NHO GIÁO BÀN VỀ LẤY DÂN LÀM GỐC

Mạnh Tử

Mạnh Tử


VUA PHẢI LÀ VUA HIN
Mạnh Tử nói: “Vua hiền thì giữ mình khiêm cung, ăn tiêu tiết kiệm, có lễ độ với kẻ bề tôi, và lấy thuế của dân có chừng mực” (Hiền quân tất cung kiệm, lễ hạ, thủ ư dân hữu chế)
Mạnh tử, Đằng Văn Công – thượng, tiết 3.
Bề trên phải giữ mình ngay thẳng và luôn tự xét mình.
Mạnh Tử nói : “Mình yêu thương người mà người chẳng thân mến mình, vậy mình nên tự xét coi mình có đủ lòng nhân hay chăng? Mình cai trị người mà người chẳng phục tùng, vậy mình nên tự xét coi mình có đủ trí sáng hay chăng? Mình lấy lẽ mà đãi người, mà người chẳng đáp lại, vậy mình nên tự xét coi sự kính trọng của mình có toàn vẹn chăng? Mình làm việc mà chẳng được kết quả theo ý muốn, vậy mình nên tự xét để tìm nguyên nhân thất bại. Bậc quốc trưởng trước hết phải giữ mình cho ngay thẳng, sau đó thiên hạ mới qui thuận theo mình”.
Mạnh Tử, Ly Lâu – thượng, tiết 4
Vua nhân nghĩa thì mọi người nhân nghĩa.
Mạnh Tử nói : “Vua ăn ở có nhân thì chẳng ai cư xử bất nhân. Vua noi theo điều nghĩa, thì chẳng ai bỏ bê việc nghĩa”. (Quân nhân, mạc bất nhân. Quân nghĩa, mạc bất nghĩa).
Mạnh Tử, Ly Lâu – hạ, tiết 5
 
VUA ĐỐI VỚI DÂN
“Dân lấy vua làm tâm, vua lấy dân làm thân thể”. (Dân dĩ quân vi tâm, quân dĩ dân vi thể) - Lễ Ký
“Vua bởi dân mà còn, cũng bởi dân mà mất” (Quân dĩ dân tồn, diệc dĩ dân vong) - Kinh Thư.
Cùng vui buồn với dân.
Mạnh Tử nói với Tề Tuyên Vương rằng: “…Nếu người bậc trên mà vui với sự vui của dân thì dân cũng vui với sự vui của mình; nếu mình buồn với sự buồn của dân thì dân cũng buồn với sự buồn của mình. Bậc quốc trưởng mà chia vui với thiên hạ, chia buồn với thiên hạ, thì thế nào nền cai trị của mình cũng có bề hưng vượng đó”.
Mạnh Tử, Lương Huệ Vương – hạ, tiết 4.
Muốn được lòng dân.
Mạnh Tử nói : “Kiệt Trụ mất thiên hạ vì mất dân, sở dĩ mất dân chính là vì mất lòng dân. Có được thiên hạ là nhờ đường lối sau đây: Có được dân là có được thiên hạ. Có được dân cũng do đường lối sau đây: Được lòng dân là có dân. Muốn được lòng dân thì nên như sau: Những gì dân thích thì đem lại cho họ, tích tụ lại cho họ, những gì dân ghét thì chớ làm”.
Mạnh Tử, Ly Lâu – thượng, tiết 9.
Dân có hằng sản mới có hằng tâm.
Mạnh Tử nói : “Dân thường ăn ở như thế này: nếu họ có của cải bền vững thì họ có lòng dạ bền vững; nếu họ không có của cải bền vững thì họ chẳng giữ được lòng dạ bền vững. (Hữu hằng sản giả hữu hằng tâm; vô hằng sản giả vô hằng tâm). Nếu lòng dạ họ chằng bền vững, thì họ trở nên dông dài, càn dỡ, chẳng có việc ác nào mà họ chẳng dám làm. Tới chừng họ vướng và vòng tù tội, nhà cai trị cứ chiếu theo pháp luật mà trừng phạt họ. Đó là bủa lưới dân vậy”.
Mạnh Tử, Đằng Văn Công – thượng, tiết 3
Hoặc
Mạnh Tử, Lương Huệ Vương – thượng, tiết 7
LẤY ĐỨC ĐỂ CAI TRỊ
Nhà cầm quyền bạo nghịch và thấp hèn.
Đức Khổng Tử nói rằng: “Nhà cầm quyền chẳng giáo hóa mà lại giết đi; như vậy gọi là ngược.Trước chẳng dặn bảo người ta cho rành mạch, kế buộc người ta làm xong công việc một cách cấp tốc, như vậy gọi là bạo. Tự mình ra lệnh một cách chậm trễ, rồi kỳ hạn cho người ta làm cho chóng, như vậy gọi là tặc. Khi cho ai vật gì thì chẳng cho ngay, còn so tính thiệt hơn một cách biển lận, như vậy gọi là cử chỉ của một viên chức nhỏ đó”.
Luận ngữ, Nghiêu viết, tiết 2
Mạnh Tử, Ly Lâu – thượng, tiết 3
Phải giáo hóa dân.
Đức Khổng đến nước Vệ, khen rằng: “Dân nước Vệ đông thay!” Ông Nhiễm Hữu hỏi: “Dân đã đông, nhà cầm quyền phải làm gì cho họ nhờ?” Đáp: “Phải giúp cho họ giàu có”. Hỏi: “Họ đã giàu có rồi, phải lam gì cho họ nữa?” Đáp: “Phải giáo hóa họ”.
Luận Ngữ, Tử Lộ, tiết 9
Lấy đức, lấy lễ mà dẫn dắt dân.
Đức Khổng nói rằng: “Nhà cầm quyền nếu chuyên dùng pháp lệnh mà dẫn dắt dân, chuyên dùng hình phạt mà trị, thì dân sợ mà chẳng phạm pháp đó thôi, chứ họ không biết xấu hổ. Vậy muốn dẫn dắt dân, phải dùng đức hạnh; muốn trị dân phải dùng lễ tiết, thì chẳng những dân biết tội lỗi là đáng xấu hổ mà họ còn cảm hóa trở nên tốt lành”. (Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ. Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách).
Luận Ngữ, Vi Chính, tiết 3
Làm cho đừng có kiện tụng.
Đức Khổng nói rằng: “Xử kiện thì ta cũng xử được như người. Nhưng phải làm cho đừng có những việc kiện tụng, há không phải là hay hơn sao?”
(Thính tụng ngô du nhân giã. Tất giã sử vô tụng hồ?)
Luận Ngữ, Nhan Uyên, tiết 13
DÂN LÀ QUÝ
Dân và trời.
“Trời thương xót dân, điều gì dân muốn thì trời nghe theo”. (Thiên căng vụ dân, dân chi dở dục, thiên tất tùng chi) - Kinh Thư
Dân và trời
“Trời nhiền tự dân ta nhìn, trời nghe tự dân ta nghe”. (Thiên thị tự ngã dân thị, thiên thính tự ngã dân thính) - Kinh Thư
Dân là quý
Mạnh Tử nói rằng: “Dân là quý hơn hết, kế đó là xã tắc; vua là nhẹ”. (Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh). Vì vậy, hễ ai được lòng dân thì được làm thiên tử, ai được lòng thiên tử thì được làm vua chư hầu, ai được lòng vua chư hầu thì được làm quan đại phu”
Mạnh Tử, Tận Tâm – hạ, tiết 14
Khi biết “vì dân”
Mạnh Tử nói rằng: “ Nhà cầm quyền vì sự yên ổn cho dân, nên lúc phải sai khiến dân làm lụng, dân chúng dẫu cực khổ, mà chẳng oán hờn. Nhà cầm quyền vì lo bỏa toàn tính mệnh cho dân, nên có khi giải quyết đứa phạm pháp, tuy trong dân chúng có kẻ phải chết, mà họ chẳng oán nhà cầm quyền đã ra lệnh giết”.
Mạnh Tử, Tận Tâm – thượng, tiết 12
Dân không tin thì chính phủ đổ.
Tử Cống hỏi về cách cai trị. Đức Khổng nói rằng: “Nhà cầm quyền cần có: lương thực đủ, binh lực đủ, lòng tin cậy của dân”. Tử Cống hỏi tiếp: “Ba điều ấy, bất đắc dĩ phải bỏ bớt thì bỏ điều nào trước?” Đáp: “Bỏ binh lực”. Tử Cống hỏi nữa: “Nếu phải bỏ nữa thì bỏ điều nào?” Đáp: “Bỏ lương thực. Từ xưa đến nay, nếu trong nước thiếu lương thực thì xẩy ra nạn chết đói, chứ dân mà không tin thì chính phủ phải đổ”.
Luận Ngữ, Nhan Uyên, tiết 7.
Hết lòng lo cho việc dân việc nước.
Tử Trương hỏi về cách cai trị. Đức Khổng nói rằng: “Trong tâm mình lúc nào cũng lo việc dân việc nước, chẳng biết mệt chán, và làm việc gì thì cũng giữ niềm trung chính, hết mình”. (Cư chi vô quyện, hành chi dĩ trung). 
Luận Ngữ, Nhan Uyên, tiết 14
Tự mình làm trước.
Tử Lộ hỏi về cách cai trị. Đức Khổng nói rằng: “Tiên chi, lao chi” (Tự mình nên làm trước, và phải chịu khó mà lo liệu giúp đỡ dân). Tử Lộ xin được giải thêm, Đức Khổng nói: “Vô duyện” (cứ thế mà làm, không biết mỏi).
Nếu chính đáng, không ra lệnh, dân cũng làm.
Đức Khổng nói rằng: “Nếu tự mình giữ theo chính đạo, thì chẳng đợi ra lệnh, dân cũng ăn ở trúng phép; còn như tự mình chẳng giữ theo chính đạo, thì dẫu ra lệnh buộc dân theo, họ cũng không theo”. (Kỳ thân chính, bất lệnh, nhi hành; kỳ thân bất chính, tuy lệnh, bất tùng).
Luận Ngữ, Tử Lộ, tiết 6
Hết lòng vì dân, thì sống: dân quý, chết: dân thương
Tử Cống nói: “…Thầy ta (Đức Khổng Tử) nếu được nước nhà mà cai trị, ắt sẽ (như lời cổ ngữ nói): “Gây dựng cho dân thì dân sống tự lập, dắt đường cho dân thì dân biết đường mà đi, giúp dân yên ổn thì dân đến với mình, cảm động lòng dân thì dân biết hòa thuận. Như vậy, khi sống được dân tôn vinh, khi chết được dân thương tiếc”. (lập chi, tư lập; đạo chi, tư hành; tuy chi, tư lai; động chi, tư hòa. Kỳ sinh giã vinh; kỳ tử giã ai).
Luận Ngữ, Tử Trương, tiết 25.
Cai trị hoàn hảo, phải có đủ trí, nhân, trang, lễ.
Đức Khổng nói rằng: “Mình có đủ trí thức để hiểu đạo trị dân, nhưng mình chẳng có đủ lòng nhân để giữ gìn, dẫu mình có được đạo ấy, rồi cũng mất đi.
Mình có đủ trí thức để hiểu đạo trị dân, nhưng đến với dân, mình chẳng đoan trang thì dân chẳng kính trọng mình.
Mình có đủ trí thức để hiểu đạo trị dân, mình có đủ lòng nhân để giữ gìn, mình đoan trang khi đến với dân, nhưng mình chẳng theo lễ tiết mà trị dân, thì mình chưa đáng gọi là nhà cai trị hoàn hảo” Luận Ngữ, Vệ Linh Công, tiết 32
Cai trị nhân đức, thì dân chỉ bằng gậy gộc cũng đánh đuổi được giặc.
Mạnh Tử nói rằng: “Với một vùng đất chỉ vuông vức trăm dặm, một vị vua chưa hầu có thể nổi lên làm vua thiên hạ. Muốn được như vậy, vua cần phải thi hành phép cai trị nhân đức đối với dân: giảm hình phạt, bớt thuế liễm, khiến dân siêng lo việc cày sâu cuốc bẫm, làm vườn tược. Khuyến khích những kẻ trai tráng, trong những ngày nhàn hạ, tu học những đức, hiếu, đễ, trung tín. Nhờ vậy mà khi ở nhà, họ biết thờ trọng bậc cha anh; khi ra ngoài, họ biết kính nhường ngôi trưởng thượng.
Dân tâm đã lên đến mức ấy, dẫu nhà cầm quyền chỉ cấp cho họ gậy gộc, họ cũng có thể đánh đuổi binh tướng của nước Tần nước Sở vũ trang bằng áo giáp kiên cố và đao thương bén nhọn.
Mạnh Tử, Lương Huệ Vương – thượng, tiết 5
Dân có của cải bền vững thì lòng dạ mới bền vững.
Mạnh Tử nói rằng: “Không có của cải bền vững, nhưng có lòng dạ bền vững, duy kẻ sĩ mộ đạo mới được như thế thôi. Còn người thường dân, nếu họ không có của cải bền vững, thì họ chẳng giữ được lòng dạ bền vững. Nếu lòng dạ họ chẳng bền vững, họ trở nên bông lông, tà vạy, xa xỉ, chẳng có việc ác nào mà họ chẳng dám làm. Tới chừng họ vướng vào vòng tù tội, nhà cai trị cứ chiếu theo luật pháp mà hành hình họ. Đó là nhà cai trị bủa lưới gài bẫy dân vậy”.
Mạnh Tử, Lương Huệ Vương – thượng, tiết 7