Làm quan đại thần, trong bụng không nên có định kiến

Làm quan đại thần, trong bụng không nên có định kiến
Lê Quý Đôn (1726-1784) là một trong những trí thức lớn của dân tộc.Tên tuổi và tài danh của ông bao trùm suốt một thế kỷ18. Ông có trí óc và trí tuệ hơn hẳn người thường, sách gì cũng đọc, gặp gì cũng ghi chép và trở thành một nhà bác học lớn, một trong những tác giả có nhiều công trình khảo cứu bậc nhất ở nước ta. Chúng tôi xin được trích đăng ở đây lời dạy đến nay vẫn còn nguyên giá trị của ông đối với người làm quan
 “Làm đại thần, trong bụng không nên có sẵn định kiến. Vì nếu có sẵn định kiến “tĩnh” thì khi nghe lời bàn sẽ chê ngay là khinh suất, cuồng phóng. Nếu có sẵn định kiến “động” thì thấy người thận trọng lại cho là chậm chạp, nhu nhược. Nếu xem ai cũng là người hiếu danh, hay bới việc thì sẽ thấy trước mắt mình đều là người nóng vội, càn bậy. Nếu xem ai cũng là người tài hèn, biết hẹp thì thấy quanh mình đều là người tầm thường. Vì sẵn định kiến hẹp hòi như vậy nên sẽ thấy cả thiên hạ không có ai là hoàn hảo cả.
Vì vậy, cần phóng xa tầm nhìn, mở rộng tấm lòng, tự coi mình còn có nhiều thiếu sót và luôn mong muốn điều bổ ích. Còn với các sĩ đại phu, có tài đức trong thiên hạ, người trên thì coi như thày, kẻ dưới thì coi như bạn, với bạn quan thì hòa hảo, nâng đỡ, với lớp người sinh sau tuổi ít thì yêu thương, bồi dưỡng.
Tuy nhiên, theo tài sức từng người, hoặc cao thấp, hoặc hoàn hảo, hoặc nhạy bén, hoặc chậm chạp, hạng nào cũng phải đối xử cho chu đáo, cất nhắc, thăng thưởng cho thích hợp với công việc. Đồng thời tuyệt nhiên không được tỏ ra chút nào ghen ghét, lấn át người ta, thế mới là có lòng độ lượng rộng rãi.
Ông Chu Công làm tướng, trong lúc gội đầu mà phải ba lần dừng lại vắt tóc, trong một bữa ăn mà phải ba lần nhả cơm ra để đứng dậy tiếp đón kẻ sĩ. Vậy mà vẫn còn lo sẽ bỏ sót kẻ hiền tài trong thiên hạ, sáng đọc trăm thiên sách, chiều tiếp kiến 72 người vẫn không lộ vẻ mỏi mệt. Bậc đại thánh còn như thế huống chi những người còn kém xa ông đến vạn lần”.
 
                                                         Trích từ cuốn “Quần thư khảo biện”
                                                         NXB Khoa học xã hội