06:38 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 259

Máy chủ tìm kiếm : 34

Khách viếng thăm : 225


Hôm nayHôm nay : 21658

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2853748

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 34190169

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển

Quang cao giua trang
top

THƯƠNG NGƯỜI NHƯ THỂ THƯƠNG THÂN

Tác giả: Tiểu Linh Bảo - Thứ sáu - 24/10/2014 08:21
Hình minh họa (nguồn Internet)

Hình minh họa (nguồn Internet)

Nếu người Việt Nam sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong sự nuôi dưỡng thường xuyên về ý thức đóng góp cho cộng đồng thì trong suốt cuộc đời mình họ cũng được sống trong sự lo lắng quan tâm của những người khác.


Ngay từ lúc cất tiếng khóc chào đời, người Việt đã sống trong không khí thăm hỏi, quan tâm chăm sóc vật chất và tinh thần không chỉ của ông bà, cha mẹ, gia đình riêng mà còn của cả dòng họ, láng giềng, làng xóm. Khi đói đứa trẻ có thể đi bú nhờ ở những bà mẹ quanh xóm, khi rét có thể mặc chung áo với trẻ đồng trang lứa.
 
Trong tuổi trưởng thành, mỗi bước phát triển của cá nhân đều có sự động viên theo dõi của cộng đồng, thành đạt thì khao vọng cả làng, đỗ đạt cao thì cả làng, cả tổng đón rước, vui mừng, tự hào. Khi về già thì không chỉ con cháu có nghĩa vụ chăm sóc mà còn được cả cộng đồng quan tâm, quà cáp cho người lớn tuổi, yến lão cho người thượng thọ, ma chay cho người quá cố.
 
          Hiếm có một dân tộc nào trên thế giới lại có được một mạng lưới tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau rộng rãi và bền chặt như dân tộc Việt Nam trước đây.
 
Sự quan tâm đến nhau được quy định cụ thể trong hệ thống luật pháp của Nhà nước cũng như trong hương ước và lệ làng. Nó cũng được duy trì một cách tự giác ở chuẩn mực đạo đức trong các mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, trong nội tại các gia đình, và rộng hơn nữa trong phạm vi cả một đất nước.
 
 Nhà nước thời nào cũng đều có lập "nghĩa thương" tức là những kho dự trữ thóc gạo, hoa màu với mục đích cứu giúp cho dân nghèo những khi đói kém mất mùa, tổ chức khen thưởng, thậm chí phong phẩm hàm phẩm phục, miễn thuế miễn dịch cho những người hảo tâm quyên góp tiền gạo cứu giúp kẻ đói khổ. Nhiều triều đại còn khuyến khích các làng xã lập nhà "dưỡng tế" để nuôi dưỡng những kẻ cùng khó tật nguyền, đặt lệ "cấp tuất" để giúp tiền chôn cất cho những người chết vì bệnh dịch, những lữ khách cô đơn chết đường chết chợ.
 
          Đối với người cầm quyền, các bậc vua chúa, việc quan tâm đến đời sống của dân lành được coi như một giá trị đạo đức cao nhất.
 
Những khi mất mùa, đói kém từ vua đến quan đều phải có ý thức tiết kiệm, nhiều ông vua đã ăn chay hàng tháng, lập đàn thờ cúng trời phật để mong cho dân tình tai qua nạn khỏi. Những lời nói về "nhân từ", "khoan dung", "phúc hậu" bao giờ cũng là một chuẩn mực quan trọng trong phép trị nước. Sử gia Ngô Sĩ Liên còn ghi chép lại cả những lời thở than của vua Lý Thánh Tông khi thương xót cho cả những kẻ đang bị tù tội: "Ta yêu con như lòng ta làm cha  mẹ dân. Nhân dân không biết mà mắc vào hình pháp, ta rất lấy làm thương. Từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ, đều nhất loạt khoan giải"[1]
 
          Ngoài mối quan tâm chung của Nhà nước tới đời sống của nhân dân, những sự quan tâm, cứu giúp cho mỗi cuộc sống cá nhân và gia đình ở các xã thôn rất cụ thể và thiết thực.
 
Hầu hết các làng xã đều dành riêng ruộng đất và thóc gạo để làm những công việc từ thiện. Chẳng hạn như, quả phụ điền là ruộng lấy hoa lợi cấp cho đàn bà góa, trợ sưu điền lấy hoa lợi cấp cho những kẻ khốn khổ không có gì để nộp sưu, cô nhi điền lấy hoa lợi cấp cho trẻ mồ côi, khẩu phần điền là loại ruộng được chia đều cho dân trong làng trồng cấy nhưng sau này lấy hoa lợi đóng góp giúp đỡ cho những gia đình gặp hoạn nạn, những tuần phu bị chết, bị thương trong công việc hoặc cho những người bần cùng, làm ăn thất bát được vay không lấy lãi. Học giả Đào Duy Anh còn cho rằng giữa các làng xã với nhau còn có thêm những tục lệ "xã dân giao hiếu" để cứu giúp lẫn nhau bằng tiền bạc, lúa gạo, trâu bò khi lâm nạn [2].
 
          Có lẽ tình tương thân tương ái của người Việt Nam đã được thể hiện rõ nét và cụ thể nhất ở những sinh hoạt thường ngày tại cộng đồng. Chính trong sự dung dị của cuộc sống đời thường những sự quan tâm săn sóc lẫn nhau giữa cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình đã đan kết lại chặt chẽ thành một mối dây vô hình vừa nhân nghĩa vừa tình cảm. Người dân quê Việt Nam thường tôn trọng sự quảng đại và rộng rãi. Họ không ích kỷ và luôn sẵn sàng tương trợ giúp đỡ người khác tùy theo hoàn cảnh và khả năng của mình "Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ", đó là triết lý sống rất giản dị của người Việt Nam
 
          Tinh thần tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng đã được tác giả Toan Ánh miêu tả một cách giản dị và chính xác bằng đoạn văn dưới đây:
 
          "Trong xóm có một người bị cháy nhà ư, cả xóm sẽ cùng xô lại cứu chữa, người xách  nước, người dọn đồ và có thể nói rằng, sự hôi của thật không khi nào xảy ra. Một nhà có một con lợn xổng chuồng chạy ra đường ư? Lập tức có vài người giúp chủ nhà đón bắt ngay con lợn lại. Một người vô ý bị ngã xuống ao xuống sông chăng? Người làng lập tức hè nhau lội xuống vớt, và khi vớt được lên, mỗi người một tay cùng nhau lo chữa nạn nhân... Một người nhận được giấy quan đòi, không biết chữ, lập tức có người biết chữ đọc giùm... Một người không may bị oan khuất một điều gì, dân làng tìm cách minh oan, và nếu không minh oan được thì cũng có sự an ủi đương nhân. Một người đi thi, cả làng đều chúc cho may mắn đỗ đạt. Sự tương trợ đôi khi là một sự đồng lần. Thí dụ, trong dịp Tết đến, nhà nào cũng có gói bánh chưng ăn Tết, ngày hôm nay nhà này gói bánh, ba bốn người khác tới gói giúp và ngày mai ngày mốt, đến nhà người khác gói bánh, thì lại cũng được sự giúp đỡ như vậy của những người mình đã giúp và của cả những người khác nữa. Ở trong làng, nhà này đi vắng gửi nhà người hàng xóm là chuyện thường, người hàng xóm khi đã nhận giữ nhà hộ, thường cho người nhà hoặc con cái sang trông nhà giúp người đi vắng. Có khi người ta gửi nhau cả con cái, và người nhận trông nom giúp, họ trông nom con cái người như chính con cái họ..." [3].
 
Không khí thân mật, đầm ấm được miêu tả ở đây không khác gì không khí của một gia đình hòa thuận tràn ngập những tình cảm ưu ái thương yêu.
 
Kết thúc bài viết này, chúng tôi muốn nói tới sự phân tích của giáo sư William Bennet, người đã có thời kỳ làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Mỹ dưới chính quyền của tổng thống Reagan, về sự chia rẽ đáng buồn của xã hội Mỹ mà ông chứng kiến: "Xã hội Mỹ ngày nay coi nhẹ hơn trước giá trị của những gì mà các xã hội khác cho là đạo lý. Coi nhẹ hơn giá trị của sự hy sinh với tư cách như là một tấm gương về đạo đức. Coi nhẹ hơn giá trị của sự hòa hợp và ý thức tôn trọng xã hội, và coi nhẹ hơn giá trị của tính đúng đắn và sự kiềm chế trong thú vui xác thịt và tình dục ... Đó là kết quả của quan điểm sống: Tôi trước - Xã hội sau" [4].
 
          Nếu xã hội Mỹ đã trượt quá sâu vào con dốc của chủ nghĩa cá nhân vị kỷ do việc đề cao quá mức tính  "tự do của kinh tế thị trường" đến độ không kìm hãm được nữa (theo quan điểm của William Bennet) thì bài học của sự trượt dốc này cần phải được nghiên cứu sâu hơn đối với tất cả  các dân tộc muốn vươn tới một xã hội tốt đẹp và nhân đạo.
 
         
 


[1] Đại Việt Sử ký toàn thư. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Tập I, Hà Nội, 1972, trang 229.
 
[2] Đào Duy Anh. Việt Nam Văn hóa Sử cương, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh 1992. Trang 183.
 
[3] Toan ánh. Nếp cũ làng xóm Việt Nam.
Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh 1992, trang 187 - 188.
[4] William Bennet. Sự giảm sút của Mỹ vì số lượng. Báo Asian Wall Street. Số ra ngày 16 - 03 - 1993.

Tác giả: Tiểu Linh Bảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất