Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa chính trị với văn hóa, với biểu hiện rực rỡ nhất là giương cao ngọn cờ chống chủ nghĩa thực dân, mà chống chủ nghĩa thực dân là đạt tới đỉnh cao giá trị văn hóa và nhân văn của loài người. Cố đại tướng Võ Nguyên Giáp từng phát biểu: “Sự nghiệp văn hóa quan trọng nhất của Người là đã lãnh đạo toàn dân đánh đuổi giặc ngoại xâm trong thời đại mới, giành lại cho nhân dân những quyền sống của con người, một cuộc sống có văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần cùng loài người loại trừ một trở lực to lớn trên con đường tiến lên thế giới văn minh”.
Hồ Chí Minh là một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp đồng thời Người được cả thế giới biết đến và tôn vinh với tư cách là ''vị anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là một nhà văn hóa lớn". Vì sự nghiệp chính trị của Hồ Chí Minh là sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Đưa nhân dân lao động lên địa vị người chủ của đất nước và làm chủ vận mệnh của mình là một tiến bộ vượt bậc về văn hóa.
Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước đã rơi vào tay thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam đang chìm đắm trong đêm trường nô lệ, bị bóc lột, bị đàn áp, bị chà đạp cả thể xác và tinh thần; bị nè nén, bị vùi dập cả về văn hóa dân tộc… Nhưng vốn xuất thân trong một gia đình nhà Nho yêu nước, từ thuở nhỏ, Hồ Chí Minh đã được hấp thụ truyền thống yêu nước nồng nàn, nền văn hiến của nước nhà và những tinh hoa văn hóa phương Đông. Sau mười năm theo học Nho học, Người chuyển sang Tây học, vừa tiếp thu tư tưởng Nho giáo vừa tiếp thu tư tưởng và văn hóa phương Tây bằng sách vở nhà trường và cả tân thư. Người nói: ''Khi tôi độ mười ba mười bốn tuổi lần đầu tiên tôi nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái... Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy''(1). Chính những tri thức ban đầu rất quan trọng về văn hóa và lòng yêu nước nhiệt thành đã trở thành động lực thúc đẩy, một sức mạnh nội tại đưa đến một quyết định táo bạo mang tính lịch sử chính trị sâu sắc của người thanh niên Nguyễn Tất Thành: sang phương Tây tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Trước khi đến với chủ nghĩa Mác - Lê nin, người yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã tham gia phong trào công nhân, học tập văn hóa Pháp và văn hóa phương Tây, tinh thần tự do, bình đẳng, bác ái của truyền thống văn hóa cách mạng Pháp. Đặc biệt là văn hóa chính trị của V.I.Lênin, mà trước tiên là Bản sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa (1920). Luận cương đó đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc đâu là con đường để giành độc lập, tự do cho đồng bào. Từ đó, Người tin theo Lênin, tin theo Quốc tế III, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và đưa ra kết luận: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(2).
Chủ nghĩa Mác - Lênin đã in dấu ấn sâu đậm trong tư duy và hành trình văn hóa Hồ Chí Minh. Chính quá trình tích lũy những tinh hoa văn hóa, trí tuệ đã đưa Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng hàng đầu của giao lưu văn hóa Đông Tây, đưa sự nghiệp hoạt động chính trị của Người mang giá trị phổ quát toàn nhân loại và mang tính định hướng phát triển. Với nguồn lực văn hóa mạnh mẽ như vậy, Hồ Chí Minh đã cùng với dân tộc Việt Nam làm nên một sự nghiệp chính trị văn hóa vĩ đại: giành độc lập, tự do cho dân tộc và đem lại hạnh phúc cho nhân dân, trở thành biểu tượng của lương tri và phẩm giá con người.
Hồ Chí Minh là nhà văn hóa kiệt xuất vì Người đã sớm thấy vai trò và sức mạnh của văn hóa, đã sớm đưa văn hóa vào chiến lược phát triển của đất nước. Sự gặp gỡ kỳ diệu và thăng hoa của chính trị mác xít, chính trị Hồ Chí Minh hòa quyện với dòng chảy văn hóa của tương lai, văn hóa Hồ Chí Minh. Vì sự gặp gỡ sâu sắc nhất giữa sự nghiệp hoạt động chính trị của Hồ Chí Minh với lý tưởng cộng sản là xuất phát từ mục đích giải phóng toàn diện và triệt để cho con người. Đó cũng là sự thống nhất giữa văn hóa - con người - phát triển. Chính trị Hồ Chí Minh là chính trị đi tìm chủ thể chân chính nhất của một nền văn hóa mới, đi tìm diện mạo văn hóa của quần chúng nhân dân lao động.
Hồ Chí Minh là người đặt cơ sở thế giới quan và phương pháp luận cho việc xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam. Người là kiến trúc sư vĩ đại của công cuộc cải cách và xây dựng nền văn hóa Việt Nam, tạo ra một cách nhìn, một thế giới quan mới, tạo lập một ý thức chính trị, ý thức đạo đức, ý thức pháp luật, ý thức nghệ thuật mới... chưa từng có trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Trên cơ sở đó, Người đã đánh thức các tiềm năng tinh thần truyền thống Việt Nam định hướng cho sự ra đời một nền văn hóa mới, một xã hội mới. Người kêu gọi ''văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi'', ''phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ'', ''phải xúc tiếp công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc''. Văn hóa phải có tác dụng ''sửa đổi tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, sửa xã hội cũ, xây xã hội mới'', ''văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị''. Văn hóa phải tạo ra sức mạnh vật chất và khả năng chiến thắng ngoại xâm theo tinh thần văn minh thắng bạo tàn. Qua đó, có thể thấy văn hóa đã được lồng ghép, đã thấm sâu một cách nhuần nhị vào hoạt động chính trị của Hồ Chí Minh. Và chính Người đã thực sự khẳng định tư tưởng văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng. Đó chính là văn hóa gắn liền với sự phát triển, sáng tạo và đổi mới mà ngày nay các thế hệ người Việt Nam không ngừng xây dựng, phát huy.
Mục tiêu lý tưởng chính trị Hồ Chí Minh là hết sức cao quý: giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người, đồng thời có sự thống nhất cao độ về tính nhân văn giữa lý tưởng, mục đích chính trị và các phương pháp, phương tiện đạt đến mục đích đó. Xuất phát từ tình thương yêu con người, từ tình cảm mãnh liệt, sâu sắc đối với tổ quốc và nhân dân, dân tộc và nhân loại, Hồ Chí Minh đã tự nguyện dấn thân vào cuộc đấu tranh gian khổ và nguy hiểm, thậm chí hy sinh tính mạng của mình. Người nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"(3). Thực sự cả cuộc đời Người đã sống hết mình vì tôn chỉ, mục đích đó với tất cả nghị lực phi thường được sinh ra từ tâm hồn, trí tuệ, niềm tin mãnh liệt đối với chân lý cùng với sự mẫn cảm đặc biệt của Người đối với cuộc sống và số phận của nhân dân, tương lai, triển vọng của dân tộc.
Sự nghiệp giải phóng dân tộc do Hồ Chí Minh lãnh đạo đã đem lại địa vị xứng đáng cho văn hóa dân tộc Việt Nam. Không chỉ vậy, sự nghiệp này còn có ý nghĩa to lớn đối với nền văn hóa thế giới, chỉ ra cho nhân dân các nước thuộc địa con đường đứng lên đập tan xích xiềng nô lệ, giành độc lập tự do cho đất nước mình, từ đó góp phần vào việc xóa bỏ chế độ thuộc địa trên thế giới. Và sự nghiệp chính trị Hồ Chí Minh đã tiếp sức, làm phong phú cho chính sự nghiệp văn hóa của Người về nhiều phương diện văn hóa chính trị, văn hóa đạo đức, văn hóa giao tiếp - ứng xử, văn hóa khoan dung, văn hóa văn nghệ… là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc với những yếu tố tích cực trong văn hóa phương Đông, văn hóa các tôn giáo, văn hóa dân chủ cách mạng phương Tây, văn hóa mác xít,... để trở thành văn hóa tiên tiến, mang những giá trị nhân văn sâu sắc. Có thể nói Hồ Chí Minh với tư cách là nhà văn hóa kiệt xuất đã góp phần không chỉ tạo ra một chế độ mới, một thời đại mới mà còn tạo ra một nền văn hóa mới trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng góp phần to lớn vào sự phát triển của nhân loại nói chung và sự phát triển văn hóa nhân loại nói riêng.
Hồ Chí Minh là một nhân cách văn hóa chính trị vĩ đại. Người luôn nêu cao nhân cách văn hóa của nhà chính trị. Nhân cách của nhà chính trị có quan hệ đến sự thành bại của sự nghiệp chính trị. Tài năng chính trị của Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng của nhân cách nhà chính trị Hồ Chí Minh, đã góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Nhưng hình ảnh thanh cao sống động mà Người đã để lại là tài năng đó được kết hợp nhuần nhuyễn với đạo đức, phong cách và năng lực sáng tạo văn hóa của Người. Hồ Chí Minh là nhà chính trị, nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp nhưng đồng thời là biểu tượng của lòng khoan dung nhân ái, của việc thực hành lối sống và nhân cách văn hóa. Từ dòng chảy văn hóa gắn kết tài năng và các phẩm chất tinh thần khác, tạo nên nhân cách nhà chính trị Hồ Chí minh là nguồn lực nhân văn trong văn hóa dân tộc và nhân loại mà Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển. Nó là cốt lõi sâu xa, đồng thời là sinh lực vô tận tỏa sáng trường tồn trong nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh
Là một chiến sĩ cách mạng, nhưng Hồ Chí Minh nêu tấm gương về sự khoan dung và yêu chuộng hòa bình. Khoan dung văn hóa Hồ Chí Minh là thái độ trân trọng đối với mọi giá trị văn hóa nhân loại, là không ngừng rộng mở, thâu hóa những yếu tố tích cực, tiến bộ và nhân văn của loài người để làm giàu cho văn hóa Việt Nam. Khoan dung văn hóa Hồ Chí Minh là chấp nhận giao lưu và đối thoại bình đẳng về giá trị để đạt tới cái chung, cái nhân loại, để cùng tồn tại và phát triển. Trong khi chống thực dân Pháp xâm lược, Người vẫn đề cao văn hóa Pháp. Trong khi chống đế quốc Mỹ, Người vẫn ca ngợi truyền thống văn hóa dân chủ và cách mạng Mỹ.
Trong phong cách ứng xử Hồ Chí Minh toát lên thái độ tin cậy với con người, sự nâng niu, quý trọng nhân cách con người. Phương pháp Hồ Chí Minh là phương pháp cảm hóa, thuyết phục, thu phục con người ở mọi đối tượng, mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Đó chính là phương pháp đoàn kết và đại đoàn kết toàn dân mà Người là linh hồn của khối đại đoàn kết đó. Và đoàn kết để có sức mạnh phấn đấu cho thắng lợi của sự nghiệp vĩ đại, nên đoàn kết phải dựa trên đạo lý của người cách mạng, phải thấu lý, đạt tình, có tình có nghĩa. Phương pháp hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh là phương pháp văn hóa, phương pháp hướng tới con người. Còn phong cách Hồ Chí Minh thì hướng tới sự thanh cao, giản dị, ung dung, tự tại, không để sự ham muốn vật chất làm vẩn đục tâm hồn, không để sự tàn bạo của chiến tranh làm ảnh hưởng đến tinh thần nhân văn, lạc quan và tình yêu cuộc sống. Đó là cốt cách của một lãnh tụ chính trị thời đại mới nhưng lại mang theo một dòng chảy văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Sự thống nhất, sự gặp gỡ kỳ diệu đó là nguồn xung lực vô tận cho đất nước ta, dân tộc ta trên con đường thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hồ Chí Minh là lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, là nhà chính trị lỗi lạc, là anh hùng giải phóng dân tộc đồng thời là danh nhân văn hóa kiệt xuất. Người là hình tượng đẹp, kì vĩ trong văn học và nghệ thuật. Hình tượng Hồ Chí Minh lung linh, tỏa sáng như đài tháp kim cương trên mình non sông gấm vóc tạo nên một vẻ đẹp huyền thoại của một dân tộc kiên cường, bất khuất, anh dũng vô song. Vẻ đẹp của Người là đẹp ở tư tưởng nhân văn, đẹp trí tuệ anh minh, đẹp trong phong cách sống giản dị, khiêm tốn, đạo đức trong sáng thanh cao và hơn hết là đẹp trong sự thống nhất, gặp gỡ kỳ diệu của sự nghiệp chính trị với sự nghiệp văn hóa, của sự thăng hoa tỏa sáng giữa mục tiêu lý tưởng cách mạng với khát vọng cháy bỏng cho hạnh phúc của con người.
_______________
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.477.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, sđd, tr.268.
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, sđd, tr.161.