05:48 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 206


Hôm nayHôm nay : 19368

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2851458

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 34187879

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển

Quang cao giua trang
top

HAI THÓI QUEN CỦA NGƯỜI VIỆT CẦN LOẠI BỎ

Tác giả: Nguyễn Thành Tuấn - Thứ hai - 28/07/2014 11:03
HAI THÓI QUEN CỦA NGƯỜI VIỆT CẦN LOẠI BỎ

HAI THÓI QUEN CỦA NGƯỜI VIỆT CẦN LOẠI BỎ

Chúng ta đã quá quen với cảnh rác thải được vứt bừa bãi. Rác vứt sau phiên chợ, ở nền chợ và dọc đường người đi chợ về nhà; rác vứt sau buổi làm đồng, ở mặt ruộng và dọc các mương máng; rác vứt luôn tại... gia trong sinh hoạt hàng ngày- từ sái thuốc lá, thuốc lào đến vỏ đồng quà tấm bánh.Thói quen này đã trở thành một "truyền thống". Nó cùng với một "truyền thống" khác- truyền thống "chen lấn xô đẩy" tạo nên một nét riêng khó lẫn của cư dân sống trên đất Việt. Cái truyền thống "ăn cỗ đi trước" đó được thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc. Người ta có thể sẵn sàng không thấy ngượng ngùng khi tới nơi làm việc trễ giờ, nhưng lại cố vượt lên trước người đồng hành một vài gang tay trong lúc chẳng có gì phải vội vã.
Những thói quen không được đẹp đó trong xã hội của những cư dân nông nghiệp không để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Rác thải của sinh hoạt nông nghiệp tất nhiên cũng là sản phẩm của sản xuất nông nghiệp. Nó là những lá  bánh, dây rơm, sái thuốc,...Rất dễ được huỷ hoại và nhiều khi có lợi cho môi trường. Còn việc"chen lấn" trong ăn cỗ tuy có làm chủ, khách nhà đám lúng túng đôi chút song việc đó cũng đã thành quen- "ma chê cưới trách"- cộng đồng rất sẵn lòng thể tất . Ngoài  ra, chen lấn lại trở thành một nét hay rất đặc trưng trong những lễ hội đậm đà chất phồn thực của người Việt.
                Nhưng trong một xã hội công nghiệp, những thói quen trên mang lại rất nhiều bức xúc cho cộng đồng. Những túi ny-lông, lon hộp bay khắp nơi trên đường phố, ngõ xóm; những  vỏ bao, chai lọ thuốc trừ sâu lềnh bềnh trên đồng ruộng, sông ngòi. Thói quen vứt rác thải bừa bãi đó nặng tới mức, người ta  điềm nhiên thực hiện nó ngay dưới biển cấm, thậm chí ngay bên cạnh thùng  đựng rác. Cứ vào một quán phở ngay giữa lòng thủ- đô- văn- minh là thấy rõ ngay điều đó: Dưới mỗi một bàn ăn đã có một sọt đựng rác nhưng giấy lau, xương xẩu vẫn cứ "tránh" hết ra cả nền nhà. Ăn xong bát phở, bước ra ngoài đường là người ta cố tình (và bị bắt buộc) thực hiện những cuộc chen lấn. Chen lấn để vượt qua đèn đỏ, chen lấn lên vỉa hè để rồi... cũng bị tắc ở vỉa hè, có những "nam thanh nữ tú" chen lấn lượn lách ngay cả trên những đoạn đường rất vắng,... Có thể đổ tội cho cơ sở hạ tầng giao thông thấp kém, nhưng chẳng lẽ những người Việt mang trong mình truyền thống "đi ăn cỗ" lại chẳng có lỗi gì?
                Dưới triều Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 16(1485), có thể đọc thấy những đoạn sắc chỉ tưởng như vụn vặt sau: "Quan chức các cấp(Khi vào chầu- T.G) phải thứ tự tiến vào theo các hồi trống, không được đường đột tranh đi trước, chen lấn lộn xộn", "Kể từ nay các quan vào chầu, không được nhổ cốt trầu, ném bã trầu ở cửa sân đan trì...".
                Sắc chỉ trên cho thấy, từ cách đây năm trăm năm, truyền thống vứt rác thải bừa bãi và chen lấn xô đẩy ở ta đã ngấm sâu vào tận chốn cung đình. Và vị vua ra sắc chỉ đó chắc hẳn đã thấy cần phải kiên quyết gạt bỏ chúng ra khỏi đời sống văn hoá dân tộc.

Tác giả: Nguyễn Thành Tuấn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất