Phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới

Phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới
Bản sắc văn hóa có thể hiểu là cái cốt lõi, nội dung, bản chất của một nền văn hóa cụ thể nào đó, là những nét văn hóa riêng có của nền văn hóa một dân tộc. Những nét riêng ấy thường được biểu hiện qua các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, vật thể và phi vật thể, nó là phần tinh túy, thấm sâu trong tâm hồn, cốt cách, bản lĩnh của mỗi dân tộc.

“Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa văn hóa của dân tộc được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn; lòng tự tôn, tự cường dân tộc; tinh thần cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - tổ quốc; lòng nhân ái bao dung, trọng nghĩa tình đạo lý; đức tính cần cù sáng tạo trong lao động; là đức hy sinh cao thượng tất cả vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; là sự tế nhị trong cư xử, tính giản dị trong lối sống” (1).
 
Bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ biểu hiện ở bề ngoài mà còn ẩn sâu bên trong, là cái hồn của một nền văn hóa, là sức mạnh nội tại của dân tộc. Nó là hạt nhân năng động nhất trong toàn bộ tinh thần sáng tạo truyền từ đời này qua đời khác, là các giá trị tiêu biểu, bền vững, phản ánh sức sống của mỗi dân tộc và được thể hiện tập trung ở truyền thống văn hóa. Vì vậy, văn hóa không được rèn đúc trong lòng dân tộc để có bản lĩnh, trở thành sức mạnh tiềm tàng bền vững thì bản sắc dân tộc của văn hóa sẽ mờ phai. Ngược lại, nếu văn hóa tự mình làm mất đi những màu sắc riêng biệt, độc đáo của mình, sẽ làm vơi chất keo gắn kết tạo thành sức mạnh bản lĩnh của văn hóa.
 
Đất nước đang trong thời kỳ đẩy mạnh nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đảng và nhà nước đã từng bước nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò của văn hóa và phát huy bản sắc văn hóa trong tiến trình phát triển với chủ trương tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam. Bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng được khẳng định, xứng đáng là một trong ba trụ cột (khả năng công nghệ, sức mạnh kinh tế và bản sắc văn hóa), và là động lực chủ yếu để xây dựng, phát triển đất nước. Tuy nhiên, quá trình xây dựng và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc còn bộc lộ những hạn chế. Tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống vẫn gia tăng và chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn. “Sự suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ có chức, có quyền. Nạn tham nhũng, dùng tiền của Nhà nước tiêu xài phung phí, ăn chơi sa đọa không được ngăn chặn có hiệu quả. Hiện tượng quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân, kèn cựa địa vị, cục bộ, địa phương, bè phái, mất đoàn kết khá phổ biến. Những tệ nạn đó gây sự bất bình của nhân dân, làm tổn thương uy tín của Đảng, của Nhà nước” (2). “Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường giá trị văn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ” (3) cũng đang biến động phức tạp. Biểu hiện rõ nét nhất của lối sống đó là xu hướng coi thường giá trị văn hóa truyền thống, phủ nhận truyền thống dân tộc, đề cao quá mức các giá trị mà họ cho là mới, là hiện đại. Đặc biệt, trước sự ảnh hưởng của lối sống phương Tây, một số người, chủ yếu là thanh niên, có biểu hiện xa rời lý tưởng và đạo đức cách mạng, xa rời các giá trị văn hóa dân tộc, đề cao tư tưởng thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, bất chấp đạo lý, pháp lý để tạo ra cuộc sống hoàn toàn mới theo kiểu phương Tây. Mặt khác, xu hướng bảo thủ, phục cổ do ảnh hưởng của nền văn minh nông nghiệp đến lối sống của con người Việt Nam như: chủ nghĩa tình cảm, chủ nghĩa kinh nghiệm, chủ nghĩa bình quân, chủ nghĩa quan liêu, gia trưởng... lối sống tùy tiện, thói quen manh mún, tản mạn, được chăng hay chớ, tính kỷ luật yếu, xem thường pháp luật, khả năng hợp tác trong công việc yếu... đã cản trở không nhỏ đến việc xây dựng đạo đức, lối sống mới. Tình trạng mê tín dị đoan trong nhân dân phát triển tràn lan, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu ở các địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: cúng ma, tảo hôn... chưa được đẩy lùi. Đây là những rào cản lớn nhất trong xây dựng đạo đức, lối sống mới.
 
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, trước sự xâm lăng của các nền văn hóa lớn, để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, vững vàng trước sự biến thiên của thời cuộc, Đảng, Nhà nước phải kiên trì chiến lược xây dựng và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Quá trình xây dựng, phát triển những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc cũng chính là quá trình giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc lên một tầm cao mới, đồng thời sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới. Để văn hóa Việt Nam vẫn giữ được những cốt cách, bản sắc dân tộc, vừa theo kịp bước tiến chung của nhân loại, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa về phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, cần thực hiện tốt các giải pháp:
 
Thứ nhất, nhận thức đúng vị trí, vai trò của bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
Với tư cách là nền tảng, động lực tinh thần của xã hội, bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện ở tầm cao và chiều sâu về trình độ phát triển của một dân tộc, là sự kết tinh những giá trị tốt đẹp giữa người với người, với xã hội và tự nhiên. Bản sắc văn hóa đã trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, kế thừa truyền thống của dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Hiện nay, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc chính là phát huy những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam, đó là: tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Nội dung cốt lõi phát huy lòng yêu nước hiện nay là làm cho mọi người dân đem hết tài năng, sức lực, trí tuệ và lòng nhiệt huyết của mình để góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, làm cho đất nước ngày càng giàu mạnh, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nói cách khác, đó chính là sự trung thành với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phát huy tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần tự hào dân tộc của mỗi giai tầng trong xã hội; tinh thần đoàn kết cộng đồng, ý thức tập thể, những giá trị truyền thống tốt đẹp trong lối sống, nếp sống, giữ gìn kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng, ý thức bảo vệ môi trường sinh thái của con người Việt Nam; đức tính cần cù, sáng tạo của con người trong lao động, sản xuất, học tập và bảo vệ tổ quốc, củng cố và phát triển ý thức dân tộc, nâng cao lòng tự hào về truyền thống của dân tộc, giúp cho thế hệ trẻ hiểu được lịch sử, truyền thống dân tộc, khơi dậy niềm tin, rèn luyện bản lĩnh, vững vàng trước sự cám dỗ, những tác động tiêu cực từ bên ngoài. Đồng thời, đó cũng chính là quá trình chống lại cái xấu, cái bảo thủ, trì trệ trong nếp nghĩ, cách làm; những hủ tục, thói quen lạc hậu, phản khoa học; kiểu làm ăn gian lận, bất chính. Vì vậy, cần nhận thức rõ và ngày càng sâu sắc hơn về vai trò của bản sắc văn hóa dân tộc. Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của mọi giai tầng trong xã hội về bản sắc văn hóa và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, “nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội” (4).
 
Thứ hai, coi trọng xây dựng nhân tố con người Việt Nam trong giai đoạn mới. Xây dựng nhân tố con người là sự chuẩn bị tích cực và chủ động nhất nguồn nhân lực cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cho tương lai và triển vọng của dân tộc trên con đường phát triển theo lý tưởng và mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Xây dựng con người Việt Nam với nội dung toàn diện, từ phát triển thể lực, bồi dưỡng năng lực, trí tuệ với phương pháp tư duy khoa học, sáng tạo, không ngừng nâng cao học vấn và chuyên môn. Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế thị trường, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng chỉ rõ: “Mọi hoạt động văn hóa nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội” (5). Quá trình phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam cũng chính là quá trình thực hiện chiến lược con người. Xây dựng con người Việt Nam theo quan điểm phát triển nguồn nhân lực với cách nhìn hướng về tương lai, cần tập trung đầu tư của toàn xã hội vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo, chăm lo thế hệ trẻ Việt Nam, chuẩn bị cho họ bước vào cuộc sống lập thân, lập nghiêp; có đủ sức khỏe, tài năng, đạo đức, ý thức và bản lĩnh chính trị, xứng đáng là thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng của ông cha; là rường cột của chế độ. Thế hệ thanh, thiếu niên Việt Nam hiện nay sẽ là lực lượng lao động chủ yếu và là đội quân tham gia trực tiếp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, thế hệ trẻ cần được chăm sóc, giáo dục, đào tạo, rèn luyện để có thể lực tốt, học vấn cao, thông thạo chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, lao động sáng tạo với hoài bão, khát vọng làm cho đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến tới giàu có, văn minh, hiện đại. Thế hệ trẻ cần được giáo dục văn hóa một cách toàn diện, công phu để sống có văn hóa, có đạo đức trong sáng, có sự phát triển sâu sắc về về ý thức và tinh thần dân tộc, trung thành với mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng đời sống mới mà nền tảng là đời sống gia đình, giáo dục văn hóa gia đình là cơ sở bền vững để xây dựng thế hệ con người Việt Nam. Mặt khác, cần tạo việc làm, nâng cao mức sống, xây dựng môi trường xã hội ổn định, lành mạnh với các chuẩn mực về kỷ luật, trật tự, kỷ cương, pháp luật giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam phát triển toàn diện. “Tiếp tục đẩy mạnh việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lối sống có văn hóa; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội; ngăn chặn và đẩy lùi các hủ tục, bạo lực, gây rối trật tự công cộng, mại dâm, ma túy, cờ bạc... Sớm có chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa, con người Việt Nam, nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (6).
 
Thứ ba, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
 
       Đảng lãnh đạo phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bằng chủ trương và đường lối chỉ đạo. Đường lối đó, được thể hiện tập trung trong các nghị quyết Đại hội và nghị quyết chuyên đề về văn hóa, phải phù hợp với yêu cầu thực tiễn của đất nước, xu thế của thời đại, đáp ứng được nhu cầu chính đáng của quảng đại quần chúng nhân dân. Đây là yếu tố hàng đầu quyết định sự phát triển lành mạnh, tốt đẹp của bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy, quá trình hoạch định đường lối phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của Đảng phải dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời, căn cứ vào thực tiễn của đất nước, truyền thống và những đặc điểm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Phát huy vai trò của Nhà nước, các cơ quan chức năng trong việc quản lý, tổ chức hoạt động, không ngừng nâng cao tính pháp lý, hiệu lực và hiệu quả quản lý về văn hóa dân tộc; đẩy mạnh đổi mới về cách làm luật, về cơ chế chính sách, chấm dứt tình trạng xin cho kinh phí, dự án; đổi mới thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho dân, chấm dứt tình trạng cửa quyền; đổi mới cấp phép, minh bạch trong các quan hệ kinh tế trên lĩnh vực phát huy bản sắc dân tộc, chống tham nhũng; đổi mới đào tạo nguồn nhân lực, đánh giá, sàng lọc cán bộ làm công tác văn hóa, hướng tới xây dựng bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa bảo đảm tinh giản, gọn nhẹ, chất lượng, văn minh và hiện đại. “Tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa ở các cấp, đồng thời có kế hoạch cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới một số công trình văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao hiện đại ở các trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của đất nước (7). Đổi mới quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa nhằm phát huy bản sắc dân tộc phải theo phương châm tạo môi trường thuận lợi nhất để thu hút mọi nguồn lực xã hội tham gia sáng tạo, phổ biến và hưởng thụ giá trị văn hóa, phát huy tính tự giác, tinh thần trách nhiệm, tự đề kháng, xây dựng cộng đồng tự quản, chống lại những hành vi phản văn hóa, sản phẩm độc hại ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục và sự phát triển của đất nước. Mặt khác, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát... góp phần đưa hoạt động văn hóa và việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vào trật tự, kỷ cương, nền nếp.
 
Quá trình lãnh đạo phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Đảng không can thiệp, không làm thay chức năng quản lý của Nhà nước, cũng không chỉ dừng lại ở việc đề ra các quan điểm, đường lối chung mà còn chỉ đạo quá trình thực hiện những quan điểm, đường lối chung trong thực tiễn. Trên cơ sở đ­ường lối, chủ trư­ơng của Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền ở từng địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế để có những biện pháp cụ thể nhằm tổ chức thực hiện và quản lý tốt các giá trị văn hóa, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên phải thực sự nêu gương về tư tưởng đạo đức, lối sống, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phát huy mọi tiềm năng, sáng tạo để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
_______________
 
1, 2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.10, 47, 46.
 
4, 5, 6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.62-68.
 

Tác giả: Bùi Bạch Đằng

Nguồn tin: Tạp chí VHNT số 357