10 năm ngày mất GS Trần Quốc Vượng: Tinh thần vẫn tỏa muôn phương

Cố GS Trần Quốc Vượng (trái) đang đọc tấm bia cổ ở đình Túy Loan (Đà Nẵng). Ảnh:  T.L

Cố GS Trần Quốc Vượng (trái) đang đọc tấm bia cổ ở đình Túy Loan (Đà Nẵng). Ảnh: T.L

Hôm nay (17.8), Hội thảo “Còn là Tinh anh” sẽ được tổ chức tại Hà Nội để kỷ niệm 10 năm Ngày mất của Giáo sư (GS) Trần Quốc Vượng- một nhà văn hóa lớn, bậc thầy của những người thầy. Nhân dịp này, PGS - TS Lâm Mỹ Dung- Giám đốc Bảo tàng Nhân học (ĐH Quốc gia Hà Nội) gửi NTNN bài viết về GS Trần Quốc Vượng.

Tài năng sớm vội ra đi

Những ngày đầu tháng 6 năm nay, những học trò thầy Trần Quốc Vượng như lệ thường bắt đầu tính lịch giỗ thầy. Đã qua 9 lần, đều đặn, nhóm học trò chúng tôi năm nhiều, năm vắng đều có chút hoa, chút quả, rượu bia, thuốc lá lên với thầy. Một tài năng sớm vội ra đi, để lại những học trò vẫn rất cần những dẫn bảo của thầy cả trong cuộc đời và trong sự nghiệp.
 

Năm nay, tròn 10 năm thầy về cõi khác để tiếp tục cuộc phiêu du khảo cổ văn hoá, trên dương gian, những tác phẩm của thầy vẫn được tái bản, được tìm đọc, được trích dẫn (và sử dụng mà không trích dẫn) trong nhiều lĩnh vực ngôn ngữ, lịch sử, văn hoá, khảo cổ, tôn giáo... Những tác phẩm, bài viết của thầy – nổi bật là những ý tưởng khoa học, kể cả bài viết theo đơn đặt hàng, bài nói chuyện theo chủ đề không bao giờ theo lối mòn, bao giờ cũng có những vấn đề phải thảo luận, mở ra bàn thảo. Ở khía cạnh nào đó, thầy nhắc chúng tôi nhớ đến một số nhạc sĩ tài danh, viết bài hát theo đặt hàng nhưng độc đáo, đặc sắc và luôn hay về giai điệu. Những tác phẩm đó sống được với thời gian, tài năng của tác giả không hề bị khuôn chế bởi hoàn cảnh.

Trong nghiên cứu lịch sử, văn hoá, khảo cổ, thầy Trần Quốc Vượng là như thế. Từ nhiều bàn thảo đã dẫn chúng tôi đến một nhất trí cao về cuộc tọa đàm khoa học “Còn là Tinh anh”, nhằm mục đích tổng kết, đánh giá, tìm hiểu sức sống, sức lan toả của di sản Trần Quốc Vượng trong đào tạo và nghiên cứu các vấn đề xã hội nhân văn xưa và nay.

Có bắt tay vào mới biết, di sản học thuật Trần Quốc Vượng đa ngành, đa chiều, học trò thầy ở khắp mọi miền đất nước và không chỉ ở Việt Nam. Có những học trò lâu năm, có những học trò trực tiếp nhưng không ít người chỉ một lần nghe thầy, có người chỉ đọc thầy... dù bất cứ theo cách nào thì học trò của thầy Trần Quốc Vượng đúng theo nghĩa “một chữ là thầy, nửa chữ là thầy”. Điều chúng tôi tự hào nhất là sau 1 thập niên thầy đi xa, ý tưởng Trần Quốc Vượng và tinh thần của thầy vẫn theo trò toả đi muôn phương.

Di sản và phong cách

Di sản học thuật và di sản cuộc đời Trần Quốc Vượng, nói như một số người khó mà nói hết, khó mà đánh giá hết tầm vóc và vị trí, vì đa ngành, đa lĩnh vực. Di sản Trần Quốc Vượng đã khởi đầu những môn học, những ngành học mới về Cơ sở Khảo cổ học; Cơ sở Văn hoá Việt Nam; Lịch sử Văn hoá Việt Nam; Nghiên cứu liên Văn hoá Lịch sử Du lịch học... Trong tất cả những ngành, những môn học trên, thầy đã giúp các học trò tìm được điểm mấu chốt là mối tương quan chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn, như cách nói bây giờ là khoa học ứng dụng, góc nhìn đa diện, khoa học khách quan tới mức có thể, ví dụ lịch sử nhìn từ khía cạnh cá nhân, đời thường, lịch sử dân gian, phi chính thống, lịch sử từ những góc nhìn đa diện...

Thầy cũng giúp chúng tôi có những hình dung căn bản nhất về quy hoạch những vùng địa văn hoá từ Bắc vào Nam, từ Tây sang Đông cho đến tinh thần Hỗn dung Văn hoá, Hỗn dung tín ngưỡng Tôn giáo, vai trò vị thế của trí thức Nho giáo với tất cả những trăn trở, ẩn ức, tính hai mặt của văn hoá và tính cách Việt Nam. Những lưu ý đánh giá khách quan và công bằng dựa trên dữ liệu điều tra khảo sát về sự tham góp của những tộc người khác- bên cạnh người Kinh (Việt) vào diễn trình lịch sử văn hoá Việt Nam, những cảnh báo về “Kinh già hoá Thổ/Thổ già hoá Kinh” – đánh mất bản sắc văn hoá tộc người trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá... Những bài học từ hiện tại đưa về quá khứ, từ quá khứ soi tới tương lai... những đánh giá lại thời đại, nhân vật khi phải đặt từng sự việc, sự kiện và con người trong từng bối cảnh, điều kiện xã hội, tự nhiên cụ thể, những quan điểm của duy vật biện chứng và duy vật lịch sử... Tất cả di sản của thầy vẫn đang hiện hữu sống động trong những nghiên cứu của nhiều thế hệ tiếp sau.

Phong cách Trần Quốc Vượng khó có thể định hình thật chính xác như thầy lúc sinh thời thường gật gù: Mọi thứ mơ hồ, mọi ranh giới mơ hồ hơn ta tưởng, “nói vậy mà không phải vậy” hay “bá nhân, bá tánh”. Phong cách pha trộn giữa phong trần với trầm ưu, sâu sắc. Chúng tôi vẫn còn nhớ, chỉ một dòng chữ trong tấm bia thôi cũng đủ để thầy đang uống dở cốc bia liền để ngay đó mà tra cứu, hỏi han. Chưa hiểu, chưa tìm được thì lũ học trò xung quanh cứ liệu chừng, mà khi dòng chữ đã sáng ra rồi thì thầy mừng rỡ như đứa trẻ. Lúc cao hứng, thầy hay bảo chúng tôi: “Các con ơi, khóc lên đi...” và bia cứ thế mà rót tràn.

Thầy để lại cho chúng tôi một tấm gương học tập suốt đời: Học mọi lúc, mọi nơi, “đi đâu cũng hỏi đến ba, bốn lần”, học ta, học Tây, học thầy, học bạn và học chính học trò... Một tinh thần khoa học dấn thân, dân chủ và cởi mở, đúng như lời thầy hay nhắc nhở: “Trong khoa học không ai được quyền nói tiếng nói cuối cùng!”. 


Điều chúng tôi tự hào nhất là cho đến hôm nay, sau 1 thập niên thầy đi xa, ý tưởng Trần Quốc Vượng và tinh thần Trần Quốc Vượng vẫn theo học trò toả đi muôn phương.

 

Tác giả: PGS - TS Lâm Mỹ Dung