Sẽ thật là sai lầm khi hiểu sự kế thừa truyền thống lại chỉ là việc thêm thắt những nhân tố mới, hiện đại vào một nguyên trạng cũ.

Thiên hoàng Minh Trị

Thiên hoàng Minh Trị

Trong khi đó, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, vào thời điểm mà người Nhật đang nghiền ngẫm cái khẩu hiệu Wakon Yousai để bắt tay vào quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa thì ở nước Trung Hoa Mãn Thanh, người ta cũng đưa ra một khẩu hiệu bề ngoài có vẻ giống với khẩu hiệu của người Nhật nhưng lại hàm chứa một nội dung khác “Vận dụng kiến thức của phương Tây vào trong kiến thức của Trung Hoa”. Khẩu hiệu này đã phản ánh một giải pháp truyền thống theo hướng khác, hướng quay trở lại với chính mình.
Nó phản ánh cái ý tưởng vốn có trong bản chất của người Trung Hoa, cái bản chất tự cho mình là văn minh hơn tất cả. Bởi vậy tinh thần của khẩu hiệu nói trên không phải là mở cửa như người Nhật mà là khép lại. Nó muốn tiếp thu kiến thức và công nghệ phương Tây bằng cách đồng hóa những kiến thức này, tức là tìm cách tiếp nhận nó nhưng lại không muốn thay đổi bản chất của mình. Cái “Kiến thức Trung Hoa” được nêu khi đó mang tính chất bất biến trong một xã hội khép kín và đông cứng lại sau hơn 20 thế kỷ, dưới bàn thờ của một ông Khổng tử vĩ đại và già lão.
Sự khác nhau cơ bản trong giải pháp Trung Hoa và giải pháp  Nhật Bản đã dẫn đến những kết cục khác nhau, những xu hướng biến đổi  và phát triển khác nhau sau này. Người Nhật nêu cao tinh thần  truyền thống để vượt ra khỏi xã hội truyền thống bước vào xã hội hiện đại, còn người Trung Hoa khi đó lại muốn nhờ vào truyền thống và kiến thức của phương Tây để hướng tới việc củng cố cơ cấu và trật tự của xã hội nội tại, duy trì và bảo vệ nó.
Truyền thống không chỉ là nền tảng của sự phát triển mà còn là một miếng đất màu mỡ cho sự tái sinh toàn bộ những lạc hậu, trì trệ của quá khứ.
Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy trong giải pháp truyền thống, trước hết người ta hay bàn đến khái niệm “Sự loại bỏ truyền thống”,  sự phá vỡ, cắt bỏ bản thân mình. Ở Nhật Bản, khi bước vào cuộc cải cách của Minh Trị Thiên Hoàng, người Nhật đã đấu tranh quyết liệt nhằm từ bỏ những quan niệm truyền thống về “Bế quan tỏa cảng”, “Trọng nông ức thương” để mở rộng kinh doanh, buôn bán, phát triển kinh tế hàng hóa và tiến hành công nghiệp hóa. Ở đây, sẽ thật là sai lầm khi hiểu sự kế thừa truyền thống lại chỉ là việc thêm thắt những nhân tố mới, hiện đại và một nguyên trạng cũ.
Nhiều công trình nghiên cứu gần đây ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hongkong và một số nước khác đã nói tới việc các nước này phải tự “lột xác” mình như thế nào trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Phần lớn các tác giả của những công trình này đã cho rằng, truyền thống, trước khi trở thành nền tảng cho sự phát triển vẫn là thành lũy bảo thủ của những cái cũ, là đại diện của quá khứ.
Chúng ta còn nhớ, khi thực hiện mạnh mẽ công cuộc cải cách nước Nhật, Minh Trị Thiên Hoàng đã quyết tâm hướng về phương Tây và học tập phương Tây như thế nào. Việc cử sinh viên đi học phương Tây, cử những phái đoàn cấp cao đi nghiên cứu học tập dài hạn tại phương Tây, việc cải cách kinh tế, xã hội và quân đội theo mô hình của phương Tây, đã được chú ý đặc biệt.
Chúng ta hãy đọc nhận xét sau đây của một học giả Nhật nổi tiếng, ông M.Y.Yôshino khi đánh giá vai trò của nhân tố truyền thống: “Gặp phải lề lối quản lý kỳ lạ của người Nhật, những người nghiên cứu quản lý ở Nhật Bản thường thấy khó chống lại được ý định gán cho nó truyền thống phong kiến. Khuynh hướng này đã dẫn tới một số sự bóp méo và hiểu lầm nghiêm trọng”2. M.Y.Yôshino cho rằng nếu không biết khắc phục những di hại của truyền thống thì cũng không thể tìm thấy được những nhân tố tích cực của chính nó. Theo ông, càng hiện đại hóa càng cần có sự thận trọng với di sản quá khứ, bởi lẽ hiện nay ở Nhật Bản “ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy rằng tư tưởng và lề lối quản lý truyền thống đang mất dần khả năng tồn tại” 3.
Một tác giả nổi tiếng Nhật Bản khác, giáo sư I.Nakayama cũng cho rằng, ngay cả những nhân tố truyền thống được coi là tích cực đối với sự phát triển cũng không phải lúc nào cũng là ưu điểm cả, và không phải là trong giai đoạn nào cũng có thể duy trì. Bởi vì, theo ông,  ngày nay: “nhiều ưu điểm trước đây đã từng đóng góp vào sự phát triển mau lẹ của nền kinh tế hiện nay đang bị coi là bệnh hoạn hoặc là khuyết tật” 4. Chính vì vậy, theo sự đánh giá của I.Nakaama nước Nhật còn có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên con đường hiện đại hóa nếu như nó biết gạt bớt đi những nhân tố tiêu cực được khoác chiếc áo truyền thống.
Về phương diện này, một số nhà nghiên cứu đã rất có lý khi khẳng định rằng, nhìn những nét truyền thống đang tồn tại bên cạnh cuộc sống đô thị hóa nhộn nhịp và nền công nghiệp hóa hiện đại ở các nước công nghiệp mới châu Á thì đừng quá mơ mộng mà nghĩ rằng nó thuần túy chỉ là truyền thống. Theo họ, sự tồn tại khách quan của nó trong xã hội hiện đại đã đủ để nói rằng, về cơ bản nó hoàn toàn không phải là quá khứ mà là một bộ phận của hiện đại, có vị trí và chức năng nhất định trong cơ cấu của xã hội hiện đại và bởi vậy, xứng đáng được xếp ngang hàng với những gì hiện đại nhất. Nhân tố truyền thống, ở đây, về bản chất đã được mang tinh thần mới, một sinh khí của xã hội mới và nói một cách cụ thể đã được hiện đại hóa.
Điều khó khăn đối với việc hoạch định những giải pháp truyền thống trong chiến lược phát triển của một  quốc gia là tìm ra được những hạt nhân tích cực, những nhân tố mới từ chính các tập quán và thói quen cũ mà không bị ngập chìm trong những tập quán và thói quen này.
Shibusawa, một trong những chiến lược gia trụ cột của nền kinh  doanh Nhật Bản từ thời Minh Trị Thiên Hoàng đã cho rằng, đất nước chỉ có thể phát triển khi có những doanh nghiệp lớn và những nhà kinh doanh vừa giỏi chuyên môn vừa thấm nhuần đạo đức. Muốn vậy, theo ông, họ phải học kỹ những giáo lý đạo đức của Khổng Tử, tuân theo những nguyên tắc ứng xử đã được nêu lên trong cuốn “Luận Ngữ”. Thực ra, ở đây, bên cạnh những giáo lý cũ xưa, Shibusawa đã đưa vào trong lý luận của đạo Khổng một bản chất hoàn toàn mới. Ông đề cao thương nghiệp, sự tự do buôn bán và chạy theo lợi nhuận cũng như tìm cách giải thích một cách hợp lý mối quan hệ giữa lợi nhuận và nghĩa vụ đạo đức” .
Khai thác những yếu tố tích cực trong truyền thống cũng không có nghĩa là duy trì mà là phát triển và nâng cao vai trò của những yếu tố này trong những điều kiện mới. Những công trình nghiên cứu về lịch sử sự phát triển công nghiệp hóa ở Nhật Bản cũng đưa ra những phát hiện khá lý thú. Chẳng hạn, khi thực hiện cuộc cải cách và mở cửa, Minh Trị Thiên Hoàng đã không đựa nhiều vào giới thương nhân mà vào chính lực lượng Samurai (Võ sĩ đạo) lực lượng vốn có truyền thống ghét cay ghét đắng thậm chí khinh miệt sự kinh doanh buôn bán. Ông đã biết loại bỏ dần những vấn đề tư tưởng và tâm lý cũ kỹ, đưa một luồng suy nghĩ mới trên nền tảng lòng yêu nước và sự trung thành vào giới Samurai và phát huy được thế mạnh của lực lượng này. Ông đã kết hợp được một cách thành công trong chính sách của mình cái đạo lý hết sức độc đoán và cương quyết của Samurai với việc kinh doanh và công nghiệp hóa.
 Và quả thực trên thực tế, khi lực lượng Samurai kiên định và bảo thủ đã nhận thức được tính tất yếu của sự thay đổi và công nghiệp hóa, họ đã trở thành lực lượng đứng hàng đầu trong công cuộc cải cách, thúc đẩy sự cải cách tiến tới. Thật đáng ngạc nhiên khi thấy các võ sĩ đạo đã trở thành những nhà kinh doanh chủ chốt của nước Nhật công nghiệp hóa.
Miroshi Mannari, một trong những tác giả nghiên cứu nổi tiếng về công nghiệp hóa ở Nhật Bản thời Minh Trị Thiên Hoàng cũng đã nhận thấy rằng có tới 26% số người trong họ là những võ sĩ đạo mà trước đó chưa hề biết chút gì tới việc làm ăn buôn bán.
 Các nước công nghiệp mới châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Hongkong, Singapore đều đã rất chú trọng tới việc phát huy những thế mạnh trong truyền thống của mình về văn hóa giáo dục, tinh thần ham học hỏi, rèn luyện, những phương pháp tổ chức và quản lý xã hội để hướng tới công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Kinh nghiệm của các nước nói trên vốn có những gần gũi văn hóa với Việt Nam về việc nghiên cứu và xử lý các giải pháp truyền thống, rõ ràng đó là những bài học quý giá đối với chúng ta trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
 
 
2M.Y.Yoshino. Hệ thống quản lý của Nhật Bản. Truyền thống và sự đổi mới. Viện Kinh tế Thế giới xuất bản, Hà Nội 1986, trang 17.
3M.Y.Yoshino, Sđd, trang 9.
4I.Nakayama. Công nghiệp hóa Nhật Bản.
Trích lại từ M.Y. Yoshino. Sách đã dẫn, trang 9.
5J.Mirschemeier. Nguồn gốc của ngành kinh doanh ở Nhật Bản thời Minh Trị. Cambridge, Maso: Harvard University Press, 1964, trang 55.
6M.Y.Yoshino. Hệ thống quản lý của Nhật Bản. Sđd trang 99.
7Miroshi Mannari. Giới cầm đầu kinh doanh: Nền tàng của các nhà lãnh đạo kinh doanh Nhật Bản. Tokyo Kodansha 1965, trang 53.