XÂY DỰNG THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CHO TRẺ TỪ GIA ĐÌNH
- Thứ ba - 14/04/2015 09:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
* Hình minh họa (Sư tầm internet)
Đọc sách có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển và hoàn thiện nhân cách trẻ em. Đọc sách là một cách thưởng thức văn hóa có chiều sâu, là phương cách tốt nhất để làm giàu vốn liếng ngôn từ, tri thức của con người. Đọc không những giúp trẻ em phát triển trí tuệ và khả năng sáng tạo mà còn giúp trẻ biết “yêu thương” và “chia sẻ”, giúp trẻ “nhận biết thế giới” và hình thành nhân cách của trẻ. Trẻ cảm nhận và yêu thế giới, yêu mọi người qua những cuốn sách và những nhân vật trong sách mà trẻ đọc. Qua đọc sách, trẻ cảm nhận được điều tốt - xấu người tốt - người xấu…và hành động như những gì trẻ nhận biết: trẻ biết yêu cô Tấm, ghét cô Cám; thích Thạch Sanh, khinh rẻ Lý Thông…Chả thế mà đại văn nổi tiếng thế giới của Nga, Mác-Xim-Goor-Ky đã dạy chẳng sai chút nào: “Văn học là nhân học”. Vậy, làm thế nào để xây dựng được thói quen đọc sách cho trẻ em từ gia đình?
Trước hết cần xác định, gia đình có vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng và hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, thói quen đọc sách được hình thành từ khi đứa trẻ còn nhỏ và chịu ảnh hưởng lớn từ cha mẹ và các thành viên trong gia đình. Ở nhiều nước, các bậc phụ huynh bắt đầu xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ từ tuổi trước khi đến trường. Khi nói về vai trò của gia đình trong xây dựng thói quen đọc sách, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng: “gia đình chính là nền tảng phát triển văn hóa đọc. Gia đình là nơi truyền “gen” đọc sách cho mỗi thế hệ và tạo thói quen đọc sách trong gia đình”.
Để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em, mỗi gia đình cần xây dựng một "tủ sách gia đình”. Đây sẽ là cơ sở để ông bà, cha mẹ hướng dẫn cho con em đọc sách từ khi còn nhỏ. Đồng thời, xây dựng và hình thành thói quen đọc sách cho mỗi cá nhân, mỗi thành viên trong gia đình để văn hóa đọc luôn giữ một vai trò chủ đạo trong việc truyền bá và tiếp thu tri thức một cách hệ thống và sâu sắc. Qua đó, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, hình thành nhân cách tốt đẹp của con người, tạo nên những giá trị văn hóa bền vững trong gia đình Việt Nam.
Ông bà, cha mẹ cũng có thể khuyến khích các thành viên đặc biệt là trẻ em trong gia đình mỗi tuần nói về một cuốn sách hay một câu chuyện đã đọc được mà mình tâm đắc, sau đó cùng thảo luận về nội dung cuốn sách, câu chuyện đó để rút ra ý nghĩa và những bài học thực tiễn.
Để củng cố và hướng dẫn kỹ năng lựa chọn sách, ông bà, cha mẹ hoặc những người lớn trong gia đình có thể đưa trẻ đi nhà sách ít nhất một tháng một lần để các em tự lựa chọn sách cho mình qua đó người lớn có thể hướng dẫn, định hướng giúp con em mình chọn được những cuốn sách hay, phù hợp với lứa tuổi.
Người lớn trong gia đình có thể hình thành những thói quen tốt cho con em mình bằng việc tặng sách hay mỗi khi con trẻ làm được điều tốt. Thói quen tặng sách là một nét đẹp văn hoá của dân tộc cần được duy trì và phát huy.
Bên cạnh đó, gia đình cần tạo môi trường thuận lợi cho việc đọc, khuyến khích đọc bằng cách dành riêng một phòng hoặc một góc để đọc sách với các điều kiện ánh sáng, sự yên tĩnh và gần với tủ sách gia đình. Những yếu tố này sẽ giúp các em có sự tập trung và say mê đọc sách hơn.
Cuối cùng, để kích thích niềm say mê đọc, hình thành thói quen đọc sách cho con em, ông bà, cha mẹ và những người lớn trong gia đình phải là những tâm gương ham học, ham đọc sách để các em noi theo. Những tâm gương chăm chỉ đọc sách của các thành viên trong gia đình sẽ góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị và tầm quan trọng của việc đọc sách, xây dựng cho trẻ thói quen đọc sách cũng như dần hình thành văn hoá đọc ở con em mình./.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tadri.org là vi phạm bản quyền