06:39 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 254

Máy chủ tìm kiếm : 26

Khách viếng thăm : 228


Hôm nayHôm nay : 21672

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2853762

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 34190183

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển » Văn hóa Tâm linh

Quang cao giua trang
top

CHÙA DIÊN PHÚC - MỘT DANH THẮNG, LỊCH SỬ CỦA THĂNG LONG HÀ NỘI

Tác giả: Sư Thầy: Thích Minh Thịnh - Thứ hai - 28/07/2014 11:09
CHÙA DIÊN PHÚC -  MỘT DANH THẮNG, LỊCH SỬ  CỦA THĂNG LONG HÀ NỘI

CHÙA DIÊN PHÚC - MỘT DANH THẮNG, LỊCH SỬ CỦA THĂNG LONG HÀ NỘI

Phật giáo là một trong những yếu tố quan trọng của văn hóa Việt Nam, có một vị trí không nhỏ trong quá trình hình thành và phát triển bản sắc văn hóa Việt Nam. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Phật giáo đi sâu vào tâm hồn của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam, được chấp nhận trong đời sống tâm linh của con người và văn hóa ở chính tính từ bi bác ái của nó.
Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng, Phật giáo Việt Nam luôn gắn liền vận mệnh đât nước, đồng hành cùng dân tộc, thăng hoa cùng dân tộc trong mọi hoàn cảnh xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Văn hóa Phật giáo là văn hóa con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Cũng vì vậy, hình ảnh ngôi chùa bao đời nay trở thành “mái chùa che chở hồn dân tộc”, trở thành biểu tượng văn hóa không thể thiếu ở mỗi làng quê Việt Nam. Những lễ hội chùa hàng năm với nghi thức thiêng liêng vừa mang ý nghĩa tôn giáo, vừa mang tính chất văn hóa truyền thống sâu đậm. Phật giáo đã thực sự trở thành một thành tố làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Mặt khác, Phật giáo luôn song hành với sự vươn lên của dân tộc “lấy đạo pháp phục vụ dân tộc”.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cách đây 1000 năm lịch sử, triều đại nhà Lý không chỉ mở ra một thời đại mới cho dân tộc với những sự kiện lớn như định đô ở Thăng Long, củng cố và xây dựng chính quyền nhà nước từ trung ương đến địa phương, cải cách kinh tế- xã hội, mở mang chế độ học vấn thi cử…mà thời kỳ này cũng được nhắc đến như một thời kỳ thịnh trị, huy hoàng của Phật giáo. Trên thực tế, khi Phật giáo phát triển huy hoàng thì cũng là thời mà đất nước Đại Việt vươn lên một cách mạnh mẽ với sự đóng góp vô cùng quan trọng của các vị Tăng Lữ trong quá trình ổn định nếp sống xã hội, hướng mọi người đến với những điều tốt đẹp trong cuộc sống, đồng thời rèn luyện nội tâm mọi người trở thành một nhân cách hoàn mỹ để phụng sự cho dân tộc.
Phật giáo đời Lý là nét son trong nền văn hóa Việt Nam, tìm về bản sắc Phật giáo đời Lý là tìm về bản sắc dân tộc qua tư tưởng của các vị cao tăng như Ngài: Vạn Hạnh, Không Lộ, Mãn Giác…Họ đều là nhân cách lớn của mọi thời đại. Bên cạnh đó, là các vị minh quân như Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông...hết lòng ủng hộ sự phát triển của Phật giáo vì sự hưng thịnh của đất nước.
Bên cạnh con người và giáo lý, không thể không nhắc đến những ngôi chùa, những di tích Phật giáo. Cùng với sự phát triển huy hoàng của Phật giáo thì những ngôi chùa, toà tháp, di tích  Phật giáo đời Lý đã trở thành những di sản văn hóa, khó đời nào sánh kịp như chùa Một Cột, Tháp Báo Thiên, chùa Trấn quốc, Tháp Tường Long…Trong hàng loạt những di tích Phật giáo có ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển Thăng Long - Hà Nội, phải kể đến chùa Diên Phúc.
Với ý nghĩa là một di tích lịch sử và văn hóa lâu đời của Phật giáo và quê hương Hoa Lâm, chùa Diên Phúc và Sở văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “chùa Diên Phúc với ngàn năm Thăng Long-Hà Nội” hầu góp thêm tiếng nói hiểu biết về một thời kỳ vàng son, cũng là tô điểm thêm hương sắc cho vườn hoa tuệ giác tỏa ngát hương đàm trên đường tìm về cội nguồn. Trên tinh thần này hội thảo của chùa chính là hướng về đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, một sự kiện văn hóa lớn của đất nước ta.
Diên Phúc tự (nhân dân quen gọi là chùa Thái Bình) thuộc thôn Thái Bình, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội, nằm cạnh sông Đuống, cách trung tâm thành phố khoảng 10km về phía bắc, trên trục đường đi thị trấn Đông Anh. Theo di chỉ để lại là một trong những ngôi chùa được xây dựng từ lâu đời ở nước ta
Nằm trên mảnh đất quê ngoại của vương triều Lý rất sùng đạo Phật, tương truyền chùa Diên Phúc được xây dựng từ thế kỷ XI và tồn tại liên tục cho tới ngày nay. Về lịch sử chùa Diên Phúc, theo bài Minh trên quả chuông đồng “Diên Phúc tự chung” (chuông chùa Diên Phúc) đúc ngày lành, tháng giêng, năm Minh Mệnh thư hai (1821) thì chùa Diên Phúc tự ở thôn Thái Đường, xã Hoa Lâm, huyện Đông Ngàn, Phủ Từ Sơn, Trấn Kinh Bắc. Từ năm Đinh Mùi, niên hiệu Chiêu Thống nguyên niên (1887) có sự biến động lớn, do nhu cầu cấp thiết đúc tiền nên đã thu chuông đồng khắp thiên hạ, do đó chuông chùa Diên Phúc cũng bị thu, năm Minh Mệnh thứ hai, Trụ trì chùa Tỷ Khiêu Diệu Bảo Thích Lãng đã phát nguyện tâm phúc, khuyên dân trong ấp cùng thiện nam, tín nữ thập phương quyên góp của cải mua đồng, thuê thợ về đúc quả chuông “Linh Ứng tự chung”. Sang thời Nguyễn, chùa được quan tâm tu sửa nhiều lần.
Trong kháng chiến chống Pháp chùa là nơi lưu truyền nhiều chiến công chống giặc ngoại xâm và bảo vệ tổ quốc. Trong giai đoạn 1946-1954, ngôi chùa này được chọn làm cơ sở hoạt động cách mạng, nơi nuôi giấu nhiều cán bộ kháng chiến. Sư cụ Đàm Tín, trụ trì chùa, trực tiếp tham gia Mặt trận việt Minh, nhiều lần, thực dân Pháp và Ngụy quyền tổ chức vây ráp, nhưng nhờ sự che chở của nhà chùa, sự đấu tranh khéo léo của sư trụ trì mà cơ sở cách mạng địa phương được vững ngay trước mắt kẻ thù. Cũng thời gian này, chùa còn là nơi đón tiếp nhiều đảng viên, cán bộ Việt Minh. Đặc biệt phải kể đến gia đình cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã được mái chùa che chở trong thời kỳ chiến tranh.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ ở miền Bắc (1964-1974), chùa Diên Phúc được chọn làm kho hậu cần để tiếp viện cho các đơn vị Bộ đội bảo vệ thủ đô; là nơi sơ tán của một số cơ quan Trung Ương và Thành phố Hà Nội.
Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, với bề dày lịch sử và truyền thống yêu nước, đấu tranh chống giặc, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc nêu trên, chùa Diên Phúc đã được Sở văn hóa Thông tin và Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử- Tôn giáo, ngày 8 thang 2 năm 1992. và để thể hiện lòng bết ơn những người có công với cách mạng, nêu cao tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của nhà chùa, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Huân chương kháng chiến hạng ba cho sư cụ Đàm Tín.
Năm 1987 do nhiều lần lũ lụt, sự thay đổi dòng chảy của sông Đuống nên kiến trúc chùa Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc từ triều đại nhà Lý cho đến ngày nay.
Trước đây chùa Diên Phúc có qui mô kiến trúc lớn và là một thắng cảnh nổi tiếng trong vùng. Trải qua bao thăng trần cùng lịch sử, với sự hủy hoại, phong hóa của khí hậu và thời gian đã làm cho kiến trúc của chùa thu hẹp lại. Hiện tại kiến trúc của chùa gồm bốn nếp nhà ngang dọc tạo thành. Các bộ phận này được quy hoạch quanh một sân gạch vuông nhỏ: Tiền đường tọa lạc ở phía trước, Thượng Điện nằm ở sân sau, nhà Thờ Mẫu và nhà Tổ nằm theo một trục thẳng phái sau Thượng Điện, Lầu Quan Âm nằm song song với Tiền Đường và trước cửa nhà Tổ.
Tiền đường là nếp nhà ngang 5 gian 2 trái và được làm theo kiểu 4 mái. Nhà có mái, lợp ngói ta, bỏ nóc, bờ dài đắp dạng bờ đinh, chính giữa bỏ nóc, được tôn cao 20cm so với xung quanh, mặt lát nền gạch hình chữ nhật, kích 40x40cm. Trong lòng nhà Tiền Đường được để trống tạo không gian thoáng rộng gần sát tường hậu của hai gian hồi xây bệ gạch cao để đặt tượng thờ.
Nhà Tổ nằm sát bên phải sân chùa được xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Các bộ vì của khung nhà có kết cấu đơn giản kiểu vì kèo quá giang. Nhà gồm 5 gian thấp nhỏ, phía trước mở ra vào, các mặt còn lại xây tường bao khép kín. Bên trong nhà Tổ xây bệ gạch cao để làm nơi tọa lạc của các vị sư của chùa đã viên tịch.
Khu nhà Mẫu được xây dựng nằm theo một trục ngang với nhà Tổ. Nhà có kết cấu hình chữ nhị gồm tiền tế và hậu cung, Tiền tế gồm 5 gian nhà ngang hẹp lòng và được xây dựng đơn giản giống như nhà Tổ. Hậu cung có qui mô nhỏ gồm 5 gian nối với tiền tế. Tại khu nhà Mẫu, 5 gian tiền tế dùng làm nơi thờ vong, các nghi thức thờ cúng xây bệ gạch cao để bày đồ tự khí và làm nơi tọa lạc của Tam tòa Thánh Mẫu ( Mẫu Thiên, Mẫu thoải, Mẫu Nhạc). Đồng thời cũng là nơi thờ bà Phạm Thị Ngà mẹ của vua Lý Công Uẩn và mẹ của cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh.
Thượng Tọa Điện là một nếp nhà dọc 5 gian 2 trái, mặt trước mở cửa vào hình chữ nhật, mái lợp ngói ta. Các bộ vì đỡ mái được làm thống nhất theo kiểu “chồng giường giá chiêng hạ kẻ”. Riêng bộ vì giữa trước Phật điện được làm thành cốn mé để trang trí. Trên bộ vì này, bức cốn trên trang trí đôi rồng lớn dạng chầu mặt trời lửa, 2 cốn bên có đề tài (long, ly, quy, phượng). Rồng có kích thước lớn trải kín bề mặt cửa cốn, ngoài ra còn có phượng, long mã, sau điểm xuyến trên các góc sát hàng cột cái. Hình tượng rồng trên ba bức cốn của bộ vì này được thể hiện giống nhau và mang đặc trưng của cốn rồng trong nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn.
Thượng Điện được xây dựng trên khu nền cao 200cm so với mặt sân, mặt nền lát gạch cốt tô hạ long màu đỏ sẫm, kích thước 40x40cm. Bên trong cửa kiến trúc này, năm gian ngoài dùng nơi hành lễ, các gian trong đóng bằng bệ gỗ cao dần từ trên xuống ngoài nhìn vào để thờ Phật.
Lầu Quan Âm mới được xây dựng năm 2008, nằm bên phải song song với tiền đường và trước cửa nhà Tổ. Kiến trúc của lầu Quan Âm hình hoa sen với ba đôi rồng chầu trên ba cầu thang từ ba phía Đông Nam, Đông Bắc,chính Tây đi vào, bên trên trang trí hình rồng, phượng, hoa sen, Lầu Quan Âm được xây dựng theo kiểu kiến trúc chùa Một Cột.
Cũng do quá trình biến đổi, suy vi nên Phật điện chùa Diên Phúc không còn được nguyên vẹn như xưa, Tượng của chùa hiện nay được đặt trên bệ gỗ giữa trụ hàng cột chính và cách tường bao. Trên cùng là ba pho tượng Tam Thế Phật thường trụ diệu pháp thân tiêu biểu cho ba đời chư Phật là quá khứ, hiện tại và tương lai. lớp kế là Quan Âm Thế Chí thị Di Đà, tiếp đến là Pho Tượng “Quan Âm Chuẩn Đề”  đến Tòa Cửu Long tái hiện hình ảnh đức Phật Thích Ca lúc mới hạ sinh, chín con rồng phun nước tắm, các tiên nữ ca múa, hat mừng vv và bảy đức Phật Dược Sư Lưu Ly.
Tại Tiền Đường có các ban thờ hai vị Hộ Pháp Vi Đà, Đức Chúa Ông, Thánh Hiền, 10 vị Diêm Vương ngôi thành hai ban, mỗi ban có 5 vị. Ngoài ra, tượng trong chùa còn có hai vị Tổ sư, 3 vị Thánh Mẫu của tín ngưỡng dân gian. Hệ thống tượng thờ của chùa Diên Phúc thuộc về hai giai đoạn lịch sử khác nhau, ba vị Tam Thế và Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn thuộc về thời Lê Trung Hưng, một số thuộc thời Nguyễn và một số khắc mới được trùng tu, bổ sung thuộc ngày nay.
Ngoài kiến trúc ngôi chùa và tượng thờ tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam thời Lý và thời Nguyễn, chùa Diên Phúc còn có những di vật cổ khác có giá trị văn hóa, nghệ thuật cao như: Một bức cửa võng chạm rồng chầu, rồng cuốn thủy, tứ linh, bát bửu thế kỷ XIV. Một quả chuông đồng lớn “Diên Phúc tự chung” thuộc niên hiệu Minh Mệnh thứ 2 (1821); một bia đá “Ký kỵ bi ký” dựng năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) vv...
Hưởng ứng các hoạt động chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long -Hà Nội, bản tự chúng tôi long trọng tổ chức lễ “ đúc tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn và đại hồng chung” nguyện cầu cho đất nước phồn vinh thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.
Phật giáo từ xa xưa đã gắn liền với lịch sử dân tộc, vừa phổ cập vừa đại chúng, lại hàm chứa một nội dung cao đẹp tích vực, đầy tính nhân văn. Chùa diên Phúc thực sự là một ngôi chùa quý xứng đáng để cho hậu thế chúng ta trân trọng, giữ gìn và phát huy trong hoàn cảnh lịch sử mới.

Tác giả: Sư Thầy: Thích Minh Thịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất