Hãy tiếp lửa cho phong trào thanh niên tình nguyện

Hãy tiếp lửa cho phong trào  thanh niên tình nguyện
Chúng tôi muốn bắt đầu bài viết này bằng một lời cảnh báo đối với nhân loại của ngài Federico Mayor , nguyên Tổng thư ký của tổ chức Văn hoá giáo dục Liên hợp Quốc ( UNESCO), về xu hướng gia tăng của tư tưởng vị kỷ trong xã hội hiện đại.
Ngài Federico Mayor viết :“ trong cảnh quan của thế giới kỳ lạ hiện dần lên trước mắt chúng ta từ ngày phe xã hội chủ nghĩa tan vỡ, người ta thấy ngày càng rõ nét một mối de doạ, mối đe doạ của tình trạng “mỗi ngưòi vì mình”. Kỷ nguyên đang mở ra không phải chỉ là kỷ nguyên cá nhân mà là kỷ nguyên của chủ nghĩa cá nhân. Cái đang diễn ra không phải là trò chơi công bằng của sự tự do mà là quy luật sắt của kẻ mạnh nhất chống lại kẻ yếu nhất” Chính vì cái chủ nghĩa cá nhân ích kỷ trong một “thế giới bệnh hoạn” đó, mà “lần đầu tiên trong lịch sử loài người, rất có thể chúng ta đang đi dần tới bước đường cùng”
( Federico Mayor . Thời luận của Federico Mayor. Tạp chí Người đưa tin UNESCO số 9/1995 ,trang 32, và số 10/1998 trang )
 
Hãy trở lại với những nguyên lý sống nhân đạo trong bản chất của con người, đó là sống tình nguyện vì đồng loại, gạt bỏ những lợi ích và toan tính cá nhân cho những lợi ích chung. Lời kêu gọi đó của Federico Mayor đang được sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ, của thanh niên khắp nơi trên thế giới trong đó có thanh niên Việt Nam.
 
Quên mình vì người khác là phẩm chất đạo đức đầu tiên của con   
người
 
Con người chỉ vươn dậy, đứng thẳng trên hai chân và trở thành con người thực sự khi nó sống bên cạnh những người khác, nói một cách khác, nó không chỉ là con người với tính sinh học mà còn là con người với tính xã hội. Chúng ta không  tồn tại bên cạnh nhau theo kiểu bầy đàn sinh vật mà là sống với nhau thành xã hội. Chính nguyên lý tưởng như giản đơn này lại là một trong những đặc trưng cơ bản để phân biệt xã hội loài người với bầy đàn sinh vật. Chỉ có con người mới có khả năng tự nguyện, tự giác lao động, đấu tranh vì hạnh phúc của người khác. Bởi vậy ngay từ những giai đoạn phát triển sơ khai nhất của lịch sử, quên mình vì người khác đã trở thành  một phẩm chất đạo đức đầu tiên của con người.
 
Chúng ta đều biết, ngay từ khi con người mới hình thành, chính những nhu cầu khách quan cho sự tồn tại của mỗi cá nhân đã là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự sự liên kết lẫn nhau giữa các cá nhân, làm hình thành và phát triển xã hội. Trên thực tế, con người chỉ có thể lao động để tồn tại trong mối quan hệ qua lại thật gắn bó với những người khác. Không thể có xã hội nếu mỗi cá nhân trong xã hội đó chỉ là những người vị kỷ , chỉ biết sống vì bản thân mình. Cuộc đấu tranh trong môi trường sống khắc nghiệt của tự nhiên, đã khiến cho con người nguyên thuỷ ngày xưa phải kề vai sát cánh với nhau, giúp đỡ lẫn nhau và hy sinh cho nhau. Khi lao động để sáng tạo ra những sản phẩm có ích cho mình, con người đồng thời sáng tạo những sản phẩm đó cho xã hội. Khi sáng tạo sản phẩm vì xã hội con người cũng sáng tạo ra những sản phẩm cho bản thân mình. Mỗi người chỉ có thể thoả mãn những nhu cầu của cá nhân thông qua sự thoả mãn những nhu cầu của xã hội.
 
Với thời gian, qua những tình huống lao động và đấu tranh sinh tồn như vậy, người ta ngày càng ý thức được tầm quan trọng và ý nghĩa đạo lý của sự hợp tác và tình cảm thương yêu đồng loại. Tình nguyện hy sinh những nhu cầu vật chất và tinh thần của cá nhân cho người khác cũng như cho cả cộng đồng đã trở thành một phẩm chất đạo đức đầu tiên và quan trọng nhất cho cuộc sống xã hội. Nó giúp cho các mối quan hệ xã hội trở nên gắn bó hơn, tổ chức xã hội chặt chẽ hơn, xã hội phát triển bền vững hơn. Cũng qua cái chuẩn mực đạo đức đầu tiên này, con người đã gột rửa những bản năng cá nhân sinh vật của mình, và nhờ vậy mà trải qua hàng ngàn thế hệ, con người đã có điều kiện để vươn lên thật cao lớn so với các tổ tiên động vật của mình.
 
          Những hình ảnh đẹp đẽ được gợi lên từ truyền thuyết cổ xưa về thị tộc đầu tiên của tổ tiên chúng ta đã nói lên cái giá trị đạo đức đầu tiên nói trên đã được hình thành và tôn trọng như thế nào. Nói về xã hội Việt Nam thời thượng cổ và các chuẩn mực đạo đức đã làm nên xã hội đó, sử gia Ngô Thì Sĩ đã chép trong Đại Việt sử ký tiền biên ( Ngoại kỷ quyển 1 tờ 9b ) như sau :“ Nước Nam về đời Lạc Hồng vua dân cùng cày, cha con cùng tắm, người và giống vật cùng ở nhà sàn, cấy ruộng Lạc diền theo nước triều lên xuống. Dân sống ở đời bấy giờ cùng nhau vui vẻ chơi đùa ở trong cõi đất không rét không nóng... Có thể gọi là đời thì chí đức, nước thì cực lạc. Vua thì yên vui như phật. Dân thì vẽ mình, làm ăn, không phiền nhiễu gì đến sưu thuế, không việc gì phải canh phòng. Vua dân thân nhau, dẫu vài nghìn năm cũng không thay đổi” (Ng« Th× SÜ §¹i viÖt sö ký tiÒn biªn. NXB Khai trÝ, sµi gßn 1968, tr. 175)
 
Sự miêu tả của Ngô Thì Sỹ đã nói lên được phần nào một trong những giá trị truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam xưa và nay, đó là việc duy trì tình cảm nhân ái, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau giữa các cá nhân trong cộng đồng xã hội. Chính những đặc điểm của lịch sử dựng nước và giữ nước khắc nghiệt, những đòi hỏi phức tạp trong sản xuất lúa nước, sự tranh đấu liên tục,sống còn với nạn ngoại xâm đã không cho phép người Việt Nam sống riêng biệt như những cá nhân và gia đình hoàn toàn đơn lẻ, biệt lập.
 
Lật qua vài trang sử cũ thời Lê, Nguyễn, chúng ta thấy dường như năm nào cũng cũng ghi chép lại những tai hoạ to lớn của thiên nhiên đối với con người, không hạn hán mất mùa thì cũng bão lụt, đê vỡ, sâu bênh tràn lan. Người Việt nam phải sống gắn liền với cộng đồng và việc duy trì mối quan hệ liên kết cộng dồng cũng chính là sự duy trì cuộc sống của bản thân mình. Khác với nhiều dân tộc khác, ở người Việt Nam tinh thần tự giác, tự nguyện được đặt ở vị trí cao nhất trong nấc thang các giá trị xã hội. Đức hy sinh vì tổ quốc, quê hương, sự trung thành với toàn thể cộng đồng luôn được tôn trọng. Kế tiếp lẫn nhau trong bao nhiêu thế hệ người Việt Nam, tinh thần quên thân vì nghĩa cả, tình nguyện hy sinh lợi ích bản thân vì tập thể cộng đồng đã được nuôi dưỡng một cách khắc nghiệt, thấm vào máu của mỗi cá nhân, tạo thành những quy tắc đạo lý, điều chỉnh moi hành vi xã hội.
 
                      Phá tặc đảm hiềm tam tuế vãn
       ( phá giặc thì ba tuổi cũng không phải là trẻ)
 
Câu viết trên của Cao Bá Quát được ghi lại ở đền thờ đức Phù Đổng Thiên Vưong đã nói lên tinh thần và ý chí tình nguyện vì nước của người Việt nam trong truyền thống.
 
Nhờ nêu cao được tinh thần tình nguyện sẵn sàng xả thân vì nước ấy, dân tộc Việt Nam đã duy trì được một sự hài hoà trong các quan hệ xã hội, hạn chế được phần nào sự phát triển của tính vị kỷ để tạo ra một sức mạnh chung cho sự sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam, xây dựng nên những đặc trưng quý báu và đầy tính nhân đạo của nền hiến Việt Nam.
 
Tình nguyện- một đặc trưng của thế hệ thanh niên mang tên Bác Hồ
 
Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, thanh niên ta cũng luôn luôn có mặt ở những nơi đầu sóng ngọn gió của tổ quốc với tinh thần của những người tình nguyện. Truyền thống tình nguyện, hy sinh những lợi ích nhỏ bé của bản thân để cống hiến mọi khả năng trí tuệ, sức lực, của cải vật chất cho sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc đã làm nên đặc trưng và bản chất anh hùng của thế hệ trẻ mang tên Bác Hồ vĩ đại.
 
Với tinh thần “đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta mà chỉ hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc”, hàng triệu lớp thanh niên ưu tú của dân tộc đã xung phong đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tổ quốc cần đến, không ngại hy sinh, gian khổ làm nên những thành tích cách mạng to lớn trong chiến tranh cách mạng bảo vệ tổ quốc, cũng như trong hoà bình xây dựng và phát triển đất nước.
 
     Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội LHTN Việt Nam lần thứ III, tháng 12/1994, Đoàn TNCS HồChí Minh, Hội Liên hiệp TN Việt Nam và Hội sinh viên Việt Nam đã nêu quyết tâm phát động, làm hình thành và phát triển mạnh mẽ các loại hình thanh niên tình nguyện. Khí thế tình nguyện đã được khơi dậy mạnh mẽ. Thanh niên tình nguyện đã xung phong đảm nhận một số công trình, phần viẹc khó khăn, tham gia phát triển kinh tế-xã hội có hiệu quả ở nhiều địa phương trong cả nước. Hội LHTN đã thường xuyên tổ chức gặp mặt biểu dương thanh niên tình nguyện. Phong trào thanh niên tình nguyện đã thực sự có được những chuyển biến tích cực, khẳng định được sức sống mãnh liệt của nó trong những điều kiện mới, đa dạng hoá những nội dung hoạt động với trên 20 loại hình TNTN tham gia phát triển kinh tế- xã hội, văn hoá, an ninh quốc phòng, mở rộng quy mô, cấp độ tổ chức và thời gian hoạt động.
 
     Những hoạt động tình nguyện sôi nổi và hào hứng của các tầng lớp thanh niên trong những năm gần đây đã thực sự làm sống dậy ngọn đuốc sáng và không khí hào hùng của phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng”, đi bất cứ nơi đâu làm bất cứ việc gì khi tổ quốc cần đến ngày nào.
 
     Hiện nay, trong những điều kiện cách mạng mới, trước những biến đổi mạnh mẽ về kinh tế xã hội, gắn liền với hoạt động của cơ chế thị trường và các quan hệ trao đổi hàng hoá, lợi nhuận, nhiều vấn đề mới cũng đã và đang xuất hiện, tạo ra nhiều khó khăn và thách thức mới trước thanh niên cũng như phong trào thanh niên tình nguyện. Điều đó đã làm xuất hiện những ý kiến chưa thống nhất, thậm chí có nơi có lúc còn trái ngược nhau về vị trí và vai trò của phong trào thanh niên tình nguyện trong những điều kiện của cơ chế thị trường.
Chính những yếu tố mới mẻ trong sự phát triển của phong trào thanh niên tình nguyện hiện nay đã đòi hỏi chúng ta cần phải có sự nghien cứu, phân tích, trao đổi khoa học để làm sáng tỏ thêm cả về cơ sở lý luận và ý nghĩa thực tiễn của phong trào này, nhằm có được các chính sách, cơ chế và giải pháp thiết thực, khơi dậy và phát huy được sức mạnh của thanh niên trong những điều kiện cách mạng mới.
 
Chúng ta cần phải có được sự thống nhất chung trong nhận thức và hành động trên rất nhiều vấn đề. Chẳng hạn như, phải trả lời được các câu hỏi đặt ra là :
 
  • Liệu tính tình nguyện có mâu thuẫn gì không với những quy luật khách quan của cơ chế thị trường ?
  • Chúng ta cần phải làm gì để phát huy và nâng cao được tinh thần tình nguyện trong thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá hiện nay ?
  • Cần phải xử lý như thế nào về mối quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi của thanh niên tình nguyện trong những điều kiện của cơ chế thị trường để vừa động viên được tính tình nguyện của thanh niên vừa đảm bảo được những quyền lợi thiết thực cho họ?
  • Vị trí và vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh niên trong việc phát động, tổ chức và xây dựng các hình thức và mô hình tình nguyện trong thanh niên như thế nào ? v.v…
 
Với ý nghĩa như trên, việc nghiên cứu, tập hợp ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia trong các lĩnh vực công tác chính trị, đoàn thể, mặt trận, quản lý… để thống nhất quan điểm nhận thức và hành động về phong trào thanh niên tình nguyện trong những điều kiện mới hiện nay là hết sức cần thiết.
 
Tính tình nguyện và cơ chế thị trường
 
Về bản chất, thật khó mà có thể tìm được tiếng nói chung giữa hệ giá trị của cơ chế thị trường vốn được ghi dấu bằng những đặc trưng của lợi nhuận, bằng những sự cạnh tranh quyết liệt mà trong đó ,theo sự phân tích của Mác thì đã nhấn chìm mọi giá trị đạo đức xã hội xuống “lớp băng lạnh giá của sự tính toán vị kỷ”,  với hệ giá trị của sự tình nguyện hy sinh quên mình vì những người khác vốn là bản chất của xã hội mang tính cộng đồng cao- xã hội xã hội chủ nghĩa.
 
Bởi vậy, về nguyên tắc, nói đến việc thực thi tính tình nguyện trong những điều kiện của cơ chế thị trường, chúng ta không thể nhắc tới nguyên tắc chỉ đạo quan trọng cho mọi hoạt động của cơ chế thị trường nói trên, đó là sự tuân thủ bắt buộc những định hướng chính trị xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển của xã hội. Chính sự định hướng chính trị xã hội chủ nghĩa đã tạo cơ sở và nguồn động lực cần thiết cho sự nảy sinh và phát triển của tinh thần tình nguyện trong các cá nhân và cộng đồng xã hội. Hệ giá trị nhân đạo của lý tưởng xã hội chủ nghĩa là ngọn lửa nóng làm tan đi mọi lớp giá băng vị kỷ của sự tính toán thiệt hơn của nền kinh tế thị trường. Bởi vậy, trong chừng mực mà những nguyên tắc của sự định hướng chính trị xã hội chủ nghĩa còn được tôn trọng và phát triển, chừng đó, tính tình nguyện vẫn còn có được miếng đất tốt lành để bám rễ và xanh tuơi lên mãi.
 
Với ý nghĩa trên, chúng ta chỉ có thể nâng cao tính tình nguyện trong hoạt động sống của thanh niên trong điều kiện không ngừng nuôi dưỡng, giáo dục, một mặt là các giá trị nhân đạo truỳen thống của dân tộc, mặt khác là lý tưởng tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội cho thanh niên. Phải làm cho các thế hệ thanh niên kế tiếp nhau nhận thức được rằng, trong những điều kiện của nền kinh tế thị trường, của cải vật chất là quan trọng nhưng không phải đã là tất cả hạnh phúc, lợi nhuận kinh tế là điều hết sức cần thiết cho sự phát triển nhưng còn cần phải vượt lên trên những giá trị của lợi nhuận, đem những giá trị đó phục vụ cho hạnh phúc của con người. Hạnh phúc, trong bất cứ hoàn cảnh xã hội nào cũng đồng nghĩa với việc mang đến hạnh phúc cho người khác, cho đồng loại. Đó chính là chân lý đã tồn tại trong bản chất của xã hội của con người và sẽ tiếp tục tồn tại trong chừng mực mà xã hội còn tiếp tục tồn tại và phát triển.
 
Việc nâng cao nhận thức về tính tình nguyện cho thanh niên cũng không thể chỉ dừng lại ở các hình thức tuyên truyền, giáo dục lý thuyết, sách vở mà phải bằng những hành động thực tế. Chúng ta không thể kêu gọi thanh niên tham gia tích cực vào phong trào tình nguyện đồng thời với việc đề cao các giá trị tiêu dùng vật chất cá nhân, đặt song hành giữa những khẩu hiệu về tinh thần tình nguyện bên cạnh những quảng cáo về việc tiêu thụ những sản phẩm sa hoa đắt tiền cùng trong một chương trình truyền thông.
 
Chúng ta cũng không thể động viên thanh niên hy sinh quyền lợi của bản thân để tham gia tích cực vào phong trào tình nguyện, trong một môi trường xung quanh mà  mọi người đều lao vào làm giàu cho bản thân, bất chấp mọi đạo lý, khi mà những người động viên thanh niên tình nguyện thì lại đang tập trung thu vén cho bản thân, hoặc khi mà xã hội còn tràn ngập những hành vi tham nhũng, tiêu cực chưa được giải quyết. Về phương diện này, chúng ta hoàn toàn đồng cảm với suy nghĩ của những thanh niên có tâm huyết nhưng chưa thât say mê với phong trào tình nguyện, bởi lẽ không một người tình nguyện nào lại muốn hy sinh bản thân mình cho những gì không xứng đáng , thậm chí cho những kẻ còn không ngần ngại lạm dụng sự hy sinh đó.
 
Việc nâng cao tinh thần tình nguyện cho thanh niên phải gắn liền với việc xây dựng những chính sách và cơ chế để thanh niên có điều kiện và cơ hội tham gia tích cực vào phong trào tình nguyện. Phải tạo ra môi trường thuận lợi để những người có tinh thần tình nguyện có thể đóng góp tích cực, tự giác và năng động cho sự phát triển của đất nước, trên cơ sở đó xây dựng, nuôi dưỡng và phát triển lối sống tình nguyện trong cộng đồng, biến tinh thần tình nguyện trở thành một chuẩn mực văn hoá mới trong quan hệ ứng xử giữa người vơí người. Ơ đây, vai trò của Nhà nước, các đoàn thể, cộng đồng là hết sức quan trọng. Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh niên phải vừa là nơi bồi dưỡng giáo dục tinh thần tình nguyện cho thanh niên vừa là nơi đi tiên phong và tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả phong trào tình nguyện.
 
Phong trào tình nguyện trong những điều kiện của cơ chế thị trường cũng luôn đòi hỏi Nhà nước và các đoàn thể phải có những sự quan tâm tương xứng, không thể chỉ yêu cầu thanh niên một sự tình nguyện, hy sinh các quyền lợi bản thân một cách giản đơn thuần tuý. Mặc dù trong rất nhiều trường hợp, những thanh nien tình nguyện đã không hề đặt ra các đòi hỏi quyền lợi vật chất và tinh thần quá cao cho bản thân họ, nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta có thể lợi dụng sự hy sinh quyền lợi của họ. Phải có những chính sách đãi ngộ thoả đáng đối với những đóng góp tích cực và có hiẹu quả của thanh nien tình nguyện.
 
Về phương diện này, theo chúng tôi, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng và nhất là Đoàn thanh niên cũng cần phải trân trọng và đối xử với những thanh niên tình nguyện bằng tinh thần tình nguyện, tức là không phân vân, do dự và sẵn sàng tạo những điều kiện thuận lợi tốt nhất cho họ rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành.
 
 
 
 
 
 
 
 
Đọc lại một áng văn hào hùng chống ngoại xâm xưa
 
Bạch Đằng Giang Phú
              (trich)
 
                                Trương Hán Siêu
                              ( ?-1354 )
 
...
“Đây là chiến địa buổi Trùng Hưng Nhị Thánh bắt Ô Mã,
Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao”.
 
Đương khi ấy:
Thuyền tàu muôn đội,
Tinh kì phấp phới.
Hùng hổ sáu quân,
Giáo gươm sáng chói.
Trận đánh được thua chửa phân,
Chiến luỹ bắc nam chống đối.
Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ,
Bầu trời đất chừ sắp đổi.
 
Kìa:
Tất Liệt thế cường,
Lưu Cung chước dối.
Những tưởng gieo roi một lần,
Quét sạch Nam bang bốn cõi.
 
Thế nhưng:
Trời cũng chiều người,
Hung đồ hết lối
Trận Xích Bích, quân Tào Tháo tan tác tro bay,
Trận Hợp Phì, giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết trụi.
Đến nay sông nước tuy chảy hoài,
Mà nhục quân thù khôn rửa nổi.
Tái tạo công lao,
Nghìn xưa ca ngợi.
 
Tuy nhiên:
Từ có vũ trụ,
Đã có giang san.
Quả là trời đất cho nơi hiểm trở,
Cũng nhờ nhân tài giữ cuộc trị an.
Hội nào bằng hội Mạnh Tân, có vương sư họ Lã,
Trận nào bằng trận Duy Thuỷ, có quốc sĩ họ Hàn.
Khi trận Bạch Đằng mà đại thắng,
Bởi đại vương coi thế giặc nhàn.


Tiếng thơm còn mãi,
Bia miệng không mòn.
Đến chơi sông chừ ủ mặt,
Nhớ người xưa chừ lệ chan.
Rồi vừa đi vừa ca rằng:
“Sông Đằng một dải dài ghê,
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông.
Những phường bất nghĩa tiêu vong,
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh!”
 
...
 
 
 
 
 

Tác giả: GS-TS Đặng Cảnh Khanh