07:36 ICT Chủ nhật, 15/09/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 775

Máy chủ tìm kiếm : 12

Khách viếng thăm : 763


Hôm nayHôm nay : 48760

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2042639

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 57461680

Trang nhất » Tin Tức » Xã hội học » Phát triển xã hội

Quang cao giua trang
top

VĂN HÓA NGHỀ CỦA NGƯỜI VIỆT TRUYỀN THỐNG

Tác giả: Hàn Vũ Linh - Thứ hai - 24/11/2014 09:48
*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

*Ảnh minh hoạ (nguồn internet)

Có một học giả phương Tây, khi quan sát hệ thống đê điều từ Hà Nội và các vùng lân cận đã ví nó giống như một thứ Vạn lý trường thành của người Việt, chỉ có điều khác với Vạn lý trường thành của người Trung Hoa là nó không phải được dựng lên để ngăn cản giặc Hung nô mà để ngăn cản giặc lũ cũng hung bạo không kém. Lao động đã trở thành một chuẩn mực và giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt.
        
   Piere Gourou, Paul Mus và nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài về Việt Nam sau này, đã tỏ ra ngạc nhiên khi nhận thấy rằng, dường như các dân tộc khác trên thế giới thì thường tìm biểu tượng cho dân tộc mình bằng những con vật oai phong, dũng mãnh, nào sư tử, hổ báo, đại bàng còn dân tộc Việt Nam thì lại thích nhấn mạnh về hình tượng con cò.
                Piere Gourou đã có lần giải thích cho học trò của mình rằng chỉ có những hiểu biết sâu sắc về người Việt Nam và nông thôn Việt Nam mới có thể hiểu rằng tại sao hình tượng con cò lại đẹp đẽ và thân thuộc đến như vậy.
Cánh cò trắng không chỉ là đặc trưng cho sự thanh cao, trong sạch mà còn là sự cần mẫn, nhẫn nại. Con cò là biểu trưng cho hình ảnh đẹp đẽ về văn hóa nghề của người lao động Việt Nam xưa.Thân phận cò không phải là không có lúc cực nhọc, khốn khổ và bi ai nhưng lúc nào cũng đẹp đẽ, bền bỉ, dẻo dai mà quyết liệt, trong mọi khó khăn trở ngại đều biết vượt lên trên số phận
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
                Nghe thật buồn, nhưng với người Việt, nếu “lộn cổ xuống ao” thì vẫn cố mà vượt lên và sau cùng nếu có mệnh hệ nào thì cò cũng phải chết cho trong sạch “có sáo thì sáo nước trong, đừng sáo nước đục đau lòng cò con”.
                Người Việt Nam là người lao động trung thực, yêu lao động và sống bằng thành quả lao động của đôi tay mình. Thử đọc lại truyền thuyết về Âu Cơ và Lạc Long Quân, chúng ta cũng có thể hình dung được công cuộc khai phá đất đai và chiếm lĩnh những vùng đồng bằng của người Việt cổ đã diễn ra khó khăn như thế nào.
Hết xuống biển đánh cá, làm muối, trồng lúa, lại lên rừng làm nương, tưới khoai, chăn trâu, dệt vải... Việc lập làng của người Việt từ thời đồ đá đã đánh dấu một bước ngoặt cơ bản, một cuộc cách mạng về kỹ thuật.
Từ việc chỉ biết săn bắn, hái lượm theo mùa hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, người Việt đã chuyển sang trồng trọt và chăn nuôi từ rất sớm. Từ việc chỉ sử dụng nhiều công cụ thô sơ như ngọn lao, viên đá nhọn, người Việt đã biết sáng tạo ra  những công cụ lao động mới phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp. Kỹ thuật canh tác đất và công việc trồng lúa nước  đã thể hiện sự tác động một cách có ý thức của người Việt trong quá trình biến đổi tự nhiên.
Những thành quả đầu tiên của lao động một cách có tổ chức, hạt gạo, bát cơm đã không chỉ đem lại một cuộc sống ấm no, đáp ứng nhu cầu về lương thực tạo điều kiện cho sự phát triển của các ngành nghề, mà còn mang lại những giá trị tinh thần nhất định cho người Việt trong lao động nghề nghiệp. Lao động đã trở thành một chuẩn mực và giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt từ đó.
Lao động sản xuất luôn là trung tâm của đời sống của mỗi cá nhân và cộng đồng. Tuy nhiên, như người ta đã từng nói nếu như bàn tay phải của thiên nhiên ban phát của cải cho con người thì bản tay trái của nó lại giật lại. Thiên nhiên như đùa giỡn với con người Việt Nam. Nó vừa hào phóng, vừa tàn nhẫn.
  Vùng rừng sâu núi thẳm luôn là nơi "rừng thiêng, nước độc" chứa đầy những cạm bẫy và thú dữ. Biển cả và những đợt sóng hung dữ làm đắm nhiều thuyền bè, cướp đi sinh mạng của bao dân chài lưới. Nó còn là nơi phát sinh những trận bão kinh hoàng luôn gây ra những thiệt hại lớn về người và của, đồng thời phá hoại môi trường.
Thuỷ triều ở các sông lớn luôn là mối đe doạ đối với những người làm nông nghiệp. Hàng năm vào lúc "Thuỷ Tinh nổi giận", nước dâng cao lại phá vỡ đê, cuốn hút đi tất cả những thành quả lao động làm cho những người nông dân mất trắng, "nhà cửa tan nát". Nhiều người đã phải bỏ làng đi ăn xin chết đói nơi đèo cao hút gió. Khí hậu cũng luôn thất thường, khi thì mưa kéo dài xói mòn hết đất trồng, khi thì hạn hán nắng như đổ lửa thiêu cháy đồng ruộng, hoa màu và cây cỏ. Biết bao nhiêu loại dịch tễ, sâu bệnh luôn phát sinh, phá hoại mùa màng, cản trở quá trình sản xuất..
Thiên nhiên đã buộc con người Việt Nam phải thích ứng với những ưu điểm và với sự khắc nghiệt, sự phá hoại lao động của nó.
Mặt khác, lao động của người dân, đặc biệt là lao động nông nghiệp trồng lúa nước cũng lại là loại lao động hết sức nặng nhọc và vất vả, phải trải qua nhiều công đoạn, nhiều thời kỳ, nhiều đòi hỏi của kỹ thuật cây trồng. Tất cả các khâu trồng cấy đều đòi hỏi một chuỗi những nguyên tắc nghiêm ngặt, từ chọn giống, gieo mạ, cấy hái, làm cỏ, bón phân, điều hòa nước tưới đến khi gặt hái, phơi phóng, xay, giã...Lơi lỏng một chút kỹ thuật đều có thể gây nên thất thu, kéo theo là mất mùa, đói kém.
Để làm ra được hạt gạo, người ta đã phải chịu đựng biết bao nhiêu gian khổ và hy sinh, phải đổ biết bao nhiêu công sức, mồ hôi và nước mắt.
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn vàn
Những công việc đắp đập, đào mương, làm thuỷ lợi, khai hoang, lấn biển, đắp đê phòng chống bão lụt không chỉ thể hiện sự gian khổ, sự cần cù, chịu khó trong lao động, mà nó còn thể hiện sự đối chọi gay gắt giữa con người với thiên nhiên. Con người Việt Nam đã tự khẳng định sự tồn tại của mình đối với thiên nhiên bằng sự lao động cần cù và dũng cảm. Từ đời này qua đời khác, nếu mỗi lần sông Hồng dâng nước lên cao, thì người dân lại đắp đê cao hơn nữa, xóm làng được bảo vệ và con người đã chiến thắng thiên nhiên giống như chàng Sơn Tinh chiến thắng Thuỷ Tinh vậy.
Ngay từ thời nhà Lý, khi mới chuyển kinh đô về Thăng Long thì bên cạnh việc ngăn chặn giặc ngoại xâm, người dân kinh đô còn phải lo ngăn chặn lũ lụt, bảo vệ và xây dựng kinh thành ngày một trù phú.
Vào những năm 1106-1108, người Thăng Long Hà nội đã phải tập trung lớn cho việc ngăn lũ từ sông Hồng. Công trình đắp đê Cơ Xá, kéo dài suốt từ Nhật Tân Nghi Tàm cho tới Vĩnh Tuy, rồi đê sông Đuống, đê sông Cà Lồ, được tiến hành trong những năm này đã nói lên công sức to lớn của cư dân ở kinh thành Thăng Long. Trên thực tế, hệ thống đê điều được xây dựng trong những năm này ở suốt một khu vực đồng bằng Bắc Bộ có thể sánh ngang với bất kỳ một kỳ tích nhân tạo nào của con người trên thế giới..
Chẳng thế có học giả phương Tây, khi quan sát hệ thống đê điều từ Hà Nội và các vùng lân cận đã ví nó giống như một thứ Vạn lý trường thành của người Việt, chỉ có điều khác với Vạn lý trường thành của người Trung Hoa là nó không phải được dựng lên để ngăn cản giặc Hung nô mà để ngăn cản giặc lũ cũng hung bạo không kém.
Để có được một bộ mặt “kinh thành nguy nga tráng lệ” như miêu tả của nhiều sứ thần Trung Hoa trước đây, người Thăng Long Hà Nội đã phải lao động chuyên cần, vất vả. Bên cạnh những anh hùng chống ngoại xâm bảo vệ kinh thành, Thăng Long Hà Nội còn là quê hương đã sản sinh ra biết bao nhiêu tấm gương tuổi trẻ tài cao trong lao động sản xuất, sáng tạo ra của cải vật chất, xây dựng và phát triển thủ đô. Họ là những người dân, những chàng trai cô gái bình dị đầy tài năng và nhiệt huyết trong lao động sáng tạo, từ đời này sang đời khác, xây đắp và tô điểm lên vẻ đẹp phồn hoa của Thăng Long và của đất nước.
Người dân Việt nam từ rất xa xưa đã đã nổi tiếng với những nghề sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp. Nghề nông ở Việt Nam thì tất nhiên không chỉ có cây lúa, hạt gạo mà còn cả rau quả, các loại sản phẩm nông nghiệp được chế biến và hoa tươi làm đẹp cho cuộc sống. Ở Thăng long Hà Nội xưa, tất cả lao động đã tạo thành những làng xã, phường hội mà sự nổi tiếng riêng luôn gắn liền với những sản vật được làm ra từ bàn tay con người. “Quan kẻ Mọc, thóc Mễ Trì”. Làng Mễ Trì nổi tiếng với thóc gạo, Làng Yên Ngưu nổi tiếng về chăm sóc lúa, Làng Yên Mỹ, chăn trâu giỏi  “Lúa làng Ngâu, trâu Yên Mỹ”, “Lắm thóc làng Dàng, lắm vàng làng Keo, “Thóc Lại Yên, tiền kẻ Giá, cá kẻ Canh”...
Cùng với nền văn minh đồng thau Đông Sơn, cách đây 3000 năm đất Việt Nam đã là trung tâm của nghề đúc đồng. Ngay từ buổi đầu dựng nức, chúng ta đã có tên đồng chống giặc, Thánh Gióng đã có ngựa sắt, roi sắt phá giặc Ân. Các làng nghề và phường nghề cũng hình thành từ rất sớm.
Thành Thăng Long ngay từ thời Lý đã hết sức nhộn nhịp. Nhờ có lao động của người dân kinh đô cũng như đóng góp của cư dân bốn phương mà rất nhiều sản phẩm lao động khi đó, đến giờ vẫn còn làm ngạc nhiên giới nghiên cứu khoa học.
Lê Quý Đôn cũng chép rằng : “Thái Tông nhà Lý chế xe thái bình, dùng loại kim trang sức bành voi và dùng voi kéo xe, Nhân Tông chế dây bạc để dẫn đường cho lỗ bộ. Triều nhà Trần có xe thái bình, dùng gỗ khắc 40 người tiên, mặc áo gấm, cầm cơ dẫn đường đi trước có cổ ý bách phượng và ỷ nhỏ, quy chế thế nào đều không khảo cứu được. Hồi đầu quốc triều, vua Thái Tông có sai Nguyễn Trãi, Lương Đăng làm quy chế xe cộ, về phần lỗ bộ thì có xe lớn, như loan bộ thì có đại lộ, tượng lộ (xe dùng voi kéo), mã lộ (xe dùng ngựa kéo, có xe cửu long, có bộ liễn và phi liễn, về phần nghi trượng thì có giáo sắt, phủ việt, cờ quạt và lọng năm phượng, đội ngũ ngựa kéo xe thì có số nhiều, số ít[1].
Chính cuộc sống lao động đầy khó khăn gian khổ đã làm hình thành những phẩm chất lao động sáng tạo và các giá trị về văn hóa nghề của người Việt truyền thống.  Khéo tay, hay làm, cần cù, sáng tạo và duy trì những phẩm chất đạo đức trong nghề nghiệp đã tạo nên những giá trị về văn hóa nghề được truyền mãi đến ngày nay.
Ngày nay, trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước chúng ta không thể không nghiên cứu nhằm kế thừa và phát huy những phẩm chất tốt đẹp này.


[1] Lê Quý Đôn, sách đã dẫn trang 85.

Tác giả: Hàn Vũ Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất