21:57 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 561

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 560


Hôm nayHôm nay : 83554

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2915644

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 34252065

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển

Quang cao giua trang
top

TÍNH NGƯỜI VÀ TÌNH NGƯỜI- Hai giá trị cội nguồn của cội nguồn

Tác giả: GS-Viện sĩ Phạm Minh Hạc - Thứ hai - 30/06/2014 10:34
TÍNH NGƯỜI VÀ TÌNH NGƯỜI- Hai giá trị cội nguồn của cội nguồn

TÍNH NGƯỜI VÀ TÌNH NGƯỜI- Hai giá trị cội nguồn của cội nguồn

Trong mấy thập kỷ vừa qua, cùng với cách mạng thông tin, công nghệ sinh học, một số nhà khoa học tập trung nhiều vào việc tìm hiểu các quy luật của vũ trụ, lịch sử Trái Đất, nguồn gốc sự sống và nguồn gốc loài người, đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau, tuy đều xuất phát từ thuyết tiến hóa của S. Đácuyn (1809 – 1882), đều khẳng định con người xuất hiện, loài người được hình thành cùng với sự tạo lập tính người ( nhân tính) tình người.

           Theo một số nhà khoa học, loài khỉ hiện đại ngày nay đã tách khỏi đường phát triển chung với con người từ 10 – 15 triệu năm về trước. Nhánh người bắt đầu hình thành rõ cách đây 10 triều năm về trước, bắt đầu từ “khỉ phương Nam” (Ôstralôpitéc ) mà có khi còn gọi là vượn người. Vượn người, thời 7 – 8 triệu năm trước đã đi thẳng, dùng tay phải, biết sử dụng rộng rãi gậy, đá, xương động vật làm công cụ và bắt đầu chế tạo công cụ lao động thô sơ cũng như dùng lửa. Một số tác giả gần đây đưa ra giả thuyết coi tổ tiên trực tiếp của loài người là vượn người Apharăngxít xuất hiện cách đây khoảng 3,5 – 4,4 triệu năm. Có giả định rằng ở Đông Nam Á cũng có vượn người sống khoảng 30 – 40 vạn năm trước đây. Cuộc sống của loài người vượn vẫn theo quy luật sinh vật: sống hòa lẫn vào thiên nhiên, sinh sống hoàn toàn tùy thuộc vào bản năng vốn có trong cơ thể và những thứ có sẵn trong thiên nhiên, hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Theo thời gian, người vượn tiến hóa lên người vượn thẳng đứng. Nhờ tư thế thẳng đứng, nó có thể đi được bằng hai chân, hai tay; mặt và mắt nhìn thẳng, đầu thường ở tư thế dọc, v v…, tạo ra những điều kiện ít lệ thuộc dần vào thiên nhiên 1.
        Tiếp theo đường phát triển từ Ôstralôpitéc, con người phát triển qua ba thời kỳ: (1) người khéo léo, (2) người đứng thẳng, (3) người có lý trí ( còn gọi là người tinh khôn):
         Người khéo léo ( Homo Habilis) có tuổi từ 4 đến 2 triệu năm, cho đến vài chục vạn năm trước đây. Các công cụ của người khéo sáng tạo và sử dụng chứng tỏ họ bắt đầu có hoạt động lao động và đây chính là ranh giới động vật nói riêng như Ph. Ăngghen đã chứng minh. Cuộc sống bắt đầu có phần dựa vào hoạt động lao động đã làm thay đổi khá cơ bản cơ thể con người, nhất là sọ, bộ não, và các giác quan, tạo nên hình thể con người tuyệt đẹp ( nói ở dưới), tạo nên tiền đề vật chất cho sự xuất hiện thế giới tâm lí và thế giới tinh thần – tính người và tình người manh nha từ đây.
         Người đứng thẳng ( Homo Erectus) là một trong tổ tiên của loài người, có khi còn gọi là “người cổ” (Archaios Anthropos), tồn tại từ khoảng 2 triệu năm đến 14 vạn năm trước đây. Hoạt động lao động bằng công cụ của người này đã phát triển hơn, bắt đầu có cuộc sống bầy đàn và đặc biệt chú ý là người đứng thẳng đã hoàn toàn đi bằng hai chân và đã có ngôn ngữ thực sự: Cuộc sống bầy đàn và ngôn ngữ cùng hoạt động lao động là cơ sở vật chất hình thành rõ nét tính người và tình người. Loài người trải qua ba thời đại lịch sử - qua thời đại mông muội, tới thời đại dã man, thời đại văn minh ( L.H. Moocgan, 1871, Ph. Ăngghen 1884) nâng dần trình độ mở rộng các nguồn sinh tồn, học được và càng phát triển hoạt động mở rộng, nhất là hoạt động sản xuất ( thuần dưỡng và chăn nuôi động vật và trồng trọt cây cối,… dùng gạch mộc và đá vào việc xây dựng…được gọi là “thời đại dã man”), của con người, vượt qua tình trạng ăn thịt người 2, dần dần hình thành được tình người và tình người (thực ra nói “ tính người” là đủ, trong tính người có nét rất đặc trưng là tình người, đan quyện với các đặc tính khác như ngôn ngữ, lí trí, giao tiếp, v v,…nói ghép “ tính người” với “ tình người” biểu hiện nét đặc trưng của tiếng Việt).
           Tính người, tình người phát triển mạnh ở người tinh khôn ( người có lí trí – Somo Sapiens) là đỉnh cao của nhóm người Nêanđéctan (là nhóm người sống khoảng 25 – 4 vạn năm trước đây). Người khôn xuất hiện khoảng 10 vạn năm về trước (cũng có ý kiến cho rằng chỉ khoảng 5 đến 6 vạn năm trước đây) và lịch sử văn hóa loài người bắt đầu từ mốc này. Từ đó con người và loài người tồn tại cho đến ngày nay, vì vậy người khôn còn được gọi là người hiện đại, nhất là về mặt cơ thể thì cơ bản cho đến ngày nay không có gì thay đổi. Người khôn tiếp thu và phát triển những thành tựa mà các loại hình người trước đã đạt được, nhất là hoạt động lao động và lao động ngôn ngữ; đặc biệt cuộc sống bầy đàn đã được phát triển cao lên, đã mang tính xã hội và bắt đầu hình thành xã hội; nhờ có bộ não phát triến rõ nét hơn hẳn các loại hình người trước bầy đàn người khôn biết tập hợp nhau lại, tạo ra và sử dụng vũ khí, cùng chống lại thú dữ, có nơi cư trú, biết chống nắng, chống rét, cùng săn bắt truyền đạt kinh nghiệm cho nhau ( mầm mống của giáo dục), coi trọng người có năng lực trí tuệ tốt ( ngày nay gọi là nhân tài); biết sản xuất công cụ, truyền tin, quan sát…, cho nên trong những người này, người già, người yếu, người ốm không bị ăn thịt như trước đây, ngược lại được bảo vệ để phục vụ bầy đàn và sau này là bộ lạc, tính người, tình người ngày càng khẳng định. Dần dần hình thành nên giá trị cao cả và lấy quyền lợi của bộ lạc làm trọng. Cơ chế “ chọn lọc tự nhiên” dần dần được thay thế bằng cơ chế chọn lọc theo “gien vị tha”. Khả năng tự nhận thức bản thân bắt đầu hình thành, khả năng này chỉ xuất hiện từ con người lí trí trở đi. Với tất cả các đặc điểm của con người được hình thành từ xa xưa, như đi hai chân, sử dụng lửa, lao động, ngôn ngữ, tính xã hội ( tinh thần vị tha, xả than vì bộ lạc) tự ý thức và ý thức phát trienr ngày càng cao với tốc độ ngày càng nhanh và khả năng thuần hóa động vật (bắt đầu có gia súc) và trồng trọt, bắt đầu có nền văn minh nông nghiệp (10.000 năm) trước đây (cũng có ý kiến cho rằng muộn hơn), con người và cả loài người nói chung đã sống và phát triển qua khoảng 90 thiên niên kỉ, bước vào thời đại văn minh.
            Suốt từ 10 vạn năm nay, con người hầu như không có gì thay đổi về mặt cơ thể, nhưng về phương thức sống, từ lao động cho đến lối sống và kéo theo là toàn bộ  đời sồng tâm lí, tinh thần với cội nguồn từ tính người, tình người đã có biết bao nhiêu biến đổi ngày càng phong phú, phức tạp theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực. Những biến đổi đó tập hợp lại được gọi là phát triển văn hóa; quy luật lịch sử  - văn hóa trở thành quy luật chủ đạo chi phối sự phát triển của con người, trong đó cơ chế di sản là ( truyền kinh nghiệm qua giáo dục) giữ vai trò chính. Cơ chế di sản là cơ chế thế hệ trước truyền cho thế hệ sau
           Qua giáo dục, giáo dưỡng bằng các sản phẩm văn hóa, văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Cơ chế di truyền bảo đảm tiền đề vật chất cho cuộc sống và hoạt động của con người và loài người. Nhưng thông qua truyền thụ và lĩnh hội kinh nghiệm sống, lao động, học tập, nghỉ ngơi, giao tiếp, thông qua sinh hoạt hàng ngày, lao động kiếm sống. kiến tạo nơi ăn, ở, mặc rồi sau nữa qua sách vở, qua nhà trường nhờ gia đình và xã hội, con người, cộng đồng, xã hội loài người tồn tại và phát triển. Đặc biệt trong suốt thời gian tiến hóa loài người rất chú ý giáo dục nối tiếp, duy trì, phát triển tính người và tình người, trước qua các hình thức theo ngôn nhữ hiện đại, “ giáo dục không chính quy” bao gồm cả tự giáo dục, về sau, cách đây khoảng 4 000 năm trường học như một thiết chế xã hội( giáo dục chính quy) ra đời, truyền đạt một cách chính tắc cho thế hệ trẻ các hoạt động hội tụ thành tính người và tình người ( đây chính là nội dung của việc “ dạy người”, mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục) – bảo đảm sự tồn tại và phát triển của loài người. Văn hóa là sự phát triển do con người tạo ra, đó chính là phát triển con người bắt đầu và cuối cùng để dòng tính người và tình người – hai giá trị cội nguồn của loài người chảy mãi trong tuần hoàn máu mỗi người, làm sao không còn chiến tranh, xâm lược, không giết nhau, chấm dứt mọi hình thức bạo lực, các biểu hiện vô nhân đạo, phi nhân tính nhất.  Cho đến  ngày nay, hòa bình  thế  giới, giữa các dân tộc vẫn là mục  tiêu cao cả, một cuộc chiến tranh bền bỉ để bảo toàn loài người. Tội danh chiến tranh, hủy  diệt loài  người, giết người là trọng tội  số 1.
           Từ xưa đến bây giờ, nhất là từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, hòa bình, an ninh là một giá trị toàn cầu, luôn luôn được coi trọng. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) thuộc Liên hiệp quốc rất quan tâm và đưa ra chương trình giáo dục giá trị. Chương trình KHCNNN KX – 07, trong đó có đề tài KX-07-07, đã điều tra thang giá trị ở thanh niên ( 1991 – 1996) cho thấy giá trị “ hòa bình” luôn luôn được xếp số 1, ý thức rất rõ có hòa bình, ổn định mới xây dựng đất nước được thịnh vượng 3 . Đại hội đồng lần thứ 27 của UNESCO họp tại Pari, Pháp ( năm 1992) đã đưa ra luận điểm Văn hóa hòa bình : Hãy đối xử với nhau một cách hòa bình, lên án chiến tranh, khẳng định hòa bình là một giá trị vô cùng cần thiết để bảo vệ loài người.
            Tính người là phẩm chất đầu tiên của con người, bảo đảm sự tồn tại của loài người, chống mọi sự hủy diệt của con người. Từ đó có tình người là phẩm chất quý con người, yêu thương, chia sẻ, thông cảm, đồng cảm tương thân tương ái, nói gọn lại là lòng nhân ái, nói rộng ra tính người và tình người là nội dung cơ bản của chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn. Sau này, khoảng năm, sáu trăm nămTCN từ tính người, tình người được khái quát thành 3 giá trị lí tưởng: Chân, Thiện, Mĩ.
 

 
   
 
  1. A.V.lablôcốp – A.G. luxuphốp, học thuyết tiến hóa, NXB Trường Cao đẳng, Matxacơva,1998, trang 260 – 273 ; Clippho Gi. Giơli – Phret Pơlốc, Nhân học hình thể và khảo cổ học, New York, 1987.
  2. L.H Moocgan, Các hệ thống quan hệ dòng máu và quan hệ hôn nhân, 1871, Theo bách khoa thư Wikipedia (BKTV), mạng Gugôn ( Google), tiếng Anh.
Ph. Ăngghen, nguồn gốc gia đình, nguồn gốc tư hữu, nguồn gốc Nhà nước, Nhân có công trình nghiên cứu của Luy-Xơ H.Moocgan. 1884, C.Mác, Ph. Ăngghen, Toàn tập, T.21, tr.52, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.
      3.   Nguyễn Quang Uẩn, Nguyễn Thạc, Mạc Văn Trang, Giá trị - định hướng giá trị      nhân cách và giáo dục giá trị, Hà Nội, 1995, các tr.82, 162,154, 456,v vv…

Tác giả: GS-Viện sĩ Phạm Minh Hạc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất