng xử ấy.
Tuy chiếm số lượng không lớn, nhưng sử thi "P'huỳ ca Na ca" cũng có nói về tín ngưỡng dân gian cổ truyền của người Hà Nhì. Tập tục này được nhắc đến trong "P'huỳ ca Na ca" như sau:
Trong một bản có ba nơi thờ cúng
Một nơi đó để cúng vào tháng ba
Ấy là miếu Gà ma trên đỉnh bản
Làm nơi thờ nữ thần toàn năng
Để có được cuộc sống bình yên
Bản phải mỗi năm một lần cúng
Sau lễ cúng, dân bản xưa tổ chức vui chơi với các điệu múa Cá nhi nhi quen thuộc, với âm thanh trống chiêng rộn rã:
Bảy nghìn hộ cùng nhau mở hội lớn
Rộn ràng với ba cặp trống chiêng
5. ĐẶC ĐIỂM THẨM MĨ CỦA SỬ THI "P'HUỲ CA NA CA"
5.1. Đặc điểm về cái hùng, cái cao cả
"P'huỳ ca Na ca" nổi bật ở tính hùng tráng và sự cao cả, mang giá trị cái đẹp, nhưng là cái đẹp trên mọi cái đẹp gây nên những cảm xúc thẩm mĩ đặc biệt đi đôi với sự kính trọng, niềm tự hào và lòng hân hoan. Ngay từ những câu đầu của sử thi, người nghe đã phải thổn thức, hồi hộp trước sự xa xăm, đầy kỳ bí của miền đất tổ:
Ở đầu nguồn Nà Ma
Tổ tiên Hà Nhì ta từng sống
Tận đầu nguồn Nà Ma
Tổ tiên Hà Nhì ta ở đó
Nhưng qua lời hát, người nghe được dẫn dắt vào xứ xở ấy, được thấy như hiện lên trước mắt mình một miền đất giàu sang, trù phú, thật cụ thể nhưng cũng đầy sinh động:
Ở giữa đông vui bảy nghìn hộ
Được bao bọc bởi hàng rào thép đan
Hàng rào thép bao kín xung quanh bản
Mười hai con mương dẫn nước vào đồng
Chỗ cuối bản có một bụi tre
Dành làm nơi hành quyết người phạm tội
Gốc cây bưởi là chỗ để thịt dê
Gốc cây sổ để thịt trâu bò đấy
Thịt trộm mèo ở góc khuất trong nhà
Phiến đá ngoài hiên dành làm nơi thịt lợn
Dù một ngày chẳng thịt được mười con
Nhưng mười ngày cũng được một con đấy
Cái đẹp không chỉ có ở bản Hà Nhì, nó còn hiện lên ở những bản của các tộc người láng giềng xung quanh. Chẳng hạn như đoạn tả về người Thái:
Người Thái xuống nơi bến bờ sông nước
Giỏi bơi thuyền vượt thác dữ giữa dòng
Khai phá ruộng bên bờ sông, bờ suối
Nuôi vịt đàn để làm kế sinh nhai
Nhà sàn người Thái bao giờ cũng làm to
Phụ nữ Thái dệt vải may váy ống
Cơm nếp đồ dùng tay nắm để ăn
Hay như đoạn tả về người Cống:
Người Cống xuống ở nơi nuôi dê được
Dê của họ có đến hàng trăm con
Thường lập bản ven con sông, dòng suối
Dùng rìu to để đốn ngã cây rừng
Cái hùng vĩ, cao cả còn hiện lên qua ý thức bảo vệ quê hương, sẵn sàng thẳng tay trừng trị những kẻ xâm phạm. Những câu tả về điều này thật hùng tráng:
Nếu một ngày trâu ngựa bước chân sang
Sẽ đánh cho chết ngay lập tức
Cho phân mốc xương mục ngay tức khắc
Đánh cho chân ngựa chổng lên trời
Đánh cho ruột ngựa phơi ra đất
5.2. Đặc điểm về nghệ thuật ngôn từ
"P'huỳ ca Na ca" được diễn xướng trước cộng đồng theo lối tự sự, trong đó hát (xướng) là chủ đạo nên ngôn từ là một yếu tố then chốt làm nên sức hấp dẫn, vừa cuốn hút người nghe bởi làn điệu, nhịp điệu, vừa có vần và sự đăng đối của câu. Ví dụ:
Nà Ma à mé
Nga tư Hà Nhì à ta púng đẹ
Na Ma à mé tạ e dló
Nga tư Hà Nhì à ta p’hu trsó
Sự đăng đối ấy trong nhiều trường hợp tạo thành những câu có ý nghĩa gần như lặp lại:
Nga tư Hà Nhì à ta púng đẹ, đẹ ư gá e
Púng đẹ Nà Ma à mé dló o
Cái hay của sử thi "P'huỳ ca Na ca" còn toát lên ở những tu từ, mĩ từ để tạo nên những phép tỉ dụ làm tăng thêm hiệu quả thẩm mĩ cho lời hát. Ví dụ như khi tả về người con gái xinh đẹp, câu hát được thể hiện là:
Chân thon dài, đùi trắng như nõn chuối
Nổi đường cong, eo thắt đáy lưng ong
Cổ ba ngấn như nhộng tằm trong kén
Khuôn mặt tròn như giữa tháng trăng lên
Cánh tay trắng thon như dóng mía
Không những vậy, nhiều câu hát còn được nói phóng lên (ngoa dụ) nhằm để nhấn mạnh đến vấn đề cần quan tâm, tạo hiệu quả thẩm mĩ cao. Chẳng hạn như khi tả về nỗi khổ cực của người con gái bị cha mẹ, gia đình, cộng đồng bỏ rơi:
Đã từng chịu khổ không ai biết
Mười lần chịu rét chẳng ai hay
Chịu mười trận nóng như thiêu đốt
Đã từng nhịn đói suốt mười ngày
Hoặc như những câu:
Ống xương con suýt làm cầu qua suối
Thịt của con suýt làm phân bón rồi
Xương sườn con suýt bị phơi ngoài bãi
Bồng bềnh trôi theo nước dòng sông
Ở những đoạn gay cấn, kịch tính, nghệ nhân lại dùng từ theo lối tả thực, mô tả tỷ mỉ, chi tiết tạo cho người nghe có cảm giác như sự việc đang diễn ra ngay trước mắt mình. Chẳng hạn như đoạn bà cô đem cháu gái đi dấu, lòng nơm nớp lo sợ cha mẹ cô gái biết được:
Bà cô chạy tìm khắp bãi sông
Mới thấy một hang đá để giấu
Cứ ban ngày thì nguỵ trang che kín
Chẳng bén mảng đến lấy một lần
Nhưng đêm đến khi mọi người đã ngủ
Lại xách cơm mang đến để cho ăn
Chỉ sợ cha mẹ phát hiện ra
Thì mọi chuyện sẽ không yên ổn được
Hoặc như đoạn kể về cảnh bà cô giết con trăn lớn (con rồng dưới đáy sông) để cứu cháu gái:
Muốn thịt trăn làm lành bệnh cháu gái
Bà tìm cách hạ thủ nó cho mau
Nhưng ban ngày nó không tìm đến đó
Nên ban ngày bà chẳng đặt lưỡi dao
Rồi đêm đến bà lần theo vết nó
Đặt ngửa dao dọc theo lối nó đi
Nó không biết nên cứ trườn qua đó
Rồng phanh bụng bởi dao cứa vào thân
Phong cách nghệ thuật của "P'huỳ ca Na ca" nổi bật ở tính hình tượng, cụ thể, hình ảnh hoá cả những ý niệm trừu tượng. Chẳng hạn như khi muốn nói về sự thâm hiểm của người Hán, ngôn ngữ trong sử thi được diễn đạt như sau:
Rõ người Hán lắm mưu sâu kế hiểm
Như rái cá lặn dưới đáy vũng sâu
Đấu trí thì Hà Nhì thua Hán
Cật nứa sắc nhưng vẫn cùn hơn dao
Sức Hà Nhì hơn nhưng mưu Hà Nhì kém
Chân vịt to cũng chẳng bằng diều hâu
Hay như khi tả về cảnh thê lương của đoàn người Hà Nhì di cư:
Cánh tay thì dắt theo con lớn
Còn con nhỏ lót lá địu sau lưng
Như con ruồi bậu vào đít con trâu
Như loài muỗi, dĩn đuổi sau con cừu mẹ
Có thể khẳng định rằng sử thi “P’huỳ ca Na ca” của người Hà Nhì là sử thi cổ sơ giai đoạn muộn nói về xã hội Hà Nhì ở trình độ phát triển tiền nhà nước với ba vấn đề lớn là: thiết chế và tổ chức xã hội cổ truyền; tranh chấp và xung đột; thiên di và ly tán nhưng được miêu thuật dưới dạng văn học dân gian, được kể theo lối tự sự bằng những lời ca, lời nói vần đầy tính hào dùng nhưng cũng đầy bi tráng. Sử thi “P’huỳ ca Na ca” là một sử thi đích thực trong kho tàng sử thi các dân tộc Việt Nam và là một sử thi tiêu biểu của người Hà Nhì.
[1]. Phan Đăng Nhật. Sử thi Tây Nguyên lý luận và thực tiễn, Sđd; tr.194
[2]. Lê Ngọc Thắng, Lâm Bá Nam. Bản sắc văn hoá các dân tộc Việt Nam. Nxb Văn hoá dân tộc; tr.241
[3]. Nguyễn Chí Buyên, Hoàng Hoa Toàn, Lương Văn Bảo. Nguồn gốc lịch sử tộc người vùng biên giới phía bắc Việt Nam. Nxb Văn hoá dân tộc. 2000; tr.186-187
[4]. Trần Bình. Tập quán hoạt động kinh tế của một số dân tộc ở Tây Bắc Việt Nam. Nxb Văn hoá dân tộc. 2001; tr.26
[5]. Phan Đăng Nhật. Sử thi Tây Nguyên lý luận và thực tiễn. Sđd; tr.273
[6]. Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên (1973). Văn học dân gian, tập 2 (Dẫn theo GS. TS. Nguyễn Xuân Kính. Quá trình sưu tầm và nhận thức lý luận đối với sử thi ở Việt Nam tại website của Viện Nghiên cứu văn hoá. Tin đưa ngày 30/10/2008
[7]. Phan Đăng Nhật. Sử thi Tây Nguyên lý luận và thực tiễn. Sđd; tr.194
[8]. Phan Đăng Nhật. Sử thi Tây Nguyên lý luận và thực tiễn. Sđd; tr.273
[9]. Phan Đăng Nhật. Sử thi Tây Nguyên lý luận và thực tiễn. Sđd; tr.194
[10]. Các Mác. Góp phần phê phán chính trị - kinh tế học; Nxb Sự thật; H_1971; tr.313
[11]. Đây là loại rượu ủ từ bột trong lõi cây móc, tiếng Hà Nhì gọi thứ rượu ấy là “Chí gò”, còn rượu làm từ ngũ cốc, trộn men gọi là “Chí pà”
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tadri.org là vi phạm bản quyền