04:12 EDT Thứ sáu, 29/03/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 494

Máy chủ tìm kiếm : 29

Khách viếng thăm : 465


Hôm nayHôm nay : 44356

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2876446

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 34212867

Trang nhất » Tin Tức » Xã hội học

Quang cao giua trang
top

LẠM DỤNG TRẺ EM Ở VIỆT NAM - NGUYÊN NHÂN, HẬU QUẢ VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI

Tác giả: Ths. Thân Trung Dũng - Chủ nhật - 29/03/2015 23:31
*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

1. Khái niệm "lạm dụng trẻ em"

Vấn đề lạm dụng trẻ em không còn mới mẻ đối với các nước trên thế giới đặc biệt là những nước đang phát triển. Tuy nhiên, cho đến nay, trên thế giới chưa có một khái niệm chung nào về lạm dụng trẻ em. Trong điều 19 của Công ước quốc tế về Quyền trẻ em quy định "các quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp về luật pháp, hành chính, xã hội và giáo dục thích hợp để bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bạo lực về thể chất, tinh thần, bị tổn thương hay lạm dụng, bị bỏ mặc hoặc bị đối xử sao nhãng, bị ngược đãi hoặc bị bóc lột"  ở Việt Nam cũng chưa có một khái niệm, cách hiểu thống nhất về lạm dụng trẻ em. Tuy nhiên, định nghĩa "Tất cả các hình thức ngược đãi về tình cảm, thân thể, tình dục, sao nhãng hoặc đối xử lơ đãng, hay bóc lột vì mục đích thương mại hoặc các bóc lột khác dẫn đến nguy hại hoặc nguy cơ về sức khoẻ, sự sống còn, phát triển hoặc nhân cách của trẻ trong bối cảnh của mối quan hệ hoặc trách nhiệm, sự tin cậy hoặc quyền lực" (Báo cáo về Bạo lực và Sức khoẻ Thế giới 2002) là khái niệm được nhiều tác giả sử dụng vì nó đã bao hàm được những nội dung, hình thức của lạm dụng trẻ em.
 
           2. Thực trạng lạm dụng trẻ em ở Việt Nam
ở Việt Nam, từ khi vấn đề Quyền trẻ em được đặt ra và thực hiện một cách nghiêm túc thì khái niệm lạm dụng trẻ em mới được nhắc đến và xem xét với từ nhiều phương diện. Do đó, vấn đề lạm dụng trẻ em gần đây mới nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, ngoài những nghiên cứu trường hợp, những nghiên cứu mang tính thăm dò, chưa có một nghiên cứu mang tầm cỡ quốc gia về lạm dụng trẻ em ở Việt Nam. Mặc dù vậy, những kết quả thu được từ các cuộc nghiên cứu này cũng phần nào cho thấy tình trạng lạm dụng trẻ em ở nước ta đang là vấn đề nóng hổi cần được sự quan tâm sâu sắc của toàn xã hội.

            Nghiên cứu "Thực trạng lạm dụng trẻ em ở Việt Nam" do UNICEF - UBDSGĐTE - Trung tâm Tư vấn Phát triển triển khai tại 3 tỉnh, Hà Nội, Lao Cai và An Giang (2003) đã chỉ ra 5 hình thức lạm dụng trẻ em: lạm dụng thân thể; lạm dụng tình dục; xâm hại tinh thần (tâm lý/tình cảm); trẻ em chứng kiến bạo lực gia đình; sao nhãng trẻ em. Những số liệu thu được cho thấy thực trạng lạm dụng trẻ em là khá phổ biến: Có tới 28,6% trong số những người được hỏi cho biết đã từng bị bắt nạt (xô đẩy, đánh); 51,4 % bị trừng phạt thân thể bởi những người thân (họ hàng 22,9%, cha 17%, mẹ 12,3%). Những hành vi lạm dụng tình dục cũng chiếm một tỷ lệ đáng lưu ý: 7.9% đã bị đụng chạm không an toàn vào bộ phận kín khi còn nhỏ; 3,8% cha mẹ được xắc định là người gây ra hành vi xâm hại tình dục, 3,1% họ hàng được xắc định là người gây ra hành vi xâm hại tình dục. Trong số những người trả lời có 2,7% đã từng bị hiếp dâm hoặc trải qua hình thức lạm dụng tình dục khác, 9,2% xắc định họ hàng là những người gây ra những hành vi lạm dụng tình dục. Như vậy, phải chăng vấn đề an toàn cho trẻ, cũng như  Quyền trẻ em cần được quan tâm và cụ thể hoá hơn nữa góp phần ngăn chặn những hành vi không những vi phạm luật pháp mà còn đi lệch với chuẩn mực văn hoá, truyền thống dân tộc.

Hành vi xâm hại về tinh thần (tâm lý tình cảm) cũng chiếm tỷ lệ tương đối cao: 35,7% đã trải qua lạm dụng từ ngữ hoặc tình cảm, trong đó 28,3% đã trải qua hình thức lạm dụng này "một hoặc một vài lần" có 6,5% báo cáo là "rất nhiều lần". Những hành vi xâm hại về tinh thần có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.

Trẻ em chứng kiến bạo lực gia đình cũng được xắc định là một trong những hình thức của lạm dụng. Trong số những người được hỏi có 29,3% chứng kiến bạo lực thân thể giữa người lớn và các thành viên trong gia đình; 25,5% chứng kiến xâm hại thân thể "một hoặc một vài lần"; 3,8% báo cáo là "nhiều lần"; 9.6% chứng kiến bạo lực về từ ngữ do cha mẹ gây ra. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, việc trẻ em chứng kiến bạo lực có ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển và hình thành nhân cách của trẻ. Những trẻ em từng chứng kiến bạo lực thường bị rối loạn tâm thần và trí tuệ nghiêm trọng hoặc trở nên nguy hiểm, lo âu và buồn bã… Về nguyên tắc, những cảnh tượng hãi hùng đã nhìn thấy trong thời thơ ấu có thể được ghi nhớ suốt đời, thậm chí đến khi trưởng thành cũng còn chăm trở vì nó. Như vậy, ảnh hưởng của việc chứng kiến bạo lực gia đình đến trẻ em là vô cùng to lớn cả về vật chất và tinh thần cung như sự phát triển hình thành nhân cách của trẻ.

Bên cạnh những hình thức lạm dụng đã nêu ở trên, việc sao nhãng/bỏ mặc trẻ em cũng là vấn đề rất đáng quan tâm. Sao nhãng/bỏ mặc trẻ có thể chia thành nhiều loại như: bỏ mặc về thể chất; bỏ mặc về tình cảm; bỏ mặc về y tế; bỏ mặc về sức khoẻ tâm thần; bỏ mặc về giáo dục. Những hình thức lạm dụng này có thể xảy ra cả ở các gia đình nghèo và gia đình giàu. Nếu như gia đình nghèo thiếu thốn các điều kiện vật chất chăm sóc cho trẻ em thì những gia đình giàu, cha mẹ thường mải kiếm tiền mà bỏ bê, ít quan tâm đến đời sống tinh thần của con cái. Những hành vi này không chỉ ảnh hưởng lớn đến sự hình thành phát triển về nhân cách mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi ứng xử của trẻ em. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự gia tăng tỉ lệ trẻ em vị thành niên vi phạm pháp luật hiện nay.

Trong khuôn khổ hợp tác với tổ chức Radda Barnen, Viện Nghiên cứu Thanh Niên đã tiến hành cuộc điều tra dư luận học sinh với chủ đề “Hình phạt của cha mẹ đối với trẻ em” tại 12 điểm đại diện các tỉnh/thành Trung Nam Bộ trở ra phía Bắc gồm: Thành phố Đà Nẵng, Nghệ An, Thành phố Hà Nội, Hải Dương, Thành phố Hải Phòng và tỉnh Hoà Bình với sự tham gia của 1.240 học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Trong đó, có 632 em nam và 608 em nữ. Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ trẻ em nói rằng, cha mẹ thường xuyên sử dụng hình phạt khi trẻ em mắc lỗi chiếm 45,7%; đôi khi sử dụng có 50,1% và không xử phạt chiếm 4,1%. Như vậy, hầu hết cha mẹ đều sử dụng hình phạt đối với con cái khi chúng mắc sai phạm. Tuy nhiên, còn 4,2% cha mẹ không quan tâm hay ít để ý đến những sai phạm của con cái mình.

Cũng trong cuộc điều tra này, trẻ em thừa nhận việc cha mẹ sử dụng hình phạt đối với chúng chiếm tỷ lệ cao và các hình thức xử phạt rất đa dạng. Trong số các hình phạt, hình thức mắng chiếm tỷ lệ cao nhất 64,9% so với đánh là 25,6%, những hình thức khác là 9,5%. Như vậy đa, số các bậc cha mẹ thường mắng con khi có lỗi, tuy nhiên còn hơn 1/4 số trẻ phạm lỗi bị hình phạt đánh và gần 1/10 còn phải chịu các hình phạt khác tuy không đau về thân thể nhưng vô cùng ảnh hưởng đến tâm lý như “xỉ nhục, phạt không cho ăn cơm, phạt đứng phơi nắng”
Như vậy, việc lạm dụng đánh, mắng của cha mẹ đối với con cái thực sự là mối quan tâm lớn trong xã hội hiện nay. Theo đó, để thực hiện Quyền trẻ em một cách hiệu quả cần có các giải pháp cả ở tầm vi mô và vĩ mô nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng này.

Kết quả điều tra của Lê Ngọc Lan và Trần Đình Long cho thấy: trẻ nhỏ từ 6 đến 10 tuổi hay bị mắng là 100%; bị chửi là 18% ; bị xỉ nhục là 4.9% và bị đánh đập là 85%; hình thức khác 8%, Tỵ lệ này ở nhóm trẻ em từ 11 - 16 tuổi tương ứng là: 92%; 40%; 7.3%; 69%; 9%. Những số liệu thu được cho thấy dù ở lứa tuổi nào, tỷ lệ trẻ em chịu sự trừng phạt của cha, mẹ là tương đối cao.
Qua các nghiên cứu có thể thấy rằng tình trạng lạm dụng trẻ em ở Việt Nam ngày càng trở thành vấn đề nóng hổi của xã hội hiện đại, gây hậu quả nghiêm trọng tới sự phát triển về thể lực, nhân cách của trẻ mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển lâu bền của đất nước.

              3. Nguyên nhân của lạm dụng trẻ em
 
Nguyên nhân lạm dụng trẻ em khá phức tạp và rất đa dạng. Qua phân tích, tổng hợp từ một số nghiên cứu gần đây, chúng tôi thấy có những nhóm nguyên nhân chính như sau:

+ Nhóm nguyên nhân về cá nhân: bao gồm  các vấn đề về tình thần, tâm lý của trẻ em; sự thiếu hiểu biết và yếu về kỹ năng của các bậc cha mẹ, các em; cha mẹ nghiện ngấp rượu, ma tuý, cờ bạc; trẻ em sống trong các gia đình mâu thuẫn, hoặc bản thân các em bị căng thẳng về tinh thần do cha mẹ và người chăm sóc gây ra hoặc do bản thân các em đã từng trải qua lạm dụng...

+ Nhóm nguyên nhân về môi trường:

- Sự thay đổi về quan niệm, lối sống và giá trị văn hoá đối với lao động, hưởng thụ  văn hoá phẩm (phim ảnh, sách báo) độc hại là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm dụng trẻ em.
- Văn hoá truyền thống: Theo quan niệm truyền thông, mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái là mối quan hệ bất bình đẳng về quyền lực. Đây là mối quan hệ giữa "bề trên" đối với "kẻ dưới". Điều này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm dụng trẻ em.
- Yếu tố gia đình có vai trò quan trọng. Trẻ em không được chăm sóc, thiếu sự giáo dục, quản lý chặt chẽ của gia đình, thiếu sự gương mẫu của cha mẹ, người thân đều là những yếu tố tạo điều kiện cho trẻ em bị lôi cuốn, bị lợi dụng , trở thành nạn nhân của sự lạm dụng. (Lê Ngọc Hùng, 1998).
- Yếu tố kinh tế khó khăn cũng có thể dẫn đến việc trẻ em phải lao động sớm để kiếm tiền, tăng thu nhập, giúp bố mẹ và bị lạm dụng. Đối với một số phụ nữ thất nghiệp là yếu tố đẩy họ vào con đường mại dâm và lạm dụng tình dục trẻ em để làm giàu bất chính.

+ Nhóm nguyên nhân về Chính sách, Pháp luật:
  • Bảo vệ về mặt pháp lý cho trẻ em chưa đầy đủ, chưa có những điều luật thực sự rõ ràng về vấn đề lạm dụng trẻ em. Bên cạnh đó, hệ thống thực thi luật pháp còn yếu thậm chí thiếu nghiêm túc trong việc xử lý những đối tượng lạm dụng trẻ em.
  • Sự yếu kém trong các trong việc quản lý các hoạt động của các cơ sở, trung tâm việc làm, dịch vụ giải trí dẫn đến tình trạng lách luật để lạm dụng sức lao động như tăng giờ làm, giảm tiền công, không chú ý tới sự phát triển của trẻ.
 
             4. Những vấn đề đặt ra đối với gia đình và xã hội

Lạm dụng trẻ em  là hiện tượng xã hội nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tiến bộ của xã hội vì vậy, nó cần được nhận thức, giải quyết trên cở sở khoa học nhằm đảm bảo điều kiện tốt hơn cho sự phát triển cá nhân của trẻ cũng như sự phát triển bền vững của đất nước. Dưới đây, chúng tôi xin đưa ra một số khuyến nghị nhằm hạn chế hiện tượng này:
  • Trước hết cần rà soát và tiến hành sửa đổi, bổ xung những điều luật liên quan đến chăm sóc, bảo vệ trẻ em và chính sách quốc gia cho phù hợp với công ước quốc tế về Quyền trẻ em, công ước xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) cũng như Hiệp ước quốc tế khác về quyền con người.
  • Xây dựng hệ thống quốc gia tiếp nhận, theo dõi, điều tra các trường hợp khiếu nại về lạm dụng và sao nhãng trẻ em, tiến hành truy tố những đối tượng vi phạm. Tập huấn cho các cán bộ pháp luật, cán bộ làm công tác xã hội và các kiểm soát viên về cách thức giải quyết về các trường hợp lạm dụng trẻ em theo phương thức thân thiện với trẻ.
  • Cần nâng cao việc tuyên truyền nhận thức về Quyền trẻ em nói chung, lạm dụng trẻ em nói riêng thông qua các mô hình Câu lạc bộ Pháp luật, qua báo chí và các chương trình phát thanh, truyền hình. Việc này cần phải có định hướng lâu dài và liên tục để trong đó nhấn mạnh đến tuyên truyền ngăn chặn lạm dụng trẻ em cũng như hậu quả của việc ngược đãi trẻ em góp phần hình thành nên các quan điểm chống lại sự lạm dụng trẻ em (nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng về lạm dụng trẻ em). Bên cạnh đó, cần huy động cộng đồng tham gia vào công tác truyền thông phòng chống lạm dụng trẻ em. Trẻ em có thể là những người tham gia tích cực vào công tác phòng chống lạm dụng trẻ em.
  • Cần có các diễn đàn dành riêng cho trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng để các em nói lên tiếng nói của mình.
  • Việc tiến hành một nghiên cứu mang tầm quốc gia về lạm dụng trẻ em ở Việt Nam là cần thiết trong đó thực hiện rõ mục tiêu: lấy trẻ em làm trung tâm, qua đó có thể giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm hạn chế hiện tượng lạm dụng trẻ em cũng như có cái nhìn đầy đủ và khái quát về vấn đề lạm dụng trẻ em.

Tác giả: Ths. Thân Trung Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất