21:32 ICT Thứ năm, 28/03/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 138


Hôm nayHôm nay : 45952

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2827460

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 34163881

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển » Di sản văn hóa

Quang cao giua trang
top

Quan viên:"Người lãng du trong những làn điệu ca Trù"

Tác giả: Tưởng Duy Tiến - Thứ tư - 11/06/2014 15:25
Quan viên:"Người lãng du trong những làn điệu ca Trù"

Quan viên:"Người lãng du trong những làn điệu ca Trù"

Các cụ dạy: “Ở đời có bốn cái ngu: Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu” Bốn cái ngu xếp hàng ngang nên, không chú thích cái ngu nào là ngu hơn cái ngu nào, hay các cụ đang liệt kê theo chiều tăng hay chiều giảm của độ ngu. Bài viết này xin bàn đến cái ngu cuối cùng: cầm chầu. Để hiểu được vì sao cầm chầu lại được xếp trên bảng vàng bốn cái ngu, trước hết phải biết cầm chầu là gì, người cầm chầu là ai, và vị trí của người cầm chầu cũng như tiếng trống chầu trong một canh hát.


Các nhạc cụ đặc trưng của ca trù
Nghệ thuật ca trù, khi đã được định hình tương đối rõ ràng trong lịch sử, có ba nhạc cụ chính gồm đàn đáy, cỗ phách, và trống chầu.
Đàn đáy là một nhạc cụ đặc trưng của ca trù, có nguồn gốc hoàn toàn Việt Nam. Nhạc cụ này có 3 dây, được gọi là Đài, Trung, Tiếu (có nơi gọi là Hàng, Trung, Liễu), cần đàn dài, các phím dày và cao để thực hiện các ngón đàn rung, nhấn, chùn..., hộp cộng hưởng hình thang và kín phía trước, hở phía sau. Đàn đáy truyền thống được làm từ gỗ ngô đồng, dây đàn bằng tơ se. Đàn đáy dùng để đệm cho ca nương hát.
Nhạc cụ thứ hai là cỗ phách, thường được ca nương sử dụng. Cỗ phách bằng gỗ hoặc tre, gồm bàn phách, và lá phách, trong đó có một phách mẹ hình đũa tròn, và phách con là phách mẹ được chẻ đôi thành hai nửa bằng nhau. Chính vì đặc điểm này mà khi gõ, cỗ phách vang lên những âm thanh trong, đục, mạnh nhẹ khác nhau, tạo nên nhịp điệu của bài hát. Thi sĩ Trần Huyền Trân nghe nghệ nhân Quách Thị Hồ gõ phách đã phải thốt lên
“Người ơi, mưa đấy ? Hay sênh phách
Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa...”
Nhạc cụ thứ ba là trống chầu. Trống chầu của ca trù có kích cỡ tương đương với trống đế trong nghệ thuật chèo, mặt trống đường kính khoảng 15 cm, bịt da trâu nạo mỏng (rất dai và bền). Đường viền da bịt mặt trống trùm xuống thân trống khoảng 3 cm, được đóng bằng đinh tre. Tang trống cao khoảng 18cm, bằng gỗ mít nguyên khúc gọi là tang liền, song có khi bằng những mảnh gỗ mít chấp lại, sơn phết bên ngoài. Dùi trống dài khoảng 25cm, được gọi là Roi chầu. Người đánh trống trong một canh hát (cầm chầu) được gọi là quan viên.
Thời phong kiến, mỗi khi vua bày tiệc nghe hát đều có phân ra hai vị quan, một là viên Tửu lệnh trông coi việc hành lễ, một là Cổ lệnh tay cầm dùi trống để điều khiển việc tấu nhạc. Trống được dùng ở đây là trống cái. Viên Cổ lệnh đứng trong sân chầu, dùng tiếng trống để điều khiển việc múa hát, khi tiếng hát hay, dở đều dùng tiếng trống để thưởng phạt. Do các nghi thức ca hát trong cung đều được thực hiện ở sân chầu nên trống được gọi là trống chầu, người đánh trống khen, chê trong canh hát được gọi là quan viên, là người cầm chầu.
Cầm chầu, thể hiện phong cách hay chạy theo trào lưu
Cầm chầu là một hoạt động đặc trưng trong ca trù, khi người thính giả được tham gia một cách trực tiếp vào canh hát, can thiệp vào nội dung biểu diễn và góp phần tạo nên thành công hoặc thất bại của canh hát.
Người cầm chầu xưa thường không phải là thành viên trong đoàn hát mà là người nghe có hiểu biết về văn học, về các làn điệu ca trù qua tiếng đàn tiếng hát, khổ phách. Người thính giả đặc biệt này sử dụng trống để khen, chê đào, kép, cũng như đánh dấu chấm câu sau mỗi câu hát.
Cầm chầu là một thú chơi tao nhã của bậc tao nhân mặc khách. Khác với tất cả các loại hình biểu diễn khác, người đánh trống – quan viên không phải là một nhạc công chuyên nghiệp. Anh ta tham gia canh hát với tư cách thính giả, một thính giả đặc biệt, sử dụng trống để chấm câu sau mỗi câu hát, khổ đàn, và cũng để khen – chê ca nương, kép đàn.
Nghề chơi cũng lắm công phu lắm. Trong những khi làng có hội, mở canh hát ở cửa đình, các quan viên, thường là chức sắc trong làng sẽ cầm chầu. Mỗi tiếng “cắc” vào tang trống là một lần tấm thẻ tre được quẳng vào thau đồng. Cuối canh hát, người ta cứ dựa vào số thẻ tre trong thau đồng mà tính ra số tiền phải thưởng cho đào nương, kép đàn. Chữ Hán “trù” là “thẻ”, đó cũng là một trong những lý do tạo nên cái tên “Ca Trù”.
Vấn đề là người lãnh trách nhiệm quan viên phải biết cách nghe, phải biết khen, chê đúng chỗ, đúng lúc, chấm câu sao cho nhã. Giữa bàn dân thiên hạ mà đánh trượt, mải ngắm đào hát mà quên chấm câu, khen chê bừa bãi thì ê mặt. Bỗng dưng mình hóa ra kẻ chơi trèo, văn hóa lùn mà thích phô trương. Ngay đến cả canh hát ở nhà riêng, chỉ có mình, một đôi người bạn thân, với cô đầu mà cầm chầu không đúng cũng ê mặt như thường. Ê mặt với bạn một, mà ê mặt với cô đầu mười. Cô đầu sẽ coi gã này như kẻ trọc phú giàu xổi, ăn chơi nửa mùa đua đòi ra tao nhân mặc khách cho hợp mốt mà thôi. Người ta nói tính cách anh sẽ thể hiện qua hành động thế nào, thì cũng sẽ thể hiện qua cách cầm chầu như vậy. Có người đánh hào sảng, có người lom dom chực vụt, có người đánh dồn dập, có người đánh thưa tiếng. Ngay trong việc cầm chầu cũng có nhiều phép tắc, ví như người đánh thưa tiếng mới là sang, đánh nhiều tiếng bỗng hóa thô lậu vậy.
Cái thú cầm chầu
Mặc dù đầy “nguy cơ”, dễ bị người ngoài đánh giá, nhưng cầm chầu vẫn có cái thú riêng, khi quan viên được hòa nhập trọn vẹn vào nhịp phách, tiếng đàn, câu hát... Khi ấy, người quan viên không còn quan tâm đến chuyện chỗ này phải điểm trống, chỗ kia phải khen đàn... mà điểm trống, khen đàn như rất tự nhiên: hết câu thì điểm, thấy hay thì khen. Tất nhiên, để đạt được mức độ “ra tay” điêu luyện ấy, người ta cũng phải có một vốn hiểu biết tương đối dày dặn và khả năng cảm thụ nghệ thuật tương đối cao. Khi ấy, anh sẽ đánh trống như lên đồng, kích thích tinh thần của không chỉ khán giả, mà của cả ca nương, kép đàn, kích thích không phải bằng tiền thưởng, mà bằng cảm giác rằng có người biết thưởng thức tài năng của mình, rằng “Bá Nha ơi, Tử Kỳ đang ngồi ngay đây…”
Trong số 4 cái ngu được các cụ liệt kê, 2 cái ngu trước là mang tính xã hội, hai cái ngu sau đầy chất cá nhân. Không rõ ba cái ngu đầu sướng đến đâu mà thiên hạ vẫn lao vào, nhưng cứ thử cầm chầu ít nhất đôi lần, rồi sẽ hiểu, dù có phải mang tiếng ngu cũng cứ làm ! ./.
 

Tác giả: Tưởng Duy Tiến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất