Thử giải mã câu đối của giáo sư Vũ Khiêu tặng Hoa hậu Kỳ Duyên

Thử giải mã câu đối của giáo sư Vũ Khiêu tặng Hoa hậu Kỳ Duyên
Gần đây, không ít người đã hỏi và bàn luận về câu đối mà giáo sư Vũ khiêu tặng hoa hậu Kỳ Duyên khi cô tới thăm ông vào dịp Tết. Các vị cao niên nho sĩ thì thâm thúy, viết đấy mà dường như cứ muốn để người ta tự cảm thụ lấy vậy, ai hiểu sao cũng được, họ chẳng quan tâm. Dẫu vậy thì với tôi, câu đối viết tặng Kỳ Duyên là một trong những câu đối hay, tinh tế và thâm thúy của giáo sư.

Vũ Khiêu vốn nổi tiếng với những câu đối tặng bạn bè, người thân. Đến giờ vẫn vậy, dù ông đã trăm tuổi mà mỗi dịp xuân về, nhà  vẫn chật kín những người đến xin chữ. Ông thường viết nhiều câu đối bộc trực, nói thẳng ý mình, nhất là những câu nặng về tình, về nghĩa. Chẳng hạn, đến viếng chị Loan, phu nhân của giáo sư Trần Quốc Vượng, chị dạy Trung văn và Anh văn. Bùi ngùi cảnh góa bụa của người bạn vong niên, ông viết câu đối:

Chị ra đi bát ngát Đông Tây, một cánh buồm son làn gió cuốn
Anh ở lại ngậm ngùi kim cổ, nửa bình rượu trắng ánh trăng soi.

Câu đối trải dài , mỗi câu 14 chữ, âm điệu đầy buồn thương, đọc lên  ai cũng hiểu chị dạy học ngôn ngữ đông tây, anh nghiên cứu sử học, văn hóa kim cổ, nhưng sao mà tình cảm người viết lại sâu lắng, ngậm ngùi đến thế.
 
Viếng giáo sư Phạm Huy Thông, người bạn tri kỷ vốn đầy tương đồng tương hợp, lại là thi sĩ của bài “Tiếng địch sông Ô” nổi tiếng một thời, ông viết:

Tưởng cầm kỳ thi họa thong dong bỗng bát ngát Ô giang hồn Hạng Tịch
Đang nam bắc đông tây hò hẹn sao vội vàng tiên cảnh gót Lưu Lang.

Người đọc vừa ngậm ngùi vừa nhận ra phong thái lãng tử ngày nào của chàng thi sĩ Huy Thông đầy tài hoa mà mơ mộng
 
Vũ Khiêu cũng viết những câu đối thâm thúy , sâu sắc pha âm hưởng hài hước mà phải suy nghĩ đôi chút mới thấu hiểu hết. Ông có một người bạn thân rất tài hoa, am hiểu văn hóa sâu sắc, là cán bộ cách mạng nhưng bỏ việc về nhà đọc sách ngâm thơ và làm thợ đồng hồ kiếm sống. Đồng cảm với bạn, ông viết tặng câu đối ngày xuân:

Bảy mươi xuân, quay ngược thời gian, từng giờ, từng phút, từng khắc, từng giây, nghĩ mình chẳng thẹn
Mồng một tết, nhìn ngang thế lộ, ai chậm, ai nhanh, ai sai, ai đúng, rót rượu cùng say.

Đọc câu đối, ban đầu chỉ thấy toàn là thời gian và đồng hồ, nhưng  suy ngẫm kỹ mới nhận ra cái ông thợ đồng hồ này không tầm thường chút nào, đầy khí phách, đầy tài hoa, vậy mà vẫn thấy có gì đó làm ta cay cay sống mũi, một cái gì đó như oan trái , như bi thương…
 
 

Trường hợp câu đối tặng Kỳ Duyên lại là một trường hợp đặc biệt. Có lẽ vì thế mà nó gây ra không ít tranh luận. Thực ra, viết câu đối mà để tặng người đẹp mà lại đẹp nhất nước nữa thì thật khó. Điều gì là tiêu biểu nhất cho một người đẹp nhỉ. Tất nhiên là nhan sắc rồi. Vậy thì tặng người đẹp hẳn là phải ca ngợi nhan sắc rồi. Vũ Khiêu viết “Trí như bạch tuyết tâm như ngọc”. Câu này khen đẹp thì đúng rôi, đẹp cả tâm hồn và trí tuệ, nhưng nếu chỉ là khen đẹp thì không đủ, lại nghe như hơi sáo. Tại sao lại như vậy nhỉ,  Vũ Khiêu vốn là bậc thầy về ngôn từ mà.
 
Kỳ Duyên hơn chắt nội gái của cụ Khiêu có vài tuổi. Tức là cô chỉ vào loại cháu chắt của cụ. Vậy thì cô không những  đẹp mà còn trong sáng lắm. Ở đây vế đối không còn là sự ca ngợi sắc đẹp nữa rồi. Ôi, thường những người đẹp đâu phải chỉ là đẹp, bởi vì người ta vẫn bảo “hồng nhan bạc mệnh”, người đẹp là đa đoan, là nàng Kiều bán mình chuộc cha, là Tây Thi oan trái, là Chiêu Quân cống Hồ, là Huyền Trân Công Chúa bi ai, là Nguyễn Thị Lộ đầu rơi máu chảy, là Hồ Xuân Hương “chém cha cái kiếp lấy chồng chung”…. Cuộc đời luôn phũ phàng với người đẹp mà mấy ai thấu hiểu.
 
Vũ Khiêu muốn nói với Kỳ Duyên, con đẹp lắm, không chỉ là vẻ ngoài đâu mà còn cả  tâm hồn nữa, tâm hồn con trong như ngọc. Nhưng mà con không biết đâu, trí tuệ, bản lĩnh trong cuộc sống của con, dù có đẹp như vẻ ngoài đi chăng nữa thì cũng mới chỉ bắt đầu như bông tuyết trong trắng mà thôi. Con còn quá non nớt, dại khờ, quá yếu ớt, mảnh mai mà cuộc đời lại là phũ phàng, đầy những bon chen, những cạm bẫy và miệng lưỡi thị phi. Cụ muốn tìm một lời khuyên giải, động viên cho người đẹp còn quá non dại kia nhưng thật khó khăn quá.
 
Là người nhân đạo, cũng rất dễ bị tổn thương như cô, cụ hiểu  mình không thể nói một cách phũ phàng rằng con ơi, hãy cẩn thận, hồng nhan thường bạc mệnh đấy. Thế là cụ tìm đến ông Lý Bạch trong vế đối thứ hai với nguyên văn một câu thơ, thực ra là lời soạn cho một bài ca mà ai cũng biết, bài “thanh bình điệu”.  Câu thơ này cũng chỉ là ca ngợi người đẹp thôi, chẳng phải để khuyên bảo gì  “ Vân tưởng y thường hoa tưởng dung”, chỉ có nghĩa là mặt tưởng là hoa, áo ngỡ là mây. Cụ ghé tai Kỳ Duyên rồi bảo nhỏ: ”Ông chỉ tặng con vế thứ nhất thôi, còn vế hai là Lý Bạch tặng con đấy”.
 
Kỳ Duyên thấy như mình được khen vậy. Cô sẽ rất vui. Cụ Vũ Khiêu cũng muốn như vậy. Cụ hiểu,  rồi về nhà, một lúc tĩnh tâm nào đó, cô có thể bất ngờ đọc Lý Bạch, hoặc có lúc nào đó cô sẽ ngồi một mình và nhận ra được chăng, cái người đẹp “vân tưởng y thường hoa tưởng dung” mà họ Lý ngợi ca ấy đã là người thật bất hạnh, bởi nàng chính là Dương Quý Phi, nàng đã phải trả giá cho nhan sắc bằng chính tính mạng của mình. Cuộc đời đã đưa nàng lên chín tầng mây ngũ sắc để rồi lại giết chết nàng một cách tàn bạo và oan nghiệt nhất. Cụ Vũ Khiêu muốn nhắc nhở Kỳ Duyên, hãy cố gắng vươn lên, bằng tri thức và trí tuệ của mình mà vượt qua hết những oan nghiệt thường gắn với “kiếp hồng nhan”. Kỳ Duyên đẹp chẳng kém Dương Quý Phi, nhưng số phận cô nhất định rồi sẽ tốt đẹp hơn Dương Quý Phi nhiều.
 
Vũ Khiêu đồng cảm với Kỳ Duyên bằng tâm hồn và trí tuệ của một người trí thức, một người yêu vẻ đẹp tinh khiết, vẻ đẹp luôn phải gắn với sự khổ đau. Bởi lẽ trí thức chân chính cũng giống như người đẹp vậy, đều đa đoan bạc mệnh cả. Nguyễn Trãi từng viết “ Cổ lai thức tự đa ưu hoạn”, nghĩa là xưa nay những người trí thức bao giờ cũng gặp nhiều ưu hoạn, và bản thân Nguyễn Trãi cũng đã không chỉ gặp ưu hoạn đơn thuần mà còn cùng cả họ tộc rơi đầu vì chính tri thức của mình. Vũ Khiêu cũng đã từng ưu hoạn như vậy với cuốn “Đẹp” viết vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước, khi nó đã cùng với tác giả bị vùi dập tơi bời…
 
Bởi vậy câu đối của giáo sư Vũ Khiêu không phải chỉ là lời chúc mừng thường tình cho người đẹp, mà sâu xa hơn, nó là sự ngậm ngùi, sự thương cảm cho một cánh hoa đẹp nhưng mỏng manh, non nớt đang bước vào cuộc đời đầy giông gió. Ông muốn qua câu đối mà tiếp thêm sức mạnh cho Kỳ Duyên./.

Tác giả: Tiểu Linh Bảo