Biển- với tính chất là thành lũy quốc phòng của người Việt (Kỳ 1)

Biển- với tính chất là thành lũy quốc phòng của người Việt (Kỳ 1)
Là một quốc gia luôn luôn bị ngoại xâm đe dọa, người Việt Nam bao giờ cũng coi bờ biển dài hàng nghìn cây số của mình như là một thành lũy an ninh quốc phòng quan trọng. Đột nhập vào Việt Nam từ biển thường vẫn là một hướng xâm lược quan trọng mà kẻ thù luôn lợi dụng.
Là một quốc gia luôn luôn bị ngoại xâm đe dọa, người Việt Nam bao giờ cũng coi bờ biển dài hàng nghìn cây số của mình như là một thành lũy an ninh quốc phòng quan trọng. Đột nhập vào Việt Nam từ biển thường vẫn là một hướng xâm lược quan trọng mà kẻ thù luôn lợi dụng.

Bởi vậy, văn hóa biển của người Việt, bao giờ cũng là văn hóa của những người canh giữ biên giới. Lịch sử cho thấy, từ khi dựng nước đến nay, trong những mốc son quan trọng của công cuộc bảo vệ tổ quốc chống ngoại xâm luôn luôn xuất hiện những trận thủy chiến. Nhà nước Việt Nam, thời kỳ nào cũng vậy luôn coi biển - đảo như là những đồn lũy cho an ninh quốc phòng.

Có thể kể ra nhiều chiến công oanh liệt trong việc bảo vệ vùng biển của cha ông chúng ta. Những chiến công này đã bồi đắp nên giá trị văn hóa và kinh nghiệm chiến tranh quân sự trên biển và bờ biển của người Việt. Nhiều địa điểm cửa sông, bờ biển đã trở thành những bãi chiến trường, ghi dấu chiến công giữ nước. Thời Hai Bà Trưng (thế kỷ I), nữ tướng Lê Chân vừa có nhan sắc, vừa giỏi võ nghệ, lại tinh thông binh pháp, đã là người đã khai phá vùng cửa sông Cấm – Hải Phòng ngày nay, khi đó gọi là “Hải tần phòng thủ”. Bà một trong những chiến binh hải quân đầu tiên của dân tộc được ghi danh trong sử sách. Bà đã chỉ huy thủy quân giữ vững một dải bờ biển Hải Phòng.

Lịch sử cũng nhắc đến lần lượt những trận thủy chiến vang dội mà sau này, tiến sĩ Giang Văn Minh, khi đi sứ Trung Hoa đã khẳng khái nhắc nhở kẻ xâm lược trong một về đối nổi tiếng: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (xin đừng quên rằng, sông Bạch Đằng ngay từ xa xưa đã đỏ vì máu của kẻ xâm lược). Các trận Bạch Đằng lần thứ nhất (năm 938 – dưới thời Ngô Quyền) chống quân Nam Hán, trận Bạch Đằng lần thứ hai (năm 981 – dưới thời Lê Hoàn) chống quân Tống, và lần thứ ba (năm 1288 – Trần Hưng Đạo chỉ huy) chống quân Nguyên đều là những mốc son trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc gắn liền với văn hóa biển. Những chiến công này đã góp thêm kinh nghiệm thủy chiến cho quân và dân ta.

Có thể thấy, trên biển cũng như trên đất liền, mỗi khi gặp phải quân xâm lược đông và mạnh hơn mình nhiều lần, quân và dân ta đều dùng chiến tranh nhân dân, lợi dụng sự chủ quan của địch, dụ chúng vào sâu trong trận rồi phục kích bằng kỳ binh, mà kỳ binh độc đáo nhất chính là thủy triều và bãi cọc trên sông Bạch Đằng. Đó cũng là triết lý chiến tranh hầu như xuyên suốt lịch sử giữ nước của chúng ta.

Trương Hán Siêu đã viết trong Bạch Đằng giang phú:

 “Anh minh hai vị thánh quân,
Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh.
Giặc tan muôn thuở thanh bình,
Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao.”

Ngay từ thời Lý, triều đình đã thiết lập những cơ quan hành chính ở các địa phương ven biển, với cơ cấu các Trang (Trang Vân Đồn quản lý vùng biển Đông Bắc). Đến thời Trần, các trang nói trên lại được nâng lên thành các Trấn trực thuộc, trực tiếp chịu sự quản lý của triều đình. Tới thời nhà Lê, chính quyền trung ương lại đặt thêm các trạm Tuần Kiểm nhằm quản lý đất – biển, thu thuế tàu thuyền qua lại, bảo vệ cương thổ nước nhà.

Nhà nước cũng thành lập các Hải đội vừa tuần phòng, vừa đo đạc, nắm biết và hoàn thiện bản đồ các vùng biển và đảo, có ghi chú cụ thể, chi tiết. Các bản đồ cổ thời Trần, Lê đều đã xác định được khá chi tiết một số đặc điểm về địa chất, núi non, sóng gió của khá nhiều vùng biển quan trọng của đât nước.

Trong “Phủ biên tạp lục”, Lê Quý Đôn đã ghi chép khá cụ thể về hai quần đảo của nước ta với tên gọi: “Hoàng Sa”“Vạn Lý Trường Sa”. Ông viết :“Ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn có núi gọi là Cù Lao Ré, rộng hơn 30 dặm, có phường Tư Chính, dân cư trồng đậu, ra biển bốn canh thì đến; phía ngoài nữa có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hóa vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để đi lấy, đi ba ngày đêm mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải”. Những điều ghi chép ấy không chỉ thể hiện tư duy bảo vệ biển, đảo của các triều đại phong kiến nước ta, mà còn là những cứ liệu quý báu chứng minh chủ quyền trên biển không thể chối cãi của Việt Nam.

Một trong những hành động tích cực nhằm giữ vững chủ quyền an ninh trên biển của các triều đại phong kiến là việc thành lập Hải đội Hoàng Sa thời Trịnh – Nguyễn (thế kỷ XIX). Hải đội này được đặt dưới quyền chỉ huy của triều đình, phụ trách việc tuần hành trong lãnh hải của đất nước. Hải đội có cơ chế tuyển mộ riêng, do triều đình chọn 70 suất đinh thuộc Cù Lao Ré (còn được biết đến với tên: Đảo Lý Sơn). Bản thân những đinh tráng này đều là thanh niên khỏe mạnh, lành nghề, thông thạo biển cả và có nhiều kinh nghiệm đi biển.

Chính nhờ sự chuẩn bị tốt về mặt quốc phòng như trên mà chúng ta đã nhiều lần đánh thắng các đội tầu xâm lược của nước ngoài. Chẳng hạn, đánh thắng hạm đội thực dân Tây Ban Nha vào năm 1595. Vào năm 1642-1644, đã hai lần liên tiếp, thế tử của chúa Nguyễn là Dũng lễ hầu Nguyễn Phúc Tần , trấn thủ đất Quảng Nam đã chỉ huy chiến thuyền đánh tan một đội tầu Hà Lan, trả lời cho sự khiêu khích của phía Hà Lan đối với vùng Hội An. Năm 1702, chúng ta lại đánh thắng một hạm đội của thực dân Anh.

Dưới thời Tây Sơn, nhận thấy vai trò quan trọng của việc bảo vệ biên cương trên biển của đất nước vua Quang Trung đã tiếp tục duy trì hoạt động của hải đội Hoàng Sa. Sang thời Nguyễn, phiên chế đội này gồm 70 suất, sung từ dân xã An Vĩnh. Hàng năm, dịp đầu tháng ba, hải đội mộ lính, và tuần phòng ven biển theo từng khu vực được phân chia. Nhà vua cũng đã tổ chức một đội thủy quân hùng mạnh vào hạng nhất Đông Nam Á thời bấy giờ. Ông đã chứng tỏ tài quân sự của mình không phải chỉ ở các cuộc chiến trên bộ mà còn tổng kết các kinh nghiệm trong chiến tranh biển, chiến tranh sông nước, vận dụng trong thực tế bảo vệ tổ quốc. Năm 1785, chính ông đã trực tiếp chỉ huy thủy quân Tây Sơn đánh thắng trận Rạch Gầm – Xoài Mút, phá tan 2 vạn thủy quân Xiêm cùng 300 chiến thuyền do cháu vua Xiêm là Chiêu Tăng, Chiêu Sương chỉ huy.

Vua Gia Long cũng có thể được coi là một chiến binh rất giỏi về thủy chiến. Ông rất có ý thức bảo vệ các vùng biển đảo.Vào năm 1816, ông đã lệnh cho thủy quân của mình cùng đội Hoàng Sa ra khu vực quần đảo Hoàng Sa để khảo sát và đo vẽ xây dựng phương án tổ chức và quản lý vùng biển đảo này. Năm 1836,  Phạm Hữu Nhật vâng lệnh vua ra Hoàng Sa trông nom đo đạc lưu dấu để ghi nhớ.


Kế tục sự nghiệp của Gia Long, vua Minh Mạng cũng đã tổ chức lại các cơ quan tuần kiểm (tuần tra, kiểm sát) dọc bờ biển và ngoài khơi, tăng cường hoạt động của các đội Hoàng Sa, Trường Sa,  Bắc Hải… Nhà vua còn sai người nghiên cứu, chế tạo tàu chạy bằng máy hơi nước và cho chạy thử trên sông Hương – cửa Thuận. Vào thời kỳ này, các thành quách “Tỉnh Hải” “Ninh Hải”, “Trấn Hải”… đã được xây đắp công phu từ Hải Ninh - Quảng Yên (vịnh Bắc Bộ) đến Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn và sau này mở rộng tới tận tới ven biển Hà Tiên[1].

Vào năm 1836, nhà vua đã ra sắc chỉ nhắc nhở các địa phương vùng biển và hải đảo: “ Không cứ là đảo nào, bãi cát nào khi thuyền đi đến cũng xem xét xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở bình dị thế nào, phải tường tận đo vẽ thành bản đồ[2]. Lại xét ngày khởi hành từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào đường đi ước tính bao nhiêu dặm, lại từ xứ ấy trông vào bờ biển, đối thằng là vào tỉnh hạt nào phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm, nhất nhất miêu tả rõ ràng, đem về dâng trình[3].

Tháng 8 năm Quý Tỵ 1833, vua Minh Mạng bảo hộ Công rằng: “Trong hải phận Quảng Ngãi, có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một màu, không phân biệt được nông sâu. Gân đây, thuyền buôn thường (mắc cạn) bị hại. Nay nên dự bị thuyền mành, đến sang năm sẽ phái người tới đó, dựng miếu lập bia và trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người ta dễ nhận biết, ngõ hầu tránh khỏi được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời”.[4]

   Tiếc thay sau này, triều đình nhà Nguyễn ngày càng suy đốn.  Đất nước suy vong gắn liền với sự yếu kém trong tư duy biển đã khiến chúng ta để mất nước. Kẻ thù xâm lược đã đến từ phía biển, phía yếu nhất trong chiến trận phòng thủ an ninh quốc phòng của nước ta thời bấy giờ.

Trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, đặc biệt từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, để bảo vệ chủ quyền nước ta, các tổ chức dân quân ở các làng xóm, thôn xã ven biển được khẩn trương xây dựng. Các tuyến phòng ngự ven biển của quân và dân ta đã kiên cường chống trả các trận càn của địch, vừa tổ chức vận tải lương thực, vũ khí và lực lượng chiến đấu, đánh địch những đòn bất ngờ, khiến chúng choáng váng. Nổi bật nhất có thể kể đến đội vận tải đường biển Liên khu 5, quân số lên tới 200 người, 130 chiếc thuyền, trong đó có khoảng một nửa là thuyền lớn, tải trọng 15 đến 20 tấn. Từ năm 1948 đến 1954, đội vận chuyển được gần 3.000 tấn hàng hóa các loại cho các tỉnh cực Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ.

   Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, hải quân nhân dân Việt Nam thực sự là lực lượng nòng cốt của chiến tranh nhân dân trên chiến trường biển, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang và nhân dân ven biển hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đường Hồ Chí Minh trên Biển Đông đã góp phần chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam đã trở thành huyền thoại sống mãi với dân tộc.

Bài học về tăng cường tính chủ động về an ninh quốc phòng trong văn hóa biển của người Việt truyền thống đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Những bài học này có thể được tóm lược trong các mặt chủ yếu sau đây :

Thứ nhất, duy trì mặt an ninh quốc phòng trong văn hóa biển của người Viêt nói chung và của cư dân ven biển hải đảo nói riêng. Đẩy mạnh tinh thần cảnh giác trong nhận thức và hành động của cư dân ven biển và hải đảo, tuyên truyền, giáo dục và tạo điều kiện để mỗi cư dân ven biển hải đảo có ý thức cao trong việc bảo vệ tổ quốc.

Thứ hai, đầu tư xây dựng một chiến lược phòng thủ vững chắc đường biên giới biển, cả về phương diện vật chât, tinh thần. Nâng cao các giá trị văn hóa biển cho cư dân ven biển và hải đảo. Củng cố và phát triển các giá trị truyền thống về tinh thần yêu nước, độc lập, tự chủ cho cư dân ven biển, hải đảo, nâng cao ý thức chiến đấu, sẵn sàng đáp trả mọi sự xâm phạm tổ quốc từ hướng biển.

Thứ ba, đưa những nội dung về văn hóa biển vào chiến lược phát triển an ninh quốc phòng của đất nước. Nâng cao nhận thức của toàn dân về việc phát triển vùng biên giới biển, đảo thành những thành lũy vững chắc cho việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc./.

________________________________________________________________________________
[1] Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, Phương Đình dư địa chí (bản dịch của Ngô Mạnh Nghinh), Cơ sở Báo chí và xuất bản tự do, Sài Gòn, 1960 (280 trang)
[2] Xem Phụ lục Mấy bản đồ cổ thời Lê Nguyễn về miền ven biển Việt Nam cùng các đảo và quần đảo trong Đặc khảo đã dẫn.
[3] Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhị kỷ quyển 165 theo bản dịch NXB KHXH Hà Nội, 1965, tập 13.
[4] Như trên, quyển 104, bản dịch, trang 53.

 

Tác giả: Đặng Vũ cảnh Linh