Cộng đồng là trên hết

Cộng đồng là trên hết
Ngày nay, cái ảo tưởng rằng chỉ có thể phát triển nhanh chóng bằng cách kích thích những sự ganh đua và đối đầu quyết liệt đang buộc phải nhường chỗ cho những sự hòa hoãn, hiểu biết và thông cảm lẫn nhau. Trong khi phương Tây đang sa lầy quá đà trong việc thực thi những khẩu hiệu về tự do cá nhân đôi khi đến mức vị kỷ thì những giá trị của xã hội cộng đồng vốn có từ lâu đời tại một số nước Châu Á, trong đó có Việt Nam lại trở thành một nguồn sinh lực cho một tương lai mới. Bởi vậy, liều thuốc của sự đoàn kết cộng đồng, của việc xây dựng một xã hội tương thân, tương ái với những mối quan hệ mang tính nhân đạo sâu sắc theo kiểu xã hội Việt Nam truyền thống lại đang được nhìn nhận như là một sự cứu tinh cho những xã hội đang bị phân hóa.

Mọi người đều biết, hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, sự khó khăn trong sản xuất lúa nước, sự đấu tranh liên tục để sống còn với nạn ngoại xâm đã không cho phép người Việt Nam sống riêng biệt như những cá nhân và gia đình hoàn toàn đơn lẻ, cũng như sống trong các trang trại biệt lập như ở nhiều nơi khác.
 
Lật qua vài trang sử cũ từ các thời Lê,  Nguyễn, chúng ta thấy dường như năm nào cũng ghi lại những tai họa to lớn của thiên nhiên đối với con người, không hạn hán, mất mùa thì cũng bão lụt, đê vỡ, sâu bệnh tràn lan. Người Việt Nam sinh ra, lớn lên rồi mất đi trong môi trường cộng đồng, trong một cuộc sống gắn liền với những vui buồn hạnh phúc, đắng cay của cộng đồng theo cách là “bán anh em xa mua láng giềng gần”, “hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau”. Và việc duy trì mối liên kết  cộng đồng cũng chính là sự duy trì cuộc sống của bản thân mình :
 
       Lũ lụt thì lút cả làng
Đắp đê phòng lụt thiếp chàng cùng lo
 
          Chế độ công điền, với những kiểu biến dạng khác nhau của nó, kéo dài trong suốt lịch sử lao động sản xuất ở Việt Nam, đã làm giảm bớt phần nào những sự đối kháng xã hội, là cơ sở cho những quan hệ nhân ái giữa con người với con người. Khác với nhiều dân tộc khác, trong nấc thang giá trị xã hội, những chuẩn mực về đức hy sinh vì tổ quốc, quê hương, sự trung thành với toàn thể cộng đồng được đặt lên vị trí cao nhất.
 
          Kế tiếp lẫn nhau trong bao nhiêu thế hệ người Việt Nam, tinh thần quên thân vì nghĩa cả tức là hy sinh thân mình vì tập thể cộng đồng, được duy trì và nuôi dưỡng thấm vào máu của những người trẻ tuổi, tạo ra những quy tắc đạo đức và điều chỉnh các hành vi xã hội. Nhờ quan điểm sống ấy, tình yêu quê hương, đất nước, đồng bào sâu sắc ấy, mà dân tộc Việt đã duy trì được một sự hài hòa trong các quan hệ xã hội, làm hạn chế phần nào những sự phát triển của tính vị kỷ, tạo ra được một sức mạnh chung để sinh tồn và chiến thắng ngoại xâm.
 
Đối với người Việt, cuộc sống cộng đồng là hết sức quan trọng,  cộng đồng chính là nơi để họ biểu hiện những phẩm chất của cá nhân mình. Lối sống cộng đồng, mặc dù trong suốt chiều dài lịch sử có thể tạo ra rất nhiều hạn chế như tư tưởng bình quân, sự kém năng động trong tư duy kinh tế, tâm lý sản xuất tự cấp tự túc, thái độ coi thường công nghệ... nhưng lại chính là cơ sở quan trọng để duy trì sự thống nhất chung, là linh hồn cho sự đoàn kết toàn dân trong xây dựng và bảo vệ đất nước.
 
          Người Việt từ khi sinh ra cho tới khi nhắm mắt xuôi tay không được phép quên đi những trách nhiệm chung đối với cộng đồng. Những chuẩn mực về một xã hội đoàn kết và tương thân tương ái được đưa lên hàng cao nhất trong hệ giá trị truyền thống, trở thành thứ “tín ngưỡng”, điều mà tất cả các loại kẻ thù từ bên ngoài đều buộc phải đối đầu trước hết trong những tham vọng khuất phục người Việt.
 
Quan điểm chung của các triều đại phong kiến Việt nam nói chung đều đề cao tính đoàn kết dân tộc, tôn trọng các mối quan hệ cộng đồng, làng xã, lấy tinh thần đoàn kết làm chỗ dựa cho sự hưng vong của tổ quốc. Trần Hưng Đạo đề cao tư tưởng “khoan sức cho dân”, để lấy sức dân làm thế mạnh của nước. Nguyễn Trãi kêu gọi phải lấy dân làm gốc, nêu cao tư tưởng “ Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.
 
Ngay sau khi chuyển kinh đô về Thăng Long, mặc dù còn trăm nghìn mối lo lắng, kho binh nhà nước cạn kiệt, nhưng vua Lý Thái Tổ vẫn ban chiếu tha tô tha thuế trong ba năm liền, khuyến khích người dân khai hoang, mở ruộng. Chính tư tưởng dựa vào tinh thần đoàn kết thương yêu lẫn nhau trong cộng đồng của chính quyền nhà nước đã khuyến khích sự liên kết, gắn bó trong các cộng đồng dân cư, tạo nên tinh thần tập thể, đoàn kết, tình yêu với quê hương đât nước.
 
Người Việt có câu tục ngữ :
 
Chết cả đống còn hơn sống một người
 
cũng còn có câu :
 
Thà ăn bắp hột chà vôi
Còn hơn giàu có mồ côi một mình
 
 Người Việt, đặc biệt là tuổi trẻ, có truyền thống làm gì cũng phải có bạn có bè, ”buôn bán có hội có thuyền”. Bởi lẽ, người ta phải sống và gắn bó với cộng đồng, với môi trường xã hội xung quanh suốt cả cuộc đời. “Sống ở làng, sang ở nước” đó là nguyên tắc chung. Tuổi trẻ lớn lên trong cộng đồng quê hương, học hành, lao động, kiếm sống, chỉ khi đỗ đạt, có danh vọng địa vị, được nhà nước bổ dụng chức vị thì mới rời khỏi quê hương. Khi già cả, chân chậm, mắt mờ, không còn sức lực đóng góp gì nữa thì lại về làng, về lại cái cộng đồng ban đầu mà mình đã sinh ra và lớn lên.
 
          Do chỗ sống đồng thời trong nhiều mối quan hệ xã hội, nhiều tổ chức, thiết chế, nên thanh thiếu niên, ngay từ nhỏ đã được giác ngộ một nguyên tắc sống rõ rệt, đó là sống không phải chỉ vì mình. Niềm vui được đóng góp sức lực cho tập thể cộng đồng trở thành một giáo lý đạo đức.
 
Đạo đức cao nhất trong nấc thang giá trị của con người là làm tròn bổn phận của mình trước cộng đồng, hy sinh sức lực, tiền của và thậm chí cả tính mạng vì cuộc sống của cộng đồng. Những công việc chung của làng, của nước bao giờ cũng phải được coi là quan trọng và về nguyên tắc nó phải được đặt lên trên việc nhà, việc cá nhân. Mỗi thành viên trong xã hội đều phải có trách nhiệm chung trong việc bảo vệ  đường xá, cầu cống, đê điều, quản lý an ninh trật tự, tuần tra canh gác, ngăn chặn các tệ nạn xã hội, đóng góp xây dựng đình chùa, trường học, công trình văn hóa...
 
          Vùng hồ Linh Đàm gồm nhiều xã của huyện Thanh Trì từ rất lâu đã thờ một vị thần vốn là học trò của Chu Văn An đã có công giúp dân chống hạn. “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của Nguyễn Đổng Chi kể rằng:  Thấy người học trò tuy vẻ ngoài bình thường nhưng lại có những cử chỉ khác thường, nên thầy Chu văn An biết được đấy là một thủy thần muốn được học thêm chữ nghĩa trần thế. Một hôm ông ngỏ ý muốn học trò của mình giúp dân làm mưa chống hạn. Người học trò nói rằng : “Nếu con vâng lời thầy thì tức là đã làm trái lệnh thiên đình, nhưng vì dân con cứ làm. Nếu sau này có chuyện không hay mong thầy chu toàn cho con”. Nói rồi người học trò bèn dùng pháp thuật làm mưa lớn cứu được mùa màng của cả một vùng. Hôm sau người học trò biến mất, ngoài đầm nổi lên một xác con giải. Thầy Chu và nhân dân trong vùng thương xót nên đã lập đền thờ.
 
         
Chúng ta đều biết rằng tục lệ ở nhiều phường xóm, làng xã tại Thăng Long - Hà Nôi đã buộc các hộ gia đình khi gặp chuyện vui vẻ, trai gái khi cưới xin phải có nghĩa vụ góp gạch xây thêm các công trình công cộng, đường làng, ngõ phố, coi đó không chỉ là ý nghĩa về mặt vật chất mà còn là một sự nhắc nhở về ý thức cộng đồng.
 
          Chính Piere Gourou khi nhấn mạnh rằng hiếm có một dân tộc nào lại duy trì được một sự đoàn kết cộng đồng chặt chẽ như dân tộc Việt Nam, đã cho rằng con người ở đây đã “biểu hiện bản thân mình, năng lực, phẩm chất đạo đức không phải từ những đặc tính cá nhân mà thông qua các quan hệ xã hội, cộng đồng. Không ở đâu khác mà trong chính những đóng góp của cá nhân vào các mối quan hệ cộng đồng mà cá nhân mới biểu tỏ được phẩm chất của mình”.
 
Chính các hoạt động của cộng đồng mới là nơi quan trọng nhất để đo lường các giá trị của cá nhân. "Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp", câu ngạn ngữ quen thuộc đó cũng nói lên phần nào tầm quan trọng của việc khẳng định vị thế của một cá nhân đối với hoạt động cộng đồng. Trong trường hợp nếu có mâu thuẫn quyền lợi của cá nhân với quyền lợi của cộng đồng thì về nguyên tắc, cá nhân phải chịu sự hy sinh vì quyền lợi chung.
 
          Nhờ có quan niệm sống như trên mà người Việt đã duy trì được một sự hài hòa trong các quan hệ xã hội, làm hạn chế phần nào sự phát triển của tính vị kỷ, để tạo ra được sức mạnh chung cho sự sinh tồn và Phát triển chung của dân tộc.

Tác giả: GS-TS Đặng Cảnh Khanh