15:35 ICT Chủ nhật, 13/10/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 614

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 613


Hôm nayHôm nay : 114194

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2203458

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 61962192

Trang nhất » Tin Tức » Xã hội học » Công tác xã hội

Quang cao giua trang
top

MỔ XẺ NHỮNG “VẤN ĐỀ” CỦA GIỚI TRẺ VIỆT NAM HIỆN NAY

Tác giả: Trung Dũng – Lê Na - Thứ sáu - 12/06/2015 13:52
MỔ XẺ NHỮNG “VẤN ĐỀ” CỦA GIỚI TRẺ VIỆT NAM HIỆN NAY

MỔ XẺ NHỮNG “VẤN ĐỀ” CỦA GIỚI TRẺ VIỆT NAM HIỆN NAY

Xã hội càng phát triển thì những vấn đề xã hội mới càng nảy sinh đòi hỏi những kiến giải khoa học. Thanh niên là nhóm xã hội chịu sự tác động mạnh mẽ của những biến đổi xã hội. Trong quá trình biến đổi xã hội luôn có sự đan xen giữa những giá trị cũ, mới do vậy ở thanh niên luôn xuất hiện nhiều “vấn đề” mới cần được “mổ xẻ”, nghiên cứu để định hướng, điều chỉnh hoặc đề xuất những kiến giải khoa học phù hợp với sự phát triển của xã hội.



Giới trẻ lười đọc

Đa số giới trẻ ngày này đọc ít hơn những thế hệ trước. Những cuốn chuyện kinh điển như: Cuốn theo chiều gió, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Thép đã tôi thế đấy, Không gia đình v.v… được đa số những người thuộc thế hệ trước đọc nhưng nếu hỏi các bạn trẻ ngày nay về những tác phẩm này chắc sẽ ít người đã đọc. Vì sao? Vì họ không chịu đọc. Có những bạn trẻ hoàn toàn không đọc gì, trừ sách giáo khoa ở trường. Họ có hàng trăm, hàng ngàn lý do để biện minh cho sự lười đọc này như: Mỗi người một sở thích; đọc sách phải suy nghĩ, nhức đầu; cầm sách lên chi chít chữ, nhìn một hồi là mắt díp lại; bây giờ tiểu thuyết nào có tiếng cũng được dựng thành film, xem film sướng hơn; bài vở nhiều, không có thời gian… hoặc đơn giản là không thích đọc.

Một số bạn trẻ tự cho rằng, mình cũng chịu khó đọc song họ chủ yếu đọc ở trên mạng internet. Họ đọc những thông tin “bề nổi” đặc biệt là những thông tin “hot”, “giật gân” về các sao, mode thậm chí những nội dung “cướp, giết, hiếp” lại được nhiều bạn trẻ rất quan tâm. Họ chủ yếu sử dụng cách đọc lướt để biết thông tin “chém gió” cùng bạn bè. Những thông tin chiều sâu về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, các vấn đề xã hội nóng hổi không được giới trẻ quan tâm nhiều.

Trong số những người có đọc, khá nhiều người thường chỉ thích một số tác giả hoặc một số tác phẩm, chủ đề nhất định… chứ rất ít người đọc nhiều thể loại, nhiều tác giả hoặc nhiều chủ đề đa dạng. Những sách về lý luận, nghiên cứu chuyên sâu thì giới trẻ lại càng tìm cách tránh xa. Những điều này ảnh hưởng không nhỏ tới phông kiến thức cũng như sự phát triển hoàn thiện nhân cách của con người.

Khả năng tư duy độc lập hạn chế

Khả năng tư duy độc lập của giới trẻ hạn chế chủ yếu là do phương pháp giáo dục lạc hậu của Việt Nam tồn tại bấy lâu. Nếu như ở nước ngoài, giáo viên có thể đưa một cuốn sách, giao hẹn một tuần đọc xong, sau khi đọc xong học sinh/sinh viên sẽ viết một bài luận nêu quan điểm và nhận xét về cuốn sách vừa đọc sau đó, cả lớp cùng thảo luận. Thông thường, giáo viên giảng rất ít, chủ yếu cho học sinh ngồi từng nhóm thảo luận, phát biểu ý kiến, phân tích, nhận xét, bình luận… Giáo viên có vai trò là người hướng dẫn, định hướng, củng cố, đặt câu hỏi, đôi khi tranh luận, duy trì không khí thảo luận….Trong khi giáo dục Việt Nam chủ yếu theo hướng thụ động, giáo viên chủ yếu dùng phương pháp thuyết giảng, giảng giải, học sinh chủ yếu nghe, tiếp thu mà không có hoặc rất ít thảo luận, tranh luận. Cách dạy và học này được áp dụng trong suốt 12 năm phổ thong cho đến khi học đại học cách dạy và học này vẫn tồn tại làm cho học sinh/sinh viên mất đi khả năng phát biểu, đưa ra quan điểm của chính mình cho nên khả năng tư duy độc lập của họ rất hạn chế, thậm chí không có khẳ năng tư duy độc lập.

Thích chạy theo những giá trị ảo

Sự phát triển của công nghệ thông tin đặc biệt là internet đã có những tác động làm thay đổi cách nghĩ, thậm chí hành vi của giới trẻ. Nhiều bạn trẻ chạy theo những giá trị ảo – những giá trị không có thực ảnh hưởng lớn đến kinh tế, sức khoẻ, tinh thần và sự phát triển hoàn thiện nhân cách.

Cuộc sống online đã khiến nhiều bạn trẻ cổ xúy cho ngôn ngữ chat. Nhiều bạn trẻ đã biến những ngôn ngữ chát thành những mật mã mà người lớn, các bậc phụ huynh không thể nào dịch nổi. Hệ luỵ của nó không chỉ làm đau đầu các bậc phụ huynh mà một số từ ngữ được sử dụng tràn lan trong nhà trường làm đau đầu thầy, cô giáo và ảnh hưởng lớn đến sự trong sáng của tiếng Việt. Một số từ còn bị lạm dụng quá mức làm sai lệch so với nghĩa ban đầu, chẳng hạn như từ “tự kỷ”. Ở nhà không đi chơi - tự kỷ; ít ra ngoài - tự kỷ; không có người yêu - tự kỷ v.v….
Việc chạy theo những giá trị ảo cũng làm cho nhiều bạn trẻ trở nên nghiện games online, nghiện chát, nghiện facebooks dẫn đến những hệ luỵ khôn lường về thể chất và tinh thần. Bắt trước cuộc sống ảo trong các trò chơi khiến nhiều học sinh phạm phải những trọng tội trong đó có cả giết người.

Chính việc chạy theo những giá trị ảo là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ phá thai ở Việt Nam thuộc top đầu thế giới. Do bắt chước những lối sống, trào lưu trên các trang báo mạng “lá cải” mà nhiều người nghĩ, có người yêu là sành điệu, cho rằng mình đã trưởng thành và nhiều trải nghiệm hơn người khác khi “yêu gấp”, “sống thử”. Bên cạnh đó, sự né tránh các vấn đề giới tính, sức khoẻ sinh sản của nền giáo dục nước nhà đã đẩy học sinh đến những hệ luỵ đáng buồn. Giáo viên dạy cho học sinh những điều mơ hồ về giới tính, tình dục, sức khoẻ sinh sản. Họ né tránh, tạo sự tò mò khiến học sinh phải tự tìm hiểu ở những nguồn khác, qua bạn bè, film ảnh… Sự tò mò cùng những kiến thức không đầy đủ về giới tính, sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục khiến nhiều học sinh không biết tác hại của việc phá thai sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe. Do đó, tỷ lệ nạo phá thái ở Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng. Người ta cứ sợ vẽ đường cho hươu chạy, nhưng có lẽ nên vẽ đường cho hươu chạy đúng hướng sẽ tốt hơn rất nhiều khi để hươu chạy tứ tán.

Bệnh vô cảm

“Bệnh vô cảm” của giới trẻ trong xã hội hiện nay đang là thách đố cho các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ, cũng như những người có trách nhiệm. “Bệnh vô cảm” được hiểu là một trạng thái tinh thần mà ở đó, con người không nảy sinh những cảm xúc đối với những sự vật, sự việc diễn ra xung quanh mình, những nỗi buồn, nỗi đau, sự mất mát, thiệt thòi của đồng loại. Những người sống vô cảm thường chỉ bo bo nghĩ đến lợi ích của riêng mình, ngại va chạm, sợ phiền toái, liên lụy với tâm niệm “đèn nhà ai nhà nấy rạng”. Những kẻ sống vô cảm thậm chí còn lạnh lùng, nhẫn tâm gieo rắc nỗi đau cho người khác mà không mảy may động lòng trắc ẩn. Đáng buồn là trong những vụ đánh nhau giữa các học sinh thời gian qua đều có một số đông “khán giả” trẻ tuổi, không chỉ thản nhiên đứng nhìn, mà còn dùng điện thoại di động ghi hình rồi tung lên mạng. Một biểu hiện nữa của thói vô cảm trong giới trẻ là sự chửi bới người lớn trong nhà, thái độ bàng quan với mọi việc xung quanh... của nhiều teen Việt. Gần đây, hàng loạt những câu chuyện teen dùng từ ngữ xúc phạm, hỗn xược với người lớn lan tràn trên facebooks đang gióng lên hồi chuông báo động về căn bệnh vô tâm của giới trẻ.

Một số học sinh, sinh viên mặc dù là những con mọt sách nhưng lại bàng quan với những gì xảy ra xung quanh mình. Họ không biết hiện nay ai là chủ tịch nước, ai là chủ tịch quốc hội, ai đang là thủ tướng. Chuyện thật như bịa nhưng đó là sự thực! Phải chăng nền giáo dục quá nặng nề…. khiến họ chỉ dành phần lớn thời gian chúi mũi vào bài vở và chạy theo điểm số và thứ hạng.
Bệnh vô cảm có những tác hại thật ghê gớm, nó không chỉ làm suy giảm đạo đức của một cá nhân mà còn đẩy đất nước đến bờ tụt hậu, suy thoái. Hãy thử tưởng tượng nếu đa số thế hệ trẻ có thái độ vô cảm thì tương lai của đất nước sẽ đi về đâu? Rường cột nước nhà sẽ ra sao, nếu không nói là đã mục nát ngay từ trong trứng nước? Quả thật, đó là một mối họa vô cùng lớn cho xã hội!

Lời kết

Hiện nay, ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu toàn diện mổ xẻ những “vấn đề” của giới trẻ. Tuy nhiên, những vấn đề nêu trên mặc dù không nằm trong số đông giới trẻ song cũng gợi ra nhiều suy nghĩ cho chính các bạn trẻ và những người có trách nhiệm trong xã hội. Làm thế nào để định hướng, điều chỉnh và giải quyết những “vấn đề” mà giới trẻ Việt Nam đã, đang và sẽ vẫn phải đương diện?

Tác giả: Trung Dũng – Lê Na

Tổng số điểm của bài viết là: 100 trong 23 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất