Giáo sư Đặng Cảnh Khanh: "Làm cho người khác hạnh phúc cũng là một niềm hạnh phúc"
- Thứ sáu - 20/03/2015 11:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
GS Đặng Cảnh Khanh
Phóng viên (PV): Đề nghị Giáo sư cho biết, với người Việt Nam, hạnh phúc là gì? Hạnh phúc đóng vai trò như thế nào trong hệ giá trị của người Việt?
GS Đặng Cảnh Khanh: Hạnh phúc là định hướng quan trọng nhất đối với mỗi cuộc đời. Hạnh phúc là lý do để con người thấy cuộc sống này là có ý nghĩa và đáng để họ sống. Tuy nhiên, mỗi người, mỗi nhóm người, thậm chí mỗi dân tộc lại có những quan niệm riêng về hạnh phúc. Hạnh phúc lớn nhất với ông Grăng-đê - nhân vật điển hình cho sự keo kiệt-là mỗi buổi tối được đếm lại số tiền mà mình kiếm được trong ngày.
Người Việt xưa, tất nhiên không phải ai cũng giống ai nhưng nhìn chung quan niệm về hạnh phúc giản dị lắm, một gia đình đầm ấm, không đến mức túng quẫn; một quan hệ cộng đồng, họ hàng, xóm giềng đầm ấm, thương yêu, gắn bó sống chết có nhau. Thế là hạnh phúc. Hạnh phúc gắn với với cuộc sống bình dị “Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”. Người Việt bảo: "Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”, rồi lại bảo “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”. Có làm quan to võng giá nghênh ngang nhưng hạnh phúc vẫn là lúc “Về nhà hỏi vợ cám rang đâu mày?”. Tuy nhiên với người Việt, cái hạnh phúc nhỏ nhoi ấy lại có giá trị hết sức to lớn. Họ sẵn sàng đấu tranh vì nó, hy sinh tất cả vì nó.
Ngày Quốc tế hạnh phúc lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam năm 2014. Ảnh: Huy An |
PV: Giáo sư có thể cho biết, Giáo sư quan niệm thế nào là hạnh phúc?
GS Đặng Cảnh Khanh: Ngày xưa, từ vùng bom đạn, được về nhà một đêm, lúc chia tay, mẹ ra tận cổng giúi vào tay hai củ khoai nướng, nhìn lại bóng mẹ đứng mãi, tôi cứ tự hỏi, sao mình lại hạnh phúc thế nhỉ, có biết bao nhiêu bạn bè đã không được về gặp mẹ? Tôi nghĩ đơn giản thế thôi, hạnh phúc là những gì thật gần gũi, ở quanh ta, là những cái ta đang nâng niu, gìn giữ, là những gì mà nếu ta lỡ để mất đi thì sẽ chẳng bao giờ lấy lại được nữa.
PV: Những năm vừa qua, Việt Nam liên tục được đánh giá là quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao. Giáo sư đánh giá như thế nào về điều này?
GS Đặng Cảnh Khanh: Việc đánh giá như thế nào còn tùy thuộc vào quan niệm và các chỉ số được đặt ra từ người đánh giá. Tuy nhiên, việc họ đánh giá nước ta là quốc gia có chỉ số về hạnh phúc cao không phải là không có những lý do chính đáng. Tôi có quen một số người ngoại quốc lập gia đình ở Việt Nam, họ muốn sống lâu dài ở Việt Nam và không muốn đưa vợ con về nước họ nữa, dù bên đó giàu có hơn. Hỏi lý do, họ trả lời rằng Việt Nam là một quốc gia thân thiện cởi mở, con người sống bình đẳng, tốt bụng và nhân ái. Cuộc sống hài hòa, nhịp độ sống bình yên, không quá căng thẳng, không bị “strees”. Có người lại còn viện cả lý do như ở Việt Nam phong cảnh hữu tình, món ăn Việt ngon, phụ nữ Việt dịu dàng và xinh đẹp…
Tất nhiên nghe họ đánh giá cao, chúng ta cũng nên hiểu rằng, nếu mình có mặt này, mặt khác là tốt, thì cũng còn nhiều cái hạn chế. Để là một quốc gia đáng sống, có chỉ số hạnh phúc cao, chúng ta còn phải phấn đấu nhiều lắm. Nước ta hiện vẫn còn nhiều gia đình nghèo khó. Để có được cuộc sống yên ổn và hạnh phúc, nhiều gia đình còn phải lao động cực nhọc, lam lũ. Mặc dù Nhà nước đã cố gắng nhiều nhưng phúc lợi xã hội của chúng ta nhìn chung còn thấp, vào bệnh viện, đôi khi thuốc men không đủ, phải nằm hai, thậm chí ba người một giường; muốn làm việc gì thì thủ tục hành chính còn rườm rà, nhiều cửa; con người lúc nào cũng lo giữ gìn chìa khóa, giấy tờ, mất cái gì là lo sốt vó cái đó; ra đường lo ô nhiễm, kẹt xe, trộm cắp; ăn cơm lo an toàn thực phẩm, ngộ độc thức ăn… Tuy nhiên, với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, xã hội ổn định và một truyền thống văn hóa dân tộc đầy tính nhân văn, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được những mặt hạn chế trên.
PV: Từ năm 2014, lần đầu tiên chúng ta tổ chức Ngày Quốc tế hạnh phúc, sự kiện này đã và sẽ có tác động như thế nào đến xã hội và mỗi người, thưa Giáo sư?
GS Đặng Cảnh Khanh: Ngày Quốc tế hạnh phúc nhắc nhở chúng ta rằng, mọi người dù ở lứa tuổi nào, có hoàn cảnh và địa vị xã hội nào cũng đều có quyền mưu cầu hạnh phúc cho mình và cho mọi người, phấn đấu để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, đáng sống hơn. Nó cũng nhắc nhở những người có cuộc sống ấm êm, hạnh phúc rằng hãy nhìn ra xung quanh, hãy luôn nghĩ đến những người khác, bởi trong cuộc đời, không phải ai cũng có những hoàn cảnh tốt để có được hạnh phúc. Chúng ta hãy trải lòng mình cho họ, hãy giúp đỡ họ, bởi làm cho người khác hạnh phúc cũng chính là một niềm hạnh phúc. Ngày hạnh phúc cũng là một lời động viên đối với những người yếu thế, có hoàn cảnh éo le, luôn phải chịu thiệt thòi trong xã hội. Ngày hạnh phúc sẽ tạo ra một nguồn cảm hứng, một sự thôi thúc để họ phấn đấu, rèn luyện, nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn trở ngại, kể cả nỗi chán nản, bi quan để vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn.
PV: Theo nhìn nhận của mình, xin Giáo sư cho biết sự kiện 30-4-1975 ảnh hưởng như thế nào tới cuộc sống và tình cảm của người Việt Nam?
GS Đặng Cảnh Khanh: Ngày 30-4-1975 là một trong những ngày hạnh phúc lớn nhất trong lịch sử dân tộc. Nó cũng là ngày hạnh phúc bởi vì trước đó, chúng ta đã phải chờ đợi ngày đó quá lâu. Để có nó, chúng ta đã phải đấu tranh, gian khổ, mất mát và hy sinh quá nhiều. Có quá nhiều máu và nước mắt đã đổ. Có biết bao con người đã chờ đợi mà không đến được với ngày đó. Đối với nhiều người trong thế hệ chúng tôi, đó là một ngày trong mơ. Cho đến giờ, nó vẫn là nguồn mạch lịch sử quan trọng để chúng ta có được những gì tốt đẹp về một đất nước thống nhất và một dân tộc đang trên đà phát triển mạnh mẽ như hôm nay.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tadri.org là vi phạm bản quyền