LUẬN ĐÀM VỀ VĂN HÓA ĐỌC
- Thứ tư - 05/11/2014 13:31
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)
Văn hóa đọc là một phần của cuộc sống hiện đại ngày nay, qua văn hóa đọc chúng ta có thể giải trí, tìm tư liệu và tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết. Văn hóa đọc đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với đời sống tinh thần của toàn xã hội nói chung và với các bạn trẻ nói riêng.
Từ khi hình thành văn hóa đọc thì nó đã trở thành một phạm trù của văn hóa. Định nghĩa về văn hóa đọc dường như chưa rõ ràng, nhưng chúng ta đều biết rằng khi con người từ việc đọc sách mà tự đào tạo mình thành một người có văn hóa, khi ấy ta có một nền văn hóa đọc. Nền văn hóa đọc khiến con người ngày càng dồi dào trí tuệ và ứng xử có văn hóa trong cộng đồng xã hội. Văn hóa đọc được hình thành trong môi trường thông tin, khi đó diễn ra hoạt động của từng con người và cả cộng đồng. Rõ ràng văn hóa đọc không phải tự nhiên sinh ra cũng không phải do ai mang từ đâu đến, nó sinh ra bởi chính hoạt động của con người mà trước hết bằng nội dung thông tin tiếp nhận. Văn hóa đọc phần lớn tạo ra nhân cách của mỗi con người cụ thể dưới sự tác động của những thông tin mà văn hóa đọc đem tới, mỗi cá nhân trong xã hội không những chỉ hình thành những quan điểm, những thói quen, những hứng thú, hướng đi thậm chí cả thế giới quan nói chung mà còn tạo ra những nhu cầu hướng cá nhân vào các hoạt động nói chung và đặc biệt là hoạt động thông tin. Rõ ràng khi nêu ra khái niệm về văn hóa đọc có ý nghĩa là chúng ta đang ngày một đề cao tính nghệ thuật, tính thưởng thức văn hóa đích thực trong việc đọc sách vượt lên trên khái niệm đọc thông thường. Theo tác giả “văn hóa đọc chính là cách ứng xử của độc giả với nhu cầu tìm kiếm và quá trình xử lý thông tin qua phương pháp đọc truyền thống và hiện đại”.
Đọc sách là một nét văn hóa có từ rất lâu đời của nền văn minh trên toàn thế giới. Đọc sách là sự liên hệ qua lại giữa độc giả và tác giả, không phải vô cớ mà người ta thường nói: “Đọc những cuốn sách hay khác nào đàm đạo với những bậc hiền nhân quân tử”, đôi khi đọc sách biến thành một cuộc tranh luận thầm lặng với tác giả, khi đó độc giả sẽ bộc lộ kĩ năng tranh luận của mình biết tư duy logic theo đúng định hướng. Những ý nghĩa sâu xa trong từng trang sách không phải ai cũng hiểu hết được, đó phải là sự tri âm tri kỉ với tác giả, phải có nhu cầu hứng khởi thực thụ để tiếp nhận thông tin. Không phải ngẫu nhiên mà Lênin trong một buổi nói chuyện với sinh viên trường Đại học tổng hợp Xveclepxco ở Matxcova đã nói: “Điều chủ yếu nhất là phải làm sao cho sau khi đọc sách sau khi thảo luận và nghe các bài giảng về nhà nước, các bạn luyện được kĩ năng nhìn nhận vấn đề đó một cách độc lập… chỉ khi ấy các bạn mới có thể tự coi mình là đã đủ vững vàng về lập trường và có đủ khả năng giữ vững lập trường ấy trước bất kì ai và trong bất kì lúc nào”. Nhà văn V.Lidin đã từng viết: “Với các sách trên giá của tôi có mối liên hệ mật thiết tâm tình, tôi biết rõ số phận và lai lịch của hầu hết các sách ấy. Mỗi khi cầm một cuốn sách trong tay tôi cứ tưởng như sách cũng hiểu tôi và chúng tôi chẳng có gì phải giải thích cho nhau nữa”.
Hiện trạng văn hóa đọc bên cạnh văn hóa nghe nhìn
Cho đến ngày nay việc đọc sách đã có tác dụng biến đổi và hoàn thiện tư duy, ý thức, thế giới nội tâm của người đọc và do đó phải ảnh hưởng đến hành vi và văn hóa của người đọc trong lao động và trong sinh hoạt, nó có tác dụng hình thành con người mới. Bàn về văn hóa đọc hiện nay còn rất nhiều vấn đề cần tranh luận. Nhiều nhà văn hóa và các nhà chính trị vẫn thường trực một nỗi lo lắng là văn hóa nghe nhìn đang lấn lướt văn hóa đọc. Đây không phải là một phán đoán theo trực giác khi thời kì công nghệ thông tin bùng nổ mà còn dựa trên những số liệu thống kê hàng năm. Khi chưa có nghề in các tri thức văn hóa của con người đã tồn tại bằng con đường văn hóa dân gian chủ yếu qua truyền khẩu. Khi phát minh ra chữ viết và cách in chữ lên gỗ lên giấy thì sách là phương tiện tồn tại chiếm nhiều ưu thế nhất. Ngày nay với công nghệ thông tin, tri thức văn hóa có thêm một phương tiên tồn tại khác, tồn tại ảo trên mạng internet.
Văn hóa nghe nhìn tồn tại song song với văn hóa đọc, trong các đánh giá lâu nay văn hóa đọc vẫn thường được so sánh với văn hóa nghe nhìn. Cùng một thông tin tiếp nhận nhưng mắt đọc và mắt nhìn lại hoàn toàn khác nhau, cũng như sự khác nhau giữa đọc một cuốn sách trên các trang giấy và đọc một cuốn sách trên màn hình máy tính. Khi mắt đọc buộc trí tưởng tượng và khả năng tập trung cao hơn, khi mắt đọc phải qua thao tác tư duy phân tích nên hiệu quả ghi nhớ rất lâu. Còn với mắt nhìn thì không để lại nhiều dấu ấn trong trí nhớ như mắt đọc. Văn hóa đọc đang suy thoái lép vế so với văn hóa nghe nhìn là một nhận xét rất khách quan của nhiều chuyên gia văn hóa. Sách càng ngày càng nhiều lên đa dạng về hình thức cũng như nội dung nhưng người đọc lại ít đi, đây là một nghịch lý của văn hóa đọc hiện nay. Tuy nhiên có một số bài viết trên báo Văn nghệ Công An đã đưa ra nhiều nhận định khả quan về văn hóa đọc truyền thống: “Không riêng gì ở Việt Nam, ngành xuất bản thế giới đang trong thời kỳ phát đạt. Số lượng bản in sách đã đạt đến mức kỉ lục bất chấp những ý kiến lo ngại cho rằng sự tấn công của internet và các phương tiện nghe nhìn. Ở nước ta năm 2004, toàn ngành xuất bản đã cung cấp hơn 20 ngàn đầu sách trong đó có 2000 là sách văn học chiếm khoảng 10%. Nhìn vào những con số thấy rằng việc đánh giá văn hóa đọc đang suy thoái có lẽ là không đúng”. Tuy nhiên khi internet phát triển thì sự cạnh tranh ngầm đã diễn ra giữa văn hóa đọc truyền thống và internet. Lượng sách tăng không đồng nghĩa với việc tăng chất lượng sách, hiện nay có quá nhiều sách in lậu, không đạt tiêu chuẩn chất lượng in, nội dung cẩu thả, biên tập ẩu sai từ chính tả đến lỗi diễn đạt thậm chí còn sai cả kiến thức. Nhà văn Nam Phi J.M. Coetzee (đoạt giải Nobel Văn học năm 2003) có lần đã từng nói rằng: “Sao giới trẻ bây giờ lười đọc và mắc bệnh ghiền internet đến thế”. Chỉ với mười đầu ngón tay cả thế giới đã nằm trong tay bạn, không quá mất thời gian quả thật internet mang lại nhiều lợi ích cho xã hội hiện đại ngày càng văn minh hơn.
Theo PGS.TS Văn Giá – Trưởng khoa sáng tác và lý luận phê bình văn học Trường Đại học Văn hóa: “Tôi cho rằng văn hóa đọc thực chất là đang đi lên chứ không phải là đi xuống. Các NXB xuất bản rất nhiều sách mà tiêu thụ vẫn rất tốt”. Còn ý kiến của GS. Văn Như Cương thì khác hẳn: “Tôi lại thấy là văn hóa đọc đang xuống cấp. Thể hiện rõ ràng nhất là số người đọc và số thời gian của một người dành cho việc đọc. Theo nguồn tin của Tổng cục Thống kê thì năm 2006 trung bình mỗi người dân nước ta mua 2,73 cuốn sách, mà cũng trong năm ấy người dân Pháp mua 8 cuốn. Con số 2,73 cuốn không đến nỗi quá ít nhưng so với một số nước khác thì thật nhỏ bé”. Nhưng vấn đề quan trọng là người đọc mua về rồi có đọc hết hay không? Có lẽ sự phát triển của các phương tiện nghe nhìn cũng là nguyên nhân chính cho văn hóa đọc đang ngày một xuống cấp.
Nếu xét đến giá trị thông tin mà con người tiếp nhận được thì việc đọc hay nghe nhìn không thể bị chia thành đẳng cấp cao thấp khác nhau, đơn giản vì đó là hai phương thức chính giúp chúng ta hòa nhập vào xã hội hiện đại tốt hơn.
Thay lời kết
Việt Nam đang trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, xây dựng một nền văn hóa “tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Việc giao lưu tiếp xúc với văn hóa thế giới đã mở ra cho chúng ta rất nhiều cơ hội được tiếp cận với nền tri thức khổng lồ của nhân loại thông qua mạng Internet, tuy nhiên điều này cũng làm cho giá trị của văn hóa đọc truyền thống ít nhiều bị mai một. Mặc dù vậy vai trò của văn hóa đọc truyền thống vẫn luôn được khẳng định đặc biệt là đối với các bạn trẻ. Khi internet phát triển vượt bậc đã nảy sinh những vấn đề nhạy cảm buộc các nhà quản lý xã hội đang tìm hướng đi sao cho văn hóa nghe nhìn không bị lạm dụng mà văn hóa đọc không bị mai một.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tadri.org là vi phạm bản quyền