Sống thanh đạm là một giá trị

*Nguồn internet

*Nguồn internet

Bi kịch là nhân loại tiêu thụ càng nhiều họ lại càng khao khát tiêu thụ, càng thấy thiếu thốn. Ở xã hội tiêu thụ, người ta luôn thấy rằng mọi sản phẩm mới đều có giá trị, mọi cái cũ đều đáng bỏ đi. Vì sao nhân loại hướng tới cuộc sống thanh đạm?
Khi Galileo Galilei - nhà thiên văn học, vật lí học, toán học thiên tài người Ý chứng minh rằng, trái đất hình tròn xoay quanh mặt trời, ông cũng làm thất vọng bao nhiêu người vì hiểu rằng nhân loại dù có đi đến đâu thì cũng chỉ phát triển trong cái vòng tròn ấy mà thôi. Nguồn nguyên liệu được hình thành từ hàng trăm triệu năm cũng chỉ đủ dùng cho nhân loại đến một mức nhất định chứ không phải là vô hạn.

Con người đã và đang trải qua xã hội nông nghiệp để đến xã hội công nghiệp. Những nước công nghiệp hóa cao đã và đang bước vào xã hội hậu công nghiệp hay như nhiều nhà khoa học gọi là xã hội tiêu thụ, mà ở đó tiêu dùng luôn được đề cao vì nó kích thích quá trình sản xuất.

Bi kịch là nhân loại tiêu thụ càng nhiều họ lại càng khao khát tiêu thụ, càng thấy thiếu thốn. Ở xã hội tiêu thụ, người ta luôn thấy rằng mọi sản phẩm mới đều có giá trị, mọi cái cũ đều đáng bỏ đi. Người ta  muốn vứt nhanh những hàng cũ còn tốt để đổi lấy cái mới. Xếp hàng dài để chọn mua một thứ hàng mới chỉ vì những người khác còn chưa có nó. Sự thật là chỉ riêng việc thay đổi kiểu xe hơi đã làm cho nhân loại tiêu tốn hàng tỷ đô la mỗi năm. Đó là một sự lãng phí.

Trong xã hội mà sự tiêu thụ được đề cao, người ta thường cho mình cái quyền được hưởng thụ những sự xa hoa, lãng phí. Có tiền người ta không đắn đo sắm thừa thãi những bộ sưu tập đắt tiền không phải để dùng mà chỉ đơn giản là vì sở thích cá nhân, xây dựng những ngôi nhà, những biệt thự hàng nghìn, hàng trăm nghìn USD mà chỉ dành cho một, hai người ở, sắm cho mình những bộ quần áo lên đến hàng tỉ đồng. Sự giàu sang trở thành giá trị thay cho nhân phẩm và đạo đức… Trong bối cảnh đó, đối với nhiều người, sống thanh đạm là một cái gì đó lỗi thời.

Khai thác một cách tối đa những nguồn tài nguyên không thể phục hồi, đã và đang dẫn đến cạn kiệt, trong hơn một trăm năm qua, nền nông nghiệp hiện đại đã tàn phá một nửa đất canh tác. 1/3 rừng tự nhiên đã bị san phẳng. Trái đất đang sa mạc hóa với tốc độ 30 ha/1 phút do phá rừng. Những đám mây cháy và những trận mưa axit xuất hiện ngày càng nhiều. Môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng. Khí CO2 tăng lên, sinh ra hiệu ứng nhà kính. “Trong hai thế kỷ qua con người đã gây ra bước nhảy vọt về biến đổi khí hậu so sánh được với bước nhảy vọt về khí hậu mà Trái đất đã trải qua một cách tự nhiên trong 5000 năm. Ba trăm năm của công nghiệp hóa, thế giới đã phá hoại môi trường sống vượt xa 10.000 năm của văn minh nông nghiệp” — Alvin Toffer đã viết như vậy trong cuốn “Làn sóng thứ ba”.

Michel Bosquet cũng nhận định “Sự phát triển ngày càng là một sự hủy hoại chứ không phải là một sự cải thiện, phí tổn lớn hơn những cái lợi mà người ta rút ra từ đó”. Thật vậy. chúng ta đã đốt cháy không hạn chế các chất đốt hóa thạch được hình thành qua hàng trăm triệu năm. Chúng ta tự biện minh bằng ý nghĩ là dù sớm hay muộn thì sự tiến bộ kỹ thuật cũng sẽ giúp tìm ra được một chất thay thế nào đấy. Bởi vậy, chúng ta cứ mặc sức tiêu dùng gây ô nhiễm bầu không khí của hành tinh một cách bừa bãi.

Hiện nay, các quốc gia đều lấy GDP là thước đo cho sự phát triển mà không nhận ra rằng GDP theo đầu người phát triển càng nhanh thì việc khai thác tài nguyên càng vô tội vạ, khí thải khí độc càng nhiều thì càng làm cho môi trường sống bị hủy hoại. Trên thực tế  tất cả các hoạt động sản xuất đều phải dựa vào việc khai thác tài nguyên. Năm 2011, ở châu Âu GDP/ đầu người ở châu Âu là 25.000 EUR. Như vậy, với mức tiêu thụ của riêng châu Âu, trái đất đã khó có thể chịu nổi, nhưng nếu chúng ta phấn đấu để hơn 7 tỷ người trên Trái đất cùng đạt mức tiêu thụ như người châu Âu thì trái đất này sớm muộn cũng trở thành sa mạc.

Cho đến nay, toàn bộ nền văn minh nhân loại vẫn sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo. Một khi các nguồn tài nguyên này không còn nữa, nhân loại sẽ không thể tồn tại. Vậy mà con người vẫn hô hào nhau khai thác tài nguyên thật nhanh. Có vẻ như nhân loại càng đi nhanh bao nhiêu, càng trở nên tham lam vô độ.

Cần phải tỉnh táo và cảnh giác. Gần đây trên thế giới đã vang lên những lời kêu gọi “hãy sống chậm lại để cuộc sống an toàn và có chất lượng hơn”. Giữa guồng quay của thời gian, của sự phát triển với những áp lực công việc, sự ngột ngạt của không khí ô nhiễm, nhân loại, ngày càng nhắc nhở nhau nhiều hơn về những giá trị sống chân chính gắn liền với lòng nhân ái và sự thông minh.

Sống thanh đạm là một giá trị

Sống thanh đạm (frugal living) — một lối sống mà ở đó con người sống hài hòa với thiên nhiên, với xã hội và những người xung quanh. Con người quan tâm tới nhau nhiều hơn là với hàng hóa vật chất. Sự tiết kiệm được đặt lên hàng đầu, chất lượng cuộc sống được đề cao. Hạnh phúc và niềm vui gắn liền với sự giản dị về vật chất và sự phong phú về tâm hồn. Con người không tiêu dùng bừa bãi, thừa thãi mà là cân nhắc, thận trọng trong việc sử dụng các nguồn lương thực, thực phẩm, trân trọng thời gian, chi tiêu đúng mực, tránh lãng phí.

Xưa nay, chúng ta vẫn coi hạnh phúc của con người là một chuỗi những mong muốn cần được thỏa mãn và chúng ta đánh giá chất lượng của cuộc sống chỉ căn cứ vào việc thỏa mãn những mong muốn đó. Chúng ta luôn tìm kiếm để có được những thứ mà chúng ta chưa có. Khi trải qua một thời gian đói khát thì một mẩu bánh mì và nước lã cũng đem lại cho chũng ta sự thỏa mãn không kém gì một bàn tiệc đủ. Nhưng khi cuộc sống đã đủ đầy, sự thỏa mãn mong muốn ấy lại chuyển sang một mức độ thỏa mãn khác cao hơn. Cứ như vậy, sự ham muốn luôn là vô hạn. Nó hành hạ con người trong suốt cuộc đời. Nó luôn khiến con người hướng tới việc thỏa mãn vượt quá mức cần thiết.

Sống thanh đạm dường như là cụm từ ngày càng được nhắc đến nhiều hơn, và như một giá trị mà nhân loại đang hướng đến.

Có lẽ không ai không biết William Henry Bill Gates — một doanh nhân người Mỹ, nhà từ thiện, chủ tịch tập đoàn phần mềm khổng lồ Microsoft, người luôn dẫn đầu danh sách những người giàu nhất trên thế giới. Trong nhiều năm liên tục Bill Gates đã giành ngôi vị dẫn đầu trong danh sách này với tài sản hơn 70 tỷ USD. Mặc dù là một người giàu có và thường xuyên phải di chuyển khắp nơi trên thế giới nhưng ông vẫn đặt vé máy bay hạng phổ thông. Chỉ đến năm 1997 ông mới mua một chiếc máy bay riêng để thuận lợi cho công việc kinh doanh. Ông rút khỏi vị trí giám đốc điều hành tập đoàn để tập trung vào các hoạt đồng từ thiện và luôn được đánh giá cao về công việc này. Hình ảnh ông luôn gắn liền với một chiếc quần bò và áo sơ mi in hình bình thường. Người ta chẳng mấy khi thấy ông dùng nước hoa sang trọng.

 Carlos Slim — ông trùm viễn thông người Mexico, người liên tục 2 năm đứng đầu trong danh sách những người giàu nhất thế giới 2010, 2011 với tổng giá trị tài sản lên đến 74 tỷ USD. Dù giàu có nhưng ông không chơi siêu xe như các dân nhà giàu mới nổi mà vẫn hài lòng với chiếc Mercedes cũ mèm. Ông vẫn sống trong căn nhà cũ hơn 40 năm. Phòng làm việc của ông được bố trí không khác gì nhân viên văn phòng, ông thường làm việc 14h mỗi ngày, lắm lúc quên ăn.

Không chỉ các bậc tiền bối, những người đứng đầu trong danh sách những người giàu nhất thế giới đã lựa chọn lối sống thanh đạm, mà ngay cả những triệu phú trẻ thuộc thế hệ 8x như: Aaron Patzer cũng nói rằng “ Sự giàu có cần phải có một mục đích lớn hơn, thay vì những ngôi nhà rộng và những chiếc xe cáu cạnh”, hay với Dustin Mokovitz “vật chất không thể đem lại hạnh phúc cho bạn”,… Với khối tài sản không hề nhỏ nhưng những người nổi tiếng trên đều lựa chọn cuộc sống tiết kiệm, không phải dùng tiền cho những chiếc xe hơi cáu cạnh hạng sang mà dùng vào các mục đích xã hội và các dự án khai phá, sáng tạo.

 Xu hướng sống thanh đạm hiện cũng đang thâm nhập vào giới trẻ. Trên thế giới đang xuất hiện những trào lưu ăn mặc giản dị không dùng mỹ phẩm, không chú trọng tới việc trang điểm, đề cao vẻ đẹp tự nhiên của con người đề cao các giá trị của thiên nhiên, các giá trị của tâm hồn.

Tài nguyên của hành tinh chúng ta có hạn, nếu như có cái nhìn xa hơn, cẩn trọng hơn, chúng ta sẽ thấy, cuộc sống của chúng ta, tương lai con em chúng ta đang bị nguy hại bởi chính sự tiêu dùng hoang phí. Chúng ta phải thay đổi lối sống. Đó là điều lí giải vì sao nhân loại đang hướng đến một cuộc sống ngày càng thanh đạm hơn. Thói quen về một cuộc sống giản dị và khiêm nhường sẽ giúp con người hưởng thụ cuộc sống tốt hơn và nhờ đó cảm thấy gần gũi hơn với những gì thực sự có giá trị trong đời. 

Sống thanh đạm không chỉ giúp cho một cá nhân mà nó còn phục vụ cho lợi ích của cả cộng đồng. Một cộng đồng thanh đạm có thể tiết kiệm để đầu tư cho tương lai./.

Tác giả: Trần Hạnh