17:54 ICT Thứ năm, 28/03/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 188

Máy chủ tìm kiếm : 62

Khách viếng thăm : 126


Hôm nayHôm nay : 38584

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2820092

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 34156513

Trang nhất » Tin Tức » Tri thức » Tri thức phổ cập

Quang cao giua trang
top

Cơ hội phát triển trong một thế giới biến động

Tác giả: GS-TS Đặng Cảnh Khanh - Thứ hai - 10/11/2014 08:44
Cơ hội phát triển trong một thế giới biến động

Cơ hội phát triển trong một thế giới biến động

Thế giới ngày nay đang bước vào những sự đổi thay to lớn, những sự đổi thay mà nhận thức của con người không phải lúc nào cũng có thể theo kịp.
Khi giá ô tô chỉ bằng giá một bao diêm

Các nhà tương lai học đã cho chúng ta ví dụ về sự so sánh giữa sự phát triển của công nghệ sản xuất ô tô với công nghệ thông tin hiện đại. Người ta cho rằng trong vòng hai mươi năm qua nếu công nghệ sản xuất ô tô theo kịp với công nghệ thông tin thì giá mỗi chiếc ô tô sẽ chỉ còn bằng giá một bao diêm mà thôi.
Nhưng rồi bản thân công nghệ thông tin so với ý tưởng sáng tạo của con người tương lai trong nền kinh tế tri thức cũng sẽ chỉ là những bao diêm không hơn không kém.

Một trong những nhà kinh tế học phát triển nổi tiếng hiện nay, giáo sư Charles Handy đã nhận xét: “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đầy biến động vì có rất nhiều thứ từng đ­ược coi là chỗ dựa cho cuộc sống của chúng ta thì nay không còn nữa. Những định chế làm chỗ dựa cho chúng ta, đặc biệt là tổ chức nơi chúng ta làm việc, nay không còn chắc chắn hay đáng tin cậy nữa”[1] . Ông cũng đưa ra những ví dụ xác thực về sự biến đổi mạnh mẽ của thế giới đương đại và cho rằng chính các nước được coi là hùng mạnh nhất cũng có nguy cơ bị rơi vào sự khủng hoảng.
Những công ti lớn có phạm vi đa quốc gia cũng khó lòng tránh khỏi sự đe doạ từ một “bóng ma phá sản có thể đổ ụp xuống bất cứ lúc nào”. Ngày nay, sẽ không còn nữa “hình ảnh của những công ty lớn, sang trọng, đi trên con đường thênh thang đư­ợc lập trình sẵn thẳng tắp”. Trong danh sách của 500 công ty hàng đầu thế giới được xếp hạng bởi tạp chí dự báo Fortuner , chỉ sau 5 năm đã có hơn 200 công ty biến mất, thay vào đó là những công ty hoàn toàn mới lạ. Theo Charles Handy, “Bài học của ba thập kỷ qua là không ai có thể lái xe đi đến tư­ơng lai theo một chương trình được cài đặt sẵn một cách khuôn cứng…   Không ít những kẻ dẫn đầu đã phải rời hẳn cuộc chơi, trư­ợt dài vào sự quên lãng. Những chấm nhỏ sau kính chiếu hậu có thể vư­ợt lên rất xa”[2]
Thăm dò tương lai
Chính những biến đổi mạnh mẽ của xã hội đương đại cũng đang đặt ra cho tất cả các quốc gia và dân tộc những nhân tố mới đối với việc xây dựng và phát triển tương lai.
Giáo sư Rowan Gibson, người được mệnh danh là, bậc thầy của những bậc thầy“ trong tư duy phát triển đã khẳng định rằng “tương lai cho đến nay vẫn còn là một mảnh đất chưa được thăm dò đến nơi đến chốn”, rằng “nhân loại vẫn nhìn tương lai chỉ bằng những kinh nghiệm của quá khứ “.
Chính vì vậy, theo ông, chúng ta chỉ nhìn thấy tương lai như là “một thế giới của sự hỗn mang và bất định”. Thực ra, cũng theo ông, tương lai chính là “một thế giới của những sự thay đổi ngày càng nhanh, một thế giới mà ở đó, nền kinh tế sẽ không chỉ dựa vào đất đai, tiền bạc hoặc nguyên vật liệu mà dựa vào vốn trí tuệ. Một nơi mà cuộc cạnh tranh sẽ là quyết liệt và thị trường trở nên tàn nhẫn. Một nơi mà các công ty nhỏ sẽ vượt trội các công ti khổng lồ trên phạm vi toàn cầu. Một nơi mà khách hàng sẽ tiếp cận vô hạn với sản phẩm, dịch vụ và thông tin. Một nơi mà mạng lưới thông tin sẽ quan trọng hơn cả biên giới quốc gia”[3].
 


Giáo sư Rowan Gibson, đã nhận định về sự phát triển của thế giới hiện đại trong lời tựa của cuốn “tư duy lại tương lai” như sau :“ ba thập kỷ trước đây, cuộc sống và xã hội của chúng ta được liên kết vào với nhau bởi những định chế đầy quyền lực như chính phủ, luật pháp, hệ thống giáo dục, nhà thờ, gia đình, tổ chức lao động. Chúng ta luôn tôn trọng những định chế đó. Chúng ta giao phó tương lai của chúng ta cho chúng. Cho phép chúng điều hành và kiểm soát chúng ta...”. Còn ngày nay, theo ông thì mọi cái đã và đang đổi thay đi rồi. Giống như những tảng đá cổ xưa bị sóng biển và đập làm xói mòn, những cơ sở quyền hành cũ kỹ đó không ngừng bị xói mòn bởi những công nghệ và tư tưởng mới vốn đã chuyển đổi quyền lực từ định chế sang vai trò của con người cá nhân một cách không thể đảo ngược.
Rowan Gibson cũng đặt câu hỏi : “Thế còn chủ nghĩa tư bản thì sao? Trước đây chúng ta thường nghĩ đó là con đường thênh thang dẫn đến tiến bộ và phồn vinh hay đại loại như vậy. Hiện nay đã có nhiều người lên tiếng hỏi chủ nghĩa tư bản thực sự sẽ dẫn chúng ta tới đâu, hoặc tại sao chúng ta lại phải chạy đua để đi đến đó. Và cuộc chạy đua đó đang làm gì cho cuộc sống, cho cộng đồng và cho môi trường của chúng ta...[4]
Ông cũng cho rằng, ngày nay, khi nhìn vào tương lai chúng ta sẽ có thể nhận ra một điều là “sẽ chẳng có gì là chắc chắn về nơi chúng ta sẽ đi tới và chúng ta cũng khó mà tiên liệu được bằng cách nào chúng ta sẽ đi tới đó”. Ông khẳng định: “Sự kết thúc thế kỷ XX có thể coi như tượng trưng cho sự kết thúc của mọi trật tự. Sự kết thúc của mô thức công nghiệp. Sự kết thúc của thời kỳ ưu thế của Hoa Kỳ” [5] Có lẽ chính sự khủng hoảng của các mô hình tư tưởng, mô hình văn hoá lại là tiền đề cho việc khẳng định và phát triển các mô hình phát triển tiên tiến, nảy sinh những tư tưởng mới đưa nhân loại tiến lên.
http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/bd/bc/48/salt-pool_2327323k.jpg
Con người và thiên nhiên. Ảnh của Jean-Paul Bourdier
 
Cơ hội phát triển sẽ đến với tất cả những ai nắm bắt được nó
Các nhà nghiên cứu về phát triển trong thời gian gần đây cũng cho rằng chính cái tương lai đầy biến động và phát triển, sẽ không chỉ đặt mỗi người, mỗi xã hội mỗi nền văn hoá vào những cuộc phiêu lưu mới mà còn tạo cho chúng những cơ hội mới[6]
Đối với các chiến lược phát triển, đặc biệt là nhận thức và văn hoá, Rowan Gibson cho rằng : “Sự thật là tương lai sẽ không phải chỉ đơn giản là sự tiếp tục của quá khứ. Nó sẽ là một chuỗi các gián đoạn…Điều hấp dẫn đối với tính chất gián đoạn là ở chỗ nó tạo ra cơ hội. Có nghĩa là không ai có thể làm chủ thế kỷ XXI cả. Nhưng để nắm lấy tương lai, chúng ta đôi khi phải bỏ qua quá khứ. Chúng ta phải thách thức và trong nhiều trường hợp phải quên đi những mô hình cũ, những quan niệm cũ, những quy tắc cũ, chiến lược cũ, giả thiết cũ, công thức thành công cũ”.[7]
Về phương diện này, giáo sư Michael Hammer một trong những nhà kinh tế học nổi tiếng đương đại cũng cho rằng chúng ta cần phải hiểu rõ rằng xã hội mà chúng ta đang sống hiện nay cũng đang vận động và biến đổi rất mạnh mẽ : “Chúng ta đang sống trong một môi trường liên tục bị oanh tạc bởi sự biến đổi- điều này nay đã trở thành sáo ngữ, thế nhưng nó là sự thực- và chúng ta thậm chí chưa hề tìm cách thích nghi với sự thực này”[8] . Ông đồng thời cũng cảnh báo rằng: “Nếu bạn nghĩ rằng bạn đã tốt rồi, thì bạn sẽ chết. Thành công trong quá khứ, có thể sẽ chẳng có quan hệ gì với thành công trong tương lai…”[9]
Trong bối cảnh của một xã hội vận động và biến đổi không ngừng như trên, tư duy và nhận thức của con người với tư cách là một nhân tố quan trọng của sự phát triển cũng phải thích ứng, nắm bắt thời cơ và bắt nhịp được với sự vận động và biến đổi đó.
Sự thích ứng của nhận thức con người với phát triển biểu hiện trước hết ở chỗ nó phải đặt mục tiêu phát triển như là một nguyên tắc định hướng cho các chiến lược con người. Bởi vậy con người trong tương lai phải biết sống cùng với sự biến động và phát triển, theo cách thức mà nhiều nhà nghiên cứu phát triển đã khẳng định: “Chúng ta phải học cách chung sống với sự biến động và bất định, phải tìm cách thích nghi với nó và đừng đi tìm kiếm sự chắc chắn mà chúng ta khó có thể có được”
Về phương diện này, sự thích ứng với những biến đổi và phát triển chỉ thực sự có được trên cơ sở việc xử lý một cách đúng đắn mối quan hệ giữa sự kế thừa truyền thống với việc hiện đại hoá sự phát triển xã hội. Nó phải biết nhìn nhận lại truyền thống trên một tinh thần mới, biến cái truyền thống vốn tồn tại lâu đời trong quá khứ thành cái hiện đại của xã hội mới, phù hợp với sự phát triển.
Do vậy, cái truyền thống chỉ có ý nghĩa khi nó được tiếp thêm sức sống của xã hội hiện đại, mang hơi thở của cuộc sống hiện đại. Và trong trường hợp đó, cái truyền thống không còn mang ý nghĩa của quá khứ nữa. Đây chính là điều mà các nhà xã hội học gọi là sự thích nghi với xã hội hiện đại của truyền thống.
 
 

Nông dân Brazil bị ảnh hưởng bởi hạn hán mang sọ bò đi biểu tình kêu gọi Tổng thống xóa nợ ngân hàng  tháng 4/2012


[1] Xem Rowan Gibson. Tư duy lại tương lai. NXB trẻ 2006.
 
[2] Xem Rowan Gibson. Tư duy lại tương lai. NXB trẻ 2006.
 
[3] Rowan Gibson. Tư duy lại tương lai. NXB trẻ 2006. trang 4- 5.
[4] Rowan Gibson. Tư duy lại tương lai. NXB trẻ. TP Hồ Chí Minh, 2006 ,Trang 9
[5] Rowan Gibson. Tư duy lại tương lai. NXB trẻ. TP Hồ Chí Minh, 2006 ,Trang 10
[6] Rowan Gibson Sách đã dẫn, trang 5.
[7] Rowan Gibson. Sách đã dẫn, trang 10
[8] Michael Hammer . Sự cáo chung của quản trị. Trích lại từ “Tư duy lại tương lai”. Sách đã dẫn, trang 11.
[9] Michael Hammer . Sự cáo chung của quản trị. Trong “Tư duy lại tương lai”. Sách đã dẫn, trang 154.

Tác giả: GS-TS Đặng Cảnh Khanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất