Luận về con ong cái kiến

Luận về con ong cái kiến
“Nước Nam từ đời Lạc Hồng, vua dân cùng cày, cha con cùng tắm, người và giống vật cùng ở nhà sàn, cấy ruộng lạc điền theo nước triều lên xuống. Dân sống ở thời bấy giờ cùng nhau vui vẻ chơi đùa trong cõi đất không rét không nóng...Có thể gọi là đời thì chí-đức, nước thì cực-lạc. Vua thì yên vui như Phật. Dân thì vẽ mình làm ăn, không phiền nhiễu gì đến sưu thuế, không việc gì phải canh phòng. Vua dân thân nhau, dẫu vài nghìn năm cũng không thay đổi”. (Sử gia Ngô Thì Sỹ)
 Có lần, đi tầu bay, vượt ngang một thành thị lớn, nhìn xuống, tôi bỗng  dưng nghe thấy có tiếng thốt lên ở đâu đó : “người đâu mà đông thế, cứ như một tổ kiến”. Đúng vậy, người so với kiến thì lớn thật, nhưng nhìn từ xa, lại ở trên cao, thì cũng chẳng khác nhiều với kiến...Cái “tổ kiến người” cũng tất bật, chật chội, người ngang kẻ dọc, đi ngược về xuôi, cặm cụi, lam lũ.
                Người xưa, để sống được thì phải “tri thiên mệnh” (biết được mệnh trời) tức là phải biết được rằng mình là ai. Trong cái “tổ kiến người” ấy không phải ai cũng là con trời (thiên tử), ai cũng là đại nhân. Nếu đã tri thiên mệnh thì điều trọng đại nhất sẽ là phải biết mình, biết người để mà cư xử cho phải đạo.
 Chẳng thế người bình dân xưa vẫn tự nhận mình là phận con ong cái kiến. Trong giao tiếp thì xưng mình là tiểu nhân, gọi người có địa vị cao hơn mình là đại nhân.
  •  
                Nhưng trong cái “tổ kiến người” ấy, cũng có những người tự nghĩ mình không đồng loại với những ong kiến khác. Khi họ sinh ra chí ít thì cũng có vầng hào quang nào đó chiếu sáng, ngôi sao nào đó sa vào giường. Cầm kiếm tranh giành thiên hạ thì chỉ vào mặt nhau mà chửi “thằng dệt chiếu bán dép kia”. Dệt chiếu bán dép là xấu xa, là dân hạ tiện, là ong kiến. Làm vua thì phải bảo : “trẫm phụng mệnh trời...” . Bởi lẽ, trẫm là con trời, không phải là hạ dân.
Hoàng đế Napoleon nước Pháp, chinh phục cả châu Âu, một lần đi qua dãy An-pơ hùng vĩ, ngoảnh lại đám quần thần mà cao hứng bảo : “Ta còn cao lớn hơn cả dãy núi kia”. Các hoàng đế Trung Hoa xưa, san thành đạp lũy, xem người như cỏ rác. Tần Thủy Hoàng giết người không ghê tay, Hạng Vũ chém chết hàng vạn tù binh. Máu người chảy thành sông, thành suối. Phận ong kiến có là gì
mandarin_Phu_de_PhuDoan
Quan lớn đi kinh lý
Vậy mà thử tách mấy vị hoàng đế vĩ nhân trên đây khỏi đám dân ong kiến ấy xem. Napoleon sẽ mãi chỉ là một anh lùn nhỏ thó và hói đầu tầm thường nếu không có sau lưng mình sức mạnh của hàng vạn binh sĩ thiện chiến. Hạng Vũ khỏe như hùm báo, một tay nhấc bổng cả cái đỉnh nặng hàng trăm cân, khi thua trận bên sông Ô mới nhận ra rằng mình cũng chỉ là một ong kiến mà chẳng phải thần thánh. Hán Vũ Đế, Đường Minh Hoàng và biết bao kẻ giàu sang khác cả đời cho người đi tìm thuốc trường sinh, bất lão mà cuối cùng cũng không thể thoát khỏi số mệnh sống chết của một con ong cái kiến, của con người bình thường. Vậy nên người xưa bảo :
Vua Ngô có ba sáu cái lọng vàng
Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì
Chúa Chổm uống rượu tì tì                                                
Thác xuống âm phủ cũng chẳng khác gì vua ngô
  •  
                Nhưng cái dân ong kiến kia về thực chất lại chẳng phải nhỏ bé như là loài ong kiến mà người ta vẫn coi thường . Nó thời nào cũng lầm lũi, lam lũ và cứ lầm lũi lam lũ như vậy để dựng nên nhân loại, văn hóa, văn minh.
Nó làm nên Kim Tự Tháp, Vạn Lý Trường Thành mà nhiều nhà thông thái, có người đến nay vẫn cứ ngộ là do dân ở hành tinh khác đến làm giúp dân địa cầu. Nó làm nên thơ ca, nghệ thuật, âm nhạc, sân khấu để chúng ta và nhiều vị thiên tử, đại nhân, quan nhân...thưởng thức và có lúc còn rơi cả nước mắt. Và nhiều lúc, khi nó giận dữ thì như bão giông, cuộn lên như sóng thần, cuốn đi bao rác rưởi tanh hôi từ cuộc đời.
Cứ nhìn cái nạn kiêu binh ở cuối đời Lê Trịnh thì rõ. Sử cũ còn chép rằng, khi cái đám quân binh lam lũ tràn vào kinh thành Thăng Long thì chẳng một một thế lực vua chúa, quan nhân nào cản nổi. Đến oai phong như Quận Huy, võ nghệ cao cường, tiếng to như sấm, cắp giáo dài, cưỡi voi lớn, những tưởng sẽ đè đầu được đám quân binh đói khát, mà cũng chỉ trong chốc lát đã bị họ quăng câu liêm, giật xuống đất, băm nát như bùn.
                Bởi vậy, những người thông tuệ, hiểu sâu, biết rộng thì không nhìn đám dân lầm lũi, lam lũ kia như ong kiến. Đức Hưng Đạo Đại Vương thì bảo phải “khoan sức cho dân”, muốn đánh được giặc thì phải hỏi ý dân, phải tổ chức “Hội nghị Diên Hồng”. Nhờ thế mới có muôn người thích chữ “sát Thát” vào tay, nguyện đồng lòng đồng sức giết giặc, mới có Trần Bình Trọng đến chết vẫn thề “làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất bắc”.
                Đức Phật hoàng Trần Nhân Tôn thì bao giờ cũng coi mình chỉ như là một phần của cái đám dân sinh bình thường. Khi ở ngôi vị cao nhất, ông vẫn đắm mình trong dân, đau với nỗi đau của nhân tình. Đánh xong giặc ông nguyện tu thành phật để cứu độ chúng sinh. Có lần tới thăm công chúa Quỳnh Trân, cô em gái đã bỏ ngôi vị cao sang để về cầy ruộng, xây chùa làm điều nhân đức ở một làng Du Lễ xa xôi, vua còn bị nhầm là thương lái và bị trai đinh trong làng đuổi đánh
                Trong sử ta, Nguyễn Trãi tiên sinh có thể được coi là người hiểu biết sâu rộng nhất về sức dân. Ông coi người dân là gốc gác của một quốc gia, đòi hỏi phải “lấy dân làm gốc”, “dân an thì quốc thái”, dân có an cư lạc nghiệp, đời sống xã hội có nhân hòa thì đất nước mới cường thịnh. Ông dạy rằng :
           Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
           Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
                Nguyễn Công Trứ làm quan to, công trạng khai dân, lập ấp cao như núi mà khi về cáo lão, tài sản đạm bạc chẳng chất nổi một chiếc xe bò. Trần Danh Án, ba đời đỗ tiến sĩ, khi xứ giả vua Quang Trung đến nhà mời ra làm quan cũng chỉ thấy ông vách đất nhà tranh, chẳng khác gì một bác nông phu. Ông bảo, “hãy để tôi ở lại đây để đến khi chết người ta sẽ chỉ vào mộ và nói  rằng đây là mộ một ông tiến sĩ triều Lê”. Với ông, một tiến sĩ và một người dân quê chẳng có gì là xa cách.
saigon_DEP
mẹ gánh con đi chợ (Ảnh thời thuộc Pháp)
                Cụ Hồ Chí Minh thì khỏi phải bàn thêm nữa. Công danh đức độ của cụ cao vòi vọi mà thoạt nhìn ai cũng cứ ngỡ như đây chỉ là một cụ già Việt Nam bình thường và thuần chất. Ở Âu-Mỹ ngần ấy năm trời mà về nước vẫn chỉ một màu áo nâu, áo ca-ki giản di, nói ra vẫn chỉ một giọng thuần khiết chất Nghệ. Ôi,vĩ nhân phi thường nhất, hóa ra cũng lại chính là người dân dung dị nhất. Thánh nhân được sinh ra không phải từ thánh thần mà lại là từ nhân loại. Để thành thánh nhân, hóa ra trước hết lại phải thành con người đã, phải lớn lên từ cái “tổ kiến người” bình thường nhất.
                Chăm lo cho dân trăm họ, ngay từ xa xưa đã là trách nhiệm cao nhất của những người quản trị đất nước. Từ xưa lắm, ở một vài huyện đường bên ta cũng như bên Trung Hoa có khắc ở cổng mấy câu không rõ gốc gác từ đâu nhưng vẫn luôn được dùng để nhắc nhở các vị quan lại trong cung cách hành xử với dân :
           Hạ dân dị ngược
           Thượng thiên nan khi
           (ác với dân thì dễ
            nhưng khó mà dấu được trời)
tonkin_tribunal_2_retouche
Hạ dân dị ngược
                Viết thế mà lại thấy tiếc cho mấy ông huyện quan Tiên Lãng trong câu chuyện thu đất của dân trong những ngày gần đây. Mới làm đến huyện quan mà đã tưởng mình sinh ra là có hào quang chiếu mệnh, dân sinh ra chỉ là ong kiến. Giá như mấy ông tỉnh ngộ, học được mấy dòng thơ trên nhỉ. Giá như mấy ông ghi lòng tạc dạ được cái bài “lấy dân làm gốc” mà giờ vẫn không hề cổ hủ của người xưa thì đâu đến nỗi.
Nhân đây xin được chép lại những dòng nhiều tâm huyết mà sử gia Ngô Thì sĩ miêu tả về hình ảnh cái cộng đồng người Việt xưa, cái cộng đồng mà, dù có cơ hàn, có lam lũ nhưng chẳng có ai bị coi là con ong cái kiến cả.
                “Nước Nam từ đời Lạc Hồng, vua dân cùng cày, cha con cùng tắm, người và giống vật cùng ở nhà sàn, cấy ruộng lạc điền theo nước triều lên xuống. Dân sống ở thời bấy giờ cùng nhau vui vẻ chơi đùa trong cõi đất không rét không nóng...Có thể gọi là đời thì chí-đức, nước thì cực-lạc. Vua thì yên vui như Phật. Dân thì vẽ mình làm ăn, không phiền nhiễu gì đến sưu thuế, không việc gì phải canh phòng. Vua dân thân nhau, dẫu vài nghìn năm cũng không thay đổi”.
                Nay dòng đời có đổi thay, bãi bể có thành nương dâu, dân ta có văn minh hơn nhiều, thì cái chất nhân văn thuần khiết ấy của tổ tiên chắc chắn vẫn cần cho chúng ta, vẫn phải giữ lấy nó để đi tới.
 
 

Tác giả: Tiểu Linh Bảo