Suy ngẫm về chữ Tâm trong đời thường và trong đạo Phật

*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

Tâm là một khái niệm trừu tượng, không sờ mó được, nhưng lại luôn hiện hữu trong con người.

Tuy ta vẫn thường nói người này có tâm, người kia vô tâm hoặc thất nhân tâm
Trăm năm tóc cũng đổi màu
Chữ Tâm sáng mãi giữa dòng thời gian
Những năm trước đây, nhiều gia đình ở Việt Nam thường bày trong nhà tượng 3 ông Phúc-Lộc-Thọ, vừa là vật trang trí, vừa như để cầu tài lộc. Gần đây nhiều nhà lại thích treo tranh đá quý, tranh sơn mài hoặc tranh thư pháp (viết trên giấy Gió-là một loại giấy bản đặc biệt) có chữ Tâm. Các nhà thư pháp chỉ bằng ba nét bút thư pháp đã viết ra chữ Tâm, và có lời bình là:
Ba chấm như sao sáng
Nét ngang tựa trăng tà
Xóa đi điều vẩn đục
Phật ở chính tâm ta
Còn bậc thi nhân lại nói:
Trăm năm tóc cũng đổi mầu
Chữ Tâm sáng mãi giữa dòng thời gian
Vậy xem ra chữ Tâm cũng quan trọng lắm. Chẳng thế mà ở phần kết truyện Kiều, cụ Nguyễn Du mới viết:
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài
Vậy Tâm là gì? Các nhà nho xưa quan niệm: “Bao quát mọi suy nghĩ là cái tâm” (Tổng bao vạn lự vị chi tâm) hoặc “Trời đất lấy gốc là tâm” (Thiên địa dĩ bản vi tâm dã). Do đó mà ngày nay y học mới chẩn đoán người bị rối loạn hành vi, cử chỉ là người bị bệnh tâm thần.
Tâm là một khái niệm trừu tượng, không sờ mó được, nhưng lại luôn hiện hữu trong con người. Tuy ta vẫn thường nói người này có tâm, người kia vô tâm hoặc thất nhân tâm. Thực ra người vô tâm hoặc thất nhân tâm cũng vẫn có tâm, nhưng đấy là một cái “tâm xấu”. Người vô tâm có thể là loại người ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình, không nghĩ đến người khác; còn người thất nhân tâm rõ ràng là hạng người xấu, là người có những hành động hoặc lời nói làm hại người khác. Người có tài mà không có tâm thì cái tài đó chỉ nhằm mang lại lợi ích cá nhân, không thể nào có ích cho cộng đồng xã hội được. Vậy tâm phải lành, phải tốt, phải trong sáng mới sản sinh ra được những lời nói hay, những việc làm tốt.
Trong đời thường chữ Tâm được hiểu nôm na là tấm lòng. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời khi nói đến tấm lòng, luôn nhấn mạnh ý nghĩa tích cực của nó. Mấy chục năm trước, có lần ca sĩ Khánh Ly ra hải ngoại gặp ông, đã hỏi: “Thưa anh Trịnh Công Sơn, mấy năm trứơc anh đã nhắc nhớ em sống trên đời này phải có một tấm lòng. Hôm nay, sau gần hai mươi năm anh em gặp lại nhau ở một nơi không phải là quê hương mình, em thực sự muốn biết đối với anh điều gì quan trọng nhất?”. Người nhạc sĩ tài hoa này đáp ngay: “Tấm lòng. Tất cả từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, con người sống với nhau cần có một tấm lòng, nghĩa là đối xử tốt với nhau, sống tử tế với nhau…”.
Thực tế trong đời sống xã hội hiện nay luôn có sự đan xen tồn tại giữa cái tốt và cái xấu, cái tích cực và tiêu cực…thì lòng người cũng thế, cái Tâm con người cũng vậy. Điều đáng nói là người có Tâm, sống trung thực, sẵn sàng hy sinh quên mình cứu giúp người hoạn nạn thường lại là những con người bình thường, những cháu nhỏ học sinh, thanh thiếu niên. Truyền thông báo chí từng nhiều lần từng nêu gương những doanh nghiệp, cá nhân làm việc thiện nguyện; nêu gương các em học sinh nhặt được của rơi đã đem đến cơ quan chức năng giao nộp để trả lại người đánh rơi. Ở nơi này nơi nọ suốt dọc dài đất nước ta từng có những cháu thanh thiếu niên tuổi đời còn rất trẻ đã dũng cảm cứu bạn bị chìm đò giữa sông, quên mình cứu người bị lũ cuốn khi có mưa bão, lũ lụt… Nhiều em cứu được bạn, cứu được người rồi thì vì quá mệt đã bị dòng nước, dòng lũ cuốn trôi…
Chữ Tâm cũng gắn liền với đạo Phật nên mới có những câu thơ như:
Nương theo giáo pháp Phật Đà
Chữ Tâm Phật dạy giúp ta độ đời
Đến bờ giác ngộ thảnh thơi
Xa rời phiền não cuộc đời an vui
Cố nhà giáo Bùi Huy Lữ Hải ở số 5 Nguyễn Chế Nghĩa-Hà Nội, lúc sinh thời cùng dạy học với tôi cách đây hơn 40 năm. Sau khi nghỉ hưu năm 1980, ông nghiên cứu chuyên sâu về đạo Phật. Có lần ông nói với tôi: “Tôi nghiên cứu về Phật học được hơn 30 năm nay. Nghiên cứu để tự tu hành và rèn luyện mình. Nhiều người không hiểu, cho rằng đi tu là phải vào chùa. Thực ra tu hành là biết cách điều chỉnh cái Tâm, tu Tâm cho tốt…”.
Như vậy chữ Tâm gắn với đạo Phật. Đạo Phật là đạo Tâm. Đức Phật dạy: “Nhứt thiết duy tâm tạo”, nghĩa là: “Mọi sự việc đều do tâm tạo ra”. Theo giáo lý nhà Phật thì tâm là tất cả, tất cả đều từ tâm mà ra.
Kinh Pháp Cú có câu: “Chỉ có tự mình gây nên điều xấu, tự mình làm nhơ uế mình. Tự mình hủy bỏ điều xấu, tự mình làm mình thanh tịnh. Thanh tịnh hay nhơ uế đều tùy thuộc ở mình. Không ai làm ai thanh tịnh được”.
Trong Kinh này cũng dẫn lời Đức Phật dạy là: “Không làm các điều ác-Thành tựu những việc lành-Giữ tâm ý thanh tịnh-Ấy lời chư Phật dạy”. Trong 14 điều Răn của Đức Phật, ngay ở điều thứ nhất có câu: “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”.
Kinh Pháp Cú cũng dẫn lời Đức Phật: “Thắng vạn quân không bằng tự thắng mình. Tự thắng tâm mình là điều quan trọng nhất”. Quả vậy, ai tự thắng được tâm mình, nhẫn nhịn bực tức trước mọi sự bịa đặt, vu khống, đả kích…của kẻ xấu-nhịn mà không nhục, tâm trí vẫn bình thản-tự tại, không phiền não-khổ đau-tức giận-hận thù…thì người đó chính là có Tâm Phật vậy. Trong khuôn viên Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (ở xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), bên trái tòa Đại Hùng Bửu Điện (chính điện) có đặt một tảng đá, trên đó có viết những chữ sau đây:
NHẪN
Như tảng đá kiên cố
Gió thổi không lay động
Người trí tâm an định
Bất động trước khen chê
Muốn được như vậy thì phải rèn luyện, thậm chí “tu luyện” theo giáo lý nhà Phật để “Tâm bất biến giữa cuộc đời vạn biến”, thì con đường đưa ta đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc sẽ chẳng còn bao xa. Bởi Đức Phật dạy rằng: “Người nào giữ được nhứt tâm bất loạn, trong một ngày đến bảy ngày, khi lâm chung giữ tâm không điên đảo, thì người đó được vãng sanh Tây Phương” (Kinh A Di Đà).
Theo giáo lý nhà Phật thì Tâm (tấm lòng) và miệng (lời nói) phải là một (“Tâm khẩu nhất như”), nghĩa là trong lòng nghĩ thế nào, miệng nói phải như vậy. Miệng nói tốt thì trong lòng cũng phải nghĩ tốt. Có người làm trái lời Phật dạy, lại “Khẩu Phật, tâm xà” hoặc “Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”. Vì thế người xưa mới có câu “Tri nhân tri diện bất tri tâm”, nghĩa là “Biết người chỉ biết mặt, không biết được tâm địa họ”.
Như trên đã nói, đạo Phật là đạo Tâm. Tâm ta chính là Đức Phật đó (“Tâm tức Phật”). Người làm theo đạo Phật, tu theo đạo Phật phải tập Thiền, tu Thiền chính là để cho thân tâm được an lạc, thanh tịnh. Phải tu tập 4 tâm rộng lớn (trong kinh sách gọi là “tứ vô lượng tâm”) là từ-bi-hỷ-xả để không còn tham-sân-si, không còn phiền não, không còn tranh chấp đố kỵ, cố chấp hơn thua…từ đó không còn tạo tội, tạo nghiệp (chướng). Chỉ đến khi nào tứ vô lượng tâm tròn đầy, con người ta mới thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, thấy được thế giới Như Lai, đạt được cứu cánh Niết Bàn.
Vì thế Đức Phật Thích Ca cách nay hơn 2500 năm, tu Thiền bên gốc cây Bồ Đề, khi thành chính quả, đã nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Bởi Đức Phật nhận thấy “Tất cả chúng sinh đều có bản tâm thanh tịnh, chúng sinh chẳng nhận thấy được, vì bị vô minh che lấp” (Kinh Đại Bát Niết Bàn).
Chữ Tâm quan trọng là thế, thì việc con người ta phải sống có Tâm, phải biết tu Tâm theo lời Phật dạy, điều chỉnh cái Tâm hướng về chân-thiện-mỹ là rất cần thiết. Nói đơn giản là phải sống lương thiện, tử tế, không làm hại ai, chỉ làm việc thiện nguyện. Quy luật của cuộc sống và theo giáo lý nhà Phật là có nhân ắt sẽ có quả. Ai gieo nhân lành (làm điều thiện, việc thiện) ắt sẽ gặt được trái ngọt. Trong dân gian có câu:
Cứu người phúc đẳng hà sa
Giúp người Trời lại giúp ta sau này!
Nếu trên đời này mọi người đều có Tâm lành, Tâm thiện, Tâm Bồ Tát (vì “Phật ở chính tâm ta”), và ai ai cũng có ý thức nói điều hay, làm việc tốt và luôn tâm niệm là hôm nay mình phải làm được điều gì đó tốt đẹp cho gia đình và cộng đồng thì xã hội sẽ bớt đi hoặc không còn những hành vi phạm pháp, bạo lực, bất nhân nữa!
Mong sao mỗi con người chúng ta, dù là ai, dù ở đâu, dù làm nghề gì, việc gì cũng đều phải biết tu nhân, tích đức, biết sống tử tế và lương thiện đã là tu Tâm rồi; để trong ta ai cũng có một chữ Tâm viết hoa, để chữ Tâm đó sáng mãi giữa dòng thời gian…

Tác giả: Vũ Tất Tiến

Nguồn tin: Tạp chí Nghiên cứu Phật học