VỀ BÀI HỌC LẤY DÂN LÀM GỐC CỦA CHA ÔNG TA
- Thứ năm - 20/11/2014 09:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
GS-TS Thầy giáo Đặng Cảnh Khanh
Bảo quốc và hộ dân
Trong xã hội Việt Nam truyền thống, việc quan tâm tới người dân là một trong những chuẩn mực và hệ giá trị cao nhất đối với người lãnh đạo đất nước.
“Bảo quốc” (giữ nước) và “hộ dân” (giúp dân) là hai nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà cầm quyền. Nếu không làm tròn hai nhiệm vụ này thì sự tồn tại của một triều đại cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Ở Đền Trần, Nam Định, nơi thờ phụng các vị vua nổi tiếng nhà Trần, ngay tại cổng Ngũ Môn còn ghi khắc đôi câu đối :
Bảo quốc hộ dân, ngoại tặc chí kim do bạch phát
Nhân hoà đức trị, nội bang tự cổ tạ hoàng ân
(Giữ nước, giúp dân, đến nay giặc ngoại xâm đầu còn bạc trắng vì khiếp sợ
Lấy đức trị nước, từ xưa dân trong nước khắp nơi đều tạ ơn vua).
Tư tưởng “lấy dân làm gốc”, chăm lo tới đời sống của người dân luôn là tư tưởng chính thống, chủ đạo, là quy chuẩn quan trọng nhất, là “sách lược ngàn năm” dựng nước và giữ nước của dân tộc, là cẩm nang điều hành đất nước cho mọi ông vua, mọi triều đại ở Việt Nam. Điều này cũng đã được ghi nhớ và đúc kết lại thành một nguyên tắc cai quản đất nước :
Dân vi bang bản thiên niên sách
Công tại nhân tâm vạn cổ trường
(Lấy dân làm gốc, đó là sách lược ngàn năm
Công lao ở lòng người sẽ ghi tạc muôn thuở)
( câu đối ở Đền Trần- Nam Định)
Chính vì vậy mà Nguyễn Trãi bao giờ cũng luôn nhắc nhở những nhà lãnh đạo đất nước rằng: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo”, có nghĩa người dân mới là quan trọng nhất đối với một quốc gia.
Những triều đại được coi là thịnh trị là triều đại mà mọi người dân đều được sung túc, thóc gạo đầy bồ, dân tình khấn khởi, “của rơi ngoài đường không ai thèm nhặt”.
Những triều đại bị coi là suy đồi là những triều đại không chăm lo được cho dân, đất nước nghèo đói, mất mùa, quan lại tham nhũng. Những nhà lãnh đạo không quan tâm được tới dân, tàn ác với dân bị gọi là loại “vua quỷ” ( Lê Uy Mục), ăn chơi trác táng trên mồ hôi xương máu của dân là “vua lợn” (Lê Tương Dực)…
Chính sách chung của nhà nước, tuỳ theo mỗi giai đoạn lịch sử, dù là quản lý theo kiểu đức trị, pháp trị, nhân trị hay văn trị… thì cũng đều phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản của “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, tức là phù hợp với sự phát triển của thời đại, phù hợp với hoàn cảnh đất đai thiên nhiên và sau cùng phù hợp với lòng dân.
Quan điểm “lấy dân làm gốc”, được ghi nhận rõ ràng nhất ngay từ triều Lý. Lấy dân làm gốc được ghi nhận trong những văn bản pháp luật chung. Trong Bộ Hình luật hình đầu tiên ở nước ta mà sau này được biết đến nhiều với cái tên là “Ban sách hình thư” công bố năm 1042, vai trò chăm lo đến đời sống của người dân trăm họ đã được khẳng định rõ. Sách “Đại Việt sử kí toàn thư” đã ghi rõ “Trước kia có kiện tụng phiền nhiễu, quan giữ việc hình thường câu nệ luật văn, cốt làm khắc nghiệt, thậm chí bị oan uổng. Vua lấy làm thương xót, sai trung thư sửa định luật lệnh châm chước cho hợp, chia ra môn loại, biên ra điều khoản, làm sách hình luật của một triều đại để cho người xem dễ hiểu, lời văn rõ ràng, không mập mờ, tùy tiện. Sách làm xong xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện”.[1]
Cũng đọc trong Đại Việt sử ký toàn thư chúng ta thấy quan điểm chung của nhà nước lúc nào cũng phải nhấn mạnh “chỉnh đốn pháp luật sao cho giảm bớt nỗi khổ của dân, xóa bớt bất công trong thiên hạ”. Vua Nhà Lý nhiều lúc còn tỏ ra thương xót cho cả những kẻ tù tội đôi lúc chỉ vì miếng cơm manh áo, lại chưa được giáo hóa mà đã chót lầm lỡ và yêu cầu thuộc hạ phải gửi áo ấm cho họ trong mùa đông rét mướt.
Nhân có hoà thì nước mới thái bình, chính sách có đáp ứng được với tâm tư, nguyện vọng của người dân thì dân mới phấn khởi, lòng dân mới yên, đất nước mới ổn định và phát triển. Bởi vậy, mỗi khi triều đình ban hành các chính sách lớn, thường vẫn cắt cử các quan viên đi tới tận từng thôn xóm, làng mạc để quan sát, nghe ngóng dân tình, hỏi ý kiến các vị bô lão và người dân thu thập ý kiến trước khi ban hành. Trong quá trình thực thi một chính sách cũng như vậy, nếu chính sách nào không hợp lòng dân sẽ lập tức được tu sửa, điều chỉnh thậm chí bãi bỏ.
Trong những thời điểm đất nước lâm nguy, cần đến những quyết sách lớn, Nhà nước bao giờ cũng phải thăm dò, tìm hiểu ý kiến của người dân. Để tránh thói độc đoán, quan liêu, xa dân, nhiều ông vua còn thường xuyên “vi hành”, mặc giả lái buôn, nho sĩ, văn nhân, thâm nhập vào đời sống xã hội. Vua Trần Nhân Tông có lần vi hành tận một làng xa xôi - làng Mõ, Kiến Thụy Hải Phòng còn để mặc cho dân binh trong làng trói lại dẫn ra giữa sân đình. Đến khi mọi người nhận ra, quỳ rạp dưới chân, ông vẫn không giận mà còn khen về tinh thần cảnh giác. Lịch sử cũng còn ghi rõ về nội dung hội nghị Diên Hồng nổi tiếng, lấy ý kiến của các vị bô lão trong việc chống giặc Nguyên Mông. Dựa vào dân, quan tâm đến cuộc sống của người dân là bí quyết để gây dựng mối đoàn kết toàn dân.
Trong các sách vở còn lưu lại đến nay, trách nhiệm về mặt pháp lý và đạo đức của người cầm quyền phải chăm lo cho đời sống của người dân luôn luôn được khẳng định. Bên cạnh việc quan tâm chung đến đời sống của mọi cư dân, trong xã hội, luật Hồng Đức còn khẳng định có bốn loại người mà chính quyền địa phương và cộng đồng làng xã phải có trách nhiệm đảm bảo cuộc sống cho họ. Đó là người già không nơi nương tựa, phụ nữ cô độc, trẻ mồ côi, người tàn tật. Một viên tri huyện có thể sẽ bị bãi nhiệm, thậm chí bị phạt tội nặng nếu trong địa hạt mà mình cai trị đã để cho dân tình đói khổ, bị lũ lụt, phải tha phương cầu thực, hoặc để phong hoá suy đồi…
Cứu trợ xã hội, thời nào cũng vậy, đều được coi là chính sách nhất quán, là một nhiệm vụ của chính quyền Nhà nước và các cộng đồng làng xã. Nhà nước thành lập các kho thóc nhằm cứu giúp các vùng thiên tai, lũ lụt, hạn hán, mất mùa.
Bình đẳng và công bằng
Dựa trên nền tảng phổ biến của chế độ công điền công thổ, duy trì các quan hệ cộng đồng làng xã, ở xã hội Việt Nam, sự phân chia đẳng cấp không quyết liệt như ở xã hội phương Tây thời Trung cổ, Ấn Độ hoặc nhiều nơi khác trên thế giới.
Ở xã hội Việt Nam truyền thống, người ta không quá khe khắt trong sự phân biệt địa vị xã hội. Việc đánh giá con người thường thông qua những đóng góp cho cộng đồng, thông qua học vấn và tri thức. Người bình dân không quá khó khăn khi kết hôn với con cái nhà quý tộc, quan lại như ở nhiều nước phong kiến khác.
Nếu ở những nước có sự phân biệt đẳng cấp quyết liệt thì không thể có hiện tượng một anh học trò nghèo như Nguyễn Phi Khanh lại kết hôn được với con gái của một người quý tộc như Trần Nguyên Đán, một vị đại tư đồ, thông minh nhất mực, quý tộc nhất mực của triều Trần. Mà nếu chẳng có mối lương duyên rất chênh lệch về đẳng cấp này của người Việt truyền thống thì chúng ta cũng chẳng có được sự ra đời của một thiên tài xuất chúng, một danh nhân Thế giới là Nguyễn Trãi…
Trong bầu không khí nhân văn đó, phụ nữ được tôn trọng. Luật lệ triều Lê và nhiều luật làng truyền thống người phụ nữ có cả quyền được lựa chọn người bạn đời, được quyền li dị khi người chồng vô trách nhiệm, được quyền thừa kế tài sản…
Xã hội đã tạo cơ hội phấn đấu cho mọi loại người, kể cả nhóm bình dân. Mọi người đều có thể trở thành quý tộc, quan lại, thông qua việc học hành, khoa cử. Hiếm có nơi nào trên thế giới mà một người thuộc tầng lớp bình dân, thậm chí nghèo khổ, nếu học hành phấn đấu rèn luyện thành tài là có thể trưởng thành và đứng vào hàng ngũ những quan lại, thậm chí quan lại cao cấp nhất trong điều hành đất nước.
Trong lịch sử của mình, có thể nói, dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc đã có được một đội ngũ đông đảo nhất những trí thức lớn xuất thân từ tầng lớp bình dân. Chúng ta có rất nhiều tể tướng, thượng thư xuất thân chỉ là những anh học trò nghèo, những kẻ chăn trâu, cắt cỏ, học hành dưới những ngọn đèn vốn chỉ là những con đom đóm…
Hiền tài là nguyên khí quốc gia
Ơ Văn miếu, ngay tấm bia đầu tiên, ghi khoa thi năm 1442 đã viết một câu mà nay đã trở thanh danh ngôn của đất nước : “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo xây dựng nhân tài”.
Câu nói này nhắc nhở các nhà lãnh đạo đất nước ở thời kỳ nào cũng vậy, không phải chỉ biết chăm lo đến cuộc sống chung của người dân mà còn phải quan tâm đến người hiền tài trong dân.
Chính từ ý tưởng quan trọng trên mà tổ tiên chúng ta đã khắc tên những người học hành đỗ đạt lên bia đá, truyền lại cho các thế hệ đời sau những tấm gương, đặng khuyến khích sự học, làm cái điều mà ngày nay chúng ta vẫn gọi là “xã hội hoá giáo dục” vậy.
Truyền thuyết kể lại rằng, sau cuộc chia tay bịn rịn với chồng, mang 50 người con lên rừng, khai đất mở làng, dựng nghiệp, nàng Âu Cơ đã chú ý ngay đến việc truyền dạy cho các con những kiến thức cơ bản để vào đời, phát nương làm ruộng, trồng mía nấu mật, luyện sắt, đúc đồng làm cày, làm kiếm…Mẹ Âu Cơ chính là người “Mẹ hiền” đồng thời cũng là “cô giáo” đầu tiên của dân tộc Việt. Về phương diện này, Mẹ không chỉ là người dạy dỗ mà còn là người truyền lại cho các con cháu ngọn lửa vĩnh cửu của niềm đam mê về học vấn và tri thức.
Sự ra đời của Văn Miếu và Quốc Tử Giám ở Thăng Long, cùng với tuyển chọn người tài thông qua việc học hành thi cử, có thể được coi là một bước ngoặt lớn, đánh dấu sự chuyển biến có tính chiến lược đối với nền giáo dục Việt Nam. Nó cũng là dấu mốc quan trọng cho việc ra đời của nền giáo dục mới, có quy củ và hệ thống hơn.
Chính với chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo và sử dụng nhân tài như vậy mà trong xã hội Việt Nam truyền thống, nhân tài thời nào cũng xuất hiện, đóng góp tích cực cho việc phát triển đất nước và nền văn minh Việt nam. Lấy dân làm gốc ở đây được hiểu không chỉ như là sự nâng cao cuộc sống vật chất của người dân mà còn là sự vun đắp một nền văn hiến chung
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tadri.org là vi phạm bản quyền