Bật mí người bố ở Trường Sa trong bức thư đạt giải nhì

Bật mí người bố ở Trường Sa trong bức thư đạt giải nhì
Phạm Thùy Linh - Học sinh lớp 8D, Trường THCS Tô Hoàng (Hà Nội) đã làm rung động trái tim bao người khi cô con gái viết thư gửi ba nơi Trường Sa.
Với nội dung Âm nhạc làm lay động trái tim con người như thế nào, Thùy Linh đã hóa thân thành cô con gái ngoan ngoãn viết thư cho ba – người chiến sĩ đang canh giữ biển đảo Tổ quốc. Đây là một trong 4 bức thư được ban giám khảo đánh giá cao nhất.
 Phạm Thùy Linh giành giải nhì cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 43.
Hiền lành, có đôi chút rụt rè tuổi 15 nhưng khuôn mặt toát lên sự thông minh, ham học, Linh đã gây ấn tượng mạnh mẽ và sự dễ mến với người tiếp xúc.
Khi được hỏi về gia đình, Linh tâm sự rất thật: Ba em không phải là chú bộ đội, nhưng đó là ba của một người bạn thân học cùng em từ ngày còn nhỏ.
Chú ấy thường xuyên phải xa nhà vì công việc canh giữ lãnh thổ của đất nước. Mỗi dịp nghỉ phép ngắn ngủi, chú ấy đã về đánh đàn guitar, hát cho con gái nghe, bạn của em rất nhớ ba và luôn ôm cây đàn nghĩ về ba với tình yêu thiết tha, nhớ nhung bởi xa cách.
Mỗi khi đến nhà bạn chơi, Linh lại thấy cây đàn được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Cảm động trước tình cảm của bạn, Linh đã thay lời bạn gửi đến các chiến sĩ lời tâm sự chân thành của cô gái nhỏ còn ít tuổi còn ngây thơ, trong sáng.
Chia sẻ về cảm xúc khi viết bức thư, Linh nói: Em cũng không nghĩ rằng đó là một cuộc thi, bởi những lời em viết trong thư là lời của đông đảo học sinh chúng em gửi tới các chú bộ đội đang ngày đêm vất vả canh giữ vùng trời bình yên cho chúng em cuộc sống hòa bình, có những người đã phải hi sinh lặng thầm tình cảm gia đình, xa cách để làm nhiệm vụ.
Và chỉ có những bức thư mới diễn tả hết tình cảm, sự động viên tinh thần để các chú nguôi ngoai nỗi nhớ gia đình, nhớ con nhỏ.
Mỗi khi nghe bạn kể chuyện về ba cùng những người đồng đội dù khó khăn vất vả nhưng vẫn nắm chắc tay súng với ý chí quật cường hát vang bài ca biển đảo, Linh lại dâng lên những cảm xúc khó tả.
Trong thư có đoạn viết: “Nơi anh đến là biển xa. nơi anh tới ngoài đảo xa. Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình yêu quê nhà…”, những câu hát ấy vang lên qua loa phát thanh phường, dù ngắn ngủi nhưng khiến con bồi hồi, xúc động vô cùng.
Con liền cầm bút viết lá thư gửi tới ba. Dẫu biết rằng khoảng cách giữa đất liền và Trường Sa xa lắm, nhưng con tin, ở nơi ấy, ba sẽ cảm nhận được tình cảm sâu sắc của cô con gái yêu. Con nhớ ba thật nhiều!
Dù rất thích học môn Toán nhưng Thùy Linh mơ ước sau này có thể trở thành một nhạc sỹ để sáng tác nhiều bài hát về quê hương, đất nước, đặc biệt là những người lính đảo xa. Theo Linh, đó là món quà tinh thần vô giá gửi tặng các chú bộ đội.
Tìm hiểu về tình hình học tập của Linh, cô Hiệu phó Lê Thị Lâm cho biết: Thùy Linh là một học sinh chăm ngoan, học giỏi đều các môn và liên tiếp đạt Học sinh giỏi qua các năm học.
Bức thư gửi bố nơi Trường Sa là tình cảm chân thành nhất của tuổi học trò gửi đến các chiến sĩ ngoài khơi. Dịp cuộc thi viết thư được tổ chức cũng là dịp nhà trường có những hoạt động “Ngư dân bám biển” cùng hướng về Biển Đông nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết của dân tộc ta.
Trân trọng giới thiệu toàn văn bức thư lay động trái tim của cô con gái nhỏ gửi bố thân yêu nơi đảo xa:
Ba kính yêu của con!
“Nơi anh đến là biển xa. nơi anh tới ngoài đảo xa. Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình yêu quê nhà…”, những câu hát ấy vang lên qua loa phát thanh phường, dù ngắn ngủi nhưng khiến con bồi hồi, xúc động vô cùng. Con liền cầm bút viết lá thư gửi tới ba. Dẫu biết rằng khoảng cách giữa đất liền và Trường Sa xa lắm, nhưng con tin, ở nơi ấy, ba sẽ cảm nhận được tình cảm sâu sắc của cô con gái yêu. Con nhớ ba thật nhiều!
Hôm nay là ngày nghỉ cuối tuần. Tiếng sóng biển vẫn đang hòa nhịp cùng tiếng đàn guitar và lời ca tiếng hát của các chiến sĩ, ba nhỉ! Con nhớ ba kể cho con nghe về cuộc sống còn nhiều khó khăn, gian khổ của những lính đảo, nhưng ai ai cũng luôn chắc cây súng trong tay để bảo vệ biển trời quê hương.
Sau những giờ thực hiện nhiệm vụ, họ lại ngồi bên nhau, đàn hát cho nhau nghe. Những buổi tối sinh hoạt văn nghệ cuối tuần như thế này, một dòng thư, một lời nói cũng có thể trở thành một giai điệu ngọt ngào; một bài hát có thể được hát đi hát lại nhiều lần mà vẫn rất say mê.
Âm nhạc gắn kết những người lính biển trẻ từ nhiều vùng miền lại với nhau, để họ có chung sự đồng cảm, thân thiết như anh em một nhà, cùng đồng lòng, quyết tâm vượt qua mọi gian khó để tiến lên phía trước, sống lạc quan và yêu đời hơn… “Biển là nhà. Âm nhạc là món ăn tinh thần quý giá nhất” - lời nói ấy của ba, cùng những câu chuyện ba kể in sâu trong tâm trí con. Con thấy thú vị đến nỗi không ít lần năn nỉ ba: “Mai này lớn lên, ba cho con ra biển làm lính đảo, hát cùng ba nhé!”.
Ba biết không, mỗi lần nhớ ba, con lại ngắm nhìn con ốc biển và chiếc đàn guitar - Gia tài ba tặng con trong chuyến nghỉ phép ngắn ngủi vừa rồi. Đặt con ốc bên tai, không chỉ nghe tiếng sóng biển rì rào mà con còn nghe cả giọng nói ấm áp của ba nữa: “Con gái yêu, hôm nay con có nhiều niềm vui chứ? Con đã đàn được bài gì rồi?”.
Hì hì, ngày ba đi xa, ba mới chỉ kịp dạy con những nốt nhạc đầu tiên, thế mà bây giờ con đã đàn được khá nhiều ca khúc rồi đó. Âm nhạc quả là kỳ diệu, ba ạ! Đàn lên bản ballad êm dịu Everything I do, con thấy sự bình yên trong tâm hồn, thấy cuộc sống này tươi đẹp biết bao, xóa tan những âu lo, buồn chán. Đàn và hát vang ca khúc Lá cờ, tâm hồn con trẻ trung đến lạ, thấy thêm yêu quê hương, đất nước.
Và ba biết không, hôm vừa rồi, con và các bạn trong lớp đã có buổi giao lưu văn nghệ rất ý nghĩa với các bạn học sinh trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Chúng con tuy không nhìn thấy nhau, nhưng chỉ cần nghe tiếng đàn, tiếng hát là đã cảm nhận được con người, tính cách, thấy quý mến và đồng cảm với nhau vô cùng. Cuộc sống ghê sợ trong bóng tối đã bị đẩy đi rất xa, thay vào đó là ước mơ, hoài bão của các bạn ấy được nuôi dưỡng bên trong những nốt nhạc, cây đàn.
Tuyệt vời lắm ba nhé, tiếng hát, tiếng đàn của các bạn con bay xa đến Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… làm rung động trái tim bao người. Có không ít bạn ngày trước từng bi quan về số phận, cuộc đời, nhờ có âm nhạc đã thay đổi tất cả, trở thành sinh viên ưu tú của Nhạc viện, cả nhạc sỹ sáng tác nhiều bài hát hay nữa.
Mà ba ơi, chỉ còn 17 ngày nữa là đến Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12. Trên báo chí, truyền hình xuất hiện nhiều chương trình, hình ảnh về những người lính cụ Hồ. Con đã lặng người đi khi thấy hình ảnh người lính già ôm cây đàn guitar ngồi hát vang trong những ca khúc truyền thống cách mạng bên dòng người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Âm nhạc từng kết nối nhân dân Việt Nam đoàn kết bên nhau để đánh thắng kẻ thù năm xưa, giờ lại vang lên để tưởng nhớ người anh hùng vĩ đại của dân tộc. Tất cả lặng lẽ rơi những giọt nước mắt để tưởng nhớ, để tự hào…
Và cũng từ đây, con và các bạn có ý tưởng thực hiện đĩa nhạc mang tên Cháu yêu chú bộ đội để gửi tặng ba và các chiến sĩ. Bạn đệm đàn guitar, bạn đánh trống, bạn hát chính, bạn hát bè…, ba ạ!
Tuy tập luyện khá vất vả nhưng ai cũng hào hứng tham gia. Chắc chắn đây là món quà tinh thần vô cùng quý giá, mang lại thật nhiều niềm vui cho những người lính đảo. Chúng con sẽ nhờ các cô chú bưu tá chuyển đĩa nhạc, những lá thư đến đảo xa. Khoảng cách giữa đất liền và Trường Sa đã thật gần khi có những cánh tem thư bưu chính nối nhịp yêu thương.
Ba kính yêu! Viết thư cho ba, lần nào con cũng muốn tâm sự thật nhiều. Con đã lớn rồi phải không ba? Ở nơi xa, ba hãy yên tâm về con nhé. Con hứa với ba sẽ luôn chăm ngoan, học giỏi và đàn thật hay nữa.
Gửi tới ba và các đồng đội của ba những lời chúc tốt đẹp nhất!
Yêu ba rất nhiều!
Con gái Phạm Thùy Linh
 

Nguồn tin: Giáo Dục và Thời Đại