NHỚ HÀ THỊ CẦU- NGƯỜI HÁT XẨM CUỐI CÙNG

*Nghệ nhân Hà Thị Cầu (nguồn internet)

*Nghệ nhân Hà Thị Cầu (nguồn internet)

Nhắc tới hát xẩm, người ta thường nghĩ ngay tới những người lam lũ, lang thang nơi đầu đường, cuối chợ, ca lên những lời điệu ai oán để kiếm miếng ăn. Không ít người trong họ phải đối diện với những sự khinh khi, miệt thị. Họ ca hát, kéo nhị, mua vui chung cho mọi người nhưng ngoài lòng thương hại, thật hiếm người lại coi họ như là những nghệ sĩ thực thụ.

Phải mãi tới giờ, khi những thế hệ hát xẩm cuối cùng đã hoàn toàn vắng bóng, khi nghe lại một bài xẩm xưa cũ ở đâu đó, có bao nhiêu người bỗng giật thót mình. Ở đâu ra cái âm thanh kỳ lạ đó nhỉ, cái âm thanh chứa đầy những buồn vui, ai oán, đầy những day dứt nhưng cũng đầy sự hồn hậu, trong sáng, đậm đà chất làng quê Việt. Chúng ta liệu có cách nào để lưu giữ lại được mãi cái chất văn hóa thuần Việt trong xẩm không nhỉ. Chẳng ai có được câu trả lời chính xác về điều đó, kể cả những người quản lý văn hóa. Ngày nay, bọn trẻ nghe nhạc tây, nhai kẹo cao su, nhảy hip-hop và tán gẫu trên mạng. Chúng chẳng biết rằng có một người hát xẩm bình dị, đầy tài năng, người cố gắng lưu giữ một di sản dân gian vô giá cho chúng đã lặng lẽ ra đi. Người ấy là Hà Thị cầu, người cuối cùng trong thế hệ những người hát xẩm một thời “ngàn năm soi kim cổ” đã ra đi.
Có thể cái tên rất quê, rất dân dã Hà Thị Cầu đã chẳng gợi lên một ấn tượng nào đối với không ít những người trẻ tuổi, nhưng sự ra đi của bà lại thực sự là một tổn thất văn hóa quá lớn đối những ai yêu mến văn hóa Việt. Hà Thị Cầu tên thật là Hà Thị Năm. Cái tên Cầu là cách gọi dân gian theo tên của người con cả. Bà sinh năm 1928 tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trong một gia đình 3 đời hát xẩm. Cha mất sớm, bà cùng mẹ về sinh sống tại thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình. Tám tuổi với cây đàn nhị trong tay, bà đã lê la khắp các chợ quê hành nghề. 16 tuổi bà trở thành vợ thứ 18 của một ông chủ hát xẩm nổi tiếng là Chánh Trương Mậu tên thật là Nguyễn Văn Mậu. Chính ông cũng là người truyền dạy kỹ thuật và những bài bản hát xẩm cho bà. Khi bà 40 tuổi thì ông Mậu chết, để lại cho bà bẩy người con nhưng chỉ còn sống được ba do bệnh đậu mùa và sau đó, do cho đi một người con, bà chỉ còn lại người con trai cả và người con gái út.
Hà Thị Cầu đã dành cả cuộc đời mình cho hát Xẩm. Bà lao động miệt mài, không ngừng nghỉ cho đến tận sức tàn lực kiệt, lúc không thể còn cầm cây nhị để kéo nữa. Trong suốt cuộc đời, bà đã dành được rất nhiều giải thưởng, nào huy chương vàng, rồi huy chương đặc biệt, bằng khen, giấy khen. Bà tham gia nhiều hội diễn văn nghệ, mang xẩm từ góc chợ, bãi xe, bến tầu lên sân khấu chan hòa ánh điện. Nơi nào có sự hiện diện của mình, bà cũng gây lên những sự chấn động và ngạc nhiên. Bà cũng được trao tặng bằng khen của đài tiếng nói Việt Nam, của Bộ văn hóa, đoạt giải đặc biệt nghệ nhân hát chèo tỉnh Ninh Bình, được trao tặng giải thưởng Đào Tấn vì những đóng góp đặc biệt trong việc giữ gìn văn hóa dân tộc. Bà đã được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và được nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Trên thực tế mỗi lần nhận giải thưởng bà khá vui, nhưng niềm vui thực sự lại không hề gắn với những danh tiếng mà giải thưởng đem lại. Nó chỉ giúp bà nhận diện rõ hơn cái giá trị văn hóa của một nghệ thuật mà bà suốt đời gắn bó, sống chết. Có thể nói, cuộc đời của Hà thị Cầu là một huyền thoại gắn liền với những câu chuyện thấm đẫm nước mắt. Bà luôn sống trong nghèo túng, thiếu thốn, gặp nhiều khó khăn trắc trở khi cha mẹ mất sớm, chồng mất khi còn rất trẻ, một mình nuôi 7 người con, mà rồi kẻ còn, người mất, chia lìa, ly tán. Một mình sống giữa cuộc mưu sinh đầy gian truân, bà như người bộ hành cô độc trên thế gian này, thủy chung, son sắt giữ lấy cái nghiệp gia truyền, đi khắp các làng quê, vượt qua bao nhiêu tủi cực của nghề ca hát nơi đầu đường góc chợ.
Bà bảo, cuộc đời của mình chẳng qua cũng chỉ như hình ảnh của cánh bèo lênh đênh trôi trên mặt nước trong một điệu Xẩm mà bà thường hát mà thôi: “Mặt nước cánh bèo, bấy lâu nay mặt nước lại cánh bèo. Đã từng lưu lạc, đã từng lưu lạc để nhiều điều vất vả gian truân. Ông trời cao có thấu tình chăng. Trời mấy cao có thấu tình chăng. Đời người mấy lúc gian truân mà già...”. Ai nghe qua một lần mà chẳng đứt từng khúc ruột...Trong hình ảnh những người hát xẩm như cánh bèo ấy, bà chỉ là một người chân quê, lam lũ, đầy chất Việt Nam, một phụ nữ tần tảo một sương hai nắng, áo rách vá vai giản dị, trung thực.
Hà Thị Cầu là một người nghệ sĩ của đám dân quê bình dị mà chân thực, áo nâu, chân đất, khăn mỏ quạ. Tính cách của bà thật hợp với xẩm, với một thứ nghệ thuật biểu diễn lê la, bụi bậm, chân lấm tay bùn gần gũi với những người lao động. Người ta cũng gọi xẩm của bà là “xẩm chợ”, xẩm của những nghệ sĩ  kiếm miếng cơm manh áo bằng ca hát, đôi khi sống bên cạnh những người hành khất, ăn mày, ăn xin. Sân khấu của xẩm chỉ là một manh chiếu trải ở góc chợ, bến đò và những lúc “hoành tráng” nhất cũng chỉ là sân ga, bến tàu điện nơi thành thị. Hà Thị Cầu hiện mình trong xẩm một cách tự nhiên và xẩm cũng thực sự xâm chiếm bà, ngấm vào bà, trở thành bà.
Trả lời câu hỏi vì sao có bao nhiêu nghề, bao nhiêu môn nghệ thuật, bà không theo mà lại chọn nghề hát Xẩm, để rồi phải chịu nghèo đói suốt một đời, bà trả lời  “Kiếp nhân sinh ba vạn chín ngàn ngày, giàu có cũng được đến trăm tuổi là hết, tham lam, tranh giành mà làm gì ?”. Vì, với bà, hát Xẩm đã ăn sâu vào máu thịt của bà, đó là niềm say mê, là những tâm tình, những nỗi niềm chất chứa về cuộc sống, cuộc đời được bà gửi gắm vào đó.
Chẳng vậy mà tiếng hát của bà cất lên trong vắt, rành rọt, mãi văng vẳng bên tai khiến người nghe cứ phải suy từng câu, nghĩ từng chữ mà thầm nể phục sao thâm thúy đến thế? Bà vui vẻ và trân trọng từng đồng tiền lẻ mà những người đi chợ đã thả vào trong nón sau mỗi lần mình cất tiếng hát. Giữa manh chiếu của bà là cả một thế giới riêng tư. Bà hát, bà đàn theo phong cách ngẫu hứng mà các nghệ sĩ nhân gian thường dùng, lời hát, điệu hát cứ như được bật ra từ cõi lòng, tự nhiên, tùy theo bối cảnh xung quanh và thái độ cảm thụ của những người nghe. Khi đó, bà quên đi những vụn vặt đời thường mà thả mình vào những đam mê của âm thanh, điệu hát và lời ca... Bà đàn, bà hát đến nỗi lòng tay trái vì bóp dây nhị bao nhiêu năm đã trở thành chai sạn, những dòng chỉ trên tay bà đã mờ mịt, không còn nhìn rõ được nữa. Nhưng tài năng là vậy, quý báu là vậy, niềm vui là vậy, hạnh phúc là vậy mà cả cuộc đời, đã mấy ai có được, tiền bạc nào mua nổi.
Cuộc đời nghệ thuật của Hà Thị Cầu gần gũi với mọi cuộc đời lao động, nó gắn với tình làng, nghĩa xóm, với hình ảnh những người mẹ rất mực thương con, đã bao lần từng cạn kiệt nước mắt vì con. Người ta kể rằng, một lần sang Trung Quốc “trổ tài” hát xẩm, thấy kem Bắc Kinh ngon quá, bà quyết mua bằng được lấy một que để “đem về cho con Mận”. Cả đoàn ai ngăn cũng không nghe. Về đến khách sạn, giở khăn tay ra tìm mãi, mà bà vẫn chẳng hiểu vì sao mình đã gói vào đây rồi mà kem lại biến đi đâu. Chỉ vì chuyện này mà bà buồn cả chuyến đi...
Nghệ nhân Hà Thị Cầu đã qua đời vào ngày 3 tháng 3 năm 2013 sau nhiều ngày đau ốm là một sự mất mát lớn của nền âm nhạc Việt Nam nói riêng và toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung, nhưng còn lại mãi ở trần gian này là một kiếp người đã dồn hết tình yêu vào tiếng hát. Gần 90 năm sống trên đời, bà luôn ở trong cảnh trong nghèo khó, không được trợ cấp của nhà nước dù đã nhiều lần được xưng tựng là “báu vật dân gian sống”. Xin được mượn lời của nhạc sĩ Quang Long để kết thúc bài viết này: “Nghệ nhân Hà Thị Cầu là một pho sử sống về nghệ thuật hát xẩm. Cuộc đời bà như một con tằm đã xong kiếp nhả tơ. Không ruộng vườn, không lương hưu, vẫn nghèo khổ như thuở ôm con đi hát rong khắp mọi miền, bà sống dựa vào tình thương yêu, sự giúp đỡ của những người yêu mến giọng hát của bà”.

Tác giả: Hoàng Linh